Hay là: Một nguồn yên ủi
Linh hồn đau khổ, Bạn thân yêu, chắc đã có lần Bạn nghĩ: “Trên đời, chỉ có mình tôi là đau khổ, ít ra trên đời không ai đau khổ bằng tôi”.
Tôi không khinh Bạn, cũng không cười Bạn. Vì cái lầm tưởng ấy rất dễ hiểu. Sự khổ của ta, ta cảm thấy rõ rệt, còn sự khổ của người, ta không cảm thấy, hay chỉ cảm thấy sơ qua. Ngạn ngữ Pháp có câu: “Sự khó người khác, chỉ là giấc mộng”.
Buồn cười hơn nữa, là nhiều khi người ta sống giữa cảnh giàu sang, mà vẫn cho rằng: người nghèo khó sung sướng hơn. Đây, Bạn hãy đọc một đoạn thư tôi nhận được đã gần 20 năm nay: “Có lẽ những người nghèo nhất, lại là những người sướng nhất, vì họ chỉ mong sao kiếm cho được ngày hai bữa, ngày đến tối là xong, họ có thể ngủ một giấc ngon lành cho đến sáng, không phải lo nghĩ gì cả… Có những người bề ngoài trông có vẻ giàu có phú quý, song biết đâu trong tâm hồn óc trí họ, lại không bị nhiều cái quay cuồng đảo lộn… Chính gia đình con cũng vậy đó. Trông bề ngoài, ai lại không bảo họ phong phú sung sướng, cũng tạm gọi được là nhà cao cửa rộng, cũng trại cũng ruộng, cũng ăn mặc đầy đủ, song trong gia đình không mấy lúc được hưởng sự yên vui”. Đọc những lời ấy, chắc các người nghèo khó sẽ mỉm cười và đáp: “Phải, nói thì hay lắm, nhưng sự thực có phải thế đâu”.
Nhưng cái lầm tưởng ấy lại rất tai hại. Thật thế, tưởng chỉ có mình đau khổ nhất trên đời, tức là vô tình làm tăng những sự đau khổ của mình lên, nhiều hay ít, tùy sức tưởng tượng của mình.
Để giúp Bạn đỡ khổ, – tôi chỉ nói đỡ khổ – và đem lại cho Bạn một nguồn yên ủi, tôi xin hiến Bạn thêm mấy trang này nữa, xin Bạn vui lòng đọc cho hết.
Mấy trang này sẽ giúp Bạn thấy rằng: trên đời không phải chỉ mình Bạn đau khổ, trên đời còn nhiều người đau khổ, không hơn Bạn ít ra cũng bằng Bạn.
Ở đời, Bạn sẵn có những người cùng bệnh với Bạn, tôi muốn nói bệnh đau khổ, mặc dù Bạn không biết những người ấy. Đó cũng là một bài thuốc cứu khổ rất thần hiệu, và biết đâu Bạn lại không cảm thương họ hơn chính mình Bạn nữa.
Người ta thuật truyện một bệnh nhân bị nằm liệt trên giường đã lâu. Ông ta muốn được khỏi bệnh để nuôi sống gia đình. Người ta đã đưa ông đi Lộ đức xin Đức Mẹ chữa. Nhưng lúc ông về, người ta vẫn thấy ông nằm liệt như trước. Có người tò mò hỏi, thì ông đáp: “Lúc đi trên xe lửa, tôi thấy còn có nhiều người đau yếu đáng thương hơn tôi, nên tôi đã cầu xin cho họ, mà quên xin cho chính mình tôi…”.
Biết đâu, đọc xong những trang cuối cùng này, Bạn lại không cảm như ông ta.
Bạn hãy nhìn quanh Bạn. Bạn hãy đọc truyện các Thánh, Bạn hãy đọc Kinh thánh, Bạn hãy ngắm cuộc đời Đức Mẹ, nhất là cuộc đời Chúa Giêsu, Bạn sẽ thấy rằng: Không một sự khó nào Bạn chịu, mà người khác đã không chịu trước Bạn, và đang chịu như Bạn, có lẽ còn chịu hơn Bạn nữa. Tôi nói lại, những đau khổ Bạn thấy ở người khác, sẽ giúp Bạn chịu nhẫn nại và yên ủi mình rằng: dù sao, những sự đau đớn tôi chịu, cũng chưa thấm vào đâu với sự đau đớn của người khác.
Đây tôi tặng Bạn vài ba truyện, chỉ vài ba truyện thôi, vì đọc Kinh thánh, hoặc truyện các Thánh, Bạn đã thấy, hoặc sẽ thấy nhiều.
PHỤ LỤC 1 : TRUYỆN ÔNG GIÓP
Ngay ở trang đầu, tôi đã nhắc đến truyện ông Thánh Gióp, thì ở trang cuối này, tôi lại muốn nhắc đến truyện Ngài.
Có lẽ Bạn đã lâm vào cảnh tan cửa nát nhà, trước đây Bạn giàu sang, bây giờ Bạn túng thiếu. Thánh Gióp ngày xưa có lẽ đã giàu sang hơn Bạn. Kinh thánh nói: Ngài có bảy nghìn con chiên, ba nghìn lạc đà, năm trăm đôi bò và năm trăm con lừa cái, người ăn người ở không biết bao nhiêu. Ngài vào hạng thế phiệt nhất mạn Đông thời ấy. Thế mà trong một giờ đồng hồ, bao nhiêu của cải sang tay người khác, chỉ còn lại có hai bàn tay trơn.
Có lẽ Bạn khổ vì mất con mất cháu, mất vợ mất chồng… mất cha mẹ anh em. Nhưng Bạn không biết rằng: ông Gióp xưa, cũng con đàn cháu đống, hòa thuận êm đẹp, thường hội họp để thắt chặt thêm dây thân ái. Thế mà cùng một lúc của cải và đoàn vật sang tay người khác, thì bao nhiêu con cái Ngài cũng từ biệt Ngài sang kiếp sau.
Có lẽ Bạn đau phiền vì bạn hữu thất tín. Thánh Gióp ngày xưa có gì hơn Bạn. Đang lúc Ngài nằm trên đống tro, thì ba người bạn đến thăm. Lẽ ra họ đã phải yên ủi Ngài, họ lại đã nói nhiều lời gần như thóa mạ, và đổ cho Ngài những tội Ngài không có, đến nỗi sau chính Chúa phải can thiệp để bênh đỡ Ngài, và bắt ba người bạn phải tạ lỗi.
Có lẽ Bạn đã rộng tay làm phúc mà đến lúc Bạn lâm nguy, người đời theo nhau bỏ Bạn. Thì Thánh Gióp ngày xưa có hơn gì Bạn? Phú quý đa nhân hội, bần cùng thân thích ly. Đời nào chả thế?
Có lẽ Bạn bị người trong gia đình hóa lòng lang dạ thú, đã không giúp Bạn đỡ đau buồn, lại còn chất thêm sầu khổ cho Bạn. Thì thánh Gióp xưa cũng thế. Người vợ, lẽ ra đã phải rịt những vết thương cho chồng, thì lại xui chồng nói phạm đến Chúa, rồi chết thì chết.
Ấy là tôi chưa nói đến những sự đau đớn Thánh Gióp chịu trong thân thể Ngài, Bạn đã biết, và tôi dám chắc Bạn chưa đau đớn đến vậy.
Tâm hồn Bạn phiền muộn xao xuyến. Nhưng Thánh Gióp ngày xưa, có khác gì Bạn. Bạn hãy đọc lại những lời Ngài than thở, tôi đã trích đăng ở đầu sách này.
Bây giờ tôi xin hỏi Bạn: Bạn dám tự phụ mình thánh thiện hơn Thánh Gióp chưa? Bạn đã được chính Chúa làm chứng về Bạn, như đã làm chứng về Thánh Gióp chưa? Kinh thánh chép: Chúa đã khen Thánh Gióp là người đơn thật ngay thẳng, kính sợ Chúa, xa lánh tội, Chúa đã khen Ngài là người có một không hai trong loài người [73].
Ấy thế mà Thánh Gióp đã chịu khó nhiều hơn Bạn, mặc dù có lẽ Bạn đã phạm tội nhiều hơn Thánh Gióp, ít ra Bạn chưa được dấu chắc tỏ rằng: Bạn thánh thiện hơn Thánh Gióp.
Vậy mà khi Thánh Gióp nghe những tin khủng khiếp ấy, Ngài đã sấp mình xuống đất thờ lạy Thánh ý Chúa và than thở: “Tôi đã sinh ra trần trụi, thì tôi cũng chết trần trụi… Chúa đã ban, nay Chúa lấy lại, xin theo Thánh ý Chúa, chúc tụng Thánh danh Chúa”.
Kinh thánh nói tiếp: “Trong hoàn cảnh éo le ấy, ông Gióp đã không hở một lời gì dại dột phạm đến Chúa” [74].
[73] Gióp 1,8
[74] Gióp 1,21-22
PHỤ LỤC 2 : THÁNH NỮ LIDVIN (LIT-VIN)
Thánh Lidvin, người Hà Lan, sinh trưởng trong gia đình nề nếp quý phái, nhưng gia tư lúc ấy không lấy gì làm phong phú lắm. Bà là con gái duy nhất của gia đình. Trên dưới bà còn tám anh em trai nữa.
Lidvin ra đời giữa ngày lễ Lá năm 1380, chính lúc cả nhà thờ dân chúng đang ngắm sự Thương khó Chúa. Nhân đấy, song thân đặt tên cho là Lidvin, hai tiếng có nghĩa là đau khổ lắm lắm. Không ngờ mà tên ấy lại như báo trước cuộc đời đau khổ của Bà.
Ngay hồi còn trứng nước, Lidvin đã bị một chứng bệnh hiểm nghèo hành hạ.
Đến năm lên bảy, cô dâng toàn thể xác hồn cho Chúa, và ít chơi đùa với chúng bạn.
Năm mười hai tuổi, Lidvin đã nổi danh là hương trời sắc nước, và ông thân đã tính đến chuyện tìm cho gái sắc một trai tài, nhưng cô nhất định cự tuyệt, và nếu ông cụ cứ nhất định ép thì cô sẽ xin với Chúa cho thân hình hóa nên tiều tụy xấu xí cho không còn ai thèm nhìn đến. Ông thân thấy vậy thì thôi, không còn nói đến chuyện nhân duyên nữa. Mà không cần phải cầu xin. Chúa đã như hiểu ý Cô, và cho cô được chịu bệnh hoạn, không những để cho thân thể hết vẻ quyến rũ, mà nhất là để cô nên gương sáng nhẫn nại cho mọi người.
Năm mười lăm tuổi, cô bị sẩy chân ngã trên nước đông, nên bị gãy một xương sườn, và phải nằm liệt luôn ba mươi tám năm, nghĩa là cho đến chết. Suốt mười bảy năm, bà chỉ hơi cử động được đầu và cánh tay trái. Đến sau dạ dày cũng suy nhược, và không chịu được một thứ đồ ăn nào, mãi đến khi nhắm mắt. Tả sao được những chứng bệnh của bà, sợ Bạn sẽ rùng mình ghê tởm. Chỉ cần nói tóm lại bằng một câu: Tất cả các thứ kinh khủng của bệnh tật, có thể làm cho bà đau đớn đều đã tập trung nơi Bà, để hoành hành tấm thân đã tiều tùy sẵn của Bà. Cực hơn nữa, lúc ấy Bà hầu như bị mọi ngươi đày đọa, có kẻ lại còn luôn luôn xỉ mạ Bà, Bà chỉ còn trông cậy vào Chúa; để được yên ủi, ngày đêm Bà chỉ còn biết suy ngắm sự thương khó Chúa. Cứ mười lăm ngày, rồi sau mỗi tuần bốn năm lần, Bà được phép rước Mình Thánh Chúa. Nhờ phép cực trọng, linh hồn Bà càng thêm sáng suốt và can đảm trong lúc bệnh mỗi ngày một tăng. Thế mà có nhiều khi Bà còn xin Chúa cho bệnh mình thêm đau đớn.
Hồi ấy có một thứ bệnh hủi đang gieo rắc tai ương ở trong vùng. Bà Lidvin liền xin Chúa trút cơn thịnh nộ Chúa vào một mình mình và tha cho dân. Vừa kêu xin xong, Bà cảm thấy ngay mình bị bệnh hủi, thân thể đau đớn quá chừng. Mẹ Bà, lúc gần qua đời, có xin Bà giúp lời cầu nguyện cho mình. Bà liền xin dâng hết những vết thương, những sự đau đớn, những nỗi thống khổ, cùng tất cả những điều nhuốc hổ Bà chịu cho mẹ. Nhờ thế bà cụ đã được ơn chết lành bằng yên.
Nhưng sau khi đã nhường hết công nghiệp cho mẹ, Bà Lidvin lại bắt đầu lo đến phần mình, nên Bà thấy mình cần phải gây thêm cho đủ số. Bà liền bắt mình chịu khổ thêm vào bệnh tật Chúa gửi đến, Bà thắt vào người một dây lưng bằng lông cứng ráp, và mang mãi tới chết.
PHỤ LỤC 3 : TRUYỆN THÁNH ANPHONGSÔ
Nói đến những sự đau khổ Thánh Anphongsô đã chịu, thật không bút nào tả được… nhất là nếu chỉ nói tóm lại trong năm mười câu, cho hợp khuôn khổ sách nhỏ mọn này.
Bởi vậy, ở đây, tôi không nhắc đến những đau khổ về tinh thần. Thánh nhân đã chịu từ khi định bỏ thế gian dâng mình cho Chúa, nhất là nơi thân phụ Người… tôi cũng không muốn thuật lại những nỗi khó khăn Người phải chịu khi lập Dòng Chúa Cứu Thế, khó khăn do người ngoài, khó khăn do các bạn đầu tiên của Người… Tôi cũng không muốn nhắc lại những cơn nguy hiểm Người trải qua để giữ cho Dòng khỏi tan nát bởi những cuộc bách hại do Satan và người đời gây nên… Tôi cũng không nhắc lại một đoạn lịch sử đau đớn nhất trong đời Thánh nhân, đoạn Dòng Người bị kẻ thù chia đôi, và chính Người bị Đức Giáo Hoàng cất chức Bề trên Cả và không công nhận Dòng Người ở Napoli là Dòng Chúa Cứu Thế nữa. (Xin bạn xem lại đoạn Một linh hồn).
Ở đây, tôi chỉ xin nhắc lại mấy dòng về những đau khổ Thánh nhân chịu trong thân thể Người.
Suốt cả đời Thánh Anphongsô, những bệnh tật Người hằng đeo trong mình khiến Người lúc nào cũng như gần cửa mồ. Đây là những chứng đau đầu khiến Người có lúc như bị hấp hối; đây là bệnh đau thần kinh nhức nhối kèm thêm hai nơi phỏng ở chân, khiến nhiều ngày Người không dâng thánh lễ được, rồi tì vị không chịu làm việc… đến sau Người hóa như điếc… Lúc khác Người bị nhức trong đầu đến nỗi có thể làm được cho một quả núi tuyết chảy tan ra… Suốt mười bảy năm trường, chứng bệnh tê thấp của Người khiến Người “biến hình”, đầu Người bị cắm xuống ngực, và chịu lâu quá, sau chỗ cằm giáp ngực biến thành ung nhọt, không những làm thối thịt, mà chạm vào đến tận xương. Chắc Bạn cũng đã từng thấy ảnh Thánh Anphongsô, đầu Người gập quặp xuống ngực, đó là tả lúc Người bị chứng tôi đang nói đây… Và tôi xin nhắc lại, Người chịu như thế, ngày đêm liên lỉ đủ 17 năm liền. Ba năm cuối đời, Thánh nhân bị như đóng xuống giường, hoặc ghế, không còn dâng thánh lễ được nữa, chỉ có thể dự lễ thôi. Mấy tháng trước khi lìa trần, Người bị thêm chứng bệnh trong cuống họng, đau đớn đến nỗi mỗi khi Người nuốt một vật gì, thì như nuốt phải gai…
Ở đây, tôi không có ý nói, đang lúc Người bị giày vò trong thân thể, thì đồng thời Người phải chịu khốn khó trong linh hồn, không ai có thể nói được.
Nhưng Thánh nhân luôn luôn vui vẻ tuân theo Thánh ý Chúa… Không ai thấy Người tỏ dấu buồn phiền, hoặc thốt ra một lời ta thán… dù kẻ giúp việc có biết cách giúp, hay không, dù thuốc và của ăn có tử tế hay không, không khi nào Người nói ra một lời, hoặc có một cử chỉ bất mãn… Người luôn luôn nói ra những lời tuân theo Thánh ý Chúa… Một lần Người nói: “Một giờ chịu đau đớn cho nên, để tuân theo Thánh ý Chúa, thì quý hơn tất cả các kho báu thế gian. Một người nghèo khó mà mến Chúa, thì chết bằng yên sung sướng hơn tất cả những người giàu có thế gian, nhưng không mến Chúa… Lạy Chúa con cám ơn Chúa, vì đã thương gửi sự đau đớn cho con… và cho con chịu những mũi nhọn đâm vào mình… chúc tụng Chúa… Chúa không ném con xuống hỏa ngục, đã là may cho con lắm rồi… Con sẵn sàng chịu hết mọi sự đau đớn. Lạy Chúa, này con đây, Chúa muốn định về con thế nào, tùy Thánh ý Chúa… ”.
Tôi không thể chép lại đây những lời như những lời trên, vì nhiều quá, nó có thể dầy bằng quyển sách này… Hy vọng bấy nhiêu cũng đủ.
Lm. Nguyễn Văn Tuyên, DCCT