Trong ngày Đại Hội Giới Trẻ giáo tỉnh Hà Nội tổ chức tại Gp. Lạng Sơn, 26/10/2012, Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt, Gm.Gp. Bắc Ninh đã chia sẻ với chủ đề: “Đức Tin và Văn Hóa”.
Các bạn trẻ thân mến,
Chào các bạn đến từ khắp nơi trong 10 giáo phận của giáo tỉnh Hà Nội. Thật là một sự trùng hợp đầy ý nghĩa khi chủ đề Đức tin và văn hoá mà chúng ta nói với nhau trong Đại hội Giới trẻ lần này lại trùng đúng vào những ngày đầu Năm Đức Tin. Chắc các bạn đã biết Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã quyết định mở Năm Đức Tin từ ngày 11 tháng 10 năm 2012 đến ngày 24 tháng 11 năm 2013, lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ. Giáo Hội Việt Nam cũng đã long trọng cử hành Thánh lễ Khai mạc Năm Đức Tin tại Nhà thờ chính toà Thanh Hóa ngày 12 tháng 10 năm 2012. Tiếp sau đó các giáo phận cũng đã khai mạc Năm Đức Tin vào ngày 18 tháng 10 lễ kính thánh sử Luca. Và các giáo xứ vừa cử hành lễ khai mạc vào Chúa nhật Truyền Giáo vừa rồi. Mục đích của Năm Đức Tin là giúp các tín hữu nhìn lại đời sống đức tin của mình trong bối cảnh văn hoá xã hội ngày nay, để từ đó củng cố và tìm hiểu sâu hơn nền tảng đức tin Kitô giáo: gặp gỡ Chúa Kitô, Đấng mở ra một chân trời mới cho cuộc sống. Thế nên, đến với Đại hội Giới trẻ, chúng ta không chỉ gặp nhau, mà vượt lên trên, chúng ta cùng nhau gặp gỡ Chúa Kitô. Đến với Đại hội Giới trẻ là dịp để diễn tả đức tin của mỗi người chúng ta vào Chúa Kitô.
Năm nào cũng có cuộc gặp gỡ Đại hội Giới trẻ, nhưng mỗi năm cuộc gặp gỡ đức tin ấy lại được diễn tả theo những nét văn hoá riêng của từng miền đất mỗi giáo phận, làm cho Đại hội Giới trẻ luôn sinh động phong phú. Giờ đây, tôi xin nói cùng các bạn mối liên hệ giữa đức tin và văn hoá.
Văn Hoá là gì?
Trước hết cần hiểu văn hoá là gì? Theo Từ điển Tiếng Việt, thì Văn hoá là “tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử”. Công đồng Vatican II đã diễn tả: “văn hoá bao gồm tất cả những gì nhờ đó con người trau dồi và phát triển các năng khiếu đa dạng về tinh thần và thể xác; cố gắng chế ngự trái đất bằng tri thức và lao động; nhân bản hoá đời sống xã hội, cuộc sống gia đình cũng như toàn thể đời sống dân sự nhờ việc cải tiến các tập tục và định chế; sau hết, diễn tả, truyền thông và bảo tồn trong các tác phẩm những kinh nghiệm tinh thần và những hoài bão lớn lao của con người trải qua các thời đại, ngõ hầu giúp cho nhiều người và toàn thể nhân loại tiến bộ hơn”.
Tuy có nhiều khái niệm và định nghĩa về văn hoá, nhưng nói một cách tổng quát: văn hoá là tất cả những cái hay, cái đẹp, cái tốt được con người chấp nhận và phát huy, bảo tồn trong không gian và thời gian. Cụ thể đối với người Việt Nam thì đó là những cái hay cái đẹp thể hiện qua những công trình kiến trúc, qua những tác phẩm văn chương và nghệ thuật hay qua nếp sống hằng ngày.
Đức tin và Văn hoá Việt Nam
Công đồng Vatican II chính thức công nhận: “có nhiều mối tương quan giữa sứ điệp cứu độ và văn hóa. Bởi vì, từ khi mạc khải cho dân Ngài cho tới khi biểu lộ tròn đầy trong Chúa Con nhập thể, Thiên Chúa đã nói với con người theo các loại văn hóa riêng biệt của từng thời đại. Cũng thế, trải qua những hoàn cảnh khác nhau của lịch sử, Giáo hội đã sử dụng tài nguyên của các nền văn hóa khác nhau để, qua lời rao giảng, phổ biến và trình bày sứ điệp của Đức Kitô cho muôn dân”.
Tại Việt Nam, đức tin Công giáo và bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam có khá nhiều nét chung đáng quí: Niềm tin của người Việt Nam vào ông Trời, có Trời, thờ Trời khá gần với đức tin vào Đức Chúa Trời của người Công giáo. Một nét độc đáo khác trong văn hoá Việt Nam là đạo thờ kính tổ tiên, nói theo ngôn ngữ bình dân là đạo thờ ông bà. Trong mỗi gia đình dù theo Phật giáo, theo Công giáo hay chẳng theo tôn giáo nào, dù ở thành thị hay nông thôn, dù ở đồng bằng hay miền núi thì hầu như nhà ai cũng có bàn thờ tổ tiên. Đạo thờ kính tổ tiên nói lên lòng hiếu thảo của người Việt Nam với ông bà cha mẹ. Ở đây ta thấy có một tiếng nói chung với đạo Công giáo đó là hiếu kính cha mẹ như điều răn thứ tư thảo kính cha mẹ trong mười điều răn đạo Đức Chúa Trời, và bên trong đó là niềm tin có đời sau, tin có linh hồn vẫn còn hiện diện sau khi xác đã chết. Nó cũng chứng tỏ có sự hiệp thông giữa người sống và người chết như mầu nhiệm các thánh cùng thông công. Tất cả những điều này trong văn hoá Việt Nam rất gần với giáo lý của Hội Thánh Công giáo.
Một bản sắc văn hoá bao trùm lấy dân tộc Việt Nam mà không thể không nhắc tới đó là tình đồng bào. Bản sắc văn hoá này đã được diễn tả trong truyền thuyết mẹ Âu Cơ đẻ ra bọc trăm trứng mang sứ điệp mọi người Việt Nam đều cùng chung một mẹ, đều là đồng bào với nhau. Để từ đó đã hình thành những lời mẹ Việt Nam ru con ngay từ khi đứa trẻ còn nằm trên nôi bằng những lời nhân ái: Bầu ơi thương lấy bí cùng, hay những câu thành ngữ như những lời răn và triết lí sống: bắt đầu từ trong gia đình anh em như thể tay chân và vươn rộng ra mối quan hệ giữa người với người: thương người như thể thương thân. Bản sắc văn hoá này tương đồng với đức tin Công giáo: Chúa là Cha mọi người là anh em được thể hiện qua lời kinh Lạy Cha chúng ta đọc hàng ngày: Lạy Cha chúng con ở trên trời… Tình thương người như thể thương thân cũng chính là điều răn quan trọng nhất và được gọi là điều răn mới của Chúa Kitô: Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau. (Ga 13,34-35)
Chính những bản sắc văn hoá Việt Nam tương đồng với đức tin Công giáo nói trên mà người Việt Nam đã nhiệt tình đón nhận Tin Mừng của Chúa khi được rao giảng trên đất nước Việt Nam. Làm cho Việt Nam trở thành nước thứ 2 tại Á Châu, sau Philippines, có đông người Công giáo tính theo tỉ lệ dân số. Có lẽ hiện nay tỉ lệ người Công giáo Hàn Quốc đã vượt lên trên Việt Nam.
Và khi Tin Mừng của Chúa Kitô đến Việt Nam hoà nhập vào những giá trị tinh thần tin tưởng, hiếu thảo, yêu thương, thì đức tin Kitô giáo cũng khoác lên mình những bộ áo văn hoá Việt, đó là những công trình kiến trúc đậm nét hồn Việt như quần thể nhà thờ Phát Diệm, đó là cả một vườn thơ đạo đã được sưu tập và vừa mới được xuất bản nhân dịp kỉ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Công giáo nổi tiếng Hàn Mạc Tử, rồi còn biết bao nhiêu lời kinh nguyện, những thánh thi, thánh vịnh, bản thánh ca đã in sâu vào tâm hồn, vào đời sống tình cảm của người Việt Nam. Và một điều vô cùng độc đáo trong mối liên hệ giữa đức tin Công giáo và văn hoá Việt Nam là khi các nhà truyền giáo loan báo Tin Mừng Chúa Kitô trên quê hương Việt Nam thì các ngài đồng thời cũng đã sáng tạo ra chữ quốc ngữ cho dân tộc Việt Nam chúng ta. Lịch sử đã cho thấy chữ quốc ngữ là một công cụ tuyệt vời cho việc phát triển và truyền bá tư tưởng, tiếp thu các nền văn minh thế giới, là cầu nối với nền văn minh quốc tế sử dụng chữ viết theo mẫu tự Latinh ABC.
Những nền văn hoá mới
Sự phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ thông tin, đã khai sinh một nền văn hóa vượt mọi biên giới quốc gia để mang tính toàn cầu. Khoảng cách không gian địa lý không còn ý nghĩa: những biến cố và tin tức được truyền đi tức thời và đến tận chân trời góc biển. Sự phát triển của hệ thống vệ tinh, truyền thanh, truyền hình, internet… đang làm cho nhân loại một mặt xích lại gần nhau đến độ thế giới rộng lớn trở thành một ngôi làng, nhưng mặt khác, lại khiến con người rơi vào một thế giới ảo và đánh mất dần thế giới thật. Người ta có thể dành nhiều thời giờ cả ngày và đêm để lang thang trên mạng, để tán gẫu với những ai đó ở những nơi xa xôi, mà những người ngay bên cạnh mình, ngay trong gia đình mình thì lại không có thời giờ để trò chuyện, để gặp gỡ nhau. Người ta cô đơn bênh cạnh nhau.
Trong nền văn hoá toàn cầu này, một mặt đức tin cần được diễn tả bằng những chất liệu và bản sắc độc đáo của mỗi nền văn hóa; mặt khác, đức tin đóng vai trò dung hoà và làm cho các nền văn hoá gặp gỡ nhau. Đức tin cần nhờ các phương tiện truyền thông để loan tải nội dung, nhưng đức tin không bao giờ chỉ đơn giản dừng lại ở các phương tiện kĩ thuật, mà đức tin luôn thúc đẩy sự gặp gỡ cộng đoàn con người với nhau và cộng đoàn con người với Chúa.
Đức tin Công giáo bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam gửi đến toàn thể các tín hữu Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 với chủ đề: Cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống. Ở đây ta thấy Đức tin không chỉ hội nhập vào văn hoá nhưng đức tin còn tạo dựng nên những nền văn hoá cao đẹp. Chúng ta thấy theo định nghĩa thì văn hoá là những giá trị vật chất và tinh thần tốt đẹp do con người sáng tạo ra, nhưng thực tế xã hội hôm nay lại xuất hiện những nét văn hoá tiêu cực. Trong cuộc sống hàng ngày và trên các phương tiện thông tin đại chúng xuất hiện những từ ngữ như: văn hoá phong bì, văn hoá hưởng thụ, văn hoá bạo lực, nguy hiểm nhất là nền văn hoá sự chết. Đứng trước thực trạng xuống cấp của những giá trị văn hoá cao đẹp và xuất hiện những nền văn hoá mới tiêu cực, thì đức tin đóng góp vai trò quan trọng để xây dựng một nền văn hoá tích cực, cao đẹp, đó là nền văn minh tình thương và sự sống. Đối diện với nền văn hóa ích kỷ, bạo lực và chết chóc hiện nay, Giáo Hội mời gọi mọi thành phần dân Chúa góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng nền văn minh tình thương. Giáo Hội Công giáo đề nghị lấy tình thương và sự sống làm nguyên tắc, tiêu chuẩn và định hướng cho nền văn hoá mới trong cuộc sống.
Kết
Các bạn trẻ thân mến,
Thiên Chúa mà tôi và các bạn đang đặt niềm tin vào Người là Đấng đã xuống thế làm người ở cùng chúng ta, để chúng ta có thể ở lại trong tình yêu của Người. Chúa Giêsu Kitô đã rao giảng và đã sống Tin Mừng yêu thương. Chúng ta là môn đệ tin vào Người thì cũng phải đi theo con đường Người đã đi: con đường của sự thật và sự sống. Thế cho nên, khi chúng ta ra sức bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống là lúc chúng ta đang đi trên con đường của Người.
Không có đức tin thì không thể xây đắp nền văn minh tình thương và sự sống, bởi vì Thiên Chúa là nguồn cội của sự sống và tình thương. Đồng thời, nếu không sống yêu thương thì đức tin ấy đã chết. Cuối cùng xin mượn lời thánh thi như lời cầu chúc cho các bạn trẻ:
Cây đức tin rồi ra nảy mậm,
bén rễ sâu vào tận trí lòng;
vui mừng hé nụ cậy trông,
nở hoa mến Chúa đơm bông yêu người.
Gm Cosma Hoàng Văn Đạt, SJ