Có thể nói Giáo Hội được nối tiếp bởi những cơn khủng hoảng. Thế nhưng cũng chính trong những cơn khủng hoảng đó mà ta thấy sự hiện diện của Chúa Ki Tô như lời Ngài đã hứa “ Ta sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” ( Mt 28, 20 ). Sự “ Ở Cùng” ấy rõ nhất không đâu cho bằng nơi các Bí Tích nhất là Bí Tích Thánh Thể. Tuy nhiên còn một phương thế “ Ở Cùng” khác cũng hệ trọng không kém đó là sự xuất hiện của các Thánh qua các thời kỳ. Vào thời sơ khai Giáo Hội ta thấy có các đấng như Thánh giám mục Athanasio ( 295 – 373 ) suốt bốn mươi lăm năm trong chức vụ chủ chăn đã phải chịu 05 lần đi đầy để kiên cường bảo vệ đức tin. Thánh Cyrillo thành Gierusalem ( 315 – 386 ) nhờ tài hùng biện khôn ngoan và phẩm cách anh hùng của ngài tại Công đồng Constantinopoli ( 381 ) đã làm cho lạc giáo Ario bị kết án lần thứ hai và biến ngài thành một trong những vị bảo vệ đức tin Công giáo vĩ đại nhất. Thánh Augustino ( 354 – 430 ) nhờ ơn Chúa cho trở lại mà đã đặt nền móng tu đức cho các dòng tu về sau v.v…
Mỗi cơn khủng hoảng đều mang sắc thái của thời đại. Khi Giáo Hội bị chao đảo vì những lối sống xa hoa, lạm dụng quyền thế của hàng giáo sĩ thì Chúa đã cho ra đời các đấng Thánh chẳng hạn như Thánh Đa Minh (1170 – 1221) Phanxico Assisio ( 1182 -1220 ) Thánh Benado ( 1090 – 1153 ) để nêu gương sáng khó nghèo, cầu nguyện hầu thức tỉnh cho nhiều người. Khi Giáo Hội hầu như bị lung lay vì nạn duy lý thì đã có các đấng như Thánh Gioan Thánh Giá ( 1542 – 1591 ) cùng với Thánh Teresa thành Avilla cải tổ dòng Carmelo với phương châm sống suốt đời là để “ Tận Hiến” cho Đức Ki Tô v.v…
Có một nét chung cho toàn thể các Thánh đó là các ngài đã phải chịu gian nan đau khổ rất nhiều cả về tinh thần lẫn thể xác mới có thể theo chân Người Thày Chí Thánh là Đức Ki Tô, Đấng đã hiến cả mạng sống mình hầu cứu chuộc nhân loại. Theo chân Chúa đây cũng chính là ơn gọi đã dành cho những ai Chúa chọn “ Không phải các con đã chọn Thầy nhưng chính Thầy đã chọn các con và cắt cử các con để các con ra đi sinh được hoa trái và hoa trái của các con tồn tại mãi” ( Ga 15, 15 ).
Không phải ta chọn nhưng Chúa chọn, nếu ta chọn Chúa thì đó chẳng phải Chúa nhưng chỉ là một quan niệm nào đó về Chúa. Một khi chọn Chúa chỉ như quan niệm thì sẽ có ngày ta bỏ Chúa bởi vì nó không còn…hợp theo ý mình ( Có thể vì bệnh nạn hay bất mãn gì gì đó ! ). Trái lại Chúa chọn ta và ta biết nghe theo lời mời gọi thì Chúa sẽ ban ơn dư dật để cho ta vững tâm theo Ngài. Các Thánh là những con người đã được Chúa chọn và đã cương quyết đáp lại lời mời đó.
Chàng tuổi trẻ tài cao An Phong, một tiến sĩ luật xuất chúng trong lần tranh cãi tại tòa cho thân chủ, chỉ vì một sơ xuất nhỏ đã bị thất kiện. Sau thất bại không đáng có ấy chàng rất đau buồn và đã đóng cửa phòng hai ngày liền, suy nghĩ và tự hỏi = Đây không phải là lời mời gọi của Chúa sao ? ( Theo Vết Chân Người – Niên Lịch Phụng Vụ ). Thắc mắc như vậy rồi, An Phong bèn đi tới một quyết định dứt khoát “ Ôi thế gian ta đã biết ngươi. Hỡi Pháp Đình ngươi sẽ không bao giờ còn gặp ta nữa”. Biết ở đây có nghĩa là đã nhận ra bộ mặt giả trá phù phiếm của thế gian. Người đời chỉ vì u mê không biết thế nên đã chọn thế gian thay vì Chúa. Đang khi đó Chúa nói “ Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia. Hoặc trọng người này mà khinh người kia. Các ngươi không thể làm tôi cả Thiên Chúa lẫn tiền tài được” ( Lc 16, 13 ).
Giữa Thiên Chúa và thế gian con người chỉ có thể chọn một. Lý do bởi vì đó là hai con đường ngược chiều không bao giờ song hành. Hễ đã chọn Chúa thì phải từ bỏ thế gian. Ngượi lại còn bám víu vào của cải danh vọng chức quyền thì không thể theo Chúa. Mặc dầu vậy con đường từ bỏ quả thật rất khó, nếu không có ơn Chúa kêu gọi thì không ai theo được. Khi đã quyết định dứt khoát từ bỏ con đường công danh sự nghiệp kể cả vị hôn thê xinh đẹp con nhà danh giá cha đã chọn cho mình. Chàng trai An Phong bắt đầu dấn thân nơi các bệnh viện, nhà thương thí tìm cách cứu giúp ủi an các bệnh nhân. Một lần kia khi đang ở trong bệnh viện chàng nghe thấy tiếng nói = Ngươi làm gì trên thế gian này ? Nhìn chung quanh không thấy ai nhưng vẫn nghe hỏi một lần nữa, chàng nhận ra đó là tiếng Chúa bèn vào nguyện đường dâng kính Đức Mẹ Từ Bi gần đó và hứa sẽ gia nhập Dòng Giảng Thuyết làm linh mục. Đặt thanh gươm trên bàn thờ, An Phong thân thưa với Chúa = Lạy Chúa, này con đây xin hãy làm nơi con điều đẹp lòng Chúa. Con là gì và con có cái chi con xin hiến dâng để phụng sự Chúa”.
An Phong đã có quyết định dứt khoát, thế nhưng từ cái quyết định từ bỏ ấy đến chỗ thực hiện ơn gọi còn là cả một quá trình hết sức gian nan. Có không ít người cũng có quyết tâm đấy nhưng vì nhiều lý do mà không thể theo “ Đang khi đi đường có kẻ thưa Ngài rằng không cứ Ngài đi đâu tôi sẽ theo đó. Chúa Giesu đáp = Cáo có hang chim trời có tổ Con Người không có chỗ gối đầu. Người phán cùng kẻ khác rằng = Hãy theo Ta kẻ ấy nói = Thưa Chúa xin cho tôi về chôn cất cha tôi trước đã nhưng Chúa phán = hãy để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn ngươi hãy đi rao giảng Nước Thiên Chúa. Kẻ khác lại nói Thưa Chúa tôi sẽ theo Chúa song xin cho tôi về từ giã người nhà trước đã. Nhưng Chúa Giesu phán = Không ai đã tra tay cầm cày còn ngó lại đằng sau mà lại xứng với Nước Thiên Chúa” ( Lc 9, 57 – 62 ).
Theo Chúa được ví như kẻ đã tra tay cầm cày không được ngoái lại đàng sau bởi đàng sau đây ám chỉ cho thế gian tức những đam mê quyến luyến thế tục với nào là tình cảm gia đình bạn hữu, nào là tiện nghi đời sống này nọ… Chàng trai An Phong quý tộc ấy một khi đã quyết lòng hiến thân phụng sự thì không còn trù trừ tính toán hơn thiệt gì nữa. Nghe cha giận dữ trách mắng sao lại có thể bỏ nghề, bỏ hôn thê như vậy thì chàng thẳng thắn đáp =Đối với Chúa chẳng có hy sinh nào gọi là lớn lao cả. Thật vậy cuộc đời của Thánh An Phong đã minh chứng hùng hồn cho việc từ bỏ đó chẳng những không phải hy sinh nhưng là phước hạnh đời đời cho những con người quyết tâm dấn thân trên con đường phụng sự “ Ai phụng sự Ta hãy theo Ta và Ta ở đâu thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Ta Cha Ta sẽ tôn vinh nó” ( Ga 12, 26 ).
Phùng Văn Hóa