Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu và công cuộc Tân Phúc Âm hoá

Lời mở

Nhân dịp mừng lễ thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu (1873-1897), Bổn Mạng của các xứ truyền Giáo, chúng ta cùng suy nghĩ về đề tài: “Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu và công cuộc Tân Phúc Âm hoá (TPAH)”. Chúng ta muốn tìm hiểu xem Giáo Hội đang mời gọi ta điều gì khi tổ chức Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới lần XIII với chủ đề “TPAH để truyền bá đức tin” cũng như Năm Đức tin 2013. Từ đó chúng ta cũng sẽ tìm hiểu thêm về con đường thơ ấu thiêng liêng bằng tình yêu của Thánh nữ vẫn còn đóng góp tích cực như thế nào cho công cuộc TPAH này.

1. Sứ mạng loan báo Tin Mừng

Lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá” (Lc 5,4) bắt nguồn từ lời mời gọi khởi đầu: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mt 4,19). Lời kêu gọi ấy gửi đến từng môn đệ của Chúa Giêsu trong bối cảnh thế giới đang thay đổi hết sức nhanh chóng về rất nhiều lĩnh vực nên cũng đòi hỏi Giáo Hội phải thay đổi cách sống và loan báo Tin Mừng để chinh phục con người.

Quả thực, Đức Giêsu không muốn người môn đệ chúng ta ngồi ung dung trên bờ hay mé nước, vung chiếc cần câu để bắt từng con cá nhỏ, lúc được lúc không, trong chương trình cứu độ. Người muốn chúng ta chèo con thuyền Giáo Hội ra chỗ nước sâu để cùng với anh em khác thả rộng tấm lưới, bắt hàng đàn cá lớn. Chèo ra chỗ nước sâu là chúng ta phải đối mặt với sóng to, gió mạnh và nhiều thử thách gian truân. Chúng ta sẵn lòng, tự nguyện theo Chúa Giêsu ra chỗ nước sâu và tin tưởng rằng Người sẽ cho chúng ta đánh được những mẻ cá lạ lùng (x. Lc 5,4-11) vì chúng ta là những thừa sai, những tông đồ của Chúa Giêsu.

Chúng ta biết từ “thừa sai” (missionarius) hay “tông đồ” (apostolos) đều bắt nguồn từ động từ “được sai đi” của tiếng Latinh (mittere) hay tiếng Hy Lạp (apostello). Vị thừa sai hay tông đồ là người được Chúa và Giáo Hội sai đi rao giảng Phúc Âm cho những ai chưa nhận biết Chúa Giêsu Kitô. Sứ mạng loan báo Phúc Âm này bắt nguồn từ việc Chúa Cha sai Con Một của Ngài đến cứu độ thế giới và Người Con đó trao lại sứ mạng cao quý ấy cho chúng ta kèm theo muôn ơn lành của Chúa Thánh Thần qua làn hơi kỳ diệu Người thổi trên chúng ta: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21-22).

Sau cái chết nhục nhã trên thập giá, Đấng Phục Sinh long trọng sai chúng ta: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15). Mục đích của việc loan báo Tin Mừng là khơi dậy lòng tin vào Đức Giêsu Kitô để rồi khi đã gặp gỡ và gắn bó với Người rồi ta lại truyền bá đức tin đó cho muôn loài. Đó là sứ mạng truyền giáo của mọi Kitô hữu.

Để thúc đẩy công cuộc loan báo Tin Mừng cứu độ, Giáo Hội Công giáo đã tổ chức Thượng Hội đồng Giám Mục thường kỳ lần thứ XIII nhân dịp kỷ niệm 50 năm Công Đồng chung Vaticanô II (1962-1965) và 20 năm soạn thảo bộ sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo. Vì thế các hoạt động năm nay của chúng ta hướng về chủ đề “TPAH để truyền bá đức tin” theo tinh thần thừa sai của Công đồng chung và của Thượng Hội đồng Giám mục này.

“Sứ mạng truyền giáo mà Giáo Hội nhận được từ Chúa Giêsu Phục Sinh: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15) đã mặc lấy những hình thức và những phương pháp mới theo dòng thời gian, tuỳ theo các nơi chốn và tình hình trong đó sứ mệnh ấy được thể hiện; và tuỳ theo những thời điểm khác nhau trong lịch sử”. Tuy nhiên, sứ mệnh ấy vẫn chỉ là một và đồng nhất như từ khởi đầu thời các thánh tông đồ và các môn đệ thời xưa vì cùng được Chúa Thánh Thần thúc đẩy và hướng dẫn, cùng một nội dung cần loan báo là chính Đức Kitô, Tin Mừng của Thiên Chúa” (Thượng Hội đồng Giám mục, Tài liệu Làm việc (TLLV), số 41).

“Sứ mạng ấy hôm nay đang đứng trước những thay đổi về văn hoá-xã hội ảnh hưởng sâu xa tới nhận thức của con người về chính mình và về thế giới, và do đó, ảnh hưởng tới cách họ tin vào Thiên Chúa” (TLLV, số 6). Giáo Hội nói đến việc TPAH vì những nhóm người mà Giáo Hội đang sống với đã thay đổi triệt để vì nhiều lý do, những hoàn cảnh mới xuất hiện khác hẳn quá khứ khiến cho việc loan báo Tin Mừng cần phải được thể hiện một cách mới mẻ thì mới mong kết quả khả quan.

2. Bối cảnh của cuộc TPAH trên thế giới và ở Việt Nam

Muốn loan báo Tin Mừng cho con người, chúng ta cần phải tìm hiểu người nghe Tin Mừng đang sống trong bối cảnh nào để Tin Mừng của chúng ta thật sự mang lại hiệu quả tốt đẹp. Họ có thể là người nghèo đói, tật bệnh, bị dằn vặt vì tội lỗi, bị kiềm chế bởi ma quỷ, bị chi phối bởi những ý thức hệ, bị điều khiển bởi tham vọng và dục vọng. Chúa Giêsu sai chúng ta đi loan báo Tin Mừng cứu độ và trao quyền năng cho chúng ta để chúng ta có thể giải thoát họ.

2.1. Bối cảnh thế giới

Tài liệu Làm việc của Thượng Hội đồng trình bày rất nhiều về bối cảnh trong cuộc TPAH của thế giới, từ số 52-67, với những thay đổi về văn hoá-xã hội trong các lĩnh vực cơ bản:

Lĩnh vực văn hoá ( số 52-54)
Lĩnh vực xã hội (số 55)
Lĩnh vực kinh tế (số 56)
Lĩnh vực dân sự (số 57)
Lĩnh vực khoa học công nghệ (số 58)
Lĩnh vực truyền thông (số 59-62)
Lĩnh vực tôn giáo (số 63-67)

“Tất cả những thay đổi ấy đang góp phần làm nhiều người lạc hướng, dẫn tới những hình thức mất tin tưởng vào tất cả những gì đã được truyền lại về ý nghĩa cuộc đời… gia tăng sự rời xa đức tin trong các xã hội và các nền văn hoá vốn thấm nhuần Tin Mừng suốt nhiều thế kỷ… Đó là một thực tế tại hầu hết các nước mà ở đó đức tin Kitô giáo đã góp phần xây dựng nền văn hoá và xã hội trong nhiều thế kỷ” (TLLV, số 7).

2.2. Bối cảnh Việt Nam

Việt Nam trong xu hướng toàn cầu hoá và hoà nhập với cộng đồng thế giới nên việc loan báo Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Chúng ta có thể lược qua vài nét chính sau đây:

Lĩnh vực văn hoá

Hiện tượng tục hoá ở Việt Nam nặng nề hơn vì sau 2 cuộc Thế chiến, thế giới chia thành 2 phe đối kháng nhau: Tư bản và Cộng sản, và Việt Nam lại nằm trong vòng xoáy đó, miền Bắc theo ý thức hệ Cộng sản, miền Nam theo Tư bản và chiến tranh đã xảy ra. Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, toàn xã hội được hướng dẫn theo ý thức hệ Cộng sản, hiện tượng tục hoá ngày càng nặng nề hơn. Do đó ta thấy tình trạng sa sút về đạo đức, luân lý lên tới mức báo động qua tin tức trong các sách báo, truyền thanh, truyền hình mỗi ngày.

Lĩnh vực xã hội

Hiện tượng di dân ở Việt Nam rất đáng quan tâm: hơn 8 triệu người phải rời xa gia đình hoặc cả gia đình phải di chuyển đến nơi khác để học hành, làm việc, nhất là đến các đô thị hay thành phố lớn. Hiện tượng đánh mất mình trong đám đông của người di dân.

Sự pha trộn văn hoá phương Tây và Á Đông qua các phim ảnh có nguy cơ tạo nên một lối sống dễ dàng, hưởng thụ vật chất. Nhà nước ít quan tâm đến văn hoá của các dân tộc thiểu số.

Về vấn đề gia đình có tới 31%-41% trong tình trạng li dị kể cả những người Công giáo.

Lĩnh vực kinh tế

Số người sống trong tình trạng nghèo khổ cùng cực ở VN là 16 triệu. Nhiều công ty, xí nghiệp bị phá sản, nhất là 2 năm gần đây. Tỷ lệ người dân nông thôn lên thành thị làm việc và bị cuốn theo vòng xoáy tiền bạc dẫn đến sa đoạ cao; các quán cà phê, bia ôm, massage nhan nhản khắp nơi. Nạn buôn gian bán dối, bán hàng độc hại, nông sản chứa dư lượng thuốc trừ sâu hầu như ở khắp nơi, ngay cả trong các cộng đồng có nhiều người Công giáo. Nạn lấy chồng nước ngoài gia tăng trong một số địa phương do hiều biết kém và ước muốn làm giàu bằng bất cứ cách nào. Chúng ta cần phải loan báo Tin Mừng cứu độ như thế nào cho những người nghèo khổ đó?

Lĩnh vực dân sự

Ở VN nạn tham nhũng tràn lan, các quyền lợi con người bị xâm phạm. Về vấn đề bảo vệ sự sống đáng báo động vì VN đứng thứ 5 trên thế giới về số ca phá thai, các nhà xã hội ước chừng 2 triệu ca, bộ Y tế VN dự đoán 300.000 ca hằng năm (Báo Sài Gòn Tiếp Thị, ngày 12-7-2013). 30% phụ nữ phá thai rơi vào tình trạng trầm cảm không được cứu chữa. Chúng ta loan báo Tin Mừng cho họ như thế nào? 26 triệu người uống rượu, vài triệu người nghiện rượu, đánh đập vợ con, gây bất an nơi gia đình. Chúng ta làm gì để giúp đỡ họ? 33 triệu người hút thuốc lá, chất nicotine ảnh hưởng đến bộ phận sinh sản và con cái họ bị ngu đần. 200.000 người nghiện ma tuý. 300.000 người nhiễm HIV. Tai nạn giao thông ở mức độ rất cao, hàng chục ngàn người bị thiệt mạng hằng năm. VN có 6 triệu 700 ngàn người khuyết tật về thể lý, 10 triệu người khuyết tật về tinh thần. Chúng ta loan Tin Mừng cứu độ cho những người này như thế nào?

Lĩnh vực khoa học công nghệ

VN là nước đang phát triển, áp dụng kỹ thuật từ nước ngoài. Lòng yêu chuộng khoa học thực nghiệm thôi thúc các bạn trẻ, các thanh thiếu niên áp dụng phương pháp kỹ thuật vào đời sống nhưng càng ngày họ càng lệ thuộc vào chúng. Ta phải loan báo Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô như thế nào trong lĩnh vực này?

Lĩnh vực truyền thông

41 triệu người truy cập internet thường chỉ để giải trí xem tin tức hơn là nghiên cứu, học hành, làm việc. VN đứng đầu thế giới về truy cập phim sex với 5 triệu người xem hằng đêm, 10 triệu người chơi game online mỗi ngày, bỏ cả học hành làm việc, chúng ta làm gì để giải thoát họ khỏi những cơn nghiện này? Truyền thông lại thiếu trung thực, những tin tức được định hướng theo chính quyền hay bởi những ông chủ truyền thông chứ chưa phản ánh trung thực sự thật.

Lĩnh vực tôn giáo

Theo Thống kê Dân số toàn quốc ngày 1-4-2009, người Công giáo chiếm khoảng gần 7% dân số , 1% Tin lành, 9% Phật giáo, khoảng 2% thuộc các tôn giáo khác như Cao Đài, Phật giáo Hoà Hảo, Bah’ai, Hồi giáo. Hơn 80 % còn lại tuyên bố vô thần hoặc không theo một tôn giáo nào, trong đó đa số vẫn còn tin vào Ông Trời, vào Đấng Tối Cao, cho mình là theo đạo ông bà tổ tiên. Đây là đối tượng đáng quan tâm để rao giảng Tin Mừng, Giáo hội Công giáo có chiến lược TPAH gì cho những người này?

3. Người Kitô hữu hành động như thế nào trước những thay đổi trên thế giới và ở Việt Nam

Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu người Kitô hữu hành động như thế nào trước những thay đổi trên thế giới và ở Việt Nam để khám phá ra lý do tại sao hoạt động rao giảng Tin Mừng thiếu hiệu quả.

3.1. Trên thế giới

Có thể nói rằng đứng trước bối cảnh những đổi thay trong nhiều lĩnh vực, “nhiều cộng đồng Kitô giáo đã không nhận thức đầy đủ sự thách thức cũng như mức độ lớn lao của cuộc khủng hoảng gây ra bởi môi trường văn hoá bên ngoài cũng như ngay cả bên trong Giáo Hội” (TLLV, số 49).

Họ vẫn tiếp tục sống hết sức bình thường, cũng nói đến truyền giáo, loan báo Tin Mừng. Nhưng, với cách sống và rao giảng TM quen làm như hiện nay bằng việc tham dự những giờ kinh phụng vụ, thánh lễ, đón nhận các bí tích, học hỏi Thánh Kinh, dạy giáo lý với các bài quen thuộc, thỉnh thoảng làm một số công tác xã hội như khám bệnh, phát thuốc, phát quà cho người nghèo, người tàn tật, thăm viếng một ít cơ sở tôn giáo bạn như đền chùa, thánh thất, hoặc giao lưu với các anh em Tin Lành thì hiệu quả truyền giáo sẽ không mấy thay đổi như đang tồn tại cả trăm năm nay.

Thượng Hội đồng cảnh báo rằng: đối mặt với những thay đổi đó, người Kitô hữu rất thụ động. Hậu quả là từ thái độ thụ động của Kitô hữu: “chúng ta thấy có sự suy yếu đức tin trong các cộng đồng tín hữu, sự giảm sút lòng kính trọng đối với thẩm quyền của huấn quyền, sự tuỳ thuộc vào Giáo Hội mang tính chất cá nhân chủ nghĩa, sự suy thoái trong việc thực hành tôn giáo và sự hờ hững trong việc truyền thông đức tin cho các thế hệ mới” (TLLV, số 48).

Chúng ta không lạ lùng hậu quả là số tín hữu càng ngày càng giảm sút. Cách đây 50 năm, tỷ lệ người Công giáo so với dân số thế giới là 18,2 %, hiện nay tỷ lệ này là 17,5 %. Theo Thống kê, vào năm 2010, Giáo hội Công giáo (GHCG) có 1.195.671.000 tín hữu trên tổng số 6.848550.000 người trên thế giới. GHCG hiện có 207 hồng y, 12 thượng phụ,1.039 tổng giám mục, 3.855 giám mục, 412.236 linh mục trong đó có 277.009 lm. triều và 135.227 lm. dòng, 39.564 phó tế vĩnh viễn, 54.665 tu sĩ nam, 721.935 tu sĩ nữ, 118.990 đại chủng sinh, 335.502 thừa sai giáo dân, 3.160.628 giáo lý viên, trong khi số người lớn (trên 7 tuổi) được rửa tội cả năm là 2.666.953. Trung bình cứ 2 người tín hữu ưu tuyển, tạm kể là các giám mục, linh mục, phó tế, đại chủng sinh, tu sĩ, thừa sai giáo dân, giáo lý viên là những người có ý thức trách nhiệm truyền giáo, mới thu hút được 1 người theo đạo mỗi năm. Vậy những người khác làm gì? (x. Catholic Almanac 2013, tr. 335, NXB Our Sunday Visitor’s, 2012).

Giáo Hội thấy cần phải thay đổi: vì người ta thấy rằng “có sự sa sút của nhiều Kitô hữu trong đời sống đạo và có thể nói đây là sự bội giáo âm thầm đưa Giáo Hội tới chỗ không còn khả năng đáp ứng một cách thuyết phục và thoả đáng trước những thách thức được mô tả trong các lĩnh vực” (TLLV, số 48).

Thượng Hội đồng cũng nhận định thêm các hậu quả khác đồng thời cũng là những nguyên nhân dẫn đến việc thiếu hiệu quả trong công cuộc loan báo Tin Mừng như:

– “Tình trạng suy yếu đức tin của các Kitô hữu: sự thiếu dấn thân cá nhân và thiếu kinh nghiệm trong việc truyền bá đức tin, không có đủ sự hướng dẫn thiêng liêng cho giáo dân trong tiến trình đào luyện họ về tri thức nghề nghiệp” (TLLV, số 69).

– “Cơ cấu Giáo Hội tỏ ra quá quan liêu: có một khoảng cách quá lớn giữa người bình thường và các quan tâm hằng ngày của họ khiến cho năng lực của các cộng đồng Giáo Hội bị suy giảm, mất đi sự phấn khởi từ cơ sở và suy thoái của nhiệt tình truyền giáo” (TLLV, số 69).

– “Tính quá hình thức của các cử hành phụng vụ, hầu như chỉ là những hình thức theo thói quen và thiếu trải nghiệm thiêng liêng sâu xa, làm cho dân chúng xa lánh thay vì lôi cuốn họ” (TLLV, số 69). Nhìn vào các buổi cử hành phụng vụ hiện nay, chúng ta thấy những điều mà THĐ cảnh báo. Nhiều linh mục dâng lễ nhưng thiếu tâm tình, nhiều khi mang cả những sự bực bội vào trong thánh lễ. Nhiều người không cảm nghiệm được sự sống động của mỗi thánh lễ mình dâng.

3.2. Ở Việt Nam

Hầu hết những điểm tiêu cực và tích cực được Thượng Hội đồng Giám mục nhắc đến đều thấy có trong xã hội và Giáo hội VN ở nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau.

Lòng tin có từ ngàn năm qua vào Đấng linh thiêng mà dân chúng quen gọi là Ông Trời, Chúa Trời như “Trời cao có mắt”, “Lưới trời lồng lộng”, “Thiên bất dung gian”, trong vài chục năm gần đây, đã bị những ý thức hệ vô thần phá đổ qua những bài học chống phá tôn giáo, tín ngưỡng, thật sự đã gây nên những hậu quả nghiêm trọng trong cách sống của người dân về lĩnh vực đạo đức luân lý. Ngay cả các tín đồ của các tôn giáo, do được giáo dục trong các trường học của xã hội, cũng đã suy giảm lòng tin, thậm chí đánh mất đức tin để sống theo chủ nghĩa cá nhân hưởng thụ, tìm lợi cho mình và bất công, bất chính đối với người khác.

Những cuộc cử hành phụng vụ của đồng bào Công giáo, nhất là thánh lễ, tuy có rất đông người tham dự, nhưng người tín hữu vẫn cảm thấy nặng nề về hình thức, thiếu trải nghiệm thiêng liêng sâu xa và không đưa được tinh thần đạo đức vào trong đời sống thường ngày cũng như trong xã hội. Vì thế đạo Công giáo vẫn chưa lôi cuốn mạnh mẽ những người ngoài Công giáo. Hầu hết những người học trong các lớp giáo lý tân tòng để theo đạo là những người muốn lập gia đình với người Công giáo.

Một số anh em linh mục, tu sĩ còn không tin có việc trừ ma đuổi quỷ và cho đó là chuyện hoang đường, không nghĩ mình cần phải giải thoát con người khỏi quyền lực trói buộc của quỷ ma. Thực ra những tài liệu mới của Giáo Hội về điểm này trong Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo hay trong cuốn Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo có lẽ còn quá mới mẻ đối với linh mục, còn nói chi đến giáo dân!

Trong khi đó, quần chúng bình dân lại rất tin vào bùa chú, ma thuật và những trò bịp bợm mê tín. Câu chuyện và những cảm nghiệm của nhiều nhà ngoại cảm như bà Phan Thị Bích Hằng được các phương tiện truyền thông phổ biến đang cần lời giải thích và hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền của GHVN thì chúng ta lại chỉ nhận được sự im lặng khó hiểu. Nhiều uỷ ban của Hội đồng Giám mục VN vẫn chỉ có những hoạt động cầm chừng vì những sự e ngại nhiều mặt đúng như những nhận định của Thượng Hội đồng Giám mục 2012.

GHVN, tính đến ngày 31/12/2012 có 4.441 linh mục, 4.195 chủng sinh, 2.679 tu sĩ nam, 17.280 tu sĩ nữ. Tuy nhiên, con số đông người tận hiến cho Đức Kitô vì Nước Trời này hình như vẫn chưa đủ sức thu hút những người ngoài Công giáo tin vào Đức Kitô do thái độ quan liêu, xa cách và thiếu quan tâm của nhiều người đối với cộng đồng xã hội. Những hoạt động xã hội, bác ái từ thiện của những cơ sở tôn giáo mà họ quản trị như các trường học, trường mẫu giáo, nhà trẻ, nhà nuôi dưỡng người già, khuyết tật, trẻ mồ côi, ký túc xá sinh viên,… vẫn thiếu một cái gì đó của chính Đức Kitô khiến cho những người thụ hưởng không cảm nghiệm được sự hiện diện sống động của Người.

Ngoài ra, GHVN hiện có 59.524 giáo lý viên, gần 1 triệu đoàn viên các hội đoàn Công giáo Tiến hành và 6.560.879 tín hữu giáo dân (x. Thống kê của Văn phòng Tổng Thư ký HĐGMVN), nhưng số người lớn theo đạo Công giáo hằng năm trong những năm gần đây chỉ có khoảng 30- 40.000. Trong khi số người bỏ đạo cũng gần bằng số người theo đạo nên tỷ lệ người Công giáo không tăng trong suốt 127 năm qua tính từ năm 1885 đến nay. Con số tăng hằng năm người Công giáo có tính cách cơ học theo sự tăng trưởng tự nhiên của dân số.

Nhiều vì lãnh đạo trong Giáo hội Công giáo không mấy quan tâm đến điểm này, dù nhiều nơi vẫn hô hào loan báo Tin Mừng hằng năm trong dịp lễ Khánh nhật Truyền giáo với các cuộc lễ, chầu Thánh Thể, tổ chức những hình thức cổ vũ ơn gọi và hoạt động truyền giáo. Thật ra những sinh hoạt của các hội đoàn Công giáo tiến hành và các bài học của các lớp giáo lý hiện nay cần phải đổi mới từ nội dung đến hình thức thì mới có sức thu hút người khác theo Chúa.

Theo số liệu mới nhất của Văn phòng Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam, tính đến ngày 31-12-2012, số người lớn được rửa tội năm 2012 là 42.422 người, trong khoảng 10 năm gần đây, hằng năm có khoảng 30.000 đến 40.000 người lớn theo đạo Công giáo, nhưng hầu hết là để lập gia đình với người có đạo. Vậy chúng ta tự hỏi ai là người đi loan báo Tin Mừng Đức Giêsu Kitô và truyền giáo có kết quả?

4. Thời điểm cho một cuộc TPAH

Nhận thức được tình trạng kém hiệu quả trong việc loan báo Tin Mừng, một số bạn đã đặt câu hỏi: “Phương cách nào thích hợp nhất để loan báo Tin Mừng trong bối cảnh văn hoá Việt Nam?”. Sau khi thu thập ý kiến của các Giáo hội địa phương trên toàn thế giới góp ý cho Thượng Hội Đồng, chúng ta thấy rằng TPAH được đề nghị như là giải pháp tối ưu. Vậy TPAH là gì và bao gồm những nội dung nào?

4.1. TPAH là gì?

Khi đối mặt với những đổi thay nhanh chóng của thế giới, Giáo Hội đã tìm ra câu trả lời hay giải pháp cho các vấn đề. Giải pháp đó là TPAH. “Khởi đầu Giáo Hội chỉ thấy TPAH là một nhu cầu, rồi như một hoạt động phân định và sau cùng như một động lực thúc đẩy Giáo Hội hôm nay” (x. TLLV, số 44). Nội dung bao hàm trong từ này dần dần sáng tỏ.

Khởi đầu, người ta hiểu “TPAH như là một cách thức mới để loan báo TM, đặc biệt cho những người đang sống trong tình hình hiện nay, vốn bị ảnh hưởng bởi trào lưu tục hoá ngày càng gia tăng và diễn ra ở mức độ nghiêm trọng tại các nước vốn có truyền thống Kitô giáo lâu đời” (TLLV, số 44, 85). TPAH đồng nghĩa với từ tái Phúc Âm hoá hay tái rao giảng TM trước nhu cầu đối với người Kitô hữu đã bỏ Chúa Kitô, cụ thể là ở những nước Tây Phương. Tin Mừng trong nghĩa này vẫn được hiểu là sứ điệp hay giáo lý của Chúa Giêsu Kitô.

Nhưng rồi qua những chuẩn bị cũng như đóng góp ý kiến của các Giáo Hội địa phương, người ta thấy rằng việc TPAH bây giờ trở thành một việc phân định, tức là mỗi Giáo Hội địa phương nhìn lại cuộc sống của mình, cố gắng đọc và hiểu rõ những lĩnh vực mới xuất hiện để đối phó với bối cảnh mà họ đang phải đối mặt, đụng chạm với những thách thức mà thế giới và xã hội đặt ra cho Giáo Hội của mình (x. TLLV, số 51).

“TPAH bây giờ không phải là Tái Phúc Âm hoá (TLLV, số 45), nhưng là một cuộc Phúc Âm hoá mới: mới về nhiệt huyết, phương pháp và cách biểu hiện của nó (TLLV, số 87). Châu Âu không thể chỉ dựa vào di sản trước kia của mình mà phải có khả năng quyết định về tương lai của mình phù hợp với con người và sứ điệp của Đức Giêsu Kitô” (TLLV, số 45). Tin Mừng bây giờ bắt đầu được hiểu là chính con người Đức Giêsu Kitô hơn là sứ điệp của Người.

Cuối cùng, việc TPAH lại trở thành như một động lực thúc đẩy Giáo Hội đổi mới chính mình và trở thành một Tin Mừng sống động cho người khác khi hiểu chính GH phải gặp gỡ, gắn bó với Đức Giêsu Kitô thì mới có thể đổi mới rồi đi vào thế giới hôm nay và loan báo Tin Mừng của Người cho mọi loài thụ tạo. “Giáo Hội phải có một sức sống mới, quyết tâm, nguồn lực và sự mới mẻ để tìm ra cách thức sống và truyền bá đức tin của mình” (x. TLLV, số 49). Phúc Âm hoá bây giờ đồng nghĩa với từ “Kitô hoá” hay “Giêsu hoá” hoặc “Giêsu-Kitô hoá” nghĩa là biến đổi chính mình nên giống Chúa Giêsu Kitô, đưa Chúa Giêsu Kitô thâm nhập đời sống và mọi lĩnh vực của đời sống.

Do đó, từ TPAH bây giờ mang một nội dung sâu xa hơn từ loan báo Tin Mừng, rao giảng Tin Mừng hoặc công bố Tin Mừng và từ nay sẽ được sử dụng thường xuyên hơn trong các văn kiện của Giáo Hội. Lý do là vì khi nói loan báo Tin Mừng người ta có thể hiểu là loan báo Đức Giêsu Kitô, nhưng khi dùng với từ “loan báo” thì nó không thể mang ý nghĩa biến đổi thành Chúa Giêsu Kitô hay đưa Chúa Giêsu Kitô thâm nhập vào mọi lĩnh vực được.

4.2. TPAH bao gồm những yếu tố nào?

Để rao giảng Tin Mừng cho có hiệu quả thiết thực, người tín hữu Kitô phải xuất phát lại từ Đức Kitô như rất nhiều văn kiện chính thức của Giáo Hội đã nhắc nhở từ lúc chuẩn bị Năm Thánh 2000 đến nay, nhất là phải trở về gặp gỡ Đức Giêsu Kitô thì mới có thể xuất phát từ Người.

“Truyền bá đức tin có nghĩa là tạo lập ở mọi nơi và mọi thời những điều kiện dẫn tới cuộc gặp gỡ này giữa con người với Đức Giêsu Kitô. Mục tiêu của tất cả việc Phúc Âm hoá là tạo lập khả năng cho cuộc gặp gỡ này, một cuộc gặp gỡ vừa cá nhân và thân mật, vừa công khai và cộng đồng. ĐTC Bênêđictô XVI nói: “Làm Kitô hữu không phải là kết quả của một chọn lựa đạo đức hay một ý tưởng cao vời, nhưng là cuộc gặp gỡ với một sự kiện, một con người, một cuộc gặp gỡ đem đến một chân trời mới và một hướng đi quyết định” (TLLV, số 18).

“Đối với Đức Giêsu, mục đích của việc Phúc Âm hoá là lôi kéo con người vào trong mối liên hệ mật thiết với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Đây là lý do hàng đầu của việc Người rao giảng và làm phép lạ: công bố ơn cứu độ… để cho mọi người trải nghiệm mình được Thiên Chúa yêu thương và học biết để nhận ra ở Người khuôn mặt của một người Cha từ bi nhân hậu (x. Lc 15)… Đức Giêsu chữa nhiều người khỏi bệnh hoạn tật nguyền, khỏi quỷ ám, và ban ơn cho nhiều người mù được thấy…” (TLLV, số 18).

“TPAH không có nghĩa là đi tìm một Phúc Âm mới, vì Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt 13,8). “TPAH có nghĩa là nuôi dưỡng một nền văn hoá ăn rễ sâu trong Tin Mừng và khám phá ra “con người mới” (Ep 4,24) ở trong chúng ta như là kết quả của Thần Khí được Chúa Giêsu và Chúa Cha ban cho chúng ta” (x. TLLV, số 164).

“TPAH có nghĩa là đốt cháy lên trong chúng ta sức bật của Giáo Hội thời kỳ đầu và để mình được tràn đầy nhiệt huyết rao giảng Tin Mừng của các tông đồ sau biến cố Hiện Xuống. Chúng ta phải làm sống lại nơi mình niềm xác tín nóng bỏng của Thánh Phaolô khi ngài thốt lên: “Vô phúc cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16; x. TLLV, số 165).

“TPAH tăng cường ngày một hơn mối quan hệ của chúng ta với Chúa Giêsu Kitô, vì chỉ một mình Người là sự chắc chắn cho tương lai và là bảo đảm cho một tình yêu đích thực và vững bền” (x. TLLV, số 166).

5. Thánh Têrêsa và con đường thơ ấu thiêng liêng

Trước yêu của Giáo Hội cần đổi mới chính mình, đổi mới cách loan báo Tin Mừng để đáp ứng những đòi hỏi của thời đại mới, bối cảnh mới, nhiều người chúng ta đặt câu hỏi: “Con đường thơ ấu thiêng liêng của thánh nữ Têrêsa có còn thích hợp hay không? Có cần đổi mới hay không và đổi mới như thế nào?”.

5.1. Truyền giáo bằng con đường thơ ấu thiêng liêng

Khi tôn vinh thánh nữ làm bổn mạng các xứ truyền giáo, một người suốt từ 15 tuổi bước chân vào dòng kín Cát Minh cho đến khi qua đời năm 24 tuổi, chưa bao giờ bước chân ra khỏi tu viện để đi truyền giáo, chắc chắn Giáo Hội muốn nhắc nhở chúng ta rằng: Ai cũng có thể noi gương thánh nữ Têrêsa đi truyền giáo bằng con đường thơ ấu thiêng liêng.

Con đường này được xây dựng bằng tình yêu trọn vẹn dành cho Chúa Giêsu và Giáo Hội của Người. Những lời tâm huyết của thánh nữ đã mô tả đơn sơ con đường ấy như sau: “Đức ái đã cho em chìa khoá để tìm ra ơn gọi của em. Em hiểu rằng nếu Hội Thánh có một thân thể gồm nhiều chi thể khác nhau, thì hẳn Hội Thánh không thể thiếu chi thể cần thiết nhất và cao quý nhất. Em hiểu rằng Hột Thánh có một Trái Tim và trái tim đó bừng cháy tình yêu. Em hiểu rằng chỉ có tình yêu mới làm cho các phần tử của Hội Thánh hoạt động và nếu tình yêu tắt ngúm thì các Tông Đồ sẽ chẳng loan báo Tin Mừng nữa, các vị tử đạo sẽ chẳng chịu đổ máu mình ra… Em hiểu rằng tình yêu bao trùm mọi ơn gọi, và tình yêu là tất cả, nó bao trùm mọi nơi và mọi thời…; tắt một lời, tình yêu tồn tại mãi.

Bấy giờ vào lúc tình yêu dạt dào ngây ngất, em đã reo lên: Ôi Giêsu, Tình Yêu của con… ơn gọi của con, cuối cùng con đã tìm thấy, ơn gọi của con chính là tình yêu… Vâng, con đã tìm thấy chỗ đứng của con trong Hội Thánh, và chỗ đứng này, ôi Thiên Chúa của con, chính Chúa đã ban cho con. Trong lòng Hội Thánh, Hiền Mẫu của con, con sẽ là tình yêu. Như thế, con sẽ là tất cả… và như thế, ước mơ của con sẽ được thực hiện…” (trích sách Tự Thuật của thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Kinh Sách-tập 4, bài đọc II lễ thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, NXB TP.HCM, tr.624).

5.2. Những giai đoạn trên con đường đổi mới của Giáo Hội

Cuộc đổi mới của Giáo Hội trong lĩnh vực truyền giáo gọi là TPAH cũng chỉ muốn tập trung vào Chúa Giêsu là Tin Mừng sống động của Thiên Chúa để người tín hữu sau khi đã gặp được Chúa Giêsu sẽ yêu mến và gắn bó mật thiết với Người (TLLV, số 18, 19, 20, 21, 26, 33, 169). Thượng Hội đồng nhắc đi nhắc lại nhiều lần Đức Giêsu là Tin Mừng sống động và đức tin là cuộc gặp gỡ giữa con người với Đức Giêsu (TLLV, số 18) để sau khi gặp được Người, ta mới có thể truyền bá đức tin cho người khác.

Muốn gặp gỡ Chúa Giêsu, người tín hữu trước hết cần phải xác tín rằng Đức Giêsu thật sự là Con Thiên Chúa đang sống trong mình và trong cộng đồng nhân loại. Họ phải vượt qua những nghi ngờ, định kiến, sai lầm về Đức Giêsu bằng những cố gắng học hỏi về Người. Vì thế, con đường thơ ấu không còn phải là con đường của những trẻ thơ vô tư, chỉ biết vui đùa với những bước đi chập chững nhưng là một con đường tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa với tất cả ý thức trong sáng và trí khôn rộng mở cho Chúa Giêsu.

Tiếp theo, người tín hữu bước đi trên con đường ấy với một tình yêu nồng nàn dành cho Chúa Giêsu như thánh nữ Têrêsa để có thể đón nhận tất cả, hy vọng tất cả, tha thứ tất cả, chịu đựng tất cả. Thánh nữ Têrêsa đã đón nhận những hiểu lầm, vất vả, thiệt thòi trong đời sống thường ngày từ những giọt nước bẩn khi ngồi giặt chung với các chị em cho đến những cơn đau đớn tột cùng của bệnh lao phổi. Con đường tình yêu đối với Giêsu Hài Đồng đó cũng là tình yêu dành cho Giêsu trưởng thành chịu chết trên thập giá.

Tình yêu dành trọn vẹn cho Đức Giêsu ấy mới đưa chúng ta vào cuộc hiệp thông mầu nhiệm để Chúa Giêsu chuyển thông cho ta sức sống kỳ diệu, tình yêu phi thường, quyền năng vô hạn, vinh quang tuyệt đối của Thiên Chúa sang con người nhỏ bé tầm thường, tội lỗi, hữu hạn của ta. Lúc đó chúng ta mới thật sự là những chứng nhân cho Tin Mừng Phục Sinh đúng như lời ĐTC Phaolô VI đã nhắn gửi: “Con người thời nay sẵn sàng nghe các chứng nhân hơn là các thầy dạy, và nếu họ có nghe các thầy dạy, thì chính là vì các thầy dạy cũng là những chứng nhân…”. Vì vậy Giáo Hội sẽ loan báo Tin Mừng cho thế giới trước tiên bằng hạnh kiểm và đời sống của mình, bằng chứng tá sự nghèo khó và vô tư, và bằng chứng tá sự tự do của mình đối với các quyền lực của thế gian này, tóm lại, chứng tá sự thánh thiện” (TLLV, số 158; TĐ Evangelii nuntiandi, ngày 8-12-1975, số 7).

Như thế, con đường thơ ấu thiêng liêng vẫn là con đường tập trung cho tình yêu dành cho Chúa Giêsu mà thánh nữ Têrêsa đã hết sức cổ vũ và giới thiệu cho tất cả chúng ta.

5.3. Những hành động thiết thực trên con đường tình yêu

Điểm cơ bản cuối cùng mà chúng ta cần phải thực hiện là bước đi mỗi ngày trên con đường tình yêu này thay vì ngồi yên như trẻ nhỏ để hưởng thụ tình yêu qua những săn sóc của cha mẹ và anh chị em của mình. Chúng ta cũng không bước đi với thái độ sợ hãi, nhút nhát cần người khác bế bồng, mang vác hoặc với thái độ bực bội, bất mãn phải nhờ người khác dẫn dắt kéo lê. Chúng ta sẽ bước đi như một trẻ thơ bình an, thanh thản trên con đường tình yêu này bằng chính đôi chân của mình vì biết rằng Cha Trên Trời và cả Giáo Hội đang đồng hành với mình trong cả những khó khăn và bách hại.

Đối với hầu hết tín hữu, truyền giáo bằng Phúc Âm hoá không có nghĩa là cần phải đi xa, gặp những người mới lạ để nói về Đức Giêsu và sứ điệp của Người như thánh Phanxicô Xaviê nhưng là đến với mọi người, mọi vật bằng tình yêu. Thiên Chúa là tình yêu. Ngài ở khắp mọi nơi nên ta cũng có thể đi khắp nơi trong vũ trụ bao la này nhờ tình yêu dành cho Thiên Chúa và cũng có thể đến với muôn loài nhờ tình yêu dành cho thụ tạo.

Rồi nhở sự kết hợp với Đức Giêsu, tình yêu cụ thể của Thiên Chúa, ta sẽ có những hành động thiết thực đối với Thiên Chúa cũng như đối với muôn loài. Những hành động đó có thể là lời cầu nguyện, thánh lễ, lần hạt, nguyện gẫm, chầu Thánh Thể… nếu ta có đủ điều kiện, thời giờ. Nhưng cũng có thể là những công việc hết sức đơn giản của đời sống hằng ngày như đánh răng, rửa mặt, ăn uống, ngủ nghỉ, học hành, làm việc được thực hiện trong tình yêu và nhờ tình yêu với lời nguyện nhỏ: “Lạy Chúa, con xin làm việc này vì yêu Chúa và yêu mọi người”.

Đó cũng có thể là những hành động bác ái từ một nụ cười thân thiện, một lời an ủi thân tình, một lời xin lỗi thông cảm cho đến những hành động lớn lao hơn như chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, tha thứ tội lỗi khi chúng ta được Đức Giêsu chuyển thông sức mạnh, tình yêu và quyền năng của Người cho mình.

Sau cùng, đó cũng có thể là một cuộc đời gặp toàn những thất bại, đau thương nhục nhã, bệnh tật xấu xí, nghèo đói bất hạnh như một bệnh nhân lao phổi nằm đơn độc chờ chết như thánh nữ Têrêsa vào những tháng cuối đời. Tuy nhiên, đó lại là hình ảnh đẹp nhất của chứng nhân tình yêu và là lời loan báo Tin Mừng hiệu quả nhất cho đoạn cuối con đường thơ ấu thiêng liêng dẫn mọi người mọi vật về với Chúa Cha để giao hoà tất cả như con đường sự thật và sự sống của Chúa Giêsu.

Kết luận

Như thế, ta có thể nói rằng: con đường thơ ấu thiêng liêng để TPAH bằng tình yêu của thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu vẫn còn sức năng động và hiệu quả trong bối cảnh mới mẻ của thời đại hôm nay.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

Nguồn: ghhv.quetroi.net

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment