Hai vợ chồng nọ đã về hưu, sống tại Florida, một tối nọ, ngồi trước hiên nhà. Bà vợ nhìn kẻ qua người lại. Ông chồng đọc sách sinh vật học. Bà vợ quay sang đề nghị, “George, mình vào nhà xem chương trình cuối ngày đi.” Ông chồng đáp, “Tôi mệt lắm rồi. Bà không biết chứ hôm nay tim tôi đã đập 103,389 nhịp. Máu tôi đã tuần hoàn 168,000 dặm. Tôi hô hấp 23,000 lần và hít 483 bộ khối không khí. Tôi vận động 750 bắp thịt quan trọng và vận hành 7,000,000 tế bào thần kinh. Tôi rã rời lắm rồi, phải đi ngủ thôi.” Ngần ấy hoạt động, chỉ để sống, trong vòng một ngày! Và nếu như điều đó vẫn chưa đủ làm bạn thèm ngủ, thì hãy tưởng tượng rằng bạn chỉ là một hạt cát tí ti không thể làm chủ vận mệnh của mình; ngày nào cũng gặp những sự việc xảy ra có thể khiến bạn đánh mất lòng tự trọng; và lúc nào cũng lãnh đủ bao rác rưởi dơ nhớp từ báo chí và truyền hình thải ra. Đó là chưa kể lo toan cho lợi ích gia đình, ưu tư về tương lai bản thân, thấp thỏm hoang mang vì thế giới này có thể biến thành một cái hầm ô nhiễm và nổ tung vào một ngày mùa hè chói chang nào đó. Làm sao bạn có thể thư thái trong khi phải dùng hầu hết thời gian và sức lực của mình chỉ để gắng sức sống còn?
Chỉ là một phần tử trong kiếp người, sao bạn lại tự đề cao bản thân quá đáng? Sao bạn lại mãn nguyện với sự vật? Sao bạn có thể hạnh phúc? Nơi bạn có gì hứng thú không? Cuộc đời này có gì tuyệt vời không? Ai đã gọi chốn này là “thiên đàng dưới thế?” Xin cứu mau! (Og Mendino, “The Greatest Miracle in the World”).
Nhưng hãy bình tâm! Các thánh sử Phúc Âm đã nhắc nhở chúng ta nhiều lần rằng đêm tối mịt mùng có thể biến thành một ngày tươi sáng, và con người có một khả năng chịu đựng tuyệt vời và là một phép lạ trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa, họ “có thể cứu mình khỏi cái chết, nhiều lần – nếu như có cơ hội và được hướng dẫn.”
Bài Phúc Âm hôm nay nhắc nhở rằng, nhờ ân sủng kỳ diệu của Thiên Chúa, chúng ta sẽ có cơ hội và được hướng dẫn. Chúa Giêsu và các môn đệ lên thuyền tìm đến một nơi vắng vẻ để được yên tĩnh. Thế nhưng vừa lên bờ, các ngài đã thấy đám đông đang đón đợi Chúa Giêsu. Thánh Marcô cho biết, “Chúa Giêsu thương xót họ, vì họ như những con chiên không có người chăn; và Người bắt đầu dạy họ nhiều điều” (Mc 6:34). Chúa Giêsu, Mục Tử tốt lành, đã dẫn đường chỉ lối cho họ.
“Chúa là mục tử tôi; tôi sẽ không thiếu gì.” Hình ảnh đoàn chiên và mục tử rất gần gũi với những thính giả này. Sinh sống bằng nghề chăn nuôi, qua kinh nghiệm trực tiếp, họ quá biết lợi ích của đàn vật tùy thuộc vào cách thức chăn nuôi tốt hay không tốt. Mục tử tốt lành là người yêu thích và tận tụy chăm sóc đàn vật của mình. Niềm vui lớn nhất của mục tử là nhìn thấy đàn chiên mau lớn nhởn nhơ dưới sự chăm sóc của mình. Mục tử tốt lành bảo vệ đàn chiên của mình bằng mọi giá cho khỏi thú dữ ăn thịt và các loại ký sinh trùng ăn bám. Mục tử tốt lành cần mẫn bảo vệ từng con chiên cho dù nó ngang ngạnh, ngu ngốc hay dại dột. Chẳng hạn, một mục tử cần mẫn thường xuyên canh chừng kẻo chiên bị “sa hố.” Một con chiên bị chổng vó nằm ngửa, không thể dậy nổi. Đầu đuôi thế này: một con chiên nặng nề, mập mạp và lông dài đặt mình thoải mái vào một lỗ cạn dưới đất. Nó lăn qua lăn lại một cách thoải mái để thư giãn thân mình. Đột nhiên trọng tâm cơ thể dịch chuyển khiến chân nó không còn chạm đất. Nó sợ hãi và cào cấu hoảng loạn, nhưng điều này chỉ làm tình hình xấu thêm. Nó lăn qua lăn lại. Lúc này, chân nó không còn đứng dậy được nữa. Nếu gặp thời tiết nóng bức và nắng chói chang, một con chiên chổng vó như vậy có thể bị chết trong vòng vài giờ đồng hồ (Phillip Keller, “A Shepherd looks at Psalm 23”).
Mục tử tốt lành dành nhiều thời gian đi tìm kiếm chiên lạc, theo như lời kể của một người trong cuộc: “Tôi thỉnh thoảng vẫn dành nhiều thời giờ đi tìm những con chiên lạc đàn. Vì vậy, tôi thường thấy chúng đàng xa, nằm ngửa một cách bất lực. Tôi lập tức chạy đến – vội vã hết sức – vì một phút cũng là can hệ. Trong tôi, cảm giác lẫn lộn, vừa vợ vừa vui. Sợ là sợ rằng đã quá trễ; còn vui là vui vì đã tìm thấy. Chạy đến chỗ con chiên chổng vó, động tác trước tiên của tôi là nhẹ nhàng nâng nó dậy. Tôi lăn con vật cho nghiêng lại. Nếu chiên nằm như vậy đã quá lâu, tôi thường nâng đứng dậy. Rồi tôi đỡ cho nó đứng thẳng, xoa bóp bốn chân cho máu tuần hoàn. Việc này cũng mất một khoảng thời gian. Trong lúc cứu giúp như vậy, tôi thường trách yêu nhẹ nhàng, “Bao giờ mày mới đứng vững? Tao mừng vì tìm được mày kịp thời, đồ hư thân mất nết.” Cuộc nói chuyện cứ thế tiếp tục, bao giờ cũng vừa âu yếm, vừa quở trách, vừa thông cảm vừa sửa chữa. Chiên dần dần cũng đứng vững được. Nó bắt đầu dọ dẫm bước đi một cách cứng cát và vững chãi. Rồi nó lao về phía những con chiên khác, không còn sợ hãi và hoảng hốt vì có cơ hội để sống tiếp.”
Chúa Giêsu phán, “Có ai trong các ngươi có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói, ‘Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó.’ Vậy, Ta nói cho các ngươi hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn” (Lc 15:4-7).
Đối với những người sống vào thời Chúa Giêsu, dụ ngôn Con Chiên Lạc là một thông điệp mạnh mẽ vì họ quá quen với cuộc sống du mục. Hình ảnh ấy rất rõ ràng và không thể bị hiểu sai. Thiên Chúa vui vì đàn chiên nhân loại của Người; Người ban tất cả cho đàn chiên; Người vui mừng khi thấy chúng lớn lên và phát triển; Người hằng quan tâm chăm sóc và sẵn sàng cứu giúp từng con, vì bất cứ lý do gì, đi lạc hoặc hoảng sợ. Nói khác đi là Thiên Chúa lưu tâm chăm sóc, chăm sóc hết tình. Chúa Giêsu đã đến trong tư cách là mạc khải tối thượng về sự quan tâm yêu thương của Thiên Chúa dành cho từng người chúng ta.
Chúa Giêsu đoan chắc, “Ta là mục tử tốt lành. Hãy theo Ta.” Nhưng chúng ta không phải là những con chiên. Chúng ta là những con người được Thiên Chúa ban cho khả năng chọn lựa: chúng ta có thể chấp nhận hoặc khước từ lời mời gọi của Chúa Giêsu; có thể tin hoặc không tin rằng chúng ta không phải là một hạt cát, hầu như không thể làm chủ vận mệnh của mình; có thể tin hay không tin rằng chúng ta là một phép lạ của Thiên Chúa trong công trình sáng tạo của Người, và có khả năng thoát khỏi cái chết ngay trong lúc đang sống; tin hoặc không tin rằng chúng ta có thể có thể biến đổi cuộc chiến đấu sống còn trở thành một cuộc mạo hiểm làm phong phú cuộc sống mà chính Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta. Năng lực lựa chọn của chúng ta là có thực, chúng ta hãy dùng nó một cách khôn ngoan: Hãy kiên trì, chứ đừng bỏ cuộc. Hãy ca ngợi, chứ đừng nói xấu. Hãy chữa lành, chứ đừng đả thương. Hãy trao tặng, chứ đừng đánh cắp. Hãy hành động, chứ đừng trù trừ. Hãy lớn lên, chứ đừng mục rữa. Hãy cầu nguyện, chứ đừng nguyền rủa. Hãy sống, chứ đừng chết (Og Mendino, “The Greatest Miracle in the World.”).
Chúng ta được tự do để mình bị chìm sâu vào sự vô nghĩa của những biến cố của thế giới và cá nhân, đe dọa hạ thấp nhân phẩm hoặc trở nên những khí cụ mạnh mẽ của ân sủng diệu kỳ của Thiên Chúa để góp phần cứu độ thế giới. Hãy theo Chúa Kitô – Mục Tử Tốt Lành đã ban tặng cho chúng ta cơ hội và dẫn đường chỉ lối để chúng ta trở nên một con người tốt lành độc đáo như Thiên Chúa đã tiền định cho chúng ta. Sự lựa chọn ấy thuộc về chúng ta!
Nếu những biến cố tới tấp đổ xuống, nếu chúng ta thấy mình như một con chiên chổng vó, nằm ngửa và không thể đứng lên, hãy vững tâm! Chúa Giêsu, Mục Tử Tốt Lành, đang đi tìm chúng ta, Người sẽ đến cứu giúp chúng ta khỏi những sợ hãi và bế tắc, và ban cho chúng ta cơ hội để sống mạnh!
Đền Thánh Khiết Tâm Mẹ