Lý giải “Con Đường Nhỏ của Tình Yêu”

          Trong lễ phong Thánh cho chị Teresa HĐ Giê Su tại đại Thánh Đường Phê Rô ngày 17/5/1925, đức giáo hoàng PIO XI  đã long trọng ca ngợi “ Chị dòng kín khiêm tốn đã đem đến cho thế giới một “ Sứ Điệp” mới ( Omen Novum ). Đường Thơ Ấu Thiêng Liêng đã mở ra trong Giáo Hội một giai đoạn mới khiến việc nên Thánh trở nên dễ dàng với mọi người. Thánh Teresa thành Lisieux là một trong những đại tôn sư về đức trọn lành Ki Tô giáo. Trong sự vinh quang rực rỡ, ngài xuất hiện trước mắt chúng ta như một người tiên báo một thế hệ mới mẻ về tu đức” ( MM Philipon O.P – Sứ điệp của Thánh Teresa thành Lisieux ).

          Quả thật Thánh Teresa HĐ Gie Su đã mở ra trong Giáo Hội một giai đoạn mới về việc nên Thánh. Trước đó, theo quan niệm thông thường thì việc nên Thánh chỉ để dành riêng cho hạng người đặc biệt nào đó và để nên được Thánh thì phải thực hiện những công đức lớn lao chẳng hạn dấn thân trên con đường truyền giáo, chịu muôn vàn  gian lao khổ cực thậm chí vui lòng hiến cả mạng sống mình. Hoặc là những đấng sáng lập dòng, những đấng ẩn thân nơi núi cao rừng thẳm tu hành khổ hạnh v.v…

          Thánh Teresa HĐ Gie Su với Con Đường Thơ Ấu không những chỉ thay đổi một quan niệm mà như lời ĐGH Pio XI còn tiên báo một thế hệ mới mẻ về tu đức. Tính chất mới mẻ ấy đã được thể hiện cách rõ nhất nơi chị Consolata Betron ( 1903 – 1946 ) “ Một ngày thứ hai nọ trong  mùa hè 1924. Cô Đina  Richetto, một trong các bạn đồng lứa tuổi của tôi, nhờ tôi giữ dùm một cuốn sách. Đó là cuốn “ Truyện Một Linh Hồn”. Sau cơm chiều tôi ra ngồi trên bao lơn trước cửa tiệm tạp hóa của gia đình và dưới ánh  đèn đường tôi khởi sự đọc truyện của chị Teresa HĐ Giê Su. Một cảm xúc xâm chiếm tôi. Tôi chính là “ Linh hồn yếu đuối” mà Chúa Giê Su đã khám phá ra. Chúa sẽ tìm được linh hồn nào yếu đuối hơn linh hồn tôi ? Lời mời gọi các linh hồn nhỏ lôi kéo tôi: “ Sống Tình Yêu, yêu Chúa Giê Su”. Tôi muốn yêu Chúa Giê Su như chưa hề có ai yêu được như vậy. Tôi gục đầu vào hai bàn tay và nghe có tiếng Chúa gọi trong lòng, một tiếng gọi luôn  thúc bách hơn mãi” ( Lm Lorenzo Sales – Con Đường Nhỏ Của Tình yêu ).

          Consolata Betron được thúc bách bởi tiếng gọi của Tình Yêu và chị đã  theo đuổi cho đến cùng con đường  này. Ở đây  tiếng gọi  Tình Yêu tất nhiên là của Chúa Giê Su. Thế nhưng nên nhớ con đường  ấy  không chỉ mới khởi sự trong Tân Ước  mà đã có ngay từ thời Cựu Ước “  Ngày nay Ta bắt trời và đất làm chứng cho các ngươi rằng Ta đã đặt trước mặt ngươi sự sống và sự chết, sự phước lành và bất hạnh. Vậy hãy theo sự sống hầu cho ngươi và dòng dõi ngươi được sống, thương mến Giê hova ĐCT ngươi, vâng theo tiếng phán Người và trìu mến Người vì Người là sự sống ngươi và làm cho ngươi được sống lâu  đặng ngươi được ở trên ĐẤT mà Đức Giê hova đã thề ban cho các tổ phụ ngươi là Apraham, Isaac và Gia Cop” ( Đnl 30, 19 -20 ).

          Mệnh lệnh được đặt ra cho Dân Chúa là hãy chọn một trong hai con đường. Chọn con đường yêu mến, vâng  theo Tiếng Chúa thì được sống, trái lại sẽ chết. Những kẻ nào đi theo con đường yêu mến  sẽ nhận được lời hứa cho vào ĐẤT  mà Thiên Chúa đã HỨA ban cho các tổ phụ và  dòng dõi cháu con. ĐẤT ấy theo  cách hiểu  không đúng của dân Do Thái đó chính là Canaan nơi miền Trung Đông ngày nay.

          Với cách hiểu như thế  thì Lời Hứa của Thiên Chúa cho các tổ phụ là hoàn toàn vô nghĩa. Tại sao ? Bởi vì  ĐẤT  mà Thiên Chúa hứa ban không thuộc cõi thế gian hiện tượng sinh diệt nhưng thuộc Bản Thể giới bất sinh bất diệt. Thiên Chúa không thể hứa ban cho Dân Ngài bất cứ một thứ lãnh thổ nào đó ở chốn trần gian khổ ải này nhưng để vào cõi phúc lạc đời đời.

          Để có thể  vào được cõi phúc lạc ấy nhất định  phải có Đấng dẫn đường là Chúa Giê Su Ki Tô “ Đấng Ki Tô đã đến làm Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm của sự tốt đẹp hầu đến, đã trải qua Nhà Trại lớn hơn và trọn vẹn hơn. Không phải bởi tay con người làm ra nghĩa là không thuộc cõi thọ tạo này” ( Dt 9, 11 ).

          ĐẤT  Thiên Chúa hứa ban không thuộc cõi thọ tạo. Vậy ĐẤT ấy là gì? Ở đâu ? Đây là vấn nạn  hết sức nan giải  mà cho đến nay Triết/Thần học  vẫn không thể giải quyết và chẳng những không giải quyết  lại còn nẳng lời phê phán cho đó chỉ là thứ …ảo tưởng lừa dối. Các Mác cho tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân lao động vì đã tạo ra một thứ Thiên Đàng chỉ có trong ảo vọng. Còn F. Nietzche ( 1844 – 1900 ) thì đưa ra lời kêu gọi mạnh mẽ “ Hãy làm như tôi. Hãy đem những nhân đức lạc đường về với trái đất. Phải, hãy đem nhân đức trở về với thân xác và cuộc sống để nhân đức của anh em làm cho trái đất có ý nghĩa, nghĩa nhân bản” ( T.T. Đỉnh – Triết Học Hiện Sinh ).

          Triết Hiện Sinh vô thần hô hào trở về phụng sự thân xác và trái đất còn thần học thì chủ trương Tục Hóa, xây dựng Nước Trời trần gian khi người nghèo hết nghèo, người bị áp bức không còn bị áp bức !!!

          Đối với triết Duy Lý nói chung và Hiện Sinh  vô thần nói riêng, điều mà họ quyết liệt bác bỏ sự hiện hữu của Nước Thiên Đàng đời đời chẳng có chi khó hiểu. Thế nhưng  lý do tại sao thần học mà cũng đi vào con đường Tục Hóa  là đường dẫn tới sự chết tâm linh ? Theo tôi tất cả chỉ vì người ta đã không giải nghĩa  thỏa đáng  được chữ ĐẤT trong Cựu Ước.

          ĐẤT ở đây cần phải hiểu đó là Bản Tâm  chân thật hằng hữu ở nơi mỗi người. Lời hứa của Thiên Chúa cho tổ phụ cũng tức là  cho mỗi một người trong chúng ta là hãy trở về Bản Tâm chân thật  nơi chính mình để được sống sự sống đời đời. Con đường trở về với Bản Tâm ấy chỉ có thể thực hiện thông qua Con Đường Tình Yêu “ Hỡi kẻ yêu dấu, chúng ta  hãy yêu thương lẫn nhau. Vì sự thương yêu đến từ Thiên Chúa. Hễ ai yêu thương  thì sanh bởi Thiên Chúa  và nhận biết Thiên Chúa. Còn ai chẳng yêu thương  thì không nhận biết Thiên Chúa vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Sự yêu thương của Thiên Chúa  đối với chúng ta  đã bày tỏ ra trong điều này. Thiên Chúa đã sai Con Một  của Ngài đến thế gian. Hầu cho chúng ta nhờ Con mà được sống. Sự yêu thương ở trong điều này: Chẳng phải chúng ta đã yêu thương Thiên Chúa nhưng Ngài đã yêu thương chúng ta và sai Con Ngài vì tội lỗi chúng ta mà làm cuộc tế lễ vãn hồi” ( 1Ga 4, 7 -10 ).

          Thiên Chúa là Đấng chẳng ai từng thấy biết ( Ga 1. 18 ). Vì thế nếu có ai nói mình yêu mến Chúa đó chỉ là nói dối. Thánh Angelica de Folingo nói “ Một khi hiểu được lòng Chúa yêu tôi thì tôi coi sự tôi mến Người như một lời khôi hài bất chính. Một lời nói dối trắng trợn” ( Thánh Alphongso de Liguori  – Kẻ  Nữ Tu Thánh Thiện ).

          Bởi đâu chúng ta không thể yêu mến Thiên Chúa ? Đó là vì không ai lại không vương mang Tội Nguyên Tổ là tội phân biệt “  Giê hova ĐCT phán dạy rằng: Ngươi được  tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn. Nhưng về cây biết điều thiện điều ác thì chớ hề ăn đến. Vì một mai ngươi ăn chắc là sẽ chết” ( St 2, 16 -17 ).

          Câu chuyện sa ngã nơi Vườn Địa Đàng là biểu tượng có tính minh triết nói về bản chất của tội. Vườn Địa Đàng ám chỉ cho Tâm Vô Phân Biệt. Rắn là Sa Tan “ Đứa lừa dối cả và thiên hạ” ( Kh 12, 9 ). Khi nguyên tổ không vâng lời Thiên Chúa, cố tình ăn trái cấm thì liền bị đuổi khỏi Địa Đàng. Điều này mang ý nghĩa Bản Tâm ta vốn là thực tại vô phân biệt nhưng khi khởi phân biệt thì liền đánh mất  Thực Tại. Nhìn cây hoa, biết đó là cây hoa nhưng hễ khởi niệm phân biệt đẹp xấu, lớn nhỏ hoặc có ý muốn bứng về nhà….thì đó không còn là cây hoa trong thực tại ..nó là nữa.

          Suy từ cây hoa hoặc bất cứ sự vật nào khác đối với Thiên Chúa cũng vậy. Thiên Chúa xác nhận với Mai Sen “ Ta là Đấng Ta Là” ( Ego sum qui sum – Xh 3, 14 ) bởi đó cho nên không ai có thể khẳng định Thiên Chúa là Đấng nào ngoại trừ Đức Ki Tô và những ai Ngài muốn mạc khải. Sở dĩ Chúa Giê Su mạc khải  về Đấng Cha bởi vì Ngài biết “ Các ngươi chẳng từng biết Ngài nhưng Ta biết Ngài” ( Ga 8, 55 ).

          Chúa Giê Su biết về Cha và cái biết ấy không phải cái biết của tri thức phân biệt nhưng là của trí tuệ vô phân biệt. Cái biết của tri thức phân biệt ngày càng khiến con người rời xa Thiên Chúa. Thần học hiểu như một thứ duy lý là một minh chứng cho thấy Thiên Chúa của họ trước sau vẫn chỉ là một thứ khái niệm chẳng hề dính dáng chi tới mạc khải của Đức Ki Tô về Cha.

          Đức Ki Tô mạc khải Đấng Cha  để chúng ta cũng có thể nhận biết và được….” Ở” trong Ngài “ Còn ít lâu thế gian chẳng thấy Ta nữa. Nhưng các ngươi thấy Ta  vì Ta sống thì các ngươi  cũng sẽ sống. Ngày đó các ngươi sẽ biết Ta ở trong Cha Ta, các  ngươi ở trong Ta và Ta ở trong các ngươi. Ai có các điều răn của Ta và giữ lấy ấy là kẻ thương yêu Ta. Còn ai thương yêu Ta sẽ được Cha Ta thương yêu lại. Ta cũng thương yêu người và tỏ mình Ta cho người” ( Ga 14, 19 -21 ).

          “ Ở” trong Cha tức “ Ở” trong Tình Yêu Thiên Chúa, đó là hạnh phúc bất tuyệt mà con người hằng mong mỏi. Thế nhưng điều mong mỏi ấy  thật rất khó mà đạt được  bởi lẽ một đàng Thiên Chúa vốn dĩ không một giây phút nào lại không hiện hữu ở nơi ta. Một đàng  vì u mê ám chướng  nên ta cứ hướng tâm vọng cầu nơi ngoại vật mà đành quên mất Ngài.

          Vì QUÊN Thiên Chúa  Đấng ở nơi mình nên chúng ta từ muôn  vạn kiếp đã bị trói buộc trong vòng vô minh điên đảo. Giờ đây Đức Ki Tô xuống thế làm cuộc tế lễ vãn hồi bằng chính cái chết của mình để khiến cho ta được NHỚ lại cái mà mình đã QUÊN chứ chẳng phải điều chi khác.

          Để  NHỚ lại Đấng mà mình đã QUÊN, Chúa Giê Su  đã truyền dạy cho chị Consolata Betron một công thức gọi là Tác Động Liên Lỉ Yêu Mến: Giê Su Maria Lòng Con Yêu Mến  Xin Cứu Các Linh Hồn”. Chị Consolata viết: “ Ngay từ buổi cấm phòng lần đầu ở tu viện Capucine Chúa Giê Su đã xin tôi điều mà Ngài cứ tiếp tục xin mãi: Tác Động Liên Lỉ Yêu Mến. Chúa chỉ định mục tiêu phải đạt tới. Dưới ánh sáng của TĐLLYM tôi sẽ tiêu hủy các trở ngại ( tính mê, nết xấu, khuyết điểm ). Ngày mặc áo dòng trong giờ nguyện ngắm Chúa Giê Su bảo tôi: Con đừng để sự gì làm cho con xao lãng TĐLLYM. Khi vừa rước lễ xong Chúa cũng bảo: Cha chỉ xin con có TĐLLYM  mà thôi. Từ đó Chúa luôn luôn trở lại đòi hỏi ấy. Đây là trọng tâm của sứ điệp mới” ( Lm Lorenzo Sales – Sđd ).

          Chúa truyền dạy Tác Động Liên Lỉ Mến Yêu không như một lời nguyện tắt đơn giản nhưng đây là con đường thiêng liêng giúp các linh hồn sống đời yêu mến vì TĐLLYM  là đường đi là sự sống của linh hồn cho nên nó phải liên tục như hơi thở của linh hồn vậy. Thân xác cần hơi thở để sống thế nào thì linh hồn cũng cần TĐLLYM  để sống đời yêu mến như vậy.

          Yêu mến Thiên Chúa là giới răn cao trọng nhất “ Ngươi hãy hết lòng hết linh hồn hết ý chí hết sức mà thương yêu Chúa là Thiên Chúa ngươi” ( Mc 12, 30 ). Làm sao có thể thực hiện được tất cả những cái…hết này nếu không yêu mến Thiên Chúa cách liên tục không ngừng nghỉ ? Để có thể yêu mến như thế Chúa  Giê Su truyền dạy cần Tác Động liên lỉ và sự liên lỉ này chính là “Tiếng nói của con tim, bởi đó TĐLLYM  không phải là một cái gì hời hợt bên ngoài hay một công thức máy móc nhưng là một bài ca yêu mến phát xuất từ con tim. Không cần thiết phải tụng đọc ngoài miệng. Vì lẽ TĐLLYM  sâu xa hơn một lời nói nhiều. đó là một tác động nội tâm của trí khôn nghĩ đến việc yêu mến của ý chí chỉ muốn  và yêu. Cho nên TĐLLYM là sự thố lộ Tình Yêu yên lặng và liên tục” ( Lm Lorenzo Sales – Sđd ).

          Con người luôn luôn hướng ngoại bởi bản chất  nó là như thế. Lục căn ( Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý ) tiếp xúc với Lục Trần ( Sắc, Thanh, Hương,Vị, Xúc, Pháp ) sanh ra Thức. Thức là nhận biết có tính phân biệt và chính do nơi cái Thức này mà đã hình thành nên một “ Cái Tôi” ảo tưởng.

          Con đường  Yêu Mến  thông qua TĐLLYM  mục đích để cho ta quay trở ngược cái Tâm vào bên trong  hầu nhận biết Đấng Chúa ở nơi mình. Cũng do nơi việc quay trở vào đó mà đã khiến cho ta …bỏ được mình “ Trên nền tảng  sự chết cho mình của con, Cha sẽ xây dựng tác phẩm của Cha. Con có biết cái gì giết chết con không ? Đó là TĐLLYM này. Tất cả đều dành cho Cha là Thiên Chúa của con. Không còn gì cho con và thuộc về con nữa” ( Ngày 7/12/1935 ).

          Để TĐLLYM  có thể…giết chết cái bản ngã vị kỷ hẹp hòi thì phải tác động cách không gián đoạn có nghĩa  không để cho một tư tưởng nào xen vào giữa hai tác động “ Con có biết sự tinh ròng của Tác Động Yêu Mến hệ tại đâu không ? Đó là không pha trộn một tư tưởng nào khác vào TĐYM. Vì mặc dù con có thể yêu mến với trái tim con. Nhưng trí khôn con đồng thời lại có thể nghĩ đến chuyện khác. TĐLLYM  tinh ròng loại trừ mọi tư tưởng và đòi hỏi sự tinh ròng của trí khôn. Cha xin con TĐYM là xin điều đó ( Ngày 6/12/1935 ).

          Không được pha trộn bất cứ một tư tưởng nào khác dù là tư tưởng tốt lành bởi điều này làm cho TĐLLYM  không còn có sự tinh ròng tức là yêu mến Thiên Chúa hết lòng  hết ý chí…Tuy nhiên để có được sự tinh ròng  là hết sức khó cần có ơn Chúa “ Kẻ phạm tội thì làm nô lệ cho tội. Phần con cũng vậy, nếu con mở cửa cho một tư tưởng. Nếu con cho phép mình nói quá đi một câu thì con cũng làm nô lệ cho sự bất trung. Nô lệ là làm tôi mà làm tôi thì bao giờ cũng nặng nề. Thực tế sau mỗi lần bất trung con  cảm thấy linh hồn  tràn ngập buồn sầu và con không thể chỗi dậy nếu con không chạy ngay đến với Chúa Giê Su của con. Trái lại nếu con chống cự lại cám dỗ nếu con trung thành. Con sẽ thấy mình tự do và hùng mạnh sẵn sàng đối phó với mọi đau khổ. Con hiểu  rồi chứ ? Con hãy ghi kỹ lấy điều đó nhé. ( Ngày 10/12/1935 ).

          Chống cự lại cám dỗ đó là cuộc  chiến không cân sức  và có thể nói nó sẽ đi đến kết quả thảm bại nếu không có lòng cậy trông. Sự cậy trông ấy cũng chính là sự tín thác hoàn toàn, một nhân đức tối cần trong suốt cuộc đời nhất là những khi gặp khổ đau bệnh hoạn hoặc trong giờ phút lâm chung “ Trong ánh sáng Thánh Linh, tôi thấy Chúa Giê Su muốn tôi cậy trông và phó thác cho Người toàn diện vô giới hạn…Lẽ nào tôi lại không phó thác tất cả linh hồn cho Chúa với mọi tư tưởng và mọi bận tâm. Phải, tôi phải để cho Chúa hoạt động trong tôi. Còn tôi chẳng phải nghĩ đến thời giờ hay bất cứ chuyện chi khác nữa. Không gì hết, chỉ còn tiếng ca yêu mến. Chỉ còn TĐLLYM  mà thôi” ( Lm Lozenso Sales – Sđd ).

          Ý nghĩa của lòng cậy trông  ở chỗ đó là  tin vào sự tha thứ không ngừng của Chúa “ Có lần nhớ lại tội xưa, chị thấy sợ. Nhưng Chúa Giê Su bảo chị: Con hãy nghe đây, nếu người trộm lành ngoài những tội riêng còn có thêm các tội riêng của Consolata nữa thì con tưởng rằng Cha sẽ đổi ý chăng ? Chị thưa: Lạy Chúa, không, lời Chúa vẫn y nguyên: Ngay hôm nay con sẽ được lên Thiên Đàng với Cha và Chúa thêm: Vậy thì đó là lời Cha sẽ nói với con trong buổi chiều sau hết của đời con. Con hãy biết rằng: Sự cậy trông  làm cho linh hồn được phấn khởi vui vẻ tiến về Quê Trời  và vững chắc trên đường Thánh Thiện. Yêu mến và cậy trông là hai cánh của linh hồn để bay lên đỉnh trọn lành. Cậy trông mà yếu thì yêu mến chậm chạp lắm. Cái chướng ngại lớn nhất ngăn trở công việc của Cha là sự thiếu tin tưởng” ( Ngày 08/10/ 1934 ).

          Lời hứa cho kẻ trộm lành cũng chính là lời tha thứ. Tin vào sự tha thứ của Chúa dù chúng ta có vấp ngã không biết bao nhiêu lần đó là niềm an ủi hết sức lớn lao cho những tội nhân là những đối tượng cứu độ của Ngài “ Cha đã chăm sóc và ban ơn dồi dào cho chúng con suốt đời tại thế của chúng con. Thế rồi trong giờ sau hết của chúng con. Khi Cha chỉ còn việc hái lấy hoa trái của Ơn Cứu Chuộc. Khi linh hồn chúng con sắp được hưởng hạnh phúc rồi mà Cha lại để cho ma quỷ, kẻ thù tệ hại nhất của Cha cướp lấy linh hồn chúng con sao ? Như vậy các lời Cha hứa ban sự sống đời đời trong Phúc Âm sẽ ra sao ? Làm sao có thể tin được những sự kỳ quái như vậy ? Chết mà không được hối cải chỉ xảy đến cho những kẻ muốn xuống Hỏa Ngục và do đó từ chối tình thương xót của Cha bởi vì  về phía Cha không  bao giờ từ chối tha thứ” ( Ngày 15/12/1935 ).

 

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts