WHĐ (20.12.2012) – Hôm thứ hai 17-12-2012, tại Vatican đã diễn ra một cuộc trao đổi văn bản giữa Toà Thánh và Đài Loan, theo đó Quốc vụ khanh Toà Thánh và Bộ Ngoại giao Đài Loan đã ra thông báo: Toà Thánh và Đài Loan đã hoàn thành các thủ tục cần thiết để hiệu lực hoá Hiệp định giữa Bộ Giáo dục Công giáo của Toà Thánh và Bộ Giáo dục Đài Loan về việc hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đại học và về việc công nhận chương trình học, học vị, bằng cấp và trình độ.
Hiệp định được ký kết tại Đài Bắc ngày 2-12-2011 do Bộ trưởng Bộ Giáo dục Công giáo của Toà Thánh – Đức Hồng y Zenon Grocholewski – và Bộ trưởng Giáo dục Đài Loan Ngô Thanh Cơ. Ngày 20-11, Hiệp định này đã được Quốc hội Đài Loan nhất trí thông qua.
Đây là một Hiệp định mang tính văn hoá và hành chính, được quy định tại khuôn khổ của Công ước cấp vùng của UNESCO về việc công nhận chương trình học, học vị, bằng cấp trong lĩnh vực giáo dục đại học tại châu Á và vùng Thái Bình Dương, ký kết tại Tokyo vào ngày 26-11-2011 với sự tham gia của Đài Loan và Toà Thánh cùng với các quốc gia khác. Hiệp định đề cập đến 2 lĩnh vực: về phương diện hành chính – học thuật, các bên công nhận chương trình học, trình độ, bằng cấp và học vị của nhau, và hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đại học, bao gồm việc Giáo hội Công giáo sẽ hiện diện trong môi trường đại học của khu vực này với tiếng Trung Quốc.
Với Hiệp định này, Bộ Giáo dục Đài Loan thừa nhận các học vị và bằng cấp của Giáo Hội do Toà Thánh cấp trên toàn thế giới, tôn trọng các điều khoản Giáo luật về cơ cấu và quản lý các trường đại học Công giáo và các phân khoa thần học của Giáo Hội ở Đài Loan, cũng như quyền đề ra các giá trị Kitô giáo trong môi trường giáo dục và tại các phân khoa khác. Về cơ bản, hai bảo đảm sau được bao gồm tại điều 2, liên quan đến việc công nhận tính độc đáo của hệ thống giáo dục dành riêng cho các trường đại học và phân khoa của Giáo Hội. Sự công nhận này hàm ý tôn trọng Giáo luật về giáo dục, bảo vệ tính Công giáo của các cơ quan giáo dục, thẩm quyền riêng của Toà Thánh về nội dung, chương trình học và việc bổ nhiệm giám đốc và ban giảng huấn, cũng như các cam kết bằng văn bản của cá nhân các giảng viên và nhân viên hành chính về mặt đạo đức, phù hợp với giáo lý và luân lý Công giáo.
Trong Phần cuối, Hiệp định chủ yếu đề cập đến các khía cạnh kỹ thuật và quản lý hành chính của việc công nhận chương trình học, trình độ, học vị và bằng cấp: tất cả đều tham chiếu một cách chính xác Công ước cấp vùng của UNESCO.
Hiệp định này cũng sẽ mang lại ưu đãi cho các linh mục, chủng sinh và giáo sĩ từ Trung Hoa đại lục theo học tại tại Đại học Công giáo Phụ Nhân ở Đài Bắc.
(VIS, 17-12-2012)
Minh Đức
Nguồn: WHĐ