Năm Đức Tin đã được mở ra trong Giáo Hội từ ngày 11-10-2012 cho đến ngày 24-11-2013. Mục đích là để mọi người trong Giáo Hội nhìn lại đời sống đức tin của mình để trước hết cảm tạ Thiên Chúa đã ban quà tăng đức tin vô giá cho chúng ta và từ đó thêm quyết tâm sống đức tin cách cụ thể và có chiều sâu hơn nữa để thích nghi với những thách đố của thời đại tục hoá, trống vắng mọi niềm tin này, và cũng để Phúc Âm hoá người khác, tức là mời gọi thêm nhiều người nữa nhận biết và tin yêu Chúa Kitô, Đấng Cứu Chuộc nhân loại.
Đó là tất cả ý nghĩa và mục đích của công cuộc “Tân Phúc Âm hoá để loan truyền đức tin Kitô giáo” (New Evangelization for the transmission of Christian faith) mà Giáo Hội thi hành trong Năm Đức Tin này.
Thực vậy, chúng ta đang sống trong hoàn cảnh tục hoá của thời đại tôn thờ vật chất (Materialism), chuộng khoái lạc (hedonism), vô thần (atheism) và phi luân vô đạo (amoralism).
Do đó, hơn bao giờ hết, là người tin có Thiên Chúa là Đấng tạo dựng con người và muôn vật hữu hình và vô hình, tin Chúa Kitô là Đấng cứu chuộc nhân loại, tin Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống và là Thần Chân Lý, hiệp nhất cùng một bản thể với Chúa Cha, và Chúa Con trong Mầu nhiệm Ba Ngôi Một Thiên Chúa duy nhất. Tin Mẹ Maria là Mẹ thật của Chúa Kitô và cũng là Mẹ Thiên Chúa (Theotokos) trọn đời đồng trinh và được về trời cả hồn xác. Tin Hội thánh Công giáo là Thân Thể mầu nhiệm của Chúa Kitô trong sứ mệnh bảo vệ kho tàng đức tin và rao giảng Tin Mừng Cứu Độ của Chúa Kitô cho đến ngày mãn thời gian và tin xác loài người ngày sau sẽ sống lại.
Đó là nội dung căn bản của Đức tin Công giáo mà chúng ta hãnh diện tuyên xưng, sau khi được lãnh nhận qua Phép Rửa để trở thành tạo vật mới và được phép gọi Chúa là Cha. (Abba).
Như thế, “đức tin là bảo đảm cho ta những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy. Nhờ đức tin ấy, các tiền nhân đã được Thiên Chúa chứng giám” (Dt 11,1-2).
Trước hết, Đức tin là điều kiện tiên quyết cho ta được cứu độ nhờ công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô, Đấng đã đến trần gian làm Con Người để “phục vụ và hiếm nạng sống mình làm giá chuộc cho muôn người” (Mt 20,28).
Do đó, phải có đức tin để tin Chúa Kitô là Đấng Cứu Chuộc để nhờ Người mà ta được cứu rỗi nếu ta thực sự cộng tác với ơn cứu rỗi đó bằng quyết tâm sống theo đường lối của Chúa trong suốt cuộc đời trên trần thế này.
Nhưng phải sống đức tin cách nào cho xứng đáng là người thực sự có đức tin?
Có đức tin là điều tối cần thiết nhưng quan trọng hơn là phải sống đức tin ấy bằng hành động cụ thể từ trong tâm hồn ra đến mọi hành động bên ngoài giữa bao người không có đức tin để minh chứng mình khác với họ ở điểm then chốt là có động lực nội tâm hướng dẫn mọi mọi tư tưởng, tình cảm và hành động của mình về Thiên Chúa là đich điểm của mọi sự thiện hảo, sự lành và trong sạch giữa thế gian ô uế vì tội lỗi, vì gian ác và đầy bất công, vô nhân đạo. Động lực đó là niềm tin có Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành, uy quyền vô song, rất công bình và giàu tình thương.
Như vậy, người có đức tin phải sống đức tin ấy sao cho phản ảnh trung thực những đặc tính của Đấng mình tin yêu tôn thờ để nhờ sống niềm tin như vậy, ta sẽ giới thiệu Chúa cho người khác chưa biết Chúa để họ được thấy Chúa hiện diện trong ta và đem lòng tin yêu Người như Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ xưa:
“Chính anh em là ánh sáng cho trần gian… Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt người thiên hạ, để họ thấy những việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.” (Mt 5,14-16)
Nói rõ hơn, trong khi những người không có niềm tin Chúa, nên làm những việc sai trái như thề gian, nói dối, trộm cắp, bất công, bóc lột người khác, nhất là giết người, gian dâm, cờ bạc, thay vợ đổi chồng, tiếp tay với kẻ cầm quyền vô đạo để đàn áp, triệt hạ những ai chống đối đòi quyền sống và công bình xã hội… thì người có đức tin phải nêu cao những giá trị của niềm tin là ngay thẳng, lương thiện, công bình, bác ái, yêu thương, tha thứ và trong sạch để nên nhân chứng đích thực cho Chúa trước mặt những người không có niềm tin và đang làm những sự xấu, sự dữ nói trên, để mong thức tỉnh họ từ bỏ con đường dẫn đến hư mất đời đời.
Như thế, sống đức tin cách hoàn hảo và cụ thể không những góp phần Phúc Âm hoá người khác mà còn nói lên chính mình là người thực sự tin có Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo dựng muôn loài, mọi vật và đặc biệt tạo dựng con người “giống hình ảnh Thiên Chúa” (St 1,27). Đấng “muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tm 2,4), vì “Thiên Chúa là Tình Yêu…” (2 Ga 4,8).
Nói khác đi, đức tin phải được chứng minh bằng hành động cụ thể để cho thấy sự trung thực giữa lý thuyết và thực hành, giữa lời nói suông là có đức tin khác biệt với hành động được đức tin thúc đẩy, soi dẫn và quy chiếu về Thiên Chúa là nguồn mạch chân lý, và thiện hảo như Thánh Giacôbê Tông đồ đã dạy:
“Hỡi người đầu óc rỗng tuếch: bạn có muốn biết rằng đức tin không có hành động là vô dụng không? Ông Abraham tổ phụ chúng ta đã chẳng được nên công chính nhờ hành động, khi ông hiến dâng con mình là Isaac trên bàn thờ đó sao? Bạn thấy đó, đức tin hợp tác với hành động của ông, và nhờ hành động mà đức tin nên hoàn hảo.” (Gc 2,20-22)
Nghĩa là, vì có đức tin mạnh mẽ và lòng mến Chúa thâm sâu, nên ông Abraham đã dám hy sinh con một của ông là Issac theo lời đòi hỏi của Thiên Chúa nhằm thử thách đức tin và lòng mến của ông. Nếu Chúa không sai Sứ thần đỡ lấy tay ông đang cầm dao vung lên, thì chắc chắn con ông đã bị giết. Thiên Chúa đã can thiệp để cứu mạng sống của Issac, vì đã nhìn thấy rõ đức tin phi thường của ông Abraham, nên Chúa đã phán bảo ông như sau qua Sứ thần của Người:
“Sứ thần của ĐỨC CHÚA từ trời gọi ông Abraham một lần nữa và nói: “Đây là sấm ngôn của Đức Chúa, Ta lấy danh Ta mà thề: bởi vì ngươi đã làm điều đó, đã không tiếc con của ngươi, con một của ngươi, nên Ta sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi, sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông, nên nhiều như sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển… chỉnh bởi vì ngươi đã vâng lời Ta.” (St 22,15-18)
Sự kiện trên cho thấy là ông Abraham đã thể hiện cách cụ thể lòng tin yêu Thiên Chúa qua việc ông dám hy sinh con một của mình để tế lễ Chúa như Người đã truyền cho ông. Hành động cụ thể của ông đã đủ minh chứng đức tin mạnh mẽ và hoàn hảo của ông khiến ông trở nên người cha của những ai tin và yêu mến Thiên Chúa cách cụ thể và đầy thuyết phục như Thánh Giacôbê nói trên đây.
Cũng phải kể thêm gương đức tin sáng chói nữa là của các Thánh Tử Đạo – đặc biệt là các anh hùng Tử Đạo Viêt Nam – cha ông chúng ta đã can đảm và anh dũng chịu mọi cực hình để tuyên xưng niềm tin sắt son của mình trước bạo quyền bách hại. Chính nhờ máu các ngài đổ ra mà hạt giống đức tin đã nẩy sinh ra nhiều tin hữu cho Giáo hội Việt Nam.
Ngay nay, chúng ta không có cơ hội đổ máu mình ra để tuyên xưng đức tin như các anh hùng Tử Đạo xưa kia. Nhưng chúng ta vẫn có nhiều cơ hội khác để minh chứng đức tin của mình trước bao người không có đức tin và đang làm những sự dữ như giết người, giết thai nhi, bóp nghẹt lương tâm để lường gạt người khác, hoặc làm những việc có chủ đích mời gọi người khác phạm tội như mở sòng bạc, nhà mãi dâm, buôn bán ma tuý, hoặc phụ nữ cho kỹ nghệ dâm ô dưới chiêu bài “hôn nhân nước ngoài” khiến biết bao phụ nữ, vì nghèo đói, phải cam chịu đem bán mình làm thú vui cho kẻ vô luân vô đạo ở trong và ngoài nước.
Trước thực trạng ghê tởm này, người tín hữn Chúa Kitô đều được mong đợi sống niềm tin của mình cách cụ thể là không những phải xa tránh những lối sống vô luân vô đạo nói trên mà còn phải can đảm lên án những tụt hậu thê thảm về luân lý, đạo đức của xã hội mình đang sống, theo gương Chúa Kitô, Người đã lên án tội lỗi của thế hệ đương thời:
“Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ.Nhưng chúng sẽ không được dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giôna…” (Mt 16,4)
Dấu lạ ông Giôna là dấu dân thành Ninivê, nghe lời cảnh cáo của ngôn sứ Giôna để ăn chay, sám hối, xin Chúa tha thứ không đánh phạt và Chúa đã nhậm lời xin tha không trừng phạt họ như Người đã ngăm đe (x. Gn 3,1-10)
Như vậy, gương đức tin của ông Abraham và của các Thánh Tử Đạo phải là những khuôn vàng thước ngọc cho chúng ta ngày nay noi theo để minh chứng cụ thể trước thế gian chúng ta thật sự tin yêu Chúa, Đấng chúng ta không được xem thấy, nhưng vững lòng tin có Người là Cha toàn năng. Người yêu thương mọi con cái loài người đến mức đã hy sinh chính Con Một của mình là Chúa Kitô, Đấng cũng vui lòng hiến mạng sống mình cho chúng ta được tha thứ tội lỗi và có hy vọng được cứu độ để sống hạnh phúc muôn đời với Chúa tình thương trên Nước trời mai sau.
Phải nói là có hy vọng thôi chứ không phải là bảo đảm chắc chắn ngay từ bây giờ vì tất cả còn tuỳ thuộc một phần nơi thiện chí của mỗi người chúng ta trong cuộc sống đức tin trên trần thế này.
Thực vậy, chúng ta phải sống đức tin có Chúa ở mọi chiều kích như đức tin đòi hỏi. Đó là, trước hết, phải thực tâm yêu mến Chúa trên hết mọi sự, và cương quyết từ bỏ ma quỷ là kẻ gây ra mọi tội lỗi để mong đẩy xa con người ra khỏi tình thương của Chúa. Đó là hành động cụ thể để chứng minh hùng hồn đức tin hoàn hảo vì “đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” như Thánh Giacôbê Tông Đồ đã dạy (x. Gc 2,17).
Kinh nghiệm phổ biến trong cuộc sống ở khắp mọi nơi cũng cho ta thấy là người nào chỉ nói, nói nhiều, nói hay, mà không thực hành điều mình nói thì chắc chắn sẽ không thuyết phục được ai tin những gì mình nói. Thí dụ hô hào, kêu gọi người khác làm việc bác ái, giúp đỡ thiết thực cho người đang nghèo đói, nhưng bản thân mình lại không hề bỏ ra một đồng nào để giúp các nạn nhân trong khi mình có dư khả năng làm việc đó, thì làm sao lời hêu gọi của mình được ai hưởng ứng nữa?
Lại nữa, khuyên người khác sống hoà thuận vợ chồng mà mình lại ly dị vợ hay chồng để lấy người khác trẻ, đẹp hơn thì lời khuyên của mình còn thuyết phục được ai nữa?
Cũng vậy, mang danh người tín hữu Chúa Kitô mà tham gia vào những việc làm ăn bất lương, bất công, bóc lột người khác, dửng dưng trước sự khó nghèo của người khác, có dư thì giờ đi hu hí, nhảy nhót, vui chơi thâu đêm suốt sáng, nhưng lại không có giờ đi dự lễ Chúa Nhật cách trọn vẹn, cũng như không hề cầu nguyện và năng xưng tội, rước Mình Thánh Chúa, thì đức tin kia còn sống hay đã chết?
Lại nữa, miệng nói tôi tin Chúa Kitô, mà chân lại bước vào những con đường dẫn đến các sòng bạc lớn nhỏ, đến những nơi mua bán dâm ô, hoặc những nơi giải tri tội lỗi để thoả mãn thú vui xác thịt, và nhất là thú ấu dâm (child prostitution) rất khốn nạn, thì mang danh Công giáo và tuyên xưng đức tin ngoài môi miệng có ích lợi gì cho ai?
Khi lời nói không đi đôi với việc làm thì sẽ trở thành người đạo đức giả, giống bọn biệt phái và luật sĩ mà Chúa Giêsu đã nặng lời chỉ trích xưa kia.
Những ai sống kiểu này cần nghe lại lời Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ xưa:
“Không phải bất cứ ai thưa với Thầy ‘Lạy Chúa, Lạy Chúa’ là được vào Nước Trời cả đâu, nhưng chỉ ai ai thi hành ý muốn của Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.” (Mt 7,21)
Thi hành ý muốn của Cha trên Trời có nghĩa là phải sống đức tin thực sự từ trong tâm hồn ra đến hành động bên ngoài sao cho phản ánh trung thực những giá trị của Tin Mừng Cứu Độ mà Chúa Kitô đã rao giảng, và không hổ thẹn khi xưng danh Chúa và sống những đòi hỏi của Phúc Âm sự sống trước mặt người đời, trước mặt những kẻ đang sống theo “văn hoá của sự chết” để làm những điều gian ác vô luân vô đạo ở khắp nơi.
Người tín hữu nào không có can đảm sống đức tin như vậy thì hãy nghe lời Chúa cảnh giác:
“Giữa thế hệ ngoại tình và tội lỗi này, ai hổ thẹn vì Ta và những lời Ta dạy, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn vì kẻ ấy, khi Người ngự đến cùng với các Thánh Thiên thần, trong vinh quang của Cha Người.” (Mc 8,38)
Tóm lại, Năm Đức Tin mời gọi mọi tín hữu không những dâng lời cảm tạ Chúa về quà tặng đức tin quý giá đã nhận được, mà còn cần phải nhìn lại cách sống đức tin của mình trong bao năm qua, để từ đó – với ơn Chúa Thánh Linh soi sáng – biết chuyển hướng đời sống đức tin của mình cho thêm cụ thể và sống động để sống xứng đáng là nhân chứng cho Chúa Kitô trước mặt người khác trong hoàn tục hoá, phản Kitô giáo của thế giới ngày nay.
Lm. P.X. Ngô Tôn Huấn