Trong bậc thang giá trị giữa biết và sống, thì sống có giá trị hơn biết. Và đây cũng là điều mà chính Chúa Giêsu đã nói khi đứng trước cái biết mà không thực hành của một luật sĩ. Thánh sử Marcô ghi nhận, sau cuộc trao đổi về lề luật giữa Chúa Giêsu và người luật sĩ, và đứng trước sự hiểu biết về lề luật của ông, Chúa Giêsu đã nói với ông: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu” (Mc 12:34).
“Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu”. Nhưng cái bao nhiêu đó là bao nhiêu thì ngài lại không cho người luật sĩ ấy biết. Dường như ngài muốn để chính ông ta tự đo lường lấy chỗ đứng của mình và khoảng cách giữa nơi đó với nước Thiên Chúa. Vì rằng ông đã hiểu biết rất rõ về lề luật. Biết rất rõ về những gì mình phải làm đối với lề luật.
Ngoài ra, theo Thánh Ký ghi nhận thì ông cũng là một người rất khôn ngoan và lợi khẩu. Nhất là ông đã biết khen chê người đúng lúc và đúng cách, đến nỗi theo Thánh Ký, thì ông là người có những “ý kiến khôn ngoan” (Mc 12:34). Không những thế, ông còn tỏ ra là người rất sành về tâm lý khi áp dụng lời khen để làm vui lòng Chúa Giêsu trong câu truyện trao đổi giữa ông và ngài. Chúng ta hãy nghe lời ông nói với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, đúng lắm! Thầy dậy phải lẽ khi nói Thiên Chúa là Chúa duy nhất; và ngoài Người chẳng có Chúa nào khác nữa. Mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình, và yêu tha nhân như chính mình thì hơn lễ vật toàn thiêu, và mọi lễ vật hy sinh” (Mc 12:32-33).
Người luật sĩ này phải chăng là hình ảnh của tôi, của bạn, của chúng ta. Nhiều khi chúng ta cũng tỏ ra rất khôn ngoan, hiểu biết, và rành rẽ về luật lệ, về giáo lý, và về Phúc Âm. Như người luật sĩ này, chúng ta cũng biết thế nào là đường đưa chúng ta đến Nước Thiên Chúa. Thế nào là những luật lệ đòi hỏi cần thiết để đạt được sự sống đời đời. Nhưng chúng ta lại không đến, không lên đó mà chỉ đứng xa nhìn, nói và nhận xét về Nước Thiên Chúa. Tức là không bước vào thực tế với những gì mình biết, đó là “Mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hức sức mình, và yêu tha nhân như chính mình”.
Mến Chúa và yêu tha nhân. Hai giới luật cần thiết để vào Nước Thiên Chúa tức chiếm hữu Nước Trời, chiếm hữu Thiên Đàng, là những gì mà người luật sĩ này đã tóm lược từ câu trả lời của Chúa Giêsu khi ông hỏi ngài về giới luật trọng nhất trong lề luật. Ngài đã trả lời ông: “Giới răn trọng nhất là: Hỡi Israen, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi. Còn đây là giới răn thứ hai: Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó” (Mc 12:29-31).
Và như vậy là rõ ràng, không còn giới luật nào trọng hơn hai giới luật trên. Đó là hai mặt của đồng tiền, hai mặt của bàn tay. Đó là đôi chân tinh thần để chúng ta đi tới với những người khó nghèo và cùng cực. Đó là đôi tay tinh thần để chúng ta xoa dịu những đau khổ, rộng rãi bố thí cho những anh chị em gặp túng nghèo, thiếu ăn, thiếu mặc. Đó là hai con mắt tinh thần để chúng ta nhìn thấy những nỗi bất hạnh của những người chung quan mình mà rộng rãi giúp đỡ, an ủi. Và đó là đôi tai tinh thần để chúng ta nghe được những tiếng rên rỉ, tiếng nức nở của những kẻ bị hà hiếp, những kẻ bị đời bạc khinh mà rộng lòng xót thương giúp đỡ.
Nói hai giới luật “mến Chúa và yêu người” là đôi chân tinh thần, là đôi tay tinh thần, là cặp mắt tinh thần, và đôi tai tinh thần vì chỉ trong cái ý nghĩa tâm linh và cao cả ấy, chúng ta mới thật sự cảm được, nghe được, hiểu được, nhìn được Thiên Chúa qua tha nhân để rồi rộng rãi hy sinh và giúp đỡ. Và cũng chỉ có lòng kính mến Thiên Chúa và đức ái thực hành mới đem ta vào được Nước Thiên Chúa, nơi chúng ta được hạnh phúc và bình an vì được sống trong tình yêu thương của Thiên Chúa và anh chị em mình.
Tai và mắt tự nhiên chỉ nhìn, chỉ nghe những cái tự nhiên. Cũng vậy, tay và chân tự nhiên chỉ làm những việc tự nhiên, và đi tới những nơi mà con người tự nhiên muốn tới.
Trong ngày chung thẩm, chúng ta sẽ bị phán xét theo hai điều răn này. Được thưởng Nước Trời hay bị loại ra khỏi Nước Trời là do có thực tâm yêu kính Thiên Chúa và bác ái với tha nhân hay không: “Khi ta đói các ngươi cho ta ăn, ta khát cho ta uống, ta là khách các ngươi tiếp rước, mình trần cho ta áo mặc, đau ốm các ngươi an ủi, tù tội các ngươi thăm hỏi” (Mt 25:35-36). Theo Chúa Giêsu, Đấng sẽ phán xét chúng ta, thì khi ta làm những việc ấy hoặc không làm những việc ấy cho những anh chị em mình với lòng yêu mến Thiên Chúa, nhân danh tình yêu ngài, thì ngài kể là làm cho chính ngài hoặc không làm cho chính ngài.
“Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu” (Mc 12:34). Hẳn là khi Chúa nói câu này với người luật sĩ, ngài cũng đã nhìn thấy cái yếu tố có thể đem ông lại gần và vào được Nước Trời, bởi vì ông đã hiểu và đã biết. Chỉ tiếc một điều, là có thể, trong thực tế ông ta đã làm ngơ, hoặc rất thiếu sót thi hành những điều ấy. Có thể ông đã nhận ra đâu là những cận thân, anh chị em mà ông cần giúp đỡ, và đôi lúc ông cũng đã làm một vài việc bố thí nhỏ, nhưng cốt lõi có lẽ ông không giúp đỡ, thăm hỏi, và ủi an thật tình. Ông sợ mất thời giời, tiền bạc, sức khỏe và danh giá. Cũng có thể ông đã nghĩ đến địa vị và vai trò luật sĩ của mình nên sự hòa mình và rộng rãi, thân mật, xót thương người cùng khổ, người sa cơ, lỡ bước, lầm đường là điều khó vì ông nhìn họ với cái nhìn của một luật sĩ.
“Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu” (Mc 12:34). Ứng dụng vào đời sống đức tin và việc thực hành bác ái của Kitô hữu, chúng ta cần tự hỏi: “Câu nói này có phải là câu nói mà Chúa Giêsu cũng muốn nói với tôi không?”. Bởi vì tôi cũng như người luật sĩ kia rất sợ mất mặt, mất thế giá. Sợ người đời dị nghị. Sợ mất mối làm ăn. Sợ mất cơ hội làm giầu. Sợ giúp một người thì nhiều người khác sẽ tìm đến, sẽ làm phiền. Và cứ thế tôi đã nhắm mắt, bịt tai trước những nỗi đau khổ và tiếng kêu cứu của tha nhân. Và cứ thế tôi co rúm đôi tay không vươn ra giúp đỡ, và tự xích đôi chân không đi tới những nơi mà những nỗi khổ đau đang diễn ra, những tiếng kêu rên xiết đang vang vọng đến trời cao, đến những nơi bất hạnh, bùn lầy nước đọng, những căn nhà ổ chuột hôi thối nơi anh chị em tôi đang sống và đang cần được giúp đỡ. Và nếu đó là nước trời, là Nước Thiên Chúa, thì thực tôi đã đứng tại sân nhà bạc triệu của mình, ngồi trong chiếc xe bóng loáng của mình, mà nhìn vào Thiên Đàng, vào Nước Trời chứ không bước tới. Như thế, tôi không còn phải là “xa Nước Thiên Chúa” mà là không muốn vào đó, và cũng không có điều kiện để vào. Bởi vì tôi không thật lòng yêu mến Thiên Chúa và thiếu hẳn đức ái thực hành: “Mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình, và yêu tha nhân như chính mình thì hơn lễ vật toàn thiêu, và mọi lễ vật hy sinh” (Mc 12:33).
“Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu” (Mc 12:34). Cũng như người luật sĩ trong Tin Mừng, tôi cũng đã nghe, đã đọc, và đã biết về Nước Thiên Chúa, nhưng liệu tôi có muốn thực hành, muốn sống những điều mình đã nghe, đã đọc và đã biết để đạt được Nước Thiên Chúa không? Biết và sống là hai thái cực khác nhau của cuộc đời.
T.s. Trần Quang Huy Khanh
Chi Dòng Ðồng Công Hoa Kỳ