Thống hối

1. Trong bài tìm hiểu về thuật từ sám hối kỳ trước, chúng tôi nhận thấy thuật từ này có nguồn gốc từ Phật giáo, nội dung trong nhà Phật khác với quan niệm của Công giáo về “sám hối”. Vì vậy, trong bài này, chúng ta thử tìm hiểu thêm những từ có thể diễn tả ý niệm “ăn năn, hối hận về tội lỗi của mình” [1], hoặc “hối hận vì đã mắc lỗi và mong sửa chữa” [2], sẵn có trong tiếng Việt nhưng hoàn toàn không có liên quan đến nội dung sám hối của nhà Phật…2.Hiện nay, chúng ta đang có nhiều thuật từ có nội dung tương đồng với thuật từ sám hối. Có thể kể ra sau đây:- Ân hận: Ân = lo lắng; Hận = giận ghét; Ân hận = băn khoăn, day dứt và tự trách mình trước việc không hay đã để xảy ra.

Ăn năn = Cảm thấy day dứt, giày vò trong lòng về lỗi lầm đã mắc phải. Từ này xưa kia Cha Đắc Lộ giải thích: “Năn: thứ cỏ đắng; Ăn năn: Ăn thứ cỏ đắng, theo lối nói ẩn dụ để chỉ sự thống hối” [3]. J.B. Tavernier giải thích: “Nhưng nếu là trường hợp một kẻ có tội muốn xin tha tội đã phạm, người ta đưa kẻ phạm tội đến trước mặt người sẽ nghe kẻ đó xin tha tội và kẻ phạm tội phải ngậm ở miệng một nắm cỏ có nghĩa là do lối sống lệch lạc và cách ăn ở xấu xa của mình, kẻ phạm tội đã trở nên giống súc vật” [4]. Đối với người ngày nay, “ăn năn” xem ra không còn có nghĩa đen và từ điển của các nhà ngôn ngữ học soạn thì xếp từ “năn” vào loại từ láy. Giáo sư Lê Ngọc Trụ giải thích: “Ăn năn do chữ ân hận biến âm mà thành” [5].

Cải hối: Cải = sửa đổi; Hối = nuối tiếc; Cải hối = biết lỗi nên chịu sửa đổi và hứa chẳng tái phạm nữa.

Hối cải = Cải hối.

Hối hận = Cảm thấy đau khổ, tự trách mình đã lầm lỗi.

Hối quá: Quá = lầm lỡ ; Hối quá = ăn năn vì đã làm điều lầm lỡ.

Hối lỗi: Lỗi (thuật từ Hán Việt đã hóa Nôm 磊) = điều lầm lỡ, tật chứng nhẹ; Hối lỗi = hối quá.

Hối tiếc: Tiếc (chữ Nôm 惜) = xót vì mất, sợ hư hao; Thuật từ này ghép bởi hai chữ Hán, Việt đồng nghĩa.

Hối tội : Tội = điều phạm pháp ; Hối tội = hối quá.

Tự hối: Tự = riêng mình; Tự hối = tự mình ăn năn.

Thống hối (痛悔) là rút ngắn của “thống tự hối cữu” (痛自悔咎). Thống (痛) có nghĩa là dt. (1) Đau đớn; (2) Họ Thống; đt. (3) Lo buồn: Bi thống; (4) Khổ não; (5) Căm ghét ; tt. (6) Rất nhiều : Thống khoái (sướng hết sức); Hối là hối lỗi thừa nhận lỗi lầm [6]; Cữu (咎) có nghĩa là dt. (1) Lỗi lầm. đt. (2) Trách lỗi. “Thống tự hối cữu” nghĩa là hết sức đau lòng vì biết lỗi hối ngộ và tự trách mình. Thống hối = Ăn năn cách đau đớn hoặc ăn năn rất nhiều.

3. Thuật từ thống hối rất quen thuộc đối với mọi người Công giáo cả Việt Nam lẫn Trung Quốc, thế nhưng lại vắng bóng trong hầu hết các từ điển ngoài Công Giáo, kể cả quyển TỪ HẢI của Trung Quốc (2001) và Đài Loan (1972), ngoại trừ – theo chúng tôi được biết – hai quyển VIỆT NAM TỰ ĐIỂN của Lê Văn Đức [7] và TỪ ĐIỂN HÁN VIỆT của Viện Ngôn Ngữ Học [8].

Thuật từ thống hối có nguồn gốc từ Công giáo. Thực vậy, thuật từ này đã có trong các từ điển của Paulus Của (1895) [9], của cha Eugène Gouin (1957) [10]vv và trên 350 năm trước, đã thấy dùng trong bản kinh vãn nguyện giỗ “Phục Dĩ Chí Tôn” (nguyên văn bằng chữ Hán) do thầy Phanxicô biên soạn khi hợp tác với cha Majorica ở Đàng Ngoài (1631-1656):

Mạc toàn kính toàn tuân toàn phụng.

Ngẫu tao, thử ách, thống hối vị chân.

Ô hô! Sinh nhật dĩ hoàn, mệnh chung thích chí.

Khí linh đãi tận, bồi hồi thuấn tức chi gian.

Nghĩa là:

Làm quấy sai ngoa, không kính không tuân không thờ.

Nay thình lình gặp nạn, thống hối chưa nên.

Than ôi! Đời sống đã tàn, lâm chung đã tới.

Khí thiêng đã hết, đang cơn hoi hóp bồi hồi.

Bên Trung Quốc, hơn kém trong khoảng thời gian này dưới triều nhà Thanh, đã có bản dịch Kinh Ăn Năn Tội (Actus Contritionis) gọi là “Thượng Đẳng Thống Hối Kinh”.

Cha Đặng Đức Tuấn (1806-1874) đã diễn tả tâm tình thống hối một cách rất cảm động trong những lúc tĩnh tâm, tự xét mình giữa đêm khuya thanh vắng qua trường thi “Thống Hối Đề Ngâm” như sau:

Lương tâm buồn bực thiết tha,

Hằng đêm châu luỵ chan hoà thấm trôi.

Trí khôn rối rắm vô hồi,

Ngày nào cho đặng phản hồi cùng Cha.

Lòng tôi đau đớn xót xa,

Xin Chúa chớ lấy oai gia nghiêm trừng

Lòng tôi thống thiết bâng khuâng

Chúa rất nhơn thứ xin đừng bỏ chê,

Tội lỗi gánh rất nặng nề,

Đón ngăn ơn Chúa, chở đè mình tôi,

Canh trường ngùi thảm thương ôi!

Nhớ Chúa trọn tốt, giận tôi bạc tình.

Tôi như mồ mả trắng tinh,

Trong đầy xương thúi ngoài hình vôi tô.

Tôi như cây đã héo khô,

Chẳng còn bông trái đáng vô hoả hình!

(Thống Hối Đề Ngâm, câu 47-62)

4. Kết luận

Như vậy, thống hối là thuật từ đã được sử dụng lâu đời và phổ biến trong Công Giáo với nội dung hoàn toàn thích hợp để diễn tả khái niệm ăn năn tội (contritio) hay sám hối (paenitentia) trong Đạo mà không sợ lẫn với quan niệm về sám hối trong các tôn giáo khác. Thuật từ này rất phù hợp để dịch câu định nghĩa về contritio của Công Đồng Trentô: “Thống hối là cảm thấy đau buồn, gớm ghét tội đã phạm và quyết chí chừa cải” [11] hay Ordo Paenitentiae dịch là Nghi Thức Thống Hối… Có lẽ vì lý do này mà thuật từ “thống hối” vẫn được sử dụng rất phổ biến trong các sách phụng vụ như Sách Lễ Rôma (2005) (công thức thống hối, hành động thống hối…) chẳng hạn.

——————————

[1] Nguyễn Như Ý (chủ biên), ĐẠI TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT, NXB. Văn Hoá Thông Tin, Hà Nội, 1999.

[2] Nguyễn Lân, TỪ ĐIỂN TỪ VÀ NGỮ VIỆT NAM, NXB. TP.HCM, TP.HCM, 2000.

[3] Alexandre de Rhodes, TỪ ĐIỂN ANNAM – LUSITAN – LATINH (TỪ ĐIỂN VIỆT – BỒ – LA), Roma, 1651. Phiên dịch: Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính, nxb. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 1991, P.I, tr. 504: “Năn: herba quaedam amara; Ăn năn: herbam illam amaram comederem, metaphoricè dicitur poenitudine”.

[4] J.B. Tavernier, SUITE DES VOYAGES DE MGR TAVERNIER, BARON D’AUBONNE, Paris, 1680, phần IV, tr. 22: “Mais s’il y a bien pour un coupable de demander pardon de son crime, on le mène devant celuy qui le doit écouter et alas il faut qu’il ait à la bouche un bouquet d’herbe qui donne à entendre que par le déréglement de sa vie et sa mauvaise conduite, il s’étoit rendu semblable aux bestes”.

[5] Gs. Lê Ngọc Trụ, TẦM NGUYÊN TỪ ĐIỂN VIỆT NAM, nxb. TP.HCM, TP.HCM, 1993, tr. 87.

[6] x. BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT, số 09-2008, tr. 109.

[7] Lê Văn Đức, VIỆT NAM TỰ ĐIỂN, NXB. Khai Trí, Sài Gòn, 1970: Thống hối = ăn năn hối tiếc.

[8] Phan Văn Các (chủ biên), TỪ ĐIỂN HÁN VIỆT, Viện Ngôn ngữ học, TPHCM, 2002: Thống hối = rất ăn năn hối hận.

[9] Huình Tịnh Paulus Của, ĐẠI NAM QUẤC ÂM TỰ VỊ, Rey, Curiol & Cie, Sài Gòn, 1895. nxb. Khai Trí, Sài Gòn, 1974: Thống hối = ăn năn, trách mình.

[10] Lm. Eugène Gouin, MEP, DICTIONNAIRE VIETNAMIEN CHINOIS FRANÇAIS, D’Extrême Orient, Sài Gòn, 1957: Thống hối = regrette, se repentir, contrit (ăn năn, hối tiếc, hối hận, hối quá, bị dày vò, cắn rứt).

[11] “Contritio, quae primum locum inter dictos paenitentis actus habet, animi dolor ac detestatio est de peccato commisso, cum proposito non peccandi de cetero” (DZ.1676).

***

Phụ lục

Năn (eleocharis equisetina) là một loại cỏ mọc ở vùng đất phèn hay vùng nước lợ, cây suôn tròn, cao từ 30 đến 40cm, bọng, có mắt dài, phát hoa dài trắng, được dùng dồn nệm hay gòn. Thân của nó dùng làm đan chiếu, thảm, giỏ và một số vật dụng trang trí thủ công mỹ nghệ… Đặc biệt có một số loại năn củ (eleocharis tuberosa) của nó là thức ăn ưa thích của loài sếu đầu đỏ.

Lm. Stẹphanô Huỳnh Trụ

Nguồn: emty

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment