Chúa là Cha. Có khi nào Bạn suy nghĩ chân lý yên ủi ấy cho thấu đáo không? Ở đây, tôi không muốn chứng minh chân lý ấy. Bạn chỉ cần mở Phúc âm ra, và Bạn sẽ thấy nhiều lần Chúa dạy chúng ta cho biết Chúa là Cha. Chẳng hạn một lần các tông đồ xin Chúa dạy cho biết cầu nguyện, thì Chúa dạy rằng: “Khi chúng con cầu nguyên, chúng con hãy đọc: Lạy Cha chúng con ở trên trời… ” [43] Nếu Chúa chỉ phán một câu ấy, cũng đủ chúng ta tin nhận Chúa là Cha, huống chi, như tôi vừa nói ở trên, rất nhiều lần Chúa dạy chúng ta: Chúa không phải chỉ là Đấng tạo thành chúng ta, Chúa không phải chỉ là Vua, là Chúa chúng ta, Chúa không phải chỉ là Đấng cứu chuộc chúng ta, tất cả những tước vị ấy đều đúng với Chúa hết, nhưng… đọc những tiếng ấy lên, chúng ta thấy mình hình như xa Chúa quá… chúng ta có cảm giác như Chúa không biết gì mấy đến chúng ta, Chúa không săn sóc gì mấy đến chúng ta, cùng lắm Chúa chỉ chăm sóc chung chúng ta, như Chúa săn sóc tất cả các loài thụ sinh, nhưng Chúa còn muốn chúng ta gọi Chúa là Cha.
Vậy, nếu Chúa là Cha, thì tình thế đổi hẳn: chúng ta sẽ là con; và vì là Cha, Chúa sẽ săn sóc đến chúng ta chu đáo, như cha săn sóc con… và còn hơn tất cả các người cha thế gian săn sóc con, dù là người cha hiền đến đâu… ông Téctulianô nói: Nemo tam pater, nghĩa là không ai Cha bằng Chúa. Đã gọi là Cha thì phải có lòng nhân từ đại độ đối với con cái, phải tận tâm hy sinh cho con cái… phải có can đảm hy sinh tất cả, hy sinh cả sự sống, nếu cần, để tỏ tình thương yêu con…
Nhưng người cha nào ở đời đã làm được đến thế? Người cha nào ở đời đã có thể xưng được: Tôi là chính tình yêu. Chỉ có một mình Chúa, như lời Kinh thánh đã nói: Chúa chính là tình yêu.[44] Còn có thể nói thế nào rõ hơn, mạnh hơn về tình yêu của Chúa được nữa? Và Chúa đã dùng cả khối tình yêu vô cùng của Chúa, của người Cha, để phụng sự con cái là chúng ta.
Chúng ta hãy tưởng tượng một người con ở trần gian được một người cha yêu thương tha thiết bằng một trăm, hoặc bằng một nghìn người cha, thì đứa con ấy sẽ được săn sóc yêu thương biết chừng nào… và ai không nói đó là đứa con hạnh phúc nhất đời.
Nhưng Chúa không phải chỉ có một khối tình yêu như một trăm, như một nghìn, như một triệu người cha, nhưng là một thứ tình yêu gấp vô cùng lần tất cả các tình yêu của tất cả các người cha, của tất cả các người mẹ từ Adong, Evà cho đến tận thế. Và hằng ngày Chúa đem cả khối tình yêu vô cùng ấy ra để yêu thương chúng ta, để săn sóc chúng ta. Vậy mà chúng ta lại không sung sướng, sung sướng đến vỡ cả lồng xương ngực chúng ta ra sao?
Một người cha như Chúa thì không thể làm một cái gì cho chúng ta, không thể để chúng ta gặp một câu truyện gì, không thể để chúng ta bị một sự đau khổ nào mà không phải do tình yêu, một tình yêu vô cùng.
Cha yêu con đến đâu, cũng phải có lúc để con chịu khó, chịu khổ, chịu cực. Mà một ngươi Cha càng biết yêu con, càng bắt con chịu thương chịu khó, vì có biết chịu thương chịu khó, đứa con mới mong nên người được. Người cha yêu con đến đâu, thì khi con cần uống thuốc đắng, khi con cần bị mổ bị đốt, người cha cũng đành lòng bắt con uống thuốc đắng, bắt con bị mổ bị xẻ… vì có vậy, con mới sống được, con mới khỏe được.
Nếu chúng ta biết quan niệm Chúa như người cha – vì thật Chúa là Cha chúng ta – một ngươi Cha thương chúng ta, không phải chỉ lắm lắm, nhưng là thương ta vô cùng, và thương đúng lối, chứ không phải thương theo lối nhiều người cha mẹ thế gian, thương con không phải đường, thương con phần xác, phần trí, mà quên phần hồn con, quên đời sau của con… nếu ta biết quan niệm được như thế, thì không khi nào chúng ta còn phàn nàn kêu trách, khi Chúa để chúng ta đau khổ, khi Chúa trao thuốc đắng cho chúng ta, khi Chúa bắt chúng ta chịu mổ, chịu xẻ, chịu cắt, chịu chặt về đàng thiêng liêng, nói kiểu khác, khi Chúa gửi Thánh giá đến cho, vì trong tất cả những phiền muộn đau buồn, trong tất cả những Thánh giá ấy, chúng ta thấy tấm lòng yêu đương vô cùng của Chúa, chúng ta chỉ thấy hai bàn tay êm ái của người Cha… chỉ biết thương chứ không biết ghét, chỉ muốn chữa bệnh, chứ không phải bắt chúng ta chịu cay, chịu đắng để thỏa cơn giận của mình. Nói cho thân mật hơn, chúng ta sẽ hôn bàn tay nhân từ, thương yêu của Chúa, khi Chúa cho của ngon của ngọt, cũng như khi Chúa đưa thuốc đắng, cũng như khi Chúa dùng roi để sửa trị nết xấu của chúng ta.
Trước đây, khi một người con bị cha mẹ phạt, khi một người học trò bị ông thầy đánh thì sau khi bị phạt, người con, người học trò lạy cha mẹ, lạy ông thầy ba lạy để tỏ lòng biết ơn, vì cha mẹ, vì ông thầy có thương mới sửa phạt, cốt cho mình nên thân nên người.
Tại sao đối với Chúa, chúng ta không cư xử như thế, mà lại kêu ca lẩm bẩm, lại mất cả lòng tín nhiệm, có khi bỏ cả Đạo nữa? Lý do, là vì chúng ta chưa hiểu Chúa là Cha, một người Cha nhân ái vô cùng, thương con vô cùng.
Tôi rất tiếc, trong khuôn khổ quyển sách nhỏ này, không thể đem hết những đoạn rất ý nghĩa và rất cảm động của Phúc âm ra đây để giúp Bạn hiểu thêm. Tôi khuyên Bạn hãy tìm Phúc âm mà đọc. Đồng thời hãy đọc Truyện Một Linh Hồn, hoặc các sách khác nói về Thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu… Bạn sẽ hiểu thêm nhiều về lòng Cha của Chúa, và Bạn sẽ thấy mình khác hẳn từ trước, khi thấy những đau khổ vây bọc quanh Bạn .[45]
Hiện thời tôi hãy xin Bạn một điều là từ đây mỗi khi đọc kinh Lạy Cha, bắt đầu những tiếng: Lạy Cha chúng con, Bạn hãy thiết tha xin Chúa cho Bạn hiểu Chúa là Cha và hãy xin cho Bạn được biết đối xử với Chúa như đứa con ngoan nhất với ngươi Cha hiền nhất.
Bạn thử đi!
Lm. Nguyễn Văn Tuyên, DCCT
[43] Matt. 6,9
[44] Gioan 4, 16
[45] Tôi hy vọng một ngày không xa sẽ được hân hoan hiến Bạn quyển CON ĐƯỜNG THƠ ẤU THIÊNG LIÊNG CỦA TH. TÊRÊSA H.Đ.GIÊSU. (đang soạn)