Gerard O’Connell từ Rome
Giáo Hội phải tham gia bốn cuộc đối thoại – với các nền văn hoá, các tôn giáo, nghèo đói và chính quyền Trung Quốc
Đức Hồng y John Tong Hon của Hồng Kông là 1 trong 3 đại diện chủ toạ tại Thượng Hội đồng Giám mục về Tân Phúc Âm hoá. Trong cuộc phỏng vấn này, ngài thảo luận với tôi về một số chủ đề nổi lên tại Thượng Hội đồng, đặc biệt thích hợp với các Giáo Hội tại Hồng Kông, Trung Quốc và châu Á.
Ngài còn nói về đức tân giám mục của Thượng Hải là Đức cha Mã Đại Thanh, người bị chính quyền Trung Quốc giam giữ trong Chủng viện Sheshan từ ngày 7-7, và nhấn mạnh cần có đối thoại cấp bách giữa Bắc Kinh và Vatican để giải quyết chuyện này và những vấn đề quan trọng khác.
Đức Giám mục 90 tuổi Lukas Ly Jingeng của Fengxiang, người có 20 năm bị tù vì đức tin, đã viết thư cho Thượng Hội đồng và bức thư được đọc trước Thượng Hội đồng hôm 16-10. Con chắc là Đức Hồng y biết ngài. Đức Hồng y cảm thấy như thế nào khi lắng nghe thư của ngài?
Vâng, tôi biết ngài, mặc dù tôi không thân ngài cho lắm. Ngài là linh mục dòng Phanxicô và thuộc dòng Phanxicô. Hiện nay ngài đã 90 tuổi, nhưng ngài rất trung thành với Giáo Hội hoàn vũ và với trách nhiệm mục vụ của ngài. Tôi nghĩ ngài là mục tử tốt lành và có thể được xem là một mẫu gương cho Giáo Hội tại Trung Quốc. Đây không phải là lần đầu tiên ngài viết thư cho thế giới bên ngoài. Trong những lần thông tin như thế ngài tìm cách bày tỏ lòng trung thành với Đức Thánh Cha và với Giáo Hội hoàn vũ, và chứng tỏ ngài hiệp thông hoàn toàn với Giáo Hội hoàn vũ. Tôi nghĩ đây là một điều tốt.
Đáng tiếc là không có giám mục nào ở Trung Quốc đại lục được phép đi tham dự Thượng Hội đồng cũng như các thượng hội đồng khác. Nhưng tôi hy vọng trong tương lai gần ý tưởng cho phép các giám mục Trung Quốc tham dự thượng hội đồng có thể trở thành hiện thực.
Đức Hồng y nghĩ gì về việc Đức cha Lukas gửi thư này?
Tôi nghĩ đó là việc tốt, chứng tỏ ít ra còn có giám mục phá vỡ sự im lặng. Mặc dù chúng ta biết hầu hết các giám mục ở đại lục trung thành với Đức Thánh Cha và hiệp thông hoàn toàn với Toà Thánh, chúng ta thấy một số vị không biết cách tận dụng cơ hội này để bày tỏ, và do đó ngài đã nêu gương tốt cho các giám mục khác.
Phản ứng của các nghị phụ trước thư của Đức cha Lukas như thế nào?
Tôi nghĩ các ngài rất vui. Anh có thể thấy điều này qua ánh mắt của các ngài. Các ngài đánh giá cao nghĩa cử của ngài.
Đức cha Mã Đại Thanh khó tiếp xúc được với bất kỳ người nào vì từ hôm 7-7 ngài bị chính quyền Trung Quốc giam tại Chủng viện ở Sheshan, gần Thượng Hải. Như Đức Hồng y biết đấy ngài bị cô lập ở đó, sống trong cảnh hiu quạnh nhưng ngài vẫn kháng cự và không từ bỏ lập trường ngài đưa ra trong ngày lễ tấn phong. Đức Hồng y nghĩ như thế nào về tình hình của ngài?
Tôi thường nghĩ về ngài. Tôi khâm phục lòng can đảm của ngài. Tôi nghĩ giải pháp là tiến hành đối thoại giữa Toà Thánh và chính quyền.
Nhưng chính quyền Trung Quốc chưa tỏ ra dấu hiệu nào gợi ý họ muốn có một cuộc đối thoại như thế. Đức Hồng y đã công khai kêu gọi tiến hành đối thoại như thế trước đây nhưng Bắc Kinh chưa có phản ứng gì cả. Có đúng không?
Vâng, nhưng chúng ta phải tiếp tục nỗ lực xúc tiến cuộc đối thoại này. Trong những tình huống như thế này cần đối thoại hơn bao giờ hết. Tôi nghĩ cũng sẽ có ích nếu các lãnh đạo thế giới chú ý đến việc này.
Đức Hồng y có nghe chuyện gì mà Thượng Hội đồng xem là đặc biệt thích hợp cho Giáo hội tại Trung Quốc không?
Tôi luôn nghĩ về Giáo Hội của chúng ta ở Hồng Kông, Giáo Hội tại Trung Quốc và Giáo Hội tại châu Á. Đây luôn là trọng tâm được tôi nhấn mạnh và chú ý đến trước hết. Hiện nay có một số người nói chúng ta phải chú ý đến văn hoá, văn hoá của người dân. Như anh biết, cách đây 400 năm Cha Matteo Ricci đem đức tin Kitô giáo vào Trung Quốc thành công vì ngài hiểu trong văn hóa Trung Quốc tình bằng hữu được đánh giá rất cao và vì thế, ngài đã viết một cuốn sách nói về tình bằng hữu (“De Amicitia”), và ngài nỗ lực vun đắp tình bạn với nhiều quan chức, và do đó ngài có thể có cách truyền giáo. Tôi nghĩ ngày nay cũng vậy, chúng ta vẫn phải chú ý đến văn hóa của chúng ta. Lời dạy và văn hoá truyền thống Trung Quốc vẫn còn hợp với xã hội Trung Quốc ngày nay.
Tôi luôn nhớ theo văn hóa xưa của Trung Quốc, điều đầu tiên anh cần làm là tu tâm dưỡng tính, không chỉ bằng lời nói mà còn bằng việc làm, để uốn nắn lòng mình. Bước thứ hai, anh cần phải thể hiện tất cả việc này trong đời sống, và rồi tề gia và làm cho gia đình gần gũi nhau, đoàn kết, yêu thương nhau. Nếu tu thân và tề gia thành công tốt, anh làm tiếp bước thứ ba. Trong bước thứ ba này anh cũng có thể trị quốc. Nhưng nếu anh không thể tu thân, nếu không thể tề gia, thì làm sao anh có thể trị quốc? (đây là câu nói của Khổng tử) và sau đó là anh sẽ bình thiên hạ.
Tôi nghĩ loại giáo huấn truyền thống cổ xưa của Trung Quốc này rất hợp với giáo huấn trong Kinh thánh mà Chúa Giêsu dạy chúng ta.
Vì thế khi chúng ta giảng lễ hay dạy Kinh thánh cho người dân, nếu chúng ta có thể kết hợp với văn hóa Trung Quốc, tôi nghĩ giáo huấn của chúng ta có thể hữu hiệu hơn, có thể dễ dàng được người dân Trung Quốc tiếp nhận hơn.
Vì thế chú ý đến văn hoá và tầm quan trọng của đối thoại được nhấn mạnh tại Thượng Hội đồng cũng vang dội mạnh mẽ ở Trung Quốc và khắp châu Á.
Phải là đối thoại! Hoàn toàn chính xác! Từ lâu một trong những mục tiêu của Liên Hội đồng Giám mục Á châu, và thật sự là một trong những mục tiêu của tất cả các giám mục Á châu, là thúc đẩy 3 cuộc đối thoại: đối thoại với các nền văn hoá, đối thoại với các tôn giáo và đối thoại với nạn nghèo đói.
Tại Hồng Kông, chúng tôi có một tổ chức tên là “Hội nghị các lãnh đạo sáu tôn giáo ở Hồng Kông”. 6 tôn giáo này gồm Phật giáo, Lão giáo, Hồi giáo, Khổng giáo, Công giáo và Tin Lành. Tổ chức này được thành lập hơn 30 năm nay và các lãnh đạo và thành viên nhóm họp vài lần một năm. Thông qua các cuộc họp này và tình bằng hữu được vun đắp giữa các lãnh đạo, quan hệ của chúng tôi rất hài hoà và không chỉ để họp mặt xã giao. Chúng tôi còn rất nghiêm túc về các vấn đề chung, kể cả các vấn đề sự sống và chết và một số vấn đề xã hội, và cách chúng tôi lắng nghe quan điểm của nhau về sự sống, nghèo đói và vân vân. Chúng tôi lắng nghe nhau!
Tại Hồng Kông, chúng tôi có các cuộc đối thoại như thế và chúng tôi còn đẩy mạnh tinh thần đối thoại này nơi các nền văn hoá khác và với các tôn giáo khác. Về nghèo đói ở Hồng Kông, các tôn giáo nỗ lực đẩy mạnh phục vụ xã hội. Như anh biết đấy, nghèo đói có hai chiều kích, nghèo vật chất và nghèo tinh thần. Một số người giàu có về vật chất nhưng lại nghèo về mặt tinh thần và thế là họ cô đơn.
Đây là những chủ đề chung quan trọng mà Đức Hồng y nhận thấy tại Thượng Hội đồng và trùng với những việc ngài làm ở Hồng Kông và khắp châu Á, vậy còn có chủ để nào khác nữa không?
Có chứ. Chúng tôi còn nhấn mạnh đến vấn đề gia đình tại Thượng Hội đồng vì như tôi đã đề cập trước đây chú ý đến gia đình rất quan trọng ở Trung Quốc. Theo giáo huấn xưa của người Trung Quốc, trong bước thứ hai, chúng ta phải tu thân cũng liên quan đến gia đình. Tại Hồng Kông, chúng tôi đưa ra một đề xuất về gia đình trong một bản văn trình tân chính quyền. Trước khi đến đây, trưởng đặc khu mới có gặp tôi, ông ta rất tử tế và nói với tôi: “Chúng tôi cũng đang nghĩ như ngài và lần sau thảo luận vấn đề này, tôi sẽ ủng hộ ngài”. Đó là chuyện tốt đẹp.
Một vấn đề nữa nổi lên tại Thượng Hội đồng là cần tìm ra một ngôn ngữ chuyển tải Tin Mừng cho người trẻ giữa một thế giới tục hóa. Con biết đây cũng là một vấn đề ở Trung Quốc.
Tôi luôn cảm kích một thần học gia Tin Lành nói tục hoá có nghĩa kép: nghĩa tích cực và nghĩa tiêu cực. Nghĩa tiêu cực là khi tiền bạc được xem trọng hơn Thiên Chúa, và vì tiền anh có thể làm bất cứ chuyện gì anh thích – đó là tục hoá tiêu cực hay chủ nghĩa thế tục.
Trong khi đó, nghĩa tích cực của tục hoá là anh đi tìm kiếm cái chung trong cuộc sống hằng ngày. Người trẻ, chẳng hạn, thích website, i-Phone và tất cả những thứ như thế, và anh cần phải nói với họ về những thứ này nếu anh muốn giao tiếp với họ, giống như Cha Matteo Ricci tiếp xúc với các quan chức Trung Quốc cách đây 400 năm khi họ nói về tình bạn. Ngày nay cũng vậy, chúng ta cần nói chuyện với người trẻ về i-Phone, i-Pad, Internet và vân vân, và qua đó chúng ta tìm ra tiếng nói chung với họ. Do đó, khi giảng trong nhà thờ, chúng ta có thể dùng loại ngôn ngữ này và giúp họ nhận thấy các mặt tích cực của những vật dụng quan trọng này, để rồi chúng ta có thể dẫn đưa họ đến với Thiên Chúa và các giá trị Tin Mừng thông qua cuộc sống thực tế hằng ngày của họ.
Nguồn: UCANews