Có thể người ta sẽ cảm thấy “nổi da gà” hoặc “nhột” khi nghe hai chữ “đại bàng”, vì nickname (biệt danh) này thường dùng để chỉ đám côn đồ, dân “anh chị”, loại chúa đảng. Nhưng với Thánh Gioan, “đại bàng” không mang ý nghĩa “lạnh gáy” đó, vì “đại bàng” Gioan (khoảng năm 6–100) rất nhân hiền và dễ thương, và là thánh sử – tác giả sách Tin Mừng thứ tư, 3 thánh thư, và sách Khải Huyền. Đại bàng chỉ là biểu tượng hoặc biệt danh của ngài thôi.
Giáo hội kính nhớ Thánh sử Gioan ngay sau lễ Giáng sinh, nói lên sự nối kết giữa Chúa Giêsu và vị thánh trẻ này, vì thánh nhân đã được diễm phúc tựa đầu vào ngực Chúa để nghe những nhịp-yêu-thương-thổn-thức nơi Thánh Tâm Chúa (Ga 13:25). Chính Thánh Gioan cũng xác nhận mình là “người môn đệ được Chúa yêu” (Ga 20:1; Ga 20:8; Ga 21:7; Ga 21:20).
Tên Gioan theo tiếng Aram là Yoħanna, tiếng Hy Lạp là Ἰωάννης. Ngài là con trai của ông Dêbêđê (Zebedee) và bà Salômê (Salome), là em ruột của Thánh Giacôbê “lớn” (James the Great). Truyền thống Kitô giáo cho biết rằng Thánh Gioan sống thọ hơn các tông đồ khác – vì các tông đồ khác đều chịu tử đạo (trừ Giuđa Ítcariốt – chết vì tự treo cổ do mặc cảm là đã phản bội Chúa Giêsu).
Tin Mừng theo Thánh Gioan khác hẳn với các sách Tin Mừng nhất lãm (Mátthêu, Máccô, Luca) có thể được viết cả chục năm trước Tin Mừng theo Thánh Gioan. Các giám mục Tiểu Á cho rằng Thánh Gioan viết sách Phúc Âm để xử lý tà thuyết của Ebionites, người cho rằng Đức Kitô không hiện hữu trước Đức Maria. Có thể Thánh Gioan biết và đồng ý với các Phúc Âm theo Thánh Mátthêu, Máccô và Luca, nhưng các Phúc Âm này nói về Chúa Giêsu trong thời gian sau khi Thánh Gioan Tẩy Giả bị tù đày và bị giết chết. Tuy nhiên, khoảng năm 600, Sophronius thành Giêrusalem nói rằng hai thánh thư mang tên ngài đều được một số người coi là tác phẩm của Thánh Gioan “già” (John the Elder), còn sách Khải Huyền được Thánh Gioan “trẻ” viết tại Patmos, sau đó được Thánh tử đạo Giúttinô và Thánh Irênê chuyển ngữ, có thể coi là nỗ lực hài hòa truyền thống với các điểm dị biệt trong văn phong Hy Lạp.
Một số học giả hiện đại cho rằng có thể Thánh Gioan Tông đồ, Thánh sử Gioan và Thánh Gioan ở Patmos là ba người khác nhau. Có chứng cớ cho rằng Thánh Gioan ở Patmos đã viết sách Khải Huyền nhưng không viết Phúc Âm theo Thánh Gioan hoặc các thư của Thánh Gioan. Tác giả sách Khải Huyền tự nhận là “Gioan” vài lần, nhưng tác giả của Phúc Âm theo Thánh Gioan không hề xác nhận. Một số học giả Công giáo nói rằng “từ ngữ, văn phạm và văn phong cho thấy có thể sách này được quy cho cùng một tác giả của sách Tin Mừng thứ tư”.
Thánh Gioan Tông đồ là con ông Dêbêđê và em trai Thánh Giacôbê (Giacôbê “lớn”). Dựa vào Kinh Thánh, truyền thống coi bà Salômê là mẹ của họ. Thánh Giacôbê và Thánh Gioan là anh em họ của Chúa Giêsu, bà Salômê là chị họ của Đức Maria, mẹ của Chúa Giêsu. Ông Dêbêđê và hai con trai đánh cá ở hồ Ghê-nê-sa-rét. Thánh Giacôbê và Thánh Gioan là môn đệ của Thánh Gioan Tẩy giả trước đó, cũng là anh em họ. Lúc đó Chúa Giêsu gọi Thánh Phêrô và Thánh Anrê, cùng với hai con trai ông Dêbêđê đi theo Ngài. Thánh Giacôbê và Thánh Gioan đi theo, do đó có “uy tín” trong Nhóm Mười Hai. Thánh Giacôbê và Thánh Gioan giữ vị trí nổi trội vì không chỉ là các môn đệ đầu tiên mà còn vì mối quan hệ của họ đối với Chúa Giêsu trong số các tông đồ. Chúa Giêsu gọi họ là “Boanerges” (con của sấm sét) [Mc 3:17] dù bản chất của họ hiền lành và trầm tĩnh, khi sự kiên nhẫn bị đẩy lên tới cực độ thì họ mới “nổi nóng”, quát tháo như “sấm sét”, đến nỗi lúc đó cả Gioan và Giacôbê đều muốn xin lửa từ trời xuống thiêu hủy một thành phố của người Samari, nhưng Chúa Giêsu đã la rầy hai ông (Lc 9:51-56). Thánh Gioan sống thọ hơn Thánh Giacôbê hơn nửa thế kỷ sau khi Thánh Giacôbê chịu tử đạo.
Thánh Phêrô, Thánh Giacôbê và Thánh Gioan là các nhân chứng khi Chúa Giêsu cứu sống con gái ông Giairô (Mc 5:37). Ba ông cũng chứng kiến cuộc biến hình của Chúa Giêsu (Mt 17:1) và cận cảnh hấp hối của Chúa Giêsu tại vườn Ghết-si-ma-ni hơn các tông đồ khác (Mt 26:37).
Chúa Giêsu sai hai ông Phêrô và Gioan vào thành phố để chuẩn bị Bữa Vượt Qua (Lc 22:8). Trong khi ăn, “người môn đệ được Chúa yêu” ngồi kế bên Chúa Giêsu và tựa đầu vào ngực Ngài. Truyền thống xác định môn đệ này là Thánh Gioan (Ga 13:23-25). Sau khi Chúa Giêsu bị bắt, ông Phêrô và “một môn đệ khác” đi theo Ngài vào dinh thầy Thượng tế (Ga 18:15).
Chỉ có Thánh Gioan là tông đồ còn ở gần Chúa Giêsu khi Ngài bị treo trên Thập giá tại đồi Can-vê cùng với những người mang hương liệu và một số phụ nữ khác. Khi ở trên Thập giá, Chúa Giêsu trao Đức Mẹ cho Thánh Gioan chăm sóc (Ga 19:25-27). Sau khi Chúa Giêsu lên trời và Chúa Thánh Thần hiện xuống vào ngày Lễ Ngũ Tuần, Thánh Gioan cùng với Thánh Phêrô giữ vị trí cao trong việc thành lập và hướng dẫn Giáo hội. Thánh Gioan cùng với Thánh Phêrô đã chữa lành người què ở Đền thờ Giêrusalem. Thánh Gioan cũng bị tù đày với Thánh Phêrô (Cv 4:3). Ngài cũng cùng Thánh Phêrô thăm viếng các tân tòng (Cv 8:14).
Trong Kinh Thánh không có thông tin nào khác liên quan thời gian hoạt động tại Giuđêa. Theo truyền thống, Thánh Gioan và các tông đồ khác vẫn hoạt động 12 năm ở nơi đầu tiên, cho tới khi bị Hoàng đế Hêrôđê Agrippa I bách hại ở các vùng thuộc quyền của Hoàng đế Rôma.
Khi Thánh Gioan vẫn ở Giuđêa và các vùng lân cận, các môn đệ khác trở lại Giêrusalem tham dự Công đồng (khoảng năm 51). Khi đối với kẻ thù ở Galát, Thánh Phaolô nhớ rằng chính Thánh Gioan, với Thánh Phêrô và Thánh Giacôbê Nhiệt thành, được coi là “những cột trụ của Giáo hội” và là những người rao truyền Phúc Âm không lệ thuộc luật Do Thái, đã “chết đối với Lề Luật để sống cho Thiên Chúa” (Gl 2:9) tại Giêrusalem.
Theo các văn bản khác của Tân ước, chỉ có từ ba thư của Thánh Gioan và sách Khải Huyền mới có những điều có thể biết về Thánh Gioan, nếu chúng ta cho rằng ngài là tác giả của các sách khác. Từ các thư và sách Khải Huyền, chúng ta có thể cho rằng Thánh Gioan thuộc về số các nhân chứng đối với cuộc đời và công việc của Chúa Giêsu (1 Ga 1:1-5; 1 Ga 4:14), đã sống lâu ở Tiểu Á, quen với thông thổ ở đó, và có vị thế là một trong những người hướng dẫn Giáo hội. Hơn nữa, sách Khải Huyền nói rằng tác giả là người ở đảo Patmos “vì Lời Chúa và làm chứng về Chúa Giêsu”, khi ngài được kính trọng với các thị kiến có trong sách Khải Huyền do lệnh truyền của Thiên Chúa: “Ngươi hãy viết những gì đã thấy, những gì đang diễn ra và những gì sẽ xảy ra sau này” (Kh 1:19).
Mặc dù một số học giả đồng ý khi cho rằng Phúc Âm theo Thánh Gioan được viết vào khoảng giữa những năm 65–85 sau công nguyên, GS John A.T. Robinson đề nghị vào khoảng những năm 50–55 và cuối cùng là năm 65 vì trình thuật tương tự với Thánh Phaolô. Các học giả khác cho rằng Phúc Âm theo Thánh Gioan được biên soạn trong nhiều giai đoạn (có thể hai hoặc ba). Cũng có người cho rằng Phúc Âm này mãi tới cuối thế kỷ I mới được viết. Trưởng khoa Tân ước tại ĐH Wake Forest University School of Divinity, GS Gail R. O’Day, viết lời giới thiệu Phúc Âm trong Bản dịch Tiêu chuẩn Kinh Thánh mới (New Revised Standard Translation of the Bible) cho biết niên đại là năm 75–80. Các học giả khác cũng tin rằng có thể vào khoảng từ thập niên cuối thế kỷ I cho tới đầu thế kỷ II (khoảng năm 90–100).
Giáo hội Chính thống Đông phương và Giáo hội Công giáo Đông phương theo Nghi lễ Byzantine kỷ niệm “Sự an nghỉ của Thánh sử Gioan Tông đồ Thần học gia” vào ngày 26 tháng 9. Ngày 8 tháng 5, họ mừng “Lễ Thánh sử Gioan Tông đồ Thần học gia”, vào ngày này các Kitô hữu thường đến mộ ngài cầu xin chữa bệnh.
Tới năm 1960, một lễ khác xuất hiện trong Công lịch Rôma là lễ “Thánh Gioan trước Cổng Latin” vào ngày 6 tháng 5, cử hành một truyền thống do Thánh Giêrônimô kể rằng Thánh Gioan được đưa tới Rôma dưới triều Hoàng đế Domitian, và bị ném vào chum nước sôi, nhưng ngài không hề hấn gì. Nhà thờ San Giovanni a Porta Latina (Thánh Gioan Cổng Latin) dành dâng kính ngài được xây dựng gần Cổng Latin của Rôma, nơi xảy ra sự kiện này.
Các Kitô hữu tôn kính ngài nhưng không tuyên thánh. Tới thế kỷ XIX, Phúc Âm theo Thánh Gioan được coi là của Thánh Gioan Tông đồ. Tuy nhiên, các học giả vẫn quan ngại. Phúc Âm này được coi là của môn đệ mà Chúa Giêsu yêu (ο μαθητης ον ηγαπα ο Ιησους) [Ga 20:2]. Thuật ngữ “môn đệ được Chúa yêu” (ον εφιλει ο Ιησους) được sử dụng 5 lần trong Phúc Âm theo Thánh Gioan để xác định tác quyền (Ga 21:14) mà cho rằng Phúc Âm theo Thánh Gioan dựa trên chứng cớ của “Người Môn Đệ Được Chúa Yêu”.
Lạy Thánh Gioan Tông đồ, xin nguyện giúp cầu thay!
TRẦM THIÊN THU (Tổng hợp và chuyển ngữ)