Tờ báo địa phương vừa tả lại rất kỹ một chuyện xem ra thật động trời xảy ra tại một vùng ngoại ô New Orleans: một người Mỹ tên là Maurice Sierra trong cơn tức giận cùng độ đã dám phạm tội công khai bằng cách lấy xe hất con chó Gris Gris vào bờ dậu sắt, rồi de xe lại đè lên con chó chòe choẹt máu ngay trước mắt nhiều người. Con chó quằn quại giẫy giẫy mấy cái rồi nhắm mắt an giấc ngàn thu. Thê thảm.
CHÓ CHẾT CHƯA HẾT CHUYỆN
Thế là cả trăm cú điện thoại gọi cho cảnh sát. Thế là còi hụ, đèn chớp, người người tuốn đến, rối cả lên một góc phố Gretna. Lập tức chàng Sierra bị còng tay vì phạm tội tầy trời. Hội bảo vệ súc vật lên tiếng tới tấp về vụ xâm phạm khuyển quyền trắng trợn này. Và bản án là anh chàng Sierra bị phạt một ngàn đồng tiền Mỹ, kèm thêm 100 giờ phải đi đến trung tâm tiếp chó “animal shelter” để tỏ dấu ăn năn thống hối bằng cách dọn phân rác hầu hạ làm tôi chó cho nên.
Ấy, chớ vội bảo người Âu Mỹ là bệnh hoạn, lệch lạc: bênh người không bênh lại đi bênh chó. Bởi vì chó ở xứ này là bạn thân của nhiều người cô quạnh đơn lẻ. Tình chó ở thời điểm văn minh của thiên niên kỷ 3 tưởng là cao độ này đang có thể vỗ về khỏa lấp trống rỗng phần nào thay cho sự thiếu vắng tình người. Chó nó biết vẫy đuôi chào chủ, chia sẻ niềm vui với chủ. Chủ có tức giận chửi đánh nó thì nó chỉ biết hờn. Buồn quá thì cũng biết xụt xùi thôi chứ không bắt phải ra tòa li dị. Chó rất chung thủy, biết tỏ tình quyến luyến. Hồi còn nhỏ tôi nhớ gia đình tôi có nuôi một con chó Vện thật khôn. Nhưng có dạo nó bị tật nên phải cho người ta làm thịt. Nó linh cảm rất bén nhậy. Biết sắp phải bị giết mà nó vẫn không trốn đi, chỉ nằm góc nhà mà khóc chảy nước mắt. Tội chưa?
VŨ THƯ HIÊN VÀ MỐI TÌNH CON CÓC
Con người ở thời điểm này cần tình thương quá sức mà lại khó tìm thấy nơi loài người mới khổ. Chẳng tìm được ở nơi người thì phải tìm ở chó chứ biết sao. Thời đại này nhiều tiến bộ lắm, chế ra được những lý thuyết vĩ đại: duy vật và duy con vật. Thời điểm của những chủ nghĩa thuyết lý “người là con vật kinh tế” mà, nên tiến hóa ra những loại người mất dần bản tính người.
Vũ Thư Hiên đã tả mối tình cóc thật cảm động trong cuốn hồi ký nhà tù Đêm Giữa Ban Ngày. Ông này bị giam cách li lâu ngày, chả còn ai nói chuyện, chả còn ai cảm thông. Thèm tình người quá đi. May vớ được một con cóc trong phòng giam bèn làm thân và đặt tên là Arlequin: “Sự bận rộn với con cóc làm cho cảnh sống của tôi dễ chịu hơn. Bây giờ hằng ngày tôi có được cái thú ngồi im lặng trên phản mà quan sát nó nhảy nhót qua lại trên khoảng đất trống giữa cái phản và cánh cửa. Con cóc xấu xí nhưng chăm chỉ chẳng mấy khi ngồi yên một chỗ. Suốt ngày nó tha thẩn nhẩy tới nhẩy lui, thỉnh thoảng lại đớp lia lịa những con kiến vô hình trong bóng tối. Tôi buộc phải đặt chân rất thận trọng mỗi khi bước xuống đất kẻo dẫm lên nó.” (trang 580).
Giá mà nuôi chó, nuôi mèo, nuôi chuột nhắt con hay nuôi chim thì thú hơn. Nhưng trong nhà tù làm sao mà có. May mà còn vớ được một con cóc: “Đành nuôi con cóc xấu xí kia vậy. Những ngày đầu nó còn lẩn tránh tôi, mỗi lần tôi tới gần nó là nó vội vã nhảy đi. Lâu dần rồi cu cậu cũng quen, không đến nỗi xa tránh tôi như trước. Thậm chí thỉnh thoảng tôi có vuốt ve nó, nó vẫn ngồi im. Người ta nói khi đụng vào cóc, da nó sẽ tiết ra một loại mủ độc, chạm vào thì bị lở loét. Con cóc của tôi chẳng tiết ra chất gì hết. Chắc nó không muốn hại tôi. Quen thêm chút nữa, tôi lại đặt nó vào lòng bàn tay rồi đưa lên tận mắt ngắm nghía. Nó cũng mặc. Chỉ tiếc nó không biết nói, tôi có nói gì nó cũng không thèm đáp, chỉ giương đôi mắt thao láo ra nhìn tôi.”
Vũ Thư Hiên còn cho cái nhìn tâm lý thật sâu của con người trong những lúc thấy mình thành vô dụng thừa thãi. Cái đó ông gọi là bản năng cầu bầu.
“Không phải chỉ nhu cầu có bạn trong cảnh cô đơn mà người tù xà lim nuôi những con vật chẳng ai nuôi làm cảnh bao giờ. Con người cần có ai đó để săn sóc. Nói cách khác, nó cần được thấy nó đang hiện hữu và hiện hữu có ích. Tình cảm đó là hạt nhân Thiện nằm trong mỗi chúng ta.” (trang 585)
Ấy thế mà anh bạn cóc chẳng chịu ở trong cái phòng giam chật hẹp tối tăm này để cho Vũ Thư Hiên kết bạn mà bù đắp cái bản năng cầu bầu! Một ngày kia nó trốn mất ra ngoài, làm kẻ ở lại nhớn nhác tìm mãi trong thất vọng thẫn thờ.
“Mệt mỏi, tôi nằm vật ra phản. Nước mắt tôi chảy ra. Tôi nhớ Arlequin như nhớ một con người. Buổi chiều tôi bỏ cơm… Trong xà lim vắng lặng hẳn. Cứ như thể Arlequin còn đó thì xà lim không vắng vẻ đến thế. Tôi cảm thấy hụt hẫng. Không còn nữa tiếng sột soạt khe khẽ khi Arlequin di chuyển trên nền xi măng, chỉ có nghe thấy được khi rất chú ý. Không còn cái bóng nhỏ lui cui lúc chỗ này lúc chỗ kia, trong cái cũi người nay còn lại mình tôi.” (trang 587)
Thế là trong cơn thương nhớ và chán nản Vũ Thư Hiên ngủ thiếp đi. Trong cơn mơ ông ta thấy con cóc trở về. Chắc chắn là phải có màn trách móc và màn biện hộ. Con cóc nói lý do bỏ đi không phải vì gì khác hơn là không chịu nổi cảnh tù túng: “Tôi cũng muốn ở cùng anh, nhưng rất tiếc, không thể được. Tôi là một con cóc. Không con vật nào muốn sống trong lồng, trong chuồng, anh có hiểu như thế không? Sống như thế không phải là sống. Chúng tôi không cầm tù nhau như các anh, loài người… Không biết và không nỡ. Tôi biết: các anh nghĩ rằng loài người các anh là sinh vật thượng đẳng, các anh coi các anh cao hơn các loài khác, nhưng tôi nghĩ các anh lầm.”
Hoàn toàn không phải thế… “Tôi không biết phải nói gì với Arlequin. Tôi buồn nỗi mình thuộc một loài mà cả đến con cóc cũng không thèm kính trọng.” (trang 589).
TIN VUI CỜ PHÚT ĐỐN NGỘ
Thật tội cho những người trong lúc cô đơn cùng độ mà không có được con mắt của niềm tin để gặp được Chúa là Tình Yêu. Lúc quá đơn côi thì phải tìm chơi với chó hay cả với con cóc mà cũng không được. Có người thì khỏa lấp bằng đi casino đánh bạc hay chai rượu sương mù… mịt: một xị mở mang trí hóa, hai xị giải phá cơn sầu…
Niềm an ủi và sức mạnh lớn nhất cho người theo đạo Chúa là mở mắt thấy được Chúa luôn hiện diện bên cạnh săn sóc yêu thương, dù đang đi đường hay trong nhà tù. Chính vì thế mà người ta lấy làm lạ là tại sao Thánh Lê Thị Thành cũng như Các Thánh Tử Đạo Việt Nam luôn bình thản, và vui tươi khi bị giam nhốt hay bị dẫn ra pháp trường. Vì các Ngài thấy được: có Chúa nâng đỡ tôi, tôi còn sợ chi. Có lần quan đã dùng trò dã man là buộc ống quần áo của bà thánh lại rồi vất rắn độc vào trong người bà làm cho bà hoảng sợ. Đây là trò quá ác độc. Con rắn lành lạnh bò tới bò lui. Cơn sợ hãi tăng lên cùng độ. Nhưng bà luôn miệng cầu xin ơn Chúa: “Giêsu, Maria, Giuse, xin ba Đấng cứu con”.
Và Bà can đảm đứng yên không nhúc nhích nên rắn không cắn mà từ từ bò ra. Bà đã cầu nguyện tha thiết và Chúa đã ban cho bà sức mạnh phi thường để chịu đựng những thử thách xem ra vượt quá sức của bà. Sau đó bà đã nói rõ bí mật của sức mạnh này: “Họ đánh đập dữ tợn lắm. Người thế gian không có sức nào mà chịu được, song khi tôi phải đòn thì tôi cầu xin Đức Mẹ phù hộ thêm sức mạnh cho tôi, nên tôi không cảm thấy đau đớn.”
Hội Thánh Công Giáo có truyền thống dành bốn tuần trước lễ Giáng Sinh để chuẩn bị đón Chúa, gọi là Mùa Vọng. Thực ra thì Chúa và Đức Mẹ đã đến rồi, mình phải điều chỉnh lại con mắt để bừng mở nhìn để thấy được Chúa và Đức Mẹ thì đúng hơn. Đó là giây phút đốn ngộ.
Vì thế mà Tin Vui tuần này bảo: “Chúng con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn” (Luca 21:36). Tức là hãy khai mở con mắt của tâm để nhìn những dấu chỉ thì thấy được Chúa đang có mặt.
“Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, chúng con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi chúng con đã đến gần…”
” Đã đến ngày Ta sẽ thực hiện Tin Vui Ta đã loan báo cho nhà Israel. Và đây tên người ta sẽ gọi Ngài: “Thiên Chúa, Đấng công chính của chúng tôi.” (Giêrêmia 33:14-16).
PHÚT TỊNH TÂM
Trong lúc gặp nghịch cảnh đen tối buồn khổ, xin cho con phút lóe sáng để bừng mở con mắt thứ ba là con mắt của niềm tin. Vâng, con tin và thấy được Chúa đang có mặt nơi đây, bên cạnh con, đang kết thân với con và săn sóc yêu thương con. Bao người trong thời điểm này quá thừa mứa vật chất mà lại thật sự thiếu hụt tình thương. Cảm nhận được Chúa là tìm được tình thương yêu vỗ về mọi nơi, mọi lúc. Và trong thái độ kinh ngạc, con cung kính đón chào Chúa như Mô-Sê đã cảm nghiệm đốm lửa bật lên trong bóng tối sa mạc hoang vu cô quạnh lòng mình:
“Lạy Chúa, con sấp mình xuống trước mặt Chúa. Con tin thật Chúa ở khắp mọi nơi, thông biết mọi sự, hằng xem thấy con, hằng nghe lời con cầu nguyện.”
Lm. Dũng Lạc Trần Cao Tường