Các linh mục đặt tay trên các tân chức trong nghi thức phong chức
Giáo phận Đà Lạt thêm hy vọng truyền giáo hữu hiệu cho người dân tộc thiểu số khi có thêm một tân linh mục người Lạch trong số 20 tân chức hôm 24-11.
Đức Giám mục Antôn Vũ Huy Chương của Đà Lạt phong chức cho 20 linh mục tại Trung tâm Mục vụ ở thành phố Đà Lạt. 300 linh mục đồng tế và khoảng 2.500 người tham dự buổi lễ.
Trong số 20 tân linh mục, có 10 vị linh mục triều, sáu thuộc Tu hội Truyền giáo Thánh Vinh Sơn và số còn lại thuộc Tu hội Nhập thể tận hiến truyền giáo.
Linh mục người Lạch Octave Me Bla Diôn, 38 tuổi, nằm trong số các linh mục triều. Cha Diôn thuộc giáo xứ Langbiang là con thứ năm trong một gia đình có bảy người con.
“Tôi muốn trở thành linh mục để giới thiệu Chúa cho nhiều người khác, tôi muốn giúp củng cố đức tin cho người đã biết Chúa và đặc biệt là tôi cũng muốn đáp ứng hoàn toàn nhu cầu của người giáo dân vùng sâu xa” – ngài cho biết.
Ngài nói có rất nhiều giáo dân phải vượt đường xá xa xôi 10-20km đến nhà thờ học giáo lý, dự lễ và gặp khó khăn khi mời linh mục xức dầu bệnh nhân, giải tội cho bệnh nhân.
Vì thế ngài sẽ ưu tiên mục vụ cho giáo dân sống xa nhà thờ, nhất là thăm viếng người già neo đơn, người nghèo còn thiếu cái ăn, mặc, mù chữ, bệnh tật.
Người Lạch có khoảng 8.000 người sống tập trung chủ yếu ở vùng Langbiang.
Linh mục Tổng đại diện Phaolô Lê Đức Huân cho biết giáo phận hiện có tám linh mục người sắc tộc – năm người K’ho, hai người Chơru và một người Lạch.
Theo cha Huân, 67 tuổi, người Công giáo thuộc các sắc tộc chiếm khoảng 1/3 tổng số 330.000 giáo dân trong giáo phận. 200 linh mục hiện có của giáo phận vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu mục vụ tại các giáo xứ.
Ngài nói rằng Giáo hội địa phương luôn chú trọng khuyến khích ơn gọi tu trì người sắc tộc để phục vụ các cộng đoàn người sắc tộc.
Cha Huân cho biết sắp tới giáo phận sẽ cử một linh mục người K’hor đi học truyền giáo tại Phi Luật Tân. Giáo hội còn dạy các tiếng dân tộc cho các linh mục, chủng sinh và các thiện nguyện viên để họ làm việc hiệu quả với người dân tộc và góp phần thúc đẩy công cuộc truyền giáo ngày càng hiệu quả hơn.
Đồng bào sắc tộc có đời sống kinh tế khó khăn nên Giáo hội địa phương nâng đỡ họ bằng các chương trình học bổng, phát thuốc, sửa nhà cho người nghèo, chén cơm cho người già neo đơn, cũng như giúp họ bảo tồn những nét văn hóa truyền thống của họ.
Cha Huân cho biết giáo phận đã chỉ định 1/3 số linh mục đồng hành với người sắc tộc.
K’ho là sắc tộc đông nhất ở Đà Lạt.
Năm ngoái giáo phận có 21 linh mục được phong chức, một kỷ lục của giáo phận.
UCA News