Tôi mời Bạn cùng tôi leo lên đỉnh núi Sọ. Chúng ta sẽ thấy ba cây Thánh giá dựng trên ấy. Và trên ba cây gỗ hèn hạ ấy, ta thấy ba người bị án tử hình. Chúng ta đã biết ba người ấy là những ai.
Bên tả là người tội lỗi khốn nạn, anh ta cưỡng lại với sự đau đớn.
Bên hữu là người trộm lành, anh ta vui lòng chịu khó.
Ở giữa là Chúa Giêsu, Đấng yêu mến sự đau khổ.
Thế giới cũng là một núi Sọ khổng lồ, cắm đầy những Thánh giá. Trên các Thánh giá ấy, là các con cái Adong, là Bạn, là tôi… là tất cả mọi người chúng ta.
Có người thì giẫy giụa khi phải đóng vào Thánh giá, giống như người trộm dữ.
Người khác thì nhẫn nại, chịu đau khổ, giống như người trộm lành.
Một số ít người khác, thì yêu mến Thánh giá như Chúa Giêsu, đấy là những người thánh, những người tạo nên người thánh.
Mỗi người chúng ta, Bạn, tôi… chúng ta vào hạng người nào trong ba hạng người ấy?
Trên Thánh giá người trộm dữ, chúng ta thấy gì? – Chúng ta thấy một người chửi rủa Thánh giá, một kẻ thù Thánh giá.
Lẽ ra người trộm dữ kia, trong cơn đau khổ, đã phải cảm thương Đấng chí công chí thánh, đang chịu cùng hình khổ như anh ta mới phải, bởi vì anh ta đã gần mồ, thì phải lo dọn mình chết, và không gì tốt bằng nhẫn nhục nhận lấy sự đau khổ để đền tội. Đàng này không, linh hồn cứng cỏi, khô rắn và thô bỉ của anh ta chỉ nhớ đến những của hèn hạ mau qua đời này, anh ta bám chặt vào sự sống đang sắp lìa anh ta và anh ta thất vọng. Để cứu được mấy phút sống tàn của anh ta, anh ta đã ngạo ngược xin Chúa làm phép lạ cứu anh ta cho sống [56]. Chúa không làm phép lạ, nên anh ta lại đổ cho Chúa là căn cớ gây khốn nạn cho anh ta, và chửi rủa Chúa. Vì sợ chết, anh ta tìm cách giẫy giụa trên Thánh giá, cho đến lúc từ Thánh giá anh ta đã chết không bằng an, ít ra chúng ta nghĩ được như vậy.
Trên đời những kẻ bắt chước người trộm dữ có thiếu không Bạn? Khi Chúa giả làm lơ, không nghe lời họ cầu nguyện, hoặc không làm phép lạ như ý họ muốn, là họ oán thán, cưu hờn, đôi khi đâm thù ghét Chúa.
Người ta kể rằng: một cụ già theo xác con ra huyệt. Lúc đã hạ huyệt rồi, ông ta đến gần, giơ tay trên quan tài của cậu con, và nói: “Tôi thề sẽ báo thù Thiên Chúa”. Thật là quái gở! Nói sao làm vậy. Ông ta đã báo thù thật, và báo thù một cách hết sức ma quỷ. Ông ta tìm cách làm gương xấu cho người khác, tìm hết cách làm hư các linh hồn. Thật là một cách báo thù hết sức ghê rợn, ít thấy xảy ra.
Không mấy người quái gở đến thế, nhưng biết bao người đã nói phạm, đàn ông thì nói phạm công khai, đàn bà thì kín đáo hơn, nhưng cũng là phạm thượng thật. Họ nói: Chúa không công bằng… tôi đã làm gì nên tội mà Chúa bắt tôi khổ thế này thế khác… Hạng người kiêu ngạo! Sao không nhớ đến tội mình đã phạm? Họ là hạng người thô bỉ, chỉ mong được lĩnh thưởng ngay từ đời này, như bọn Do Thái xưa; và tôn giáo, đối với họ, chỉ là phương thế giúp họ thêm hoặc chắc được dễ chịu, được thịnh vượng ngay từ đời này. Vì không được như ý muốn, họ nói phạm đến Chúa, họ không giữ đạo nữa.
Một hôm, ở một xứ Đạo kia, có cuộc rước kiệu. Không hiểu trong lúc đi kiệu có truyện gì xích mích… một người trong bọn họ, là ông chánh, ông trưởng gì không biết… la lối chửi rủa om xòm chung quanh Nhà Thờ… lúc về nhà ông ta đập phá bàn thờ và không cho vợ con giữ đạo nữa.
Một người khác, trong khi đi vắng, ở nhà mất trộm. Về nhà, anh ta tức quá, cả gan đem tượng Đức Mẹ ra vườn hành hạ, vì Đức Mẹ đã không biết giữ nhà cho anh ta… ấy là tôi không dám thuật ra đây những câu vô cùng phạm thượng anh ta đã nói với Đức Mẹ trong lúc ấy. Nói lên ai nghe cũng rùng mình.
Họ là những người khốn nạn, làm thế tức là họ tự làm khổ cho mình, vì họ đã tự mình làm mất sự bình an và yên ủi trong tôn giáo; chỉ có những sự yên ủi ấy mới giảm được nỗi buồn; họ làm cho họ đau khổ thêm, và buồn sầu vì đã lỗi bổn phận người có Đạo, linh hồn họ thêm lạnh lẽo tối tăm, và Chúa là sự sáng, sự nóng đã ra khỏi linh hồn họ.
Bạn thử xét mình xem, Bạn có thể tự nhủ rằng Bạn không có điều gì đáng trách về phương diện này không? Chắc là không khi nào Bạn dám tìm cách báo thù Chúa, nhưng nhiều lần Bạn đã không quạu cọ là gì? Chắc là Bạn chưa đến nỗi dám nói phạm đến Chúa, nhưng mỗi khi khó chịu quá – hoặc Bạn tưởng mình phải chịu đau khổ quá – Bạn đã không than thở kêu trách Chúa là gì? Chắc Bạn chưa đến nỗi bỏ việc làm bằng hữu Chúa, nhưng nào đã không có nhiều lần, Bạn đã bỏ một hai việc đạo đức quen làm là gì? Đã hẳn, Bạn chưa dám ngã lòng – ít ra tôi nghĩ thế – nhưng chắc là nhiều lần Bạn đã để mình chán nản, và vì chán nản, Bạn đã mong chết, để thoát nợ đời. Cái ấy không được, ông Gióp xưa đã làm thế, và ông đã bị Chúa quở. Tiên tri Giona xưa cũng đã làm thế, và cũng đã bị Chúa quở.
Vậy thì khi bị treo trên Thánh giá, chúng ta đừng làm như người trộm dữ, ta hãy nín lặng.
Trên Thánh giá của người trộm lành, ta thấy gì? – Ta thấy một người thống hối biết nhẫn nhục.
Người trộm lành trước cũng là người tội lỗi, một người lỗi nặng. Lúc đầu, anh ta cũng đã nói phạm đến Chúa, nhưng vì thấy Chúa can đảm, nhẫn nại, bình tĩnh trong sự đau khổ, anh ta đã hết sức cảm phục, anh ta lại còn ra mặt bênh Chúa nữa. Anh ta nói với người trộm kia: “Sao anh lại sỉ nhục Người, Người là Đấng công chính, nào Người có phạm tội gì đâu”. [57]
Và hạ mình xuống trước mặt Chúa, trước mặt thiên hạ, anh ta tuyên bố: “Còn chúng ta, chúng ta chịu thế này là đáng lắm”. Anh ta thành thực hối lỗi và nhẫn nại chịu khó để đền tội. Người khiêm nhường thật, lúc nào cũng đầy lòng trông cậy. Anh ta liền ngửa mặt lên cùng Chúa và than: “Lạy Chúa, khi nào Chúa về nước Chúa trị, xin nhớ đến tôi cùng”. Anh ta liền được nghe lời yên ủi Chúa phán: “Ta nói thật, ngay ngày hôm nay, ngươi sẽ được ở nơi vui vẻ cùng Ta”. [58]
Đó là một người trộm lành. Ông được coi như gương mẫu những người nhẫn nại chịu đau khổ. Ông không phải người đi đón rước sự đau khổ, ông ta đã làm hết sức để tránh sự đau khổ Nhưng khi thấy sự đau khổ là hình phạt xứng đáng với các tội lỗi của mình, ông ta hiểu rằng: nhờ sự đau khổ, người ta có thể được nghĩa cùng Chúa, nên ông ta đã bắt đầu yêu sự đau khổ. Chỉ nói được là bắt đầu, vì người ta không thấy dấu gì tỏ ra ông ta đã ham mê sự đau khổ, mà không kêu ca, không lẩm bẩm. Vì biết mình chịu phạt là đúng, nên ông ta đã cúi đầu lĩnh nhận hình phạt Chúa gửi đến. Như thế mới là nhẫn nại, nhưng là sự nhẫn nại của con nhà Kitô hữu.
Không phải thứ nhẫn nại kiêu ngạo của con người bất nhẫn, họ không làm gì được, thì làm bộ không cảm thấy đau khổ. Hạng người ấy có được công gì? Họ được một tí danh vọng của loài người, là cái không đáng kể. “Họ đã được công của mình rồi” [59] nhưng hạng người khoa trương thì chỉ được chút phần thưởng mây khói.
Cũng không phải cái nhẫn nại của hạng người tin vào định mệnh… hạng người cho rằng: cái gì cũng đã có số. Họ coi đời này như một người đàn bà mặc một bộ áo thật sang, lúc người ấy bước đi thì vạt áo gạt phải đàn kiến, và đè giập chúng nó. Và tất cả loài người chỉ là đàn kiến ấy… bị đè bẹp… thế là xong. Chỉ có thế, chứ không có bàn tay Chúa nào trong ấy. Hạng người ngu ngốc ấy đáng được cái gì? Không đáng được cái gì cả… và cứ thế, là các con người kiến kia sẽ kéo nhau xuống hỏa ngục.
Cái nhẫn nại của người trộm lành là cái nhẫn nại của người công giáo: sự đau khổ, ông ta có cảm thấy. Ông ta thú nhận rằng: ông ta cảm thấy đau khổ, nhưng ông ta cũng nhận thấy rằng sự khó là do Chúa gửi đến, và nếu Chúa tha cho không bắt chịu khó, thì ông ta sẽ bằng lòng, nhưng vì Chúa muốn thì ông ta vui lòng chịu để đền tội, và để làm nguôi cơn giận Chúa. Ấy là sự nhẫn nại của con người công giáo.
Hết mọi người chúng ta phải lo cho được ít ra như thế, và nhất là những linh hồn đã dâng mình cho Chúa, trước hết phải lo cho được bằng ấy. Chúng ta đau khổ, nào chúng ta lại không phải nói rằng: tôi đáng chịu đau khổ? Nếu ta chỉ phạm một tội trọng thì chúng ta đã đáng sa hỏa ngục đời đời, vậy thì những sự đau khổ chúng ta chịu bây giờ đã thấm vào đâu với những sự đau khổ lẽ ra chúng ta phải chịu trong hỏa ngục. Nếu chúng ta chỉ phạm tội nhẹ, dù chỉ một tội nhẹ, thì chúng ta sẽ đáng chịu phạt trong luyện ngục, vậy những sự đau khổ chúng ta chịu, đã thấm vào đâu với những sự đau khổ rồi đây chúng ta phải chịu trong luyện ngục… hoặc lẽ ra chúng ta sẽ phải chịu… xin Bạn hãy xem đoạn nói về hỏa ngục và Luyện ngục trên đây, trong mục Hãy nhìn xuống.
Vậy chúng ta hãy nhận lấy những sự đau khổ ấy để đền tội, để làm nguôi cơn giận Chúa, để cứu các linh hồn, để làm sáng danh Chúa.
Đã đành, chúng ta có thể hy vọng Chúa đã tha tội cho rồi, nhưng vì Chúa đã tỏ tình thương ta như thế, ta lại không phải vui lòng chịu khó một tí để đền những sự “thiệt hại” ta đã làm cho Chúa ru? Rồi, dù Chúa đã tha tội cho ta, nhưng cửa luyện ngục vẫn còn mở rộng để đón ta. Vậy ta phải nhẫn nại chịu đau khổ để đóng khóa cửa luyện ngục lại.
Ta hãy bắt chước người trộm lành, hãy nhẫn nại cho xứng người công giáo.
Trên Thánh giá Chúa Giêsu, ta thấy gì? – Ta thấy một Đấng hy sinh khải hoàn, ca bài ca yêu mến.
Đây là mấy đặc điểm nhận thấy nơi Chúa:
1) Chúa đã hoàn toàn tình nguyện hy sinh, như lời Kinh thánh đã nói “Người đã dâng mình, vì đã tự ý muốn dâng mình” [60] Ta đã thấy Chúa mau mắn đi đến chỗ chết. Ở vườn Diệt, dù phần giác quan Chúa có phản kháng, nhưng Chúa đã vui lòng nhận lấy chén đắng. Lúc bọn Giuđa đã bị ngã ngửa, Chúa lại cho chúng đứng dậy. Chúa có sẵn mười hai cơ đội thiên thần, Chúa có sẵn toàn thể các thiên thần để bảo vệ Chúa, nhưng Chúa đã không cho phép các Đấng. Chúa có thể cứu chuộc ta mà không cần phải đau khổ, không cần phải chết, nhưng Chúa đã muốn đau khổ, Chúa đã muốn chịu chết.
2) Chúa đã hy sinh, vì lòng yêu mến. Yêu mến Đức Chúa Cha: Trước khi chịu chết, Chúa đã phán rõ ràng: “Để cho thế giới biết ta yêu mến Đức Chúa Cha thì ta hãy đứng dậy và đi” [61] Yêu mến loài người, là các em của Chúa. Lời Kinh thánh nói: “Người đã yêu ta và đã nộp mình để cứu chuộc ta” [62] Và: “Ngày nào treo Ta lên, thì Ta kéo mọi người lên cùng Ta” [63].
Chúa đã hy sinh, và hy sinh vì lòng yêu, một thứ tình yêu cao cả xứng với Thiên Chúa.
3) Chúa đã hy sinh một cách vui vẻ. Khi nói về ngày thương khó của Chúa, Chúa đã phán lời này: “Ta phải chịu phép rửa trong máu Ta, và Ta khao khát chóng tới ngày ấy chừng nào!” [64]
Thật ra ở nơi Chúa, cũng như ở nơi chúng ta, phần cảm giác vẫn không ưa chịu khổ, và để ta biết than thở cùng Chúa, như con cái than thở với cha mẹ thì Chúa đã để cho phần cảm giác Chúa than thở, nhưng trong ý muốn Chúa, lúc nào Chúa cũng ham chịu khó, cũng nhảy nhót trong khi chịu khó, và trên Thánh giá, sau khi Chúa đã than lên lời đau đớn này: “Lạy Cha, sao Cha bỏ con ?” [65] thì Chúa đã nói một lời đầy tình yêu: “Lạy Cha, con xin phó linh hồn con trong tay Cha”. [66]
Lời ca yêu mến ấy, các bạn hữu của Chúa về sau, cũng đã xướng lên theo Chúa. Các Thánh Tông đồ, đã vui mừng sung sướng vì được chịu khổ vì Chúa. Các Thánh Tử đạo đã chạy đến chỗ tử hình, như người khác chạy đi ăn tiệc, và trong lúc say sưa đau khổ, các đấng đã thốt ra những lời như lời này: “Tôi là lúa mì của Chúa. Tôi cần phải được răng thú dữ nghiền tán tôi, các chúng hãy đến đi, nếu chúng do dự, các ông hãy thúc chúng đến, nếu không, thì chính tôi sẽ thúc chúng”. Kìa, từng đoàn đông vô số, đã lan tràn khắp hết rừng sâu, họ tìm hết cách để làm khổ cho thân xác họ, cũng như người khác tìm hết cách cho xác thịt họ được thỏa mãn. Kìa, những Bạn trăm năm Chúa trong những bức tường kia, là những của hy sinh vì Chúa và sung sướng vì được làm của hy sinh, họ đã tình nguyện đi đày vì Chúa, và sung sướng vì đã đày đọa được tấm thân vì Chúa.
Còn chúng ta, Bạn cũng như tôi, chúng ta có vào sổ những vị anh hùng ấy không? Chúng ta có thật vào sổ những người Mến Thánh giá ấy không? Tôi vừa nói mấy tiếng: Mến Thánh giá: vì trên Thánh giá của Chúa, ta không phải chỉ còn thấy con người nhẫn nại, con người cam tâm, con người vui lòng chịu đóng đanh để đền tội, nhưng ta đã thấy con người yêu mến Thánh giá, yêu say mê, say mê đến nỗi nếu có cần phải nằm luôn trên Thánh giá mới cứu được thế gian, thì Chúa cũng sẵn sàng nằm luôn trên ấy, để cho người ta muôn đời nhìn ngắm, và để cho kẻ dữ muôn đời sỉ nhục.
Chính tình yêu đã làm cho Chúa chúng ta nhảy mừng trên Thánh giá của Chúa.
Và đó cũng là gương cho hết mọi người muốn tỏ lòng mến Chúa thiết tha, thực tình, phải làm, là yêu mến Thánh giá, nhảy mừng khi được chịu khổ để tỏ lòng mến Chúa, để cứu linh hồn mình, và cứu linh hồn anh em mình.
Chắc là Bạn cũng như tôi, chúng ta đều ước ao được mến Thánh giá như Chúa, chứ không phải chỉ muốn nhẫn nại như người trộm lành. Đã đành được như người trộm lành đã là khá, và một số đông trong ta đã được đến chỗ ấy. Nhưng ta còn phải cố gắng yêu mến Thánh giá như Chúa, say mê Thánh giá như Chúa, và trong khi chịu khổ, ta sẽ xướng bài ca yêu mến như Chúa.
Đã đành, ta chưa thể và không khi nào có thể nhảy mừng trên Thánh giá được như Chúa, và dùng Thánh giá như khí giới để toàn thắng, nhưng ít ra ta hãy cố gắng bắt chước Chúa cho hết sức ta.
Nhờ thế, ta sẽ nhìn thấy Thánh giá như một cuộc toàn thắng của tình yêu, trước là yêu chính mình ta, vì Thánh giá sẽ ban cho ta được vững chắc, được bằng yên. Rồi đến tình mến Chúa, vì Thánh giá giúp ta nên thánh, mà nên thánh, tức là mến Chúa. Sau cùng là tình yêu anh em ta, vì nhờ Thánh giá ta sẽ đưa được nhiều linh hồn về cùng Chúa.
Thánh giá là thắng trận của tình yêu: khi ta suy nghĩ đến điều ấy, mà lại không yêu mến Thánh giá sao được ?
Người ta kể truyện một người nằm liệt trên giường. Đang khi người ấy suy đi nghĩ lại rằng: mình là vật vô dụng, chẳng ích lợi gì cho ai, thì Chúa Giêsu hiện đến, và dạy cho người ấy hiểu những ích lợi của Thánh giá, và người ấy đã làm bao nhiêu ơn ích mà không ngờ: Nào đã sắm sẵn cho mình một tòa cao sang trên nơi hằng sống, nào đã được đẹp lòng Chúa, nào đã làm cho nhiều người tội lỗi ăn năn trở lại, đã giúp nhiều linh hồn công chính được vững vàng, và giúp cho nhiều dân đang bị uy hiếp được thắng trận. Người ấy hết sức ngạc nhiên và sung sướng, người ấy đã xướng bài ca tụng Thánh giá.
Phần ta, ai cũng phải cố gắng sao để dùng Thánh giá như bài ca khải hoàn, bài ca yêu mến của ta, khải hoàn vì ta đã sắm được cho ta một ngôi tòa cao sang trên Thiên đàng; khải hoàn vì ta đã làm vui lòng Chúa; khải hoàn vì ta đã cứu được nhiều linh hồn; khải hoàn vì ta đã giúp được nhiều linh hồn nên thánh thiện hơn; khải hoàn vì ta đã yên ủi được bao nhiêu linh hồn đau khổ… Muốn được thế, ta hãy ngày ngày suy đến những ích lợi của Thánh giá. Nhất là ta hãy mến Chúa cho nhiều… nếu chịu đau khổ là dấu yêu mến, thì càng mến càng dễ chịu đau khổ cho người mình yêu.
Sau cùng, ta hãy cầu nguyện, cầu nguyện cùng Đức Mẹ, là Đấng, trừ Chúa ra, không ai đã đau khổ bằng Người, và cũng trừ Chúa ra, không ai đã hiểu giá trị và những ích lợi của sự đau khổ, của Thánh giá bằng Người.
Ước gì mỗi người chúng ta là một Chúa Giêsu nhảy mừng ca hát trên Thánh giá; được như vậy, thế giới sẽ thay đổi bộ mặt và hòa bình sẽ chóng trở lại, cũng như Giáo hội sẽ càng ngày càng đông con.
Chúa hy vọng vào mỗi người chúng ta. Chúng ta đừng để Chúa thất vọng.
Nhất là những người đã được hạnh phúc Chúa gọi vào con đường mến Chúa cách riêng. [67]
Lm. Nguyễn Văn Tuyên, DCCT
[56] Luca 23,39
[57] Luca 23,41
[58] Luca 23, 42-43
[59] Matt 6,2
[60] IS 53,7
[61] Gioan 14,31
[62] Eph 5,2
[63] Gioan 12,32
[64] Luca 12,50
[65] Matt 27,46
[66] Luca 23,46
[67] Phỏng theo Cha Billet, C.Ss.R. trong sách Le Crucifix.