Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu (1873-1897), “bông hoa nhỏ bé”, như nhiều người vẫn gọi chị thánh, chắc hẳn được biết đến nhiều nhất nhờ “con đường nhỏ bé”, hoặc giáo thuyết về “con đường thơ ấu thiêng liêng” của chị.
Têrêsa là con gái út trong số 9 người con, chào đời trong một gia đình cha mẹ công giáo đạo đức, ở thị trấn Alencon, miền Normandy. Chị gia nhập đan viện Camêlô tại Lisieux năm 15 tuổi, và qua đời tại đó vì căn bệnh lao năm 24 tuổi. Suốt 9 năm tại đan viện Camêlô, chị đã sống một cuộc đời âm thầm lặng lẽ, bén rễ trong đức tin sâu xa, tuy nhiên, chị vẫn đắm chìm trong nỗi đau khổ và rối loạn nội tâm không thể chịu đựng nổi. Chị đã hoàn toàn tự hiến cho Thiên Chúa khi liên kết bản thân với những nỗi đau khổ của Đức Kitô, và trước khi qua đời, chị cho biết rằng chị mong muốn trải qua cuộc sống của mình trên thiên đàng, bằng cách làm những việc tốt đẹp nơi trần thế.
Danh tiếng sự thánh thiện của Têrêsa nở rộ sau khi chị qua đời, và chị sớm được coi như một người bạn thân của Thiên Chúa, rất có thế giá trong lời nguyện chuyển cầu. Chị được Đức Giáo Hoàng Piô XI phong thánh ngày 17-05-1925, và được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong làm Tiến Sĩ Giáo Hội ngày 19-10-1997.
“Con đường Thánh Thể” phát xuất từ giáo thuyết về “con đường thơ ấu thiêng liêng”, và khẳng định vị trí của chị, với tư cách là một bậc thầy thiêng liêng vĩ đại đối với thiên niên kỷ III.
- Têrêsa và Con Đường Thơ Ấu Thiêng Liêng
“Con đường nhỏ bé” của thánh nữ Têrêsa có thể được tóm tắt trong ba nguyên tắc: (1) Chúng ta phải hoàn toàn nhận ra sự khó nghèo, bất lực của mình về mặt thiêng liêng và chấp nhận tình trạng này. (2) Chúng ta phải kêu cầu đến Thiên Chúa với niềm tín thác tuyệt đối, để Người có thể thực hiện nơi chúng ta những điều ta không thể làm bằng sức riêng mình, vì Thiên Chúa là Cha chúng ta; Người là tình yêu thương xót vô biên. (3) Chúng ta phải tin tưởng vào tình yêu và chăm chú thực hành tình yêu.
Những nguyên tắc này bắt nguồn từ sứ điệp Tin Mừng của Đức Giêsu về việc trở nên như một trẻ thơ, hầu đi vào vương quốc của Thiên Chúa. Chính Têrêsa nói rằng chị chọn “con đường nhỏ bé tới thiên đàng, rất thẳng và trực tiếp, một con đường hoàn toàn mới”. Trong tâm trí Têrêsa, việc nên thánh không phải là điều gì khó đạt tới, nhưng là một quà tặng của ân huệ Thiên Chúa, được phân phối rộng rãi và luôn cung cấp dồi dào. Toàn bộ điều cần thiết là chúng ta sống như trẻ thơ, chấp nhận không có khả năng tự mình đạt tới sự thánh thiện, và khiêm tốn mở lòng ra cậy trông ơn trợ giúp của Thiên Chúa.
Thánh nữ Têrêsa sử dụng hình ảnh chiếc cầu thang máy, như là con đường để chuyển tải ý thức về sự mới mẻ trong sứ điệp thiêng liêng của mình: “Hiện nay, chúng ta sống trong một thời đại của những phát minh, và những người giàu có không còn phải khó nhọc leo cầu thang nữa; họ sử dụng thang máy. Đây là điều mà tôi tìm được, một cầu thang máy đưa tôi lên thẳng đến Đức Giêsu, vì tôi quá nhỏ bé để leo lên cầu thang dốc đứng của sự trọn lành. Vì thế, tôi tìm kiếm trong Kinh Thánh gợi ý nào đó đối với lối sống mong ước của mình, cho đến khi tôi bắt gặp những lời này từ môi miệng của sự khôn ngoan vĩnh cửu: “Bất cứ ai bé nhỏ, hãy đến với Ta …” và tôi thưa ‘Lạy Chúa Giêsu của con, cánh tay Chúa chính là thang máy sẽ đưa con lên tới thiên đàng’ ”.
Những lời trên cho thấy rõ linh đạo của thánh nữ Têrêsa luôn tập trung vào Đức Kitô. Một mình Người là “đường, sự thật và sự sống”. Chỉ Đức Kitô mới có thể đưa chúng ta vào sự hiện diện của Cha trên trời, bằng cách nâng chúng ta lên tới nhân tính vinh quang của Người. Đức Kitô đi vào thế giới và trở thành một người trong chúng ta vì một mục đích duy nhất: Cảm thông với chúng ta theo cách thức rất cá nhân và thân mật. Chị thánh đáp lại tình yêu của Đức Giêsu dành cho mình bằng cách cố gắng luôn luôn sống cuộc đời mình trong, với, và thông qua Đức Giêsu. Đối với chị, việc nên thánh không gì hơn là sống cuộc đời mình trong sự kết hiệp mật thiết với Đức Giêsu: “Nếu bạn muốn trở thành một vị thánh, hãy bận tâm đến một ‘điều cần thiết’, nghĩa là: trong khi bạn tận tụy hiến thân cho những công việc bên ngoài, thì mục đích của bạn thật đơn giản: Làm vui lòng Đức Giêsu, hầu liên kết mật thiết hơn với Người”.
Khi được yêu cầu viết những điều chị ghi nhớ nhất về thời thơ ấu của mình, thì thánh nữ Têrêsa nói rằng chị vui mừng viết về câu chuyện “bông hoa nhỏ được Đức Giêsu hái để làm cho mọi người biết về các ân huệ mà Chúa đã ban cho chị”. Trong tâm trí chị thánh, Đức Giêsu là nguồn các ân huệ mà chị đã nhận được trong cuộc đời, và chị đã chịu ơn Người nhiều nhất. Theo thời gian, chính Đức Giêsu mặc khải cho chị những nguyên lý chủ yếu về “con đường nhỏ bé”. Giáo thuyết thiêng liêng này liên kết chặt chẽ với tình yêu đặc biệt chị dành cho Hài Đồng Giêsu, một lòng yêu mến thiết tha. Đối với chị thánh, việc bước đi trên con đường thánh thiện chỉ đơn giản là chăm chú nhìn Đức Giêsu, và luôn luôn dán đôi mắt mình vào Người.
Khi chiêm ngắm thánh nhan Đức Kitô bằng cách này, dần dần, chúng ta trở nên quen với lối suy nghĩ, và cách hành động của Người. Một thời gian ngắn trước khi qua đời, Têrêsa đã viết cho chị Céline: “Đức Giêsu ở trong ngọn lửa tình yêu dành cho chúng ta. Hãy ngắm khuôn mặt đáng tôn thờ của Người! Hãy nhìn vào đôi mắt nhìn xuống và không còn sức sống đó! Hãy nhìn vào những vết thương của Người! Hãy ngắm Đức Giêsu qua khuôn mặt của Người. Ở đó, chị sẽ nhận thấy Người yêu thương chúng ta biết bao!”
Đối với Têrêsa, việc ngắm nhìn khuôn mặt Đức Kitô giúp chúng ta cảm nhận được sự khiêm tốn sâu thẳm của Người. Khuôn mặt bị biến dạng của Đấng Cứu Độ là một khuôn mặt ẩn giấu, bị những kẻ giàu có và quyền lực quên lãng. Ngắm nhìn khuôn mặt Đức Kitô khiến cho Têrêsa mong ước được chia sẻ những nỗi đau khổ với Chúa, và được ẩn mình trong Người: “Giá mà giống như khuôn mặt Đức Giêsu, khuôn mặt của tôi có thể ẩn giấu khỏi tất cả mọi người, sao cho không ai trên trái đất có thể nhận thấy tôi! Tôi khao khát chịu đau khổ và bị khinh miệt”.
- Têrêsa và Thánh Thể
Tình yêu của thánh nữ Têrêsa đối với Đức Giêsu được biểu lộ rõ nét trong tình yêu sâu xa của chị đối với Thánh Thể. Chị thánh vẫn nhớ tình yêu này như thế nào khi được Rước Lễ Lần Đầu:
“Giây phút này thật đáng yêu biết bao. Nụ hôn đầu tiên của Đức Giêsu trong tâm hồn tôi. Quả thật là một nụ hôn của tình yêu. Tôi biết mình được yêu thương, và tôi nói: ‘Con yêu mến Chúa, và con dâng mình cho Chúa mãi mãi’. Đức Giêsu không đòi hỏi điều gì. Người không yêu cầu phải hy sinh. Đã từ lâu, Đức Giêsu và cô bé Têrêsa từng nhìn nhau và hiểu rõ nhau, nhưng hôm ấy, còn hơn cả một cuộc gặp gỡ; đó là một sự kết hiệp trọn vẹn. Chúng tôi không còn là hai, vì cô bé Têrêsa đã biến mất như một giọt nước tan trong đại dương mênh mông”.
Giống như hình ảnh trước đây về thang máy, chị thánh so sánh Đức Giêsu Thánh Thể với một con chim đại bàng đưa chị đến với sự hiện diện của Thiên Chúa:
“Chúa là chim đại bàng mà con yêu mến. Chúa đáp xuống mặt đất này của nơi lưu đày, đau khổ và chết chóc, để Chúa có thể mang tất cả các linh hồn đi và nhận chìm vào cung lòng Ba Ngôi Cực Thánh, ngôi nhà vĩnh cửu của tình yêu. Mặc dù Chúa ở nơi ánh sáng không thể đạt tới, tuy nhiên, Người vẫn ở lại trong thung lũng đầy nước mắt của chúng con, ẩn mình dưới vẻ bề ngoài của một tấm bánh trắng nhỏ bé, để nuôi dưỡng con bằng bản thể của Chúa… Con hy vọng hôm nào Chúa sẽ đáp xuống với con, để đưa con đến với lò lửa tình yêu, và nhận chìm con vào vực thẳm rực rỡ của tình yêu, hầu con có thể mãi mãi trở thành lễ vật toàn thiêu hạnh phúc của tình yêu”.
Những ân huệ Têrêsa nhận được nơi Đức Giêsu đều phát xuất từ mối quan hệ thân thiết mà chị có được với Người nơi Thánh Thể. Trong sự hiệp thông mật thiết này của hai trái tim, chị nhận được những niềm an ủi sâu xa, và chị cũng mong ước được chia sẻ những nỗi đau khổ của Đức Kitô.
Vì mối quan hệ mật thiết của Têrêsa với Đức Giêsu được nuôi dưỡng bằng việc đón nhận Mình Máu Thánh Người, nên chị khao khát được rước lấy Người càng thường xuyên càng tốt. Thời đó việc rước lễ thường xuyên chưa trở thành thông lệ và việc đạo đức chính yếu của đạo công giáo, chị đã được cha giải tội cho phép rước lễ mỗi tuần vài lần. Mặc dù không thể rước lễ hằng ngày, nhưng chị thánh vẫn khao khát được rước Chúa. Nếu ngày nào không thể, thì chị mở lòng ra với Đức Giêsu bằng việc rước lễ thiêng liêng. Chị ao ước được rước lễ càng thường xuyên càng tốt, và chị đã làm hết sức mình để khuyến khích các nữ tu khác trong dòng cũng làm như vậy.
Điều này không có ý nói rằng thánh nữ Têrêsa luôn luôn có được cảm giác sốt sắng an ủi mỗi khi rước lễ. Đôi lúc, chị đón rước bí tích này với một trạng thái thờ ơ, trong sự khô khan và cằn cỗi của linh hồn. Tuy nhiên, những lúc như vậy vẫn không làm cho chị nản lòng, vì chị tin tưởng vững vàng rằng mình đón rước Đức Giêsu không phải vì bản thân, nhưng để làm vui lòng Người. Đối với Têrêsa, sự thánh thiện là công việc của Đức Giêsu, không phải của mình. Chị tin rằng để được hoàn toàn biến đổi trong Đức Kitô, không có cách nào đạt hiệu quả hơn là đón rước Mình Máu Thánh Người cách xứng đáng.
Việc rước lễ cũng mang lại cho thánh nữ Têrêsa một sự liên kết chặt chẽ với tất cả các chi thể sống động của Nhiệm Thể Đức Kitô. Ý thức mạnh mẽ về việc kết hiệp với Đức Giêsu và cộng đoàn tín hữu đã mang lại cho chị thánh cách đánh giá sâu xa về sức mạnh của lời nguyện chuyển cầu, và đào sâu mong ước của chị trong việc giúp đỡ những người khác nhờ sức mạnh của lời cầu nguyện. Vì thế, chị mong ước được ở lại trong trái tim Đức Giêsu, và trở thành một khí cụ tình yêu của Người đối với những người khác trong cái sống cũng như cái chết.
Chúng ta nhận thấy có mối liên kết chặt chẽ giữa Thánh Thể và con đường thơ ấu thiêng liêng của thánh nữ Têrêsa. Như các trẻ nhỏ hoàn toàn tin tưởng vào cha mẹ trước những nhu cầu trong cuộc sống, cũng thế, chúng ta phải hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa trước tất cả những nhu cầu trong cuộc hành trình thiêng liêng của mình. Đối với Têrêsa, Thánh Thể là lương thực từ Trời, không chỉ ban sức mạnh cho chúng ta trong cuộc hành trình thiêng liêng, nhưng còn đưa chúng ta vào mối liên kết mật thiết với Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa.
Tình yêu sâu xa của Têrêsa đối với Thánh Thể không chỉ đặt chị thánh vào mối quan hệ mật thiết với con người của Đức Kitô, nhưng còn với mầu nhiệm vượt qua của Người nữa. Qua việc đón nhận Thánh Thể, cuộc hành trình của chị càng ngày càng đan kết với cuộc vượt qua và cái chết của Đức Giêsu. Khi kết hiệp mật thiết được với Đức Giêsu, chị thánh đi đến chỗ ôm lấy nỗi đau khổ, như chính Người đã từng vác thập giá. Tuy nhiên, nhờ mối quan hệ thân tình với Đức Kitô, nên Têrêsa không chịu thua trước những đau khổ dằn vặt cơ thể và linh hồn mình, mà còn có khả năng chịu đựng và tìm được ý nghĩa trong đau khổ.
Qua việc liên kết nỗi đau khổ của mình với những đau khổ của Đức Kitô, Têrêsa cũng có khả năng vượt qua tình trạng rối loạn tâm linh và tìm được niềm vui vốn phát xuất từ sự hoàn toàn từ bỏ ý riêng mình để thuận theo ý Thiên Chúa. Từ nhãn giới này, Thánh Thể đã giúp Têrêsa tự kết hiệp với Đức Giêsu, và cùng với Người dâng hiến cả bản thân mình lên Chúa Cha. Điều này làm cho chị không những tìm được niềm an ủi trong đau khổ, mà thậm chí còn được cảm nếm trước niềm vui thiên đàng.
Sự kết hiệp với Đức Kitô trong Thánh Thể cũng mang lại cho Têrêsa một cách đánh giá sâu xa hơn về mối liên kết của chị với các tín hữu khác, và giúp chị nhận thấy ý nghĩa và mục đích của lời nguyện chuyển cầu. Nếu Đức Giêsu can thiệp với Chúa Cha thay cho chúng ta, thì với tư cách là các chi thể thuộc thân mình Đức Giêsu, những ai kết hiệp với Người đều có thể được chia sẻ, trong quyền hạn can thiệp của Người. Đối với thánh nữ Têrêsa, giáo thuyết về việc các thánh thông công liên kết chặt chẽ với sự hiểu biết của chị về Giáo hội, với tư cách là nhiệm thể Đức Kitô. Khi rước lễ, chúng ta ca tụng không chỉ sự kết hiệp mật thiết với Đức Kitô, nhưng cả với các tín hữu khác nữa.
Điều quan trọng mà chúng ta cần nhận thấy là những khuynh hướng khác nhau trong linh đạo của thánh nữ Têrêsa đều đồng quy trong giáo huấn của chị về Thánh Thể. “Con đường nhỏ bé” trên “con đường thơ ấu thiêng liêng” của chị thánh, quy chiếu mọi sự vào Đức Kitô, yêu mến thiết tha thánh nhan Chúa Giêsu, sẵn lòng thực hiện thánh ý Thiên Chúa, vui nhận mọi đau khổ, mong muốn cuộc sống ẩn mình bị quên lãng, niềm tin vào việc các thánh thông công và sức mạnh của lời nguyện chuyển cầu, ao ước rước lễ hằng ngày, niềm vui và lòng biết ơn vì nhiều ân huệ đã nhận được… tất cả những khía cạnh này trong quan điểm của chị về mặt thiêng liêng đều cùng liên kết với nhau trong Thánh Thể, và tìm được trong đó mái nhà của chúng.
Đối với thánh nữ Têrêsa, nếu cánh tay Thiên Chúa là thang máy nâng chị lên với sự hiện diện của Chúa Cha, hoặc như một con chim đại bàng với đôi cánh mang chị lên tới ngưỡng cửa thần thánh, thì Thánh Thể chính là phương tiện hữu hình, được Thiên Chúa chọn, tạo khả năng cho Đức Giêsu thực hiện các kế hoạch của Người. Đối với chị, Thánh Thể vượt trên mọi biểu tượng và hình ảnh, Thánh Thể biểu thị hành động hữu hình, biến đổi của Thiên Chúa trong thế giới và cuộc đời của những ai tin tưởng nơi Người và đón rước Người một cách xứng đáng.
Thay Lời Kết
Khi thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu được tôn phong là tiến sĩ giáo hội, thì chị được chính thức nhìn nhận như người có linh đạo mang giá trị vĩnh cửu đối với các tín hữu thuộc mọi thời đại. Với tư cách là một tiến sĩ giáo hội trẻ nhất, linh đạo của chị thánh có ý nghĩa đặc biệt đối với các tín hữu ngày nay. Giống như chị, nhiều người vẫn đang vật lộn với những nỗi khắc khoải lo lắng sâu xa trong tâm hồn, đôi khi tiếp giáp với bờ vực của nỗi tuyệt vọng. Chị vẫn đứng vững đó như một nhân chứng với sức mạnh của đức tin đơn sơ, như trẻ thơ, giữa những thế lực tối tăm xấu xa. Vì lý do này, chị thánh được nhiều người chào đón như một tiến sĩ của thiên niên kỷ mới.
“Con đường thơ ấu thiêng liêng” của thánh nữ Têrêsa thật phù hợp cách sắc bén với độ nhạy cảm của thời đại hiện nay. Mặc dù khi chị thánh qua đời, chỉ còn thiếu vài năm là bắt đầu thế kỷ XX, nhưng linh đạo của chị báo trước nhiều cuộc đấu tranh dữ dội về mặt thiêng liêng mà các tín hữu sẽ đương đầu trong thế kỷ này, sau cái chết của chị và cả sau đó nữa. Trong những năm đầu thiên niên kỷ mới, sứ điệp của chị thánh về sự lệ thuộc hoàn toàn và trọn vẹn vào Thiên Chúa vẫn tiếp tục tấu lên cung đàn, ngân vang nơi tất cả những ai tìm kiếm Thiên Chúa với tâm hồn chân thành. Điều này đặc biệt đúng đối với giáo huấn của chị về Thánh Thể.
Nếu có một giây phút nào trong ngày, khi thánh nữ Têrêsa tin rằng mình thực sự được ở trong trái tim Đức Kitô, thì chỉ sau khi chị đã rước lễ. Lúc đó, Chúa cư ngụ trong chị về mặt thể lý, và chiếu tỏa nhiều ân huệ trên chị. Đáp lại, chị mở lòng ra với Người và chia sẻ trong sự kết hiệp sâu xa nhất và thân mật nhất. Một sự kết hiệp sẽ nối kết toàn bộ những trải nghiệm của con người, từ tâm trạng bị bỏ rơi và gần như hoàn toàn cô độc, đến với tầm cao của niềm vui sâu xa.
Trong suốt cuộc đời Têrêsa, Thánh Thể vẫn là trung tâm nền linh đạo của chị. Đây chính là phương tiện chủ yếu, mà nhờ đó, chị thánh được biến đổi nội tâm, thành một môn đệ đích thực của Đức Kitô, thành người vui mừng vác thập giá mình hằng ngày và đi theo Người, bất cứ nơi nào thập giá có thể dẫn dắt. Khi nhìn dưới ánh sáng này, thì “con đường nhỏ bé” của chị thánh liên kết chặt chẽ với “con đường của Đức Kitô”. Những ai khảo sát linh đạo của chị thánh và suy nghĩ về ý nghĩa của linh đạo này cũng đều hiểu rằng nó hoàn toàn có thể được gọi là “con đường Thánh Thể”.
Linh mục Giuse Trần Đình Long
Dòng Thánh Thể
(viết theo Dennis J. Billy)