Bản chất của tội lỗi
“Tội lỗi không xấu vì nó bị cấm, nó bị cấm vì bản chất của nó là xấu” (Franklin). Qua câu chuyện Ađam-Evà, Kinh Thánh trình bày cho ta thấy tội là một sự đối kháng với Thiên Chúa, muốn thay thế Thiên Chúa làm chủ tể vận mệnh đời mình, và lấy mình làm khuôn thước định đoạt về sự lành, sự dữ. Sự kiện bắt đầu với lời dụ dỗ của con rắn, làm cho con người nghi ngờ về Thiên Chúa, Đấng không tuyệt đối vô vị lợi và hoàn hảo như con người nghĩ. Giới luật được ban ra vì lợi ích của con người (Rm 7, 10) chẳng qua cũng chỉ là mưu kế của Thiên Chúa phát minh ra để bảo tồn các ưu phẩm của Ngài, và lời đe dọa cũng chỉ là trò gian dối (Stk 3, 4). Với tà ý này, con người đã coi Thiên Chúa như đối thủ của mình : một Thiên Chúa không còn vô cùng, nhưng như một hữu thể bần cùng, vụ lợi, luôn bận tâm chống lại thụ tạo của mình (Nietzsch).
Trước khi là một hành vi, tội đã làm hư hỏng tinh thần con người, để rồi sau đó làm gẫy đổ mối tương quan với Thiên Chúa, và làm đổ vỡ mọi tương quan khác trong đời sống nhân loại (Stk 4,8). Điều oái oăm là khi sống trong tình trạng nô lệ tội lỗi, con người cứ ngỡ mình chiếm được tự do và độc lập. Tiếc thay con người đã không nhận ra rằng Thiên Chúa là Đấng vô biên nên Ngài cũng là Đấng trao ban đến vô cùng, Đấng không hề từ chối điều gì với con người mà Ngài đã dựng nên “giống hình ảnh Ngài” (Stk 1, 26). Ngài không giữ lại cho mình điều gì, ngay cả sự sống cũng không (Kn 2, 13; Ga 3, 16).
Trớ trêu thay, Israel sống lại thảm kịch của Ađam còn bi thảm hơn. Từ một dân riêng ưu tuyển (Xh 19, 5) chứng kiến biết bao kỳ công Chúa đã làm cho mình, nhưng rồi họ vẫn thích “con bò vàng” : một vị thần vừa tay họ hơn là một Thiên Chúa “vô hình”, xa lạ; một vị thần mà họ có thể đòi hỏi theo ý họ hơn là họ phải theo ý Thiên Chúa. Cái cám dỗ muôn thuở của con người vẫn là muốn một Thiên Chúa đi theo con đường của mình hơn là mình phải đi theo con đường của Thiên Chúa.
Thế rồi Israel lại tiếp tục xây thêm “mồ mã dục vọng” của mình. Ngay cả trong hoang mạc mà họ cũng đòi phải được ăn uống theo sự lựa chọn của mình (Đnl 9,22). Lòng tham của họ sẽ được toại nguyện, nhưng cũng như Ađam, họ phải trả cái giá quá ư nghiệt ngã khi lấy đường lối mình thay thế đường lối Thiên Chúa (Ds 11, 33). Đó chính là bài học mà Thiên Chúa không ngừng nhắc lại cho Israel qua các sứ ngôn, đặc biệt là tố giác tội của giới lãnh đạo và tư tế, là những kẻ trước tiên muốn chạy theo sự dễ dãi và lôi kéo dân Chúa theo con đường của phàm nhân.
Khi con người xa lìa Thiên Chúa, tội trở thành một thực tại hết sức cụ thể : bạo lực, bất công, cường quyền, ác bá, sát nhân, ngoại tình, chiến tranh, ghen ghét, hận thù… làm đảo điên đời sống xã hội (Is 59). Điều này cho thấy, ai chủ trương tự kiến tạo đời mình, không lệ thuộc vào Thiên Chúa, người đó sẽ gây bao điều ác hại cho đồng loại (Tv 52, 9). Điều đó không chỉ xúc phạm tới quyền lợi Thiên Chúa mà còn làm tổn thương nặng nề đến tâm hồn Ngài. Hẳn là tội nhân không thể nào xúc phạm tới Thiên Chúa nơi chính mình Ngài (Gb 35, 36), họ chỉ chuốc lấy tai họa cho mình thôi (Gr 7, 19), nhưng tiên vàn làm tổn thương Ngài trong mức độ nó làm tổn thương những kẻ Ngài yêu. Đó là sự xúc phạm tới Thiên Chúa trong kế hoạch tình yêu của Ngài. Đó còn là sự phân rẽ con người với Thiên Chúa là nguồn sống duy nhất, và là một sự bội phản vong ân trước tình yêu vô hạn của Ngài.
Con đường thánh thiện
Tình yêu vô hạn của Thiên Chúa đã cụ thể hóa nơi Đức Giêsu Kitô : Đấng “tự hủy” và “tự hiến” để làm của lễ tha thứ, giao hòa, đưa con người về với Thiên Chúa, xóa khoảng cách muôn trùng do tội lỗi con người gây nên. Con đường thánh thiện chính là trở về với lòng từ bi của Thiên Chúa để sống trong tình yêu thương của Ngài. Chỉ có Ngài là Đấng Thánh duy nhất mới có thể tác thánh con người từ trong bùn nhơ tội lỗi. Sự trở về với Chúa là gạch nối giữa tội lỗi và thánh thiện. Biên giới giữa tội lỗi và thánh thiện cũng chỉ đi qua trái tim mỗi người chúng ta. Một con tim đóng kín hay mở rộng là sự phân chia giữa tội lỗi và thánh thiện. Càng đóng kín càng nghèo nàn đói rách, càng mở rộng càng dồi dào phong phú. Đóng kín là quay lại với chính mình, với sự trơ trọi yếu hèn của bản thân mình. Mở rộng là quay về với Chúa, với nguồn sống thánh thiện của Ngài.
Điều quan trọng là nhận ra lỗi lầm của mình (Lc 18,10). Không nhận ra lỗi lầm là lỗi lớn nhất trong mọi lỗi lầm. Không nhận ra lỗi lầm thì không có con đường trở về, chỉ còn đi đến sự hư vong.
Điều đáng nói hơn nữa là nhiều khi ta chỉ thấy lỗi lầm của kẻ khác mà không thấy được lỗi lầm của mình, nên mọi sự đều trở nên tối tăm, hỗn loạn (Mt 7, 3-5). Cái lỗi lầm mà ta dễ thấy nơi người khác cũng chính là những điều đang rào kín và trói buộc tâm hồn ta, để rồi tồn đọng trên đôi mắt ta. “Chỉ khi cái dằm tội lỗi ra khỏi mắt ta, tất cả thế giới sẽ tỏa sáng” (Taeboit).
Điều kinh khủng hơn nữa là làm lơ hay cố chấp về những lỗi lầm của mình (Lc 13, 5). Người Đức có câu ngạn ngữ như sau : “Sa ngã vào tội là con người, nhưng ở lại trong tội chính là quỉ sứ”.
Tội lỗi và thánh thiện nằm ngay trong bản chất của sự việc. Tuy nhiên, nhiều khi nó chỉ khác nhau bằng một tâm ý. Tuy rằng đồng cảnh ngộ, cùng sự kiện, chung một phương cách, nhưng nó luôn được phân rẽ giữa hai cực bằng một tâm ý. Tâm ý là sự định hình một nhân cách từ bên trong, là một sự khoanh vùng giữa tội lỗi và thánh thiện. Dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện (Lc 18, 14) và câu chuyện bà góa nghèo bỏ hai đồng bạc dâng cúng (Lc 21, 1) cho ta thấy rõ điều đó. Mọi hành vi của ta đều phát xuất từ tâm ý, dù ý thức hay thiếu ý thức, nó vẫn cho thấy được tình trạng của tâm hồn mình.
Hoàn cảnh cũng là một tác động làm đổi thay tâm ý. Cùng một hoàn cảnh nhưng cái nhìn, cách nhìn và sự vận dụng có khi hoàn toàn khác nhau. Cái nhìn tích cực thì đó là một cơ may, cái nhìn tiêu cực thì đó là một rủi ro. Thật ra, tự hoàn cảnh vẫn chưa là gì. Nó là gì thì tùy thuộc tâm hồn ta. Bởi đó cũng một hoàn cảnh mà có người nên thánh nhân, có người thành tội nhân. Điều đó cho ta thấy rằng, “Khoảng cách giữa tội lỗi và thánh thiện hẹp đến nỗi chỉ vừa đủ chỗ cho hoàn cảnh chen vào” (Borowd).
Cũng vậy, dĩ vãng đen tối không thể là kết luận cho một hiện tại và tương lai. Quá khứ trong sáng không thể là lý chứng cho hôm nay và mãi mãi. Cái nhìn cứng đọng về những gì đã qua là cái nhìn triệt hạ. Cái nhìn đóng khung cho những gì sắp tới là cái nhìn bế tắc. Cuộc sống của mỗi con người là một huyền nhiệm trong ân sủng Chúa và trong nổ lực của chính họ. Không ai dại gì mà cố tình biến đời mình thành một tên tội phạm. Không ai ngu gì mà chôn vùi bản thân mình vào nghiệp chướng. Nhưng chỉ vì ảo tưởng, ích kỷ và kiêu căng do một ý thức hệ, một thời thế hay biến cố làm nên. Sở dĩ người ta cố chấp, cố tình trong tội lụy là vì để cho mình bị bao vây bởi những tường rào giả tạo đó. Vì thế, trước khi nhận ra những lầm lỗi của mình, phải có khả năng nhận ra những tù túng của bản thân mình.
“Mỗi thánh đều có một dĩ vãng, và mỗi tội nhân đều có một tương lai” (Wilde). Không ai có quyền trịch thượng để đặt dấu chấm hết cho một dĩ vãng của mình hay người khác. Cũng không ai có khả năng thần thánh để quyết đoán cho một tương lai đang còn nằm trong bàn tay Chúa. Điều kỳ diệu mà Chúa vẫn làm nên là vẽ lên nét thẳng trên những đường cong. Lịch sử cứu độ và kinh nghiệm thiêng liêng cho ta biết rằng : tình thương, ân sủng, ánh sáng và sự thánh thiện của Chúa không ngừng tỏa lan trong mọi thời khắc để thấm nhập vào từng con người. Tình thương Ngài sẽ xóa đi khoảng cách mà tội lỗi con người đã phân rẽ; ân sủng Ngài sẽ chế ngự tội lỗi mà con người đã gây nên; ánh sáng Ngài sẽ soi vùng tăm tối mà con người đang trú ẩn; sự thánh thiện của Ngài sẽ chuyển hóa sự sống mà con người đã làm tổn thương.
Cũng từ đó chúng ta nhận thức rằng, Thiên Chúa đang làm tất cả để con người được vui thỏa trong khát vọng thâm sâu của mình, chứ không phải trong dục vọng nông nổi do con người làm nên. Nhưng đừng quên rằng mãnh lực sự dữ vẫn bám riết lấy chúng ta trong mọi giờ phút, và hoạt động của nó đi ngược lại với tiến trình của Thiên Chúa ở nơi ta. Thiếu tỉnh thức về điều đó, ta dễ biến mình thành một người ngây ngô, làm mồi ngon cho sự dữ. Bởi vậy, không lạ gì con người ta dễ ngộ nhận giữa hư và thật, giữa chân và giả, giữa tạm thời và vĩnh cửu, giữa hạnh phúc đích thực của chân tâm và hạnh phúc giả tạo của gian tà.
Hãy nhìn ra thế giới bao la đang biển chuyển từng giây phút trong cuộc đời ta. Ở đó, Thiên Chúa, con người và vũ trụ đang hòa tấu khúc tình ca. Sân khấu cuộc đời đang diễn ra với ngoại cảnh muôn màu làm con người choáng ngợp. Trong bản hợp tấu này, thánh thiện là nhịp điệu của Thiên Chúa, tội lỗi là sự hỗn độn của con người. Hãy nhìn về Chúa để thấy mình đang lỗi nhịp. Hãy hướng về Chúa để thiết lập một trật tự hài hòa nơi chính mình. Hãy đến với Chúa để hòa nhập đồng bộ với Ngài. Hãy kề cận bên Chúa để cùng hòa điệu khúc luân vũ của cuộc đời mình. Sự thánh thiện của Chúa sẽ tưới gội và tẩy sạch mọi tội lỗi của chúng ta. Niềm vui và hạnh phúc biết bao trong sự thánh thiện này !
Lạy Chúa mỗi ngày lòng con day dứt không nguôi giữa niềm vui và nỗi buồn, giữa thánh thiện và tội lỗi. Những bước đi sai nhịp nên làm con hụt hẫng và nhiều khi chới với. Có điều Chúa luôn đến kịp thời để đặt lại bước chân con. Con biết rằng lỗi lầm là của con người, và tha thứ là của Chúa, nên con an tâm vui bước trong cuộc đời trong từng ngày trở về cận kề bên Chúa. Giữa bao điều phức tạp, nhiễu nhương và phiền toái của cuộc sống; giữa những đổi thay hỗn độn của lòng người và cảnh đời náo loạn; giữa những công việc bổn phận đầy khó khăn và bất lợi từ nhiều phía chen lẫn những tâm ý tốt lành và xấu xa; giữa những thái độ bất cập hay thái quá và những cái nhìn phê phán gay gắt của anh chị em, xin cho con được tâm hồn thư thái để luôn biết đặt mình trước mặt Chúa trong mọi sự, cho tâm hồn con biết tĩnh lặng và nhẹ nhàng buông theo ân sủng, để sự thánh thiện của Chúa cuốn hút lấy con bây giờ và mãi mãi. Amen.
Lm. Thái Nguyên
Simon Hòa Đà Lạt