Chuyện hai người Thơ Nhạc
Tôi không muốn nói đến chuyện ông Lê Đình Bảng làm được một bài thơ hay, cũng không nói ông Vũ Đình Ân làm được một bản nhạc phổ thơ, một bản tổng phổ khá chi tiết nhiều nhạc cụ trong ban giao hưởng tương đối lớn, nhưng sau hai đêm tham dự Bài Trường Ca Năm Thánh, tôi cho là hai ông đã làm được một công trình khá tầm cở về Văn hoá và Đức tin.
Ông Lê Đình Bảng giàu có tiếng Việt lắm là chuyện đã đành, nhưng điều quan trọng hơn là ông đã sử dụng sự giàu có ấy vào việc mà có thể nói ít ai làm, hoặc có làm cũng chưa đạt: dùng tiếng Việt để tôn vinh và tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho quê hương có ngôn và có ngữ để bày tỏ, thân tặng nhau cái nghĩa tình chí thiết, để thân thưa với Thiên Chúa nỗi lòng yêu mến của con người, để chuyển tải đến con người nỗi lòng yêu của Thiên Chúa. Nghe nói người giàu vẫn tham. Ông Lê Đình Bảng cũng có khác chi đâu, còn tham lam lắm, bởi những tác phẩm đồ sộ cả trăm ngàn trang kia của ông vẫn chưa đủ tỏ hết nỗi lòng của ông đối với Thiên Chúa và Hội Thánh Người. Được biết, Ông còn thảo bản cả gần trăm ngàn trang nữa. Đúng là việc chẳng ai ham. Chỉ có ông, bởi vì, đó là ơn Thiên Triệu dành riêng cho ông.
Ông Vũ Đình Ân cũng được xếp vào loại nhà giàu về âm nhạc rồi, từ khi ông can đảm nâng những câu lục bát của truyện Kiều lên thành cung nhạc, nâng nỗi lòng ngây ngất xuất thần của Hàn Mạc Tử trong bài thơ Ave Maria lên thành bản hợp xướng lớn, và hôm nay nâng bài thơ của ông nhà giàu tiếng Việt kia lên thành bản Trường ca như ước vọng ban đầu của thi sĩ khi đặt bút làm thơ. Rất thương cho người mới phát giàu âm nhạc đi giữa những người giàu có lâu đời, ông vẫn rất khiêm tốn lắng nghe những góp ý của các bậc đại thụ đáng kính, của cả những tên nghèo hèn âm nhạc như vài anh em chúng tôi, và lắng nghe cả tâm tình của những người đến với Đêm Hợp Xướng để tận hưởng một cảm nghiệm Đức tin hơn là thưởng thức một sự kiện thơ nhạc, văn học.
Tôi và vài anh em, được may mắn tham dự những ngày khai mạc Năm Thánh của Giáo hội Việt Nam tại Sở Kiện 24-11-2009, và Bế mạc tại La Vang ngày 6-1-2011 và được đọc khá sớm Bài Trường Ca Năm Thánh của ông Lê Đình Bảng khi ông gửi cho chuyên san Đồng Xanh Thơ Dũng Lạc. Cũng thì một chuyến về Sở Kiện, cũng thì một chuyến về La Vang, cũng thì những cảm nhận của lòng tin và niềm kiêu hãnh về đức tin của tiền nhân, nhưng ghi lại những cảm nhận ấy bằng thi ca với một bài trường ca đậm tính thi ca và lịch sử Đức tin Công giáo Việt Nam thì chỉ có ông Lê Đình Bảng. Cũng thì chỉ một bài thơ ấy, mà đã được đăng trên nhiều trang báo điện tử Công giáo trong nước, ngoài nước, và có thể đã có nhiều người đọc, nhưng chỉ có Vũ Đình Ân bắt được tần số rung cảm tự trái tim mình để nâng những dòng thơ lên cung bậc mượt mà.
Có bỗng dưng không khi hai nhà giàu Thơ Nhạc gặp nhau cùng góp vốn làm nên một công trình để đời cho Văn học và Đức tin Công giáo: Bản Hợp xướng Giao hưởng Trường Ca Năm Thánh. Thiết tưởng không có gì là ngẫu nhiên, nhưng tất cả là Hồng Ân của Thiên Chúa.
Tôi xác tín điều này là Hồng Ân, bởi vì, có thể có các nhà giàu thường có con mắt không giàu khi nhìn thấy đâu đó xuất hiện thêm một nhà giàu nữa nổi lên và khó chấp nhận đó là hồng ân của Chúa ban cho người khác. Ôi cái lòng ganh tị không đáng có của những người giàu đáng lý ra phải giàu cả về lòng khiêm nhượng. Tuy nhiên, những người nghệ sĩ chân chính của Đức Giêsu hẳn phải là là những người nghệ sĩ đi chân đất. Dẫu có giàu có thế nào về chút vốn liếng âm nhạc, thi ca thì cũng là của Thiên Chúa ban cho để mà làm cho vinh danh Thiên Chúa. Một mai kia, rồi cũng sẽ phải trả lại tất cả cho Người những cái bóng phù du ấy, để chỉ còn lại một niềm hạnh phúc là gối đầu vào ngực “Người nghệ sĩ đi chân đất, không có nơi gối đầu qua đêm”.
Chúng tôi thì chỉ biết chúc mừng những nhà giàu nhờ được ơn Chúa mà giàu lên và họ sẽ phải dùng sự giàu có ấy mà ca tụng Chúa, mà sẻ chia với mọi người lời ca tụng Chúa, và phải làm cho sự giàu có ấy trở nên lời Tạ Ơn.
Chuyện Bài Trường Ca Năm Thánh
Đúng vậy, khởi đầu Bản Trường Ca ở “Chương I: Về Sở Kiện, Về Thăng Long Hội Ngộ” với 3 lần hợp tấu cung long trọng: “TẠ ƠN CHÚA”
“Tạ ơn Chúa luôn đỡ nâng, phù trợ
Mấy trăm năm, mưa móc vẫn vơi đầy
Một biển người, đèn nến sáng trong tay
Mở miệng hát bài trường ca Năm Thánh”.
Lòng tôi bỗng sống dậy niềm vui và toàn cảnh Sở Kiện chiều 23 và sáng 24-11-2009. Một biển người thắp sáng Đức Tin của mình để Tạ Ơn Chúa, để tưởng niệm, tri ân Tiên Tổ chính nơi Đất Anh Linh Sở Kiện, để quyết tâm tiếp nối Đức tin kiên trung ấy trong “Sứ vụ – Hiệp thông – Mầu nhiệm”.
Đôi giọng solo hết nữ rồi nam thân thiết như lời chuyện trò đầy mến thương của khách thập phương mọi miền Nam Trung Bắc. Tôi đã gặp người Phố Hiến, Tràng An, Lục Tỉnh, Thần Kinh…Rồi mọi người ngã nón chào nhau cách thân thương nhất không chỉ trong dòng nhạc êm chảy mặn mượt tình yêu mà chính là trong cùng một niềm tin vào Thiên Chúa và Chúa Kitô. Vâng, họ chào nhau Làng Bản, Xứ Đoài, Tây Nguyên… trong bình an vời vợi. Đàng Ngoài, Đàng Trong đôi đàng cùng lịch sử nay nên duyên hội ngộ tương phùng tại chính vùng tâm bão một thời của Giáo Hội Việt Nam. Đức Cha Vincent Nguyễn Văn Bản, GM. GP Ban Mê Thuột, Chủ Tịch UB Thánh Nhạc Việt Nam rất có ý và có lý khi Ngài phát biểu rằng: “Tôi cảm nhất câu: Ở tâm bão là nơi bình yên nhất”.
Rời kỷ niệm Sở Kiện, nơi tâm bão, nơi bình yên nhất của Giáo hội Việt Nam, Tác Phẩm Trường Ca lại dẫn tôi về miền Nam Kỳ Lục tỉnh để thưởng thức làn điệu dân ca Miền Nam và chiêm niệm vẻ đẹp chân chất của những Đức tin đơn sơ mà thành tín trong “Chương II: Về Phương Nam trẩy Hội”.
Lịch sử truyền giáo ở Miền nam được khơi gợi lại theo cung giọng kể chuyện của người phương nam nhẹ nhàng sóng sông, ngọt ngào hương lúa, mềm mại uyển chuyển ở nơi “có Đức Tin, có lòng đạo, lớn dần lên như hạt gạo lúa trời”, duyên dáng “như câu hò điệu lý lúc trăng soi”. Đức tin ấy, Đức tin của người theo Đạo Tình Thương ấy đã triển nở nên mùa xanh quả ngọt thành “Sài Gòn, Mỹ Tho, Cần Thơ, Xuân Lộc, Đà Lạt, Long Xuyên, Phan Thiết, Phú Cường, Bà Rịa, Vĩnh Long hội ngộ mười phương. Ôi, miền đạo bao dung và hào hiệp”. Nghe đoạn thơ ấy, nghe dòng nhạc ấy thì ai mà quên được sự kiện ý nghĩa nhất trong Năm Thánh “Đại hội Dân Chúa tháng 11-2010”. Và khi không quên được, thì hẳn phải nhớ mà thực hành điều đã cùng nhau đồng tâm, đồng nguyện.
Từ Sở Kiện, từ Sài Gòn, người đã hẹn mai về La Vang trẩy hội. Khởi đầu “Chương III: Về La Vang Trăm Họ Một Nhà” là nhắc lại lời hò hẹn dễ thương theo giai điệu uyển chuyển trữ tình lắm. Người hẹn về, lại sẽ kể nhau nghe cổ tích của những bậc tiền nhân từng anh dũng trong Đức tin Công giáo. Và nhất là, người hẹn đã về La Vang dịp long trọng Bế mạc Năm Thánh, đồng nghĩa với việc dâng lên Thiên Chúa thành quả của một năm “Sứ vụ – Hiệp thông – Mầu nhiệm” là “Trăm Họ Một Nhà”, trăm họ một Đức tin, trăm họ một niềm cậy trông kính mến Mẹ Maria La Vang, Mẹ Việt Nam hằng an ủi, chở che cầu khấn cho con cái Việt Nam kiên trung trong đau thương để giữ vững Đức tin vào Thiên Chúa.
Phút suy gẫm tưởng niệm ngày con cái Mẹ “Văng vẳng lời kinh “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời” rồi dòng nhạc hân hoan vể trẩy hội bỗng dừng lại, như đã đến rồi. La Vang kìa! Đền Thánh Mẹ! Một thoáng dừng của Ca Đoàn và dàn Giao Hưởng rồi chậm rãi uy nghiêm cất lên lời cung chiêm như hồn người đang ngất ngây choáng ngợp trước Đền Thánh Mẹ vừa lộng lẫy uy nghi, rực rỡ vừa chan chứa những niềm thương. Cả hội trường hơn 700 tâm hồn đang trào dâng lòng sốt mến. “Đêm nay, La Vang pháo hoa rực rỡ. Mắt lệ trào dâng, oà vỡ trong mưa. Ơn nhiệm mầu đẫm vào nhạc vào thơ. Sao, ngây ngất bởi lời kinh sốt mến”.
Thoả niềm vui sướng trong Mẹ, thoả lòng yêu bên mẹ, thoả niềm mong ước bấy nay, đoàn hành hương muốn tất cả mọi người “Còn ai chưa về, xin Mẹ dắt đưa về mau mau cho kịp” để đón lấy hồng ân Năm Thánh. Mọi người rộn lên niềm vui sẻ chia ơn Đức Tin, ơn Tình Yêu và niềm vui bên Mẹ.
“Mau lên nhé…”. Đoạn kết Chương III, cũng là đoạn kết Bài Trường Ca Năm Thánh thật dồn dập, thật thôi thúc như vẫn còn đang thôi thúc tất cả chúng ta bước vào Năm Đức Tin, bởi như ở La Vang, “mấy trăm năm hội ngộ chỉ một lần”, thì Năm Đức Tin của Giáo Hội, Annus Fidei 2012-2013 cũng vậy: “Đây là lúc thuận tiện. Đây là giờ Cứu Độ”.
Ước mong
Thảo nào, trong thư mời tham dự Đêm Trường ca Năm Thánh có câu: “Như bước khởi đầu trong Năm Đức Tin”. Thì ra, cả Nhà thơ và Nhạc sĩ ý thức rất cao về công việc của mình có tương quan với nhịp sống của Giáo Hội và nhất là Giáo Hội địa Phương, bằng chính Văn học, Nghệ thuật của địa phương.
– Theo ý của Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hoà, nguyên Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Thánh nhạc Việt Nam, trong các lần họp Ban Thánh nhạc và cả trong đêm thứ hai ở TTMV DCCT, thì sự phong phú của tiếng Việt về các dấu giọng làm cho các nhạc sĩ phải khéo léo dung hòa cách nào khi phối bè để người nghe không có cảm giác như nghe một ngôn ngữ nào khác. Bản tin của PV.VRNs trình bày lại ý Đức cha Phaolô: “Những ca viên, những nghệ sĩ, những nhạc công đêm nay đã cho chúng ta cảm giác không phải họ hát thơ ông Lê Đình Bảng, họ chơi nhạc của ông Vũ Đình Ân, nhưng là họ hát, họ chơi chính lời thơ tiếng nhạc của họ, như họ hát từ chính lòng họ. Thật hay! Điều đó hai ông Đình Bảng và Đình Ân đã làm được đêm nay. Một khi Đức tin đã nhập vào cuộc sống, thấm vào hơi thở để hiện qua nghệ thuật, đó là Đức tin sống động, Đức tin thể hiện trong cuộc sống”. Khác gì một lời chúc mừng khi Ngài nói đến việc Vũ Đình Ân dám bước vào điều khó ấy từ Bài Hợp xướng Truyện Kiều đến hôm nay Bài Trường Ca Năm Thánh của Ông Lê Đình Bảng, phong phú biết bao nhiêu! Tôi nghĩ là Đức cha Phaolô đã chúc mừng Nhà thơ và đặc biệt Vũ Đình Ân làm được, vượt qua được cái khó nhất định về dấu giọng tiếng Việt.
– Theo bản tin mới nhất trên trang web của Hội đồng Giám mục Việt Nam ngày 19-10-2012 đưa tin về “Liên hoan Quốc tế Thánh nhạc và Nghệ thuật Thánh trong Năm Đức Tin. Trong khuôn khổ Năm Đức Tin, Liên hoan Quốc tế Thánh nhạc và Nghệ thuật Thánh lần thứ 11 sẽ diễn ra vào thượng tuần tháng 11 tại các Vương cung Thánh đường thuộc các Toà Thượng phụ và tại Vatican…
Bình luận về liên hoan này, Đức Hồng y Comastri, chủ tịch danh dự của “Fondazione pro Musica e Arte Sacra”, nói: “Đây là loại âm nhạc được sinh ra từ đức tin và vì vậy âm nhạc ấy cũng lôi kéo chúng ta đến với đức tin. Quả thực, mọi loại hình nghệ thuật trong Giáo hội đều không là gì khác hơn việc diễn tả vẻ đẹp nội tâm đã được chuyển thành hình thức bên ngoài”.
– Và dựa trên những tác động tích cực mang tính cổ vũ thiết thực cho mọi người bước vào Năm Đức Tin qua hai đêm thử nghiệm ra mắt cách khiêm tốn tại hai nhà Dòng Đa Minh Ba Chuông và Chúa Cứu Thế.
Tôi ước mong Bài Trường Ca Năm Thánh được trình diễn có tính cách quy mô hơn, chính thức hơn, ở một nơi có quảng trường rộng hơn, cho đông đảo dân Chúa hơn, thay vì 500 hay 700 người tham dự là vài ngàn người tham dự. Và cùng với chương trình trình diễn ấy, là một chuỗi nhắc lại những kỷ niệm Sống Đức Tin của Cha Ông Tiên Tổ, của những Chứng Nhân Đức Tin Anh Dũng sẵn sàng chịu tù ngục, bức bách, chịu cực hình, chịu đổ máu mình ra làm chứng cho Thiên Chúa từ những ngày Hạt Giống Tin Mừng được gieo vãi trên quê hương dấu yêu này.
Ước mong điều ấy, không vì vinh danh hai ông nhà thơ nhạc sĩ, nhưng là vì Tác phẩm “Bài Trường Ca Năm Thánh” của hai ông thật sự có giá trị thiêng liêng cho mọi người trong Năm Thánh Đức Tin này.
Chúc mừng một người anh, Nhà thơ Lê Đình Bảng, chúc mừng một người bạn, Nhạc sĩ Vũ Đình Ân, đã và đang sống trọn niềm vui ơn Thiên Triệu của những người nghệ sĩ trong Giáo hội Công giáo Việt Nam.
PM. Cao Huy Hoàng