Vợ Chồng Đừng Thách Thức Nhau

1. LỜI CHÚA: Đức ái tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13,1-7)

2. CÂU CHUYỆN:

Gần nhà tôi có đôi vợ chồng tuổi trung niên lấy nhau được mười lăm năm va đã có với nhau hai mặt con. Hằng ngày anh chồng chạy xe ôm đều mang tiền về nhà nuôi vợ con. Gần đây khi xăng lên giá, việc chạy xe thu nhập không còn được như trước. Ngày nào đưa tiền về không đủ sở hụi là chị vợ mặt nặng mày nhẹ và nói những câu chì chiết khiến anh tức bực sinh ra rượu chè. Nhiều lần nghe vợ nói cạnh nói khóe bị chạm tự ái nhưng vẫn cố nín nhịn bằng cách lấy xe đi ra khỏi nhà để tránh cãi nhau. Hôm đó nghe vợ chê trách, trước khi bỏ đi anh chồng đã nói thòng thêm một câu cho đỡ quê : “Cô có im đi không? Cô mà nói thêm là coi chừng ăn đòn !”. Bị chạm tự ái vì câu hăm dọa của anh chồng xưa nay vốn hiền lành nhẫn nhịn, chị vợ đã chạy theo nắm lấy tay anh và thách thức : “Nè, có “ngon” thì đánh tui đi ! Đánh đi ! Chớ đừng nói rồi không dám làm thì hèn lắm!”. Và thế là “bốp ! Bốp !…” Chị vợ bị hai cái tát trên má. Chị lại la tóang lên: “Anh dám đánh tui hả? Ối làng nước ơi! Nó đánh tui!”. Cũng may mà có mấy người hàng xóm nghe tiếng xô xát đã kịp thời chạy tới can ngăn nên gia đình mới tạm yên. Về sau khi đã bình tĩnh, anh chồng đã tâm sự với anh bạn hàng xóm: “Thực ra, tôi không muốn đánh cổ làm chi. Nhưng cổ thấy tôi nhẫn nhịn lại càng làm tới thách thức, nên tôi không giữ được bình tĩnh đã phải tát cho cô ấy hai cái để mong được yên thân”.

3. SUY NIỆM:

1. Vợ bị chồng đánh do thái độ thách thức: Sự thực thì có những ông chồng có thói vũ phu, sau khi có tí hơi men mà vợ nói động tới là không thể nhịn được mà phải đánh đập vợ con cho hả cơn giận. Nhưng bên cạnh đó cũng có những ông chồng bất đắc dĩ mới phải đánh vợ vì ý thức rằng: “Mình là đàn ông, có sức khỏe, giỏi thì đánh nhau với mấy tên ngang cơ ! Chứ còn đánh thứ đàn bà chân yếu tay mềm thì hèn lắm!” Hoặc: “Vợ chồng nào mà chẳng có chuyện bất đồng ý kiến tranh cãi nhau. Tức quá thì mình dọa mấy câu cho bả ấy ngán mà im miệng. Ai dè bả lại cãi lại và còn thách thức : “Này, dám đánh không ? Nói mà không làm là hèn, là hạng …tiểu nhân !”. Như vậy là do tự ái, nên anh chồng mới phải chứng tỏ “quân tử nhất ngôn”. Vậy là nhiều bà vợ đã bị ăn đòn do tội thách thức khinh thường chồng!

2. Hậu quả của thách thức là sự thiệt hại cả về tinh thần lẫn vật chất: Anh chồng thích uống rượu nhưng do tửu lượng kém nên chỉ cần uống một hai ly là đã say xỉn. Một hôm uống một vài ly chưa đã như mọi lần, anh yêu cầu chị vợ mua thêm cho anh một xị nữa để uống tiếp kèm theo lời đe dọa : “Không đi mua thì cứ mà chết với ông!”. Nghe vậy chị vợ tự ái liền hét to lên: “Tôi không đi mua đó. Anh làm gì tôi thì làm đi!” Anh chồng tức giận xô chị ngã chạm vào thành giường bị trặc cánh tay, phải đi bó thuốc mất cả tháng trời mới khỏi. Bị chồng xô té, chị tức quá vào tủ lấy hết số tiền năm triệu do mới bán lứa heo sữa quăng cho anh chồng với lời nói dỗi : “Anh có ngon thì đi mà nhậu hết đi”. Làm như vậy chị nghĩ anh chồng chắc sẽ không dám tiêu xài vì số tiền đó hai vợ chồng đã nhất trí sẽ dùng để sửa nhà bếp sắp sập do bị mối ăn. Anh chồng nghe vợ thách thức, liên ôm gói tiền đi luôn. Mãi ba ngày sau mới quay về nhà, trong túi không còn một đồng bạc nào!! Anh đã thành tâm xin lỗi vợ. Sau khi cằn nhằn mấy câu chị sẵn sàng tha thứ cho anh. Nhưng về sau mỗi khi nghĩ tới chị lại tiếc rẻ và tự trách: “Giá đứng mang tiền ra thách thức anh ta thì gia đình đâu có bị mất số tiền lớn như vậy”.

3. Vợ cũng có thể làm liều khi bị thách thức: Không phải chỉ có những ông chồng, mà ngay cả các bà vợ, khi bị chạm tự ái, thì cơn giận cũng nổi lên: “Liên tiếp hai tuần qua, ngày nào ông chồng cũng phải ăn cơm ngòai, vì chị vợ đã quyết làm theo lời “thách thức” của ông, khi hai người cãi nhau chỉ vì chị lỡ làm cháy món nhậu của ông. Trong lúc tức giận ông đã chì chiết vợ: “Làm đàn bà có mỗi công việc làm bếp mà làm không xong thì bà còn làm được gì nữa? Thôi dẹp luôn cái bếp này đi, cả nhà đi ăn cơm tiệm luôn!”. Về sau chị đã kể tội của chồng cho bà hàng xóm : “Cô coi: Cứ hở ra chuyện gì là “ổng” lại bảo: Dẹp bà nó đi! Vứt hết đi! Bà đi đâu cho khuất mắt tôi! Hỏi cô ai mà không tức? Bị ổng nói nhiều lần như vậy rồi, nay tôi mới quyết làm theo cho “ổng” biết thân”. Biết thân ai đâu không thấy, chỉ thấy tháng đó cả nhà bị hụt tiền, phải đi vay mượn hàng xóm để trả cho cái món nợ hai người phải ra ăn cơm tiệm hằng ngày.

4. Đừng thách thức nhau: Nguyên nhân dẫn đến giận hờn ly hôn giữa hai vợ chồng chính là những lời khích bác coi thường và thách thức nhau. Người ta thường hay thách thức nhau do thói sĩ diện hão hay tự ái vặt. Do đó, vợ chồng cần tránh nói lời thách thức lẫn nhau. Mỗi khi nghe lời thách thức, vợ chồng cần áp dụng phương cách tránh gây hậu quả nghiêm trọng như sau:

1) “Bíet mình biết người trăm trận trăm thắng”: Người ta khác nhau là do “gien” di truyền, do nền giáo dục gia đình hay nhà trường, do tâm sinh lý sai biệt giữa hai phái nam nữ… Một khi hiểu rõ những khác biệt đó, vợ chồng sẽ dễ cảm thông cho nhau và biết cách ứng xử phù hợp với hòan cảnh và tâm lý của chồng vợ mình để tránh tranh cãi to tiếng như người xưa dạy: “Biết mình biết người trăm trận trăm thắng”. Cần tránh nói lời cay độc xúc phạm danh dự của nhau vì : “Lời nói không mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.

2) “Mau nghe, chậm nói, khoan giận”: Khi bị chạm tự ái và cơn giận đang bốc lên, vợ chồng hãy áp dụng thuật “hoãn binh chi kế” của người xưa. Nghĩa là đừng vội làm gì trong lúc nóng giận vì “giận quá mất khôn”. Thánh Gia-cô-bê cũng dạy các tín hữu về cách ứng xử như sau: “Mau nghe, chậm nói, khoan giận” (Gc 1,19).

3) “Một sự nhịn bằng chín sự lành”: Đừng vội trả đũa khi nghe những lời nói xúc phạm của chồng hay vợ mình. Một linh mục già nhiều kinh nghiệm mục vụ đã khuyên các đôi tân hôn như sau: “Khi hai vợ chồng chúng con sắp tranh cãi to tiếng với nhau, thì mỗi người hãy tự nhủ: “Đừng nóng! Chuyện đâu còn đó. Hãy đợi đến sáng mai sẽ tính”. Và đến hôm sau, sẽ thấy sự việc kia là chuyện nhỏ, không đáng để hai vợ chồng gây gỗ, làm sứt mẻ tình nghĩa phu thê”.

4) Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29): Để dẹp được tính tự ái vốn có sẵn trong mỗi người, chúng ta hãy nhìn vào ấm hình Thánh Tâm Chúa Giê-su và xin Người ban ơn nhẫn nhịn chịu đựng noi gương Người. Thánh Phao-lô cũng khuyên các tín hữu Phi-lip-phê: ”Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8).

4. THẢO LUẬN:

1)Bạn nên ứng xử thế nào khi bị chồng hay vợ nói lời thách thức?

2)Bạn sẽ làm gì để tạo bầu khí thuận hòa yêu thương trong gia đình ?

5. LỜI CẦU:

Lạy Chúa, xin cho các đôi vợ chồng sống yêu thương đòan kết, tránh lời nói việc làm gây tranh cãi bất hòa. Xin cho các gia đình tín hữu chúng con năng cầu nguyện trong giờ kinh tối gia đình và quan tâm phục vụ lẫn nhau để làm chứng cho Chúa trước mặt người đời.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON>

LM ĐAN VINH

(Hiệp Hội Thánh Mẫu)

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment