Mục Lục:
07 Thánh Perpetua và Felicita, Tđ
08 Thánh Gioan Thiên Chúa, tu sĩ
09 Thánh Phanxica Romana, nữ tu
18 Thánh Cyrillô Giêrusalem, Gm, Ts
19 Thánh Giuse Bạn Đức Trinh Nữ
Thánh PERPÊTUA Và PHÊLIXIA
Tử đạo (thế kỷ III)
Perpêtua và Phêlixita, cùng với các bạn chịu chết với các Ngài năm 203 tại Carthage, là những khuôn mặt sống động đặc biệt trong số các thánh tử đạo vào các thế kỷ đầu. Chúng ta có được những tường thuật chính xác về cuộc tử đạo của các Ngài nhờ vào tài liệu đương thời, bao gồm những nhật ký của chính thánh Perpêtua, một trang sử của vị tử đạo khác và một câu chuyện do nhân chứng đầu tiên, có lẽ là Tertulianô viết lại.
Dưới cuộc bách hại của Septimô Sêvêrô. Một phụ nữ trẻ thuộc gia đình danh giá tên là Vibia Perpêtua đã bị bắt cùng với hai thanh niên là Saturnunô và Secundôiô, với hai người nô lệ là Revecatô và Phêlicitê. Tất cả đều đang học với một giáo dân tên là Saturô. Thấy các học viên của mình bị bắt, Saturô cũng tự nộp mình để khỏi phải xa lìa họ.
Cha của Perpêtua là một người thờ ngẫu tượng nài nỉ con mình trung thành với ngoại giáo. nhưng chỉ vào một cái bình, thánh nữ trả lời : – Thưa cha, người ta có thể gọi vật này bằng cái tên nào khác hơn là cái bình không ? Đối với con cũng vậy con không thể cho mình một cái tên nào khác ngoài danh hiệu là Kitô hữu.
Người cha liền lao vào con như muốn móc mắt và ông đánh đập Perpêtua tàn nhẫn. Rồi ông rút lui. Nhiều ngày sau thánh nữ không gặp lại ông. Trong những ngày đó Perpêtua cùng với các bạn còn đang dự tòng đã được rửa tội.
Khi người ta dìm vào nước, thánh nữ đã chỉ nguyện xin một lời này là: được sức mạnh để chịu đựng nên các đau khổ của cuộc tử đạo. Bây giờ họ bị dồn chung vào một phòng chật hẹp tối om. Đút lót tiền bạc, họ được rộng rãi hơn một chút, Perpêtua mẹ của một đứa bé còn đang bú đã phải đau khổ nhiều vì xa con. Đứa bé kiệt sức. Người ta trả nó lại cho mẹ và người mẹ vui sướng quên hết mọi đau đớn. Ngục tù đã trở nên cung diện đối với Ngài. Các thi kiến thánh nữ được thấy, an ủi Ngài nhiều và nâng cao niềm hy vọng của Ngài ngay khi còn ở trần gian này.
Người ta biết rằng: các tù nhân sắp bị xét xử. Người cha của Perpêtua thất vọng. Ông đến thăm con gái mình và thốt ra những lời van xin nghe muốn đứt ruột: – “Con ơi, hãy thương mái tóc bạc của cha, hãy thương cha. Hãy nhớ tới đôi tay cha đây đã dưỡng nuôi con. Hãy tưởng tượng tới mẹ con, anh em con, con của con nữa, không có con nó sống sao được. Bỏ đi con, điều dốc quyết làm cho chúng ta mất tất cả”.
Tất cả điều này thật là độc dữ đối với Perpêtua. Thánh nữ nói:- Thưa cha, tại tòa án sẽ xẩy ra điều Chúa muốn, bởi vì chúng ta không thuộc về mình.
Người cha còn cho người đem đứa trẻ tới năn nỉ lần nữa :- Hãy thương đến con của con.
Trong khi đó các tù nhân tuyên bố rằng họ đều sẵn sàng hy sinh tất cả cho Thiên Chúa. Họ bị giải tới nhà tù gần hí trường, Perpêtua đã cầu nguyện ngày đêm cho một người em chết vì ung thư. Trong một thị kiến Ngài đã thấy nó trong một nơi tối tăm, bây giờ lên một nơi ngập đầy ánh sáng.
Phêlicitê hạ sinh một đứa con trai. Khi Ngài rên xiết vì đau đớn, một người lính gác ngục chế nhạo người rằng: – Nếu không chịu nổi đau đớn lúc này, làm sao cô chịu nổi các thú dữ ?
Phêlicitê trả lời: – Hôm nay tôi khổ vì tôi nhưng khi tôi chết vì đạo, sẽ có một người khác trong tôi chịu khổ cho tôi, bởi vì tôi chịu cực khổ vì Ngài.
Trong khi chờ đợi cái chết độc dữ đã được dành sẵn, các tù nhân vẫn giữ được cái tính hài hước lành mạnh và vui tươi của họ, thánh Perpêtua nói: – Còn sống chúng ta luôn vui tươi, trong cuộc sống khác, chúng ta sẽ hân hoan mãi.
Ngày vui chơi đến, họ phải diễn trò cho thiên hạ. Người cha của Perpêtua tàn héo vì sầu muộn, nhưng thánh nữ luôn có thị kiến. Khi các thánh tử đạo tiến vào hí trường, các Ngài tỏ vẻ vui tươi phấn khởi. Perpêtua thì ca hát. Trước mặt dân chúng, Ngài đã trả lời quan tòa: – Ngài xét xử chúng tôi, nhưng Thiên Chúa xét xử Ngài.
Quan tòa truyền đánh đòn các Ngài, nhưng các Ngài lại cảm thấy hạnh phúc vì được giống Chúa Kitô thày mình. Thú dữ được thả ra, những người trẻ bị cắn xé, Perpêtua và Phêlicitê bị lột áo. Các Ngài đòi lại và người ta chấp nhận cho các Ngài đặc ân này. Các Ngài bị gói vào trong một cái lưới. Một con bò cái hung hãn xông vào Perpêtua, hất tung Ngài lên trời, rớt xuống đất Ngài vẫn còn sống và Ngài cúi nhìn người nữ tì Phêlicitê của mình đang nằm sõng sượt trên mặt đất, và giúp nàng chỗi dậy. Dân chúng trong một lúc hết hung hăng đã xin trả tự do cho các vị tử đạo. Perpêtua tin rằng: mình vừa thức dậy từ một cơn mơ. Phải thấy những vết thương đã chịu, Ngài mới tin là sự thật, Ngài nói với Rusticus và em mình rằng: – Hãy vững tin, đừng kinh ngạc vì những đau khổ của chúng tôi.
Đám dân chúng dễ bị khích động và thất thường lại đòi giết những người này. Ngài hôn chuc bình an và đưa thân cho lý hình. Người phải giết Perpêtua run rẩy, lưỡi gươm của anh ta trật đường, làm bị thương bên sườn Ngài. Chính Perpêtua phải hướng dẫn tay của lý hình và giúp đỡ để hắn đẩy mũi giáo vào cổ họng mình.
THÁNH GIOAN THIÊN CHÚA
Tu sĩ (1495 – 1550)
Gioan sinh ngày 8 tháng 3 năm 1495 tại Bồ Đào nha. Cha mẹ Ngài là những người nghèo khổ nhưng đạo đức và đầy lòng bác ái. Lúc 9 tuổi Ngài bỏ nhà trốn đi, theo một nhà mạo hiểm đã khéo kích thích trí tưởng tượng của tuổi thơ. Mẹ Ngài đã qua đời sau ba tuần đau khổ vì không biết số phận của con trẻ ra sao. Còn cậu bé bi bỏ rơi, thiếu thốn mọi sự nên đành ở đợ nuôi thân.
Ngài giúp việc cho một nhà tiểu nông, hàng ngày lo đi chăn chiên, cho đến khoảng 20 tuổi. Chán với cuộc sống đều đều, Ngài đăng lính đi chiến đấu ở Phontarabia. Thật bất hạnh khi kiếp sống suy đồi của các bạn đồng ngũ đã lôi kéo Ngài tới chỗ mất cả lòng kính sợ Chúa. Nhưng Chúa đã không bỏ rơi kẻ Ngài đã chọn. Ngày kia, khi đem thức ăn cho súc vật. Gioan bị té ngựa và bị trọng thương không còn cử động và nói năng gì được nữa. Nhận biết được mối nguy đang đe dọa thân xác tâm hồn, thánh nhân khấn cầu Đức Trinh Nữ và hứa sẽ sửa mình. Nhưng khi vừa hết bịnh, Ngài lại trở về đường cũ.
Chúa quan phòng vẫn tiếp tục thể hiện tình thương bằng một hình phạt khác. Vị chỉ huy trao cho Gioan canh giữ chiến lợi phẩm. Nhưng vì bất cẩn sao đó mà chiến lợi phẩm biến mất. Gioan bị án xử giảo, bất kể mọi phân bua kêu khóc. Đến giờ hành hình, may có một cấp chỉ hy cao hơn can thiệp Ngài mới được tha với điều kiện là bị giáng cấp. Bất mãn, Gioan trở về chủ cũ và được tiếp đón niềm nở. Gia chủ còn đề nghị gả con cho Ngài nữa, nhưng Ngài đã từ chối và chỉ sống như một kẻ chăn chiên vô tội.
Mười năm sau Gioan lại đăng lính làm pháo thủ trong cuộc viễn chinh đánh phá Thổ Nhĩ Kỳ. Chiến tranh kết thúc, binh đội Tây Ban nha được giải ngũ. Gioan muốn trở về quê nhà. Nhưng người cậu cho biết mẹ Ngài đã qua đời ba tuần sau ngày Ngài bỏ nhà ra đi, cha Ngài cũng mới qua đời tại một tu viện thánh Phanxicô, những lời trách móc xâu xé tấm lòng của đứa còn hoang đàng… Gioan quyết sửa những ngông cuồng của tuổi trẻ và muốn hiến thân phục vụ người nghèo khổ yếu đau.
Gioan quyết định đi Phi Châu để giúp đỡ các Kitô hữu bị bắt làm nô lệ, với hy vọng được chết vì đạo. Tới Gibraltar, Ngài gặp một nhà quí tộc bị thất sủng và phải đi đày. Cùng ông đáp tàu tới Ceuta, Ngài đã phải làm việc để kiếm tiền nuôi ông chủ chẳng may ngã bệnh và lâm cảnh cùng quẫn. Đồng thời Ngài đã vào các nhà tù, an ủi các tù nhân và săn sóc họ. Vị lãnh Chúa qua đời. Gioan nhận lệnh của một tu sĩ Phanxicô truyền phải trở lại Tây Ban Nha là nơi Thiên Chúa đã cho Ngài biết các ý định của Ngài.
Gioan trở lại Gibraltar. Ngài xin trời cao soi sáng và để nuôi thân Ngài đi bán rong giày dép và tranh ảnh, nhưng vẫn luôn lo cải hóa các tâm hồn.
Một ngày kia Ngài gặp trên đường một đứa trẻ cùng khổ đáng thương với cặp giò trần trụi bị nứt nẻ vì sỏi đá. Ngài vác nó trên vai, dừng lại nghỉ, đám trẻ chỉ cho vị ân nhân một trái lựu (Grenade) có mọc cây thánh giá và nói: – Hỡi Gioan Thiên Chúa, trái lựu (Grenade) sẽ là thánh giá của ông.
Rồi đứa trẻ biến mất. Gioan hiểu chính Chúa Giêsu là đứa trẻ Ngài đã giúp đỡ. Bây giờ Gioan đi Grenada để sống đời bác ái và thống hối. Thánh giá đầu tiên của Ngài là đã bị coi như một kẻ điên, phải chịu mọi thứ sỉ nhục và bị đối xử tàn tệ, Ngài hành hương viếng Đức Bà Guadalupê, vừa bán củi khô để sinh sống. Cuối cuộc hành hương Ngài thấy Đức Trinh Nữ cúi xuống và đặt hài nhi vào tay Ngài với y phục để bao bọc cho Ngài.
Như vậy ơn gọi của Ngài là giúp đỡ những người nghèo khổ của Chúa Giêsu Kitô. Khi qua Oropezo, Gioan đã chữa lành một phụ nữ nghèo. Trở lại Grenada với số tiền kiếm được và với những của trợ cấp, Ngài thuê một căn nhà để thu họp những người khốn khổ, cho các người yếu đau bệnh tật trú ngụ. Ban chiều, Ngài vác giỏ đi ăn xin. Với hai cái xoong trên vai Ngài la lớn :- Ai muốn hành thiện, xin tiếp tay với tôi đây ?
Ngài trở về nhà mang đầy những thực phẩm. Niềm vui cũng thật lớn lao khi Ngài dẫn về nhà vài trú nhân mới, một đứa trẻ bi bỏ rơi. Ưu tư của Ngài không ngừng lại nơi các thân thể bệnh tật. Ở đâu nghĩ là có linh hồn hư mất, Ngài liền đến cải hóa. Ngài chỉ nghĩ tới việc cứu vớt họ.
Lần nọ Ngài mang về một người hấp hối mình đầy thương tích. Khi lau rửa và cúi xuống hôn chân bệnh nhân, Ngài thấy những lỗ đinh chói sáng. Và Chúa, vì chính Ngài, nói: – Gioan đầy tớ trung tín của cha, mọi việc thiện con làm cho những người nghèo khổ, là con làm cho chính Cha. Cha đếm từng bước chân con đi và cha sẽ ân thưởng cho con.
Bệnh viện tràn ngập ánh sáng khiến cho người ta ngỡ là một đám cháy.
Ngày kia có một đám cháy thật, ở bệnh viện Hoàng gia tại Grenada, Gioan lao vào ngọn lửa mang các bệnh nhân ra ngoài, rồi trở lại kéo các bệnh nhân khác. Thật là một phép lạ, khi ra khỏi lò lửa một Ngài vẫn sống.
Trong một trận lụt, Ngài cũng thực hiện những chuyện lạ lùng như vậy.
Giám mục truyền gọi Gioan Thiên Chúa đến, mặc cho Ngài y phục và từ đó Ngài và các môn sinh vẫn mặc. Khi đó Gioan Thiên Chúa đã thiết lập một hội dòng để giúp đỡ những người yếu đau bệnh tật. Dòng sẽ lan rộng trên khắp thế giới, Ngài xây thêm một nhà thương mới. Để trả nợ, Ngài phải đi quyên tiền ở Valladelid. Nhưng có quá nhiều người nghèo vây quanh đến nỗi không đã phân phát hết số tiền quyên được. Người bạn chỉ trích, Ngài đáp lại: – Này anh, người ta tặng ban cho ở đây hay ở Grenada, cũng luôn là vì Chúa, bởi vì Thiên Chúa ở khắp nơi và trong mọi người nghèo.
Gioan tận tụy với mọi người đau khổ không phân biệt. Ngài ngã bệnh khi tổng giám mục Grenada kêu tới. Ngài đi ngay và là để nghe trách cứ vì đã nhận cả những người cứng lòng. Thánh nhân trả lời: – “Nếu con chỉ nhận những người công chính, bệnh xá của chúng con sẽ trống vắng ngay, và làm sao có thể lo lắng cho các tội nhân. Hơn nữa con nhận biết mình chưa làm tròn hết bổn phận, cũng như con hổ thẹn mà thú thực rằng trong nhà thương, Gioan Thiên Chúa là tội nhân duy nhất đã ăn của bố thí một cách vô ích”.
Nghe những lời này, vị giám mục cảm động đến rơi lệ và ca tụng Gioan. Ít lâu sau, Ngài ban các bí tích cuối cùng cho thánh nhân. Sắp chết Gioan còn thực hiện một điều lạ lùng, Ngài được biết một người thợ dệt sắp thắt cổ vì quá cực khổ, Ngài liền vội vã ra đi, tới thẳng người xấu số sắp kết liễu cuộc đời và cứu ông ra khỏi cơn tuyệt vọng .
Vào giờ phút cuối cùng, thánh nhân thú nhận ba thứ lo lắng làm se thắt lòng Ngài, là bất xứng với ơn phúc đã lãnh nhận, ưu tư cho những người nghèo mắc cỡ mà Ngài đã bỏ qua không trợ giúp được và những món nợ Ngài đã mắc phải vì các người xấu số.
Các y tá đã nhận Gioan Thiên Chúa làm thánh bảo trợ.
Thánh PHANCICA RÔMANA
Nữ tu (1384 – 1440)
Phanxica thuộc vào một gia đình quí tộc ở Bussi de Leoni. Nhưng Ngài đã sinh ra và sống ở Roma. Từ lúc 6 tuổi Ngài đã thực hành sám hối, muốn vào tu lúc 11 tuổi. Cha Ngài thấy đây chỉ là tưởng tượng của con nít và năm sau đã gả Ngài cho lãnh Chúa trẻ trung Lorenzo di Ponziani. Người vợ trẻ sẽ dẫn đắt chồng mình theo đường trọn lành.
Phanxica một thiếu nữ tươi đẹp. Sống giữa xã hội hào nhoáng Ngài tỏ ra rất hòa nhã dịu dàng. Ngài giữ kín những khổ hạnh của mình. Có ai biết rằng: áo nhặm dưới y phục lộng lẫy của Ngài đã làm Ngài mang thương tích đâu. Ngài dậy sớm để giờ cầu nguyện khỏi bị ngăn trở, Varozza, người em dâu, cùng chia sẻ lý tưởng bác ái với Ngài. Hai người cùng hồi tâm trong một cái hang ở cuối vườn. Họ phục vụ các bệnh nhân tại nhà thương và giúp đỡ những người cùng khốn. Bà mẹ chồng nặng tinh thần thế tục thấy thế nên giận dữ.
Nhưng con bà, người chồng trẻ đã trả lời: – Sao lại trách họ vì những thói quen đạo đức ấy ? Vả lại thói quen ấy có ngăn trở gì tới việc bổn phận của họ đâu ?
Thực vậy, Phanxica luôn sẵn sàng bỏ mọi sự để các bổn phận của một quản gia khỏi bị suy suyển gì. Một mẫu chuyện cho thấy Thiên Chúa chúc lành cho Ngài như thế nào. Phanxica đang cầu nguyện. Người ta tới kêu. Ngài mau mắn bỏ sách đó và trở lại sau khi phục vụ xong. Lần thứ nhất, lần thứ hai… bốn lần liên tiếp như vậy, Ngài đều bình thản bỏ dở việc cầu nguyện. Lần thứ năm Ngài trở lại và thấy sách kinh có dòng chữ vàng. Người ta không hề giã từ Chúa khi phục vụ tha nhân và hiến mình phục vụ cũng là cầu nguyện.
Cha giải tội và nhà chép sử thánh Phanxica cho biết tình trạng được ơn thần bí của thánh nữ. Thiên thần của Ngài chiếu tỏa một ánh sáng để chỉ cho Ngài biết Thiên Chúa thỏa lòng đối với Ngài. Cũng thế, dù khi lỗi nhẹ, thiên thần liền đánh vào Ngài và thánh nữ tạ ơn Thiên Chúa đã giữ cho mình khỏi rơi vào mưu chước quỉ ma. Với thiên thần, Ngài nên mạnh mẽ. Một lần có sức mạnh quỉ ma đẩy Ngài xuống sông Tibre, thiên thần cứu Ngài lên bờ.
Sau khi mẹ chồng qua đời, người thiếu phụ nắm quyền quản trị nhà họ Ponziani. Ngài coi gia nhân như anh chị em được gọi để chia sẻ nước Thiên Chúa với Ngài, nếu họ ngã bệnh Ngài tận tâm săn sóc họ. Vào thời đói kém, khi đã cho hết những gì thuộc quyền mình, Ngài ăn xin để giúp đỡ người thiếu thốn, ngày kia, Ngài gọi Varozza lên kho lẫm thu lúa mì còn sót lại trong rơm. Lorenzo theo họ lên coi, đã thấy đống lúa vàng thay vì rơm rạ, một phép lạ xảy ra tương tự tại một thùng rượu không. Đầy thán phục, Lorenzo đã để cho người vợ thánh thiện được tự do xếp đặt cuộc sống mình. Thế là Phanxica bán mọi thứ sang trọng, và chỉ mặc y phục khiêm tốn, lại còn hãm mình nghiêm ngặt hơn.
Khi chiến đấu cho đức Thánh Cha Lorenzo bị trọng thương và được mang về nhà khi đang hấp hối. Thánh nữ đã thành công trong việc làm cho ông sống lại. Faluzzô, em Ngài, bị bắt tù, người ta cho Ngài biết phải nộp con trưởng Gioan tẩy giả của Ngài làm con tin, nếu không Paluzzô sẽ bị giết chết. Phanxica hoảng hốt đem con đi giấu. Nhưng Don Antoniô là cha giải tội chặn đường lại nói:- Con làm gì thế ? Hãy đưa đứa con cho người đòi nó.
Phanxica vâng lời để cứu em chồng, rồi vào nhà thờ quì khóc trước tượng Đức Trinh nữ. Còn đang cầu nguyện thì viên sĩ quan địch mang đứa bé trả lại, vì ngựa ông không chịu đi.
Tiếp đến là những biến cố thảm lhốc. Roma bị xâm chiếm và bị cướp phá. Lorenzzô phải trốn đi để lại trách nhiệm cho vợ mình, Phanxica ở lại, với hai con Evangêlista và Anê. Cơn dịch xẩy ra, Evangêlista ngã bệnh, lúc chết cậu nói với mẹ : – Mẹ đừng khóc, con sẽ được hạnh phúc vì này thiên thần đến tìm con.
Một đêm kia Ngài cầu nguyện và thấy người con hiện ra báo tin mình đang ở giữa các thiên thần và cho biết mình sẽ đến tìm đứa em gái, cho nó chia sẻ hạnh phúc. Một niềm vui siêu nhiên hòa lẫn với các đớn đau loài người. Ngài ngã bệnh và các thị kíến về hỏa ngục làm Ngài thêm khổ cực. An bình trở lại Roma. Lorenzô trở về chứng kiến những tang tóc và cướp phá. Phanxica đau đớn trong lòng, nhưng vẫn tìm lời trấn an đầy tha thứ. Ngài hòa giải thù địch với người chồng chỉ còn biết sống để chia sẻ bước tiến thiêng liêng của vợ mình.
Phanxica cũng lôi kéo các phụ nữ Rôma vào việc giúp đỡ cho những tình cảnh khốn khổ do chiến tranh để lại. Ngài tụ họp vào một nhà những bà cùng một lý tưởng bác ái và khổ hạnh. Đây là thời đầu của dòng những người tận hiến cho Đức Maria. Gọi như thế vì khi tự hiến họ dùng từ ngữ: “Con hiến mình” thay vì tuyên đọc lời khấn. Trong số những cuộc trở lại Phanxica tạo được, có cuộc trở lại của vợ của Gioan tẩy giả, con Ngài.
Sau bốn năm hoà hiệp, Phanxica mất chồng. Ngài tới quì trước cửa tu viện mình đã thiết lập. Đi chân không. đeo giây vào cổ, Ngài xin nhập dòng.
Gioan tẩy giả ngã bệnh, Phanxica bỏ dòng về thăm, Ngài đã bị lên cơn sốt và đã qua đời chính tại nhà mình. Các nữ tu vây quanh Ngài để nghe những lời khuyên cao cả: – Hãy trung tín đến chết, Satan sẽ tấn công các chị như đã tấn công tôi. Nhưng không thử thách nào quá độc dữ nếu các chị trung thành với Chúa Giêsu.
Nói lời cuối cùng xong, cửa trời mở ra, thiên thần của Ngài ra dấu kêu gọi Ngài theo. Thánh Phanxica được chọn làm thánh bảo trợ của các phụ nữ đã lập gia đình và trở nên góa bụa.
Thánh PATRICIÔ
Giám mục (…. – 492)
Là anh hùng dân tộc và thánh bảo trợ của Ai Nhĩ Lan, Patriciô chào đời tại Bretagne. Trang trại của cha Ngài, phó tế Calpurniô, ở gần biển. Patriciô được 16 tuổi khi bọn hải khấu Ai Nhỉ Lan đến cướp phá bắt người. Thảm họa thường xẩy ra thời man rợ này. Patriciô bị bán sang Ai Nhĩ Lan. Ngài chăn súc vật trên núi và đã nếm mùi cực của đời làm tôi mọi. Ngài đau khổ nhiều.
Nhưng thời kỳ gian lao phải làm nô lệ này lại là thời kỳ phong phú nhất đối với đời Ngài. Suốt những tháng ngày dài đơn độc, Ngài nghĩ tới Thiên Chúa. Những lời dạy dỗ của cha mẹ mà trứơc kia Ngài chẳng chú ý gì tới, bây giờ lại trở thành động lực sống. Như thế Patriciô tự thánh hóa, hiến mình cho ơn thánh Chúa, quen thuộc với địa sở, với thổ dân và ngôn ngữ của họ, chuẩn bị cho sứ mệnh lớn lao của Ngài sau này.
Sáu năm trôi qua, tới ngày đào thoát. Ngài tới một hải cảng, nơi có một con tàu sắp sửa giương buồm nhổ neo. Nhưng Ngài không có tiền trả lộ phí các thương gia không cho Ngài đáp tàu. Buồn rầu, Patriciô trở về. Bỗng chủ tàu gọi lại và cho Ngài lên tàu. Sau ba ngày vuợt biển, họ tới một miền hoang vu ở Econe. Các thủy thủ lang thang kiếm ăn. Sự lo âu làm họ muốn nghẹt thở. Patriciô nói với bạn hữu về quyền năng siêu việt của Thiên Chúa mà Ngài thờ lạy.
Các lương dân xin Ngài khẩn cầu cho họ. Họ nói với Ngài: – Mày là Kitô hữu mà chẳng làm gì được cho chúng tao cả. Mày không cứu nổi chúng tao khỏi cơn đói này được sao ?
Patriciô trả lời : – Cứ tin tưởng và thật tình quay về với Chúa, đối với Ngài không có gì là không thể được, để ngay hôm nay đây, Ngài sẽ gửi đồ ăn tới cho các bạn.
Và chẳng mấy chốc, họ gặp một bầy heo, khiến cho họ có thể sống cho đến khi tìm tới được miền có dân cư.
Nhiều năm trôi qua sau những biến cố thăng trầm và cả một thời gian làm nô lệ, Patriciô được trở về và gặp lại cha mẹ. Dường như sau bao nhiêu gian khổ, Ngài nói về vui hưởng an bình và tình thương. Nhưng các thị kiến ám ảnh Ngài luôn: các trẻ em giơ tay kêu mời Ngài, xin Ngài rửa tội cho chúng.
Tận thẳm sâu tâm hồn Ngài biết rằng mình phải trở lại đảo lưu đày của mình và lần này là để trở thành nô lệ của các tâm hồn. Lúc khởi sự chương trình, Ngài gặp phải những dèm pha, chống đối tư tưởng như thời gian và sức lực Ngài đã uổng phí nơi đám lương dân này. Nhưng Patriciô, người chiến sĩ của Chúa Kitô không nản chí, không dừng bước. Ngài bắt đầu học đạo ở Gaule, tại cung điện thời danh Iles de Lérins. Trở về, Ngài dành một thời gian lâu dài tại Anxèrre để hoàn tất việc học hỏi nơi các giám mục Amator và Germain. Trong khi chuẩn bị công cuộc truyền giáo lớn lao sắp tới Ngài được tấn phong giám mục. Đó là việc thành lập tòa giám mục Armagh.
Năm 432, Patriciô đi bước quyết định. Ngài sắp lôi kéo các tâm hồn dân Ai Nhĩ Lan ra khỏi việc sùng bái của các tăng ni (thời cổ xưa) để tỏ cho họ thấy một quyền năng thiêng liêng cao cả hơn. Ngài biết rằng để hiến tế chính con người, dân Ai Nhĩ Lan chọn những người ngoại quốc. Nhưng Ngài đương đầu với mọi nguy hiểm đe dọa đến mạng sống. Ngay tại trung tâm thờ ngẫu tượng mà các tăng ni cư ngụ, Patriciô ra mắt các thủ lãnh và các chiến binh.
Bất kể những chống đối dữ dội, Ngài sắp dẫn các lãnh tụ đến chỗ xin được rửa tội. Luôn luôn Ngài nhằm cải hoá các thủ lãnh bộ tộc, để rồi họ sẽ dắt dân chúng theo Ngài từ chối quà cáp các vua này muốn trao tặng Ngài. Tại miền Almonaid. Các đạo sĩ nổi dậy. Patriciô giơ tay trái lên trời chúc dữ thủ lãnh Rechrad khiến hắn chết tốt. Khi dựng lên nhà thờ ở bìa rừng gần biển, rất nhiều người đã trở lại. Trong một chuyến đi tới Connaught, chính một tăng lữ đã đón nhận thánh nhân và giúp Ngài thiết lập một tu viện và một nhà thờ.
Lịch sử kể lại cuộc hoán cải của các con gái vua Loeghair tại giếng Grogan và diễn từ Ngài đã nói với họ:
– “Thiên Chúa chúng ta cổ xúy tất cả, làm sống động tất cả, trỗi vượt tất cả, đỡ nâng tất cả, Ngài có một người con vĩnh cửu như Ngài, giống như Ngài. Thánh linh hiển hiện giữa các Ngài, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần không hề tách rời nhau. Tôi, tôi muốn dâng các cô cho vua trên trời. Các cô là những con cái trần thế, các cô có tin không ?
Tiếp sau câu hỏi của thánh nhân, là những câu đáp:
– Các cô có tin rằng sau khi chịu phép rửa tội, tội nguyên tổ liền bị xua trừ không ?
– Chúng tôi tin.
– Các cô có tin vào cuộc sống mới sau khi chết không ?
– Chúng tôi tin.
Thế là Patriciô rửa tội cho họ và các Kitô hữu xin được xem thấy mặt Chúa Kitô. Patriciô nói: – Nếu không chết, nếu không rước mình thánh, các cô không thấy được mặt Chúa Kitô.
Và rồi khi đã rước lễ. Các cô gái của nhà vua lịm đi như chết, gần giếng Crôgan còn nấm mồ của họ.
Không ngơi nghỉ, Patriciô rảo khắp trên hòn đảo và thích ứng các phong tục ngẫu thần với Kitô giáo. Ngài để cho lương dân tổ chức lễ thắp lửa ngày 21 tháng sáu kính mùa hè, nhưng là để kính thánh Gioan Tẩy giả. Ơ Bretagne vẫn còn giữ được lửa thánh Gioan tẩy giả của Ngài. Do bình cánh chuồn đầy dẫy ở đồng quê, vị tông dồ cho dân chúng thấy hình ảnh Chúa Ba Ngôi. Như thế mọi sự đều có thể là bài học cho việc giảng dạy.
Trên một ngọn đồi, Patriciô lập một ngôi nhà gỗ cho các tu sĩ. Nơi này đã trở thành một trung tâm vĩ đại, nguồn gốc của thành phố Armagh. Ngài truyền chức cho các linh mục, đặt họ ở các thành phố. Còn chính Ngài, Ngài sống đời cầu nguyện mãnh liệt và kiên trì. Chúng ta khó tưởng tượng nổi, Cuốn Confession của Ngài cho thấy đức tin, lòng nhân hậu và hạnh phúc của Ngài như một cuộc tử đạo.
Thánh Patriciô đã làm cho cả hòn đảo theo Kitô giáo. Khi cải hóa dân Ai Nhĩ Lan, Ngài còn là Đấng khai sáng văn minh. Đưa dân man rợ vào nghệ thuật và khoa học. Các tu viện Ngài để lại phát triển khác thường lôi kéo các sinh viên tới trong nhiều thế kỷ. Ai Nhĩ Lan được cải hóa đã thành đảo của các nhà trí thức, các thánh nhân, nhờ dấu vết thánh thiện của thánh Patriciô.
Thánh CYRILÔ Thành GIÊRUSALEM
Giám mục Tiến sĩ (315 – 387)
Xi-ri-lô nhiệt thành học kinh thánh tại Giêrusalem. Khoảng 30 tuổi, Ngài được thụ phong linh mục và sau nhiều thăng trầm Ngài trở thành giám mục Giêrusalem.
Một phép lạ ghi dấu khởi đầu đời giám mục của Ngài. Chính Ngài đã kể lại phép lạ ấy trong một lá thư gửi cho các vua Constansce. Ngày 7 tháng 5 năm 351, vào buổi sáng, trên nền trời thành phố hiện ra một cây thánh giá sáng chói. Thánh giá trải dài từ đỉnh Canvê tới cây dầu. Cảm kích tột độ, đàn ông đàn bà và trẻ em bỏ nhà chạy đến nhà thờ, lớn tiếng ca ngợi Chúa Giêsu là Thiên Chúa. Các khách hành hương đến viếng đất thánh loan đi khắp nơi.
Nhiều lương dân và người Do thái trở lại, Xi-ri-lô viết thư cho hoàng đế Constance biết hiện tượng lạ thường này như lời kêu gọi nhà vua trở về với đức tin công giáo.
Mục đích đầu tiên của Xi-ri-lô là nỗ lực xây dựng sự hiệp nhất giữa các tâm hồn vì không có sự phân rẽ nào có thể tổn tại được trong lòng Giáo hội, lòng bác ái của Ngài bao trùm hết những người đau khổ, đến nỗi Ngài bị trách cứ là đã bán đồ thánh và nhất là những đồ trang hoàng đại đế Contastinô đã hiến dâng cho nhà thờ.
Các giáo huấn của Ngài còn giữ lại được, đã chúng tỏ rằng: trong những thế kỷ đầu, người ta đã tôn kính dấu thánh giá thế nào, Ngài khuyên : – “Hãy in dấu thánh giá Chúa Giêsu Kitô trên trán các con. Thấy dấu này quỉ ma sẽ chạy trốn. Hãy làm dấu thánh giá khi ăn uống, khi thức dậy cũng như khi ngủ. Hãy làm dấu thánh giá trong mọi hành động”.
Là mục tử gương mẫu, thánh Xi-ri-lô kiên quyết bảo vệ chân lý đức tin chống lại những kẻ lạc giáo. Ba lần Ngài bệ đày khỏi Giêrusalem và ba lần Ngài được tái lập tại tòa giám mục. Dưới thời Julianô bội giáo, khi trở lại địa phận, Ngài sẽ là chứng nhân của một sự lạ nữa không thể quên được.
Nhà vua muốn đưa ra một sự phủ nhận đối với lời tuyên bố của Chúa Giêsu về việc tàn phá đền thờ Giêrusalem, Chúa Giêsu đã loan báo rằng: đền thờ sẽ bị phá huỷ và không còn hòn đá nào trên hòn đá nào. Nhà vua muốn phủ nhận lời tiên báo, định xây lại nhà thờ tái lập lại việc thờ phượng của Do thái giáo. Các công nhân đổ về Giêrusalem. Để tái thiết đền thờ người ta đã dâng hiến mọi của cải cần thiết. Dân Do thái khắp nơi tụ tập lại. Hãnh diện vì sự bao bọc của nhà vua, họ khinh miệt và đe dọa các Kitô hữu. Đức giám mục bị tấn công cả từ phía các lương dân lẫn các tín hữu quá yếu kém lòng tin.
iữa những nhục mạ của một số người và nước mắt của một số người khác, Ngài quả quyết rằng sự thách thức bất lương sẽ đổi thành cơn bấn loạn cho lương dân và cho người Do thái. Trong khi đó, đêm ngày triệt hạ cái nền móng cũ một cách vô tình, người Do thái đã nỗ lực hoàn thành lời tiên báo không còn hòn đá nào trên hòn đá nào. Khi họ bắt đầu thực hiện việc xây cất thì có những cơn giông thổi lửa xuống đất, thiêu đốt các công nhân, làm cho họ không ai tới nơi để thực hiện công trình được. Julianô đã nghĩ tới truyện trả thù Xi-ri-lô vì sự thất bại khủng khiếp của ông. Nhưng cái chết đã ngăn cản không cho ông thực hiện ý định.
Đang khi lo lắng cho địa phận mình, Xi-ri-lô lại nhận được sắc lệnh lưu đày mới thời Valens. Ngài bị lưu đày mười một năm và đã trở lại vĩnh viễn tại Giêrusalem dưới thời vua Gratianô.
Ngài đã tham dự công đồng Constantinople. Các giám mục họp lại, viết thư cho Đức Giáo hoàng để ca tụng đức tin và thái độ anh hùng của Xi-ri-lô. Đây là chứng tích cuối cùng về con người vĩ đại đã bảo vệ đức tin Kitô giáo này.
Thánh GIUSE
BẠN ĐỨC TRINH NỮ MARIA
Là người thợ trong làng, thánh Giuse, con người ẩn dật nhất trong các thánh. Thuộc dòng dõi vương giả của Israel. Nhà David đã mất vẻ huy hoàng và trở thành nghèo khó. Giuse sống bằng nghề lao công tay mình làm ra, giống như mọi người dân khiêm tốn ta gặp gỡ hàng ngày. Phúc âm gọi người là “Người công chính” đồng nghĩa với người thánh thiện,. Với tâm hồn ngay thẳng, Ngài luôn đi trước nhan thánh Thiên Chúa.
Và Thiên Chúa, Đấng đã chọn tạo vật trong trắng nhất làm Mẹ Đồng Trinh, cũng chọn người công chính làm Đấng bảo trợ của Chúa Con, làm cha nuôi của Người trên trần gian.
Giuse biết lời hứa giữ đức khiết trinh của Đấng được trao phó cho mình như một kho tàng. Và này Ngài khám phá ra rằng : Đấng vô nhiễm tội sắp sinh con. Bi kịch nơi người công chính này ai đo lường nổi, Ngài có phải xua đuổi đấng Ngài đã tin cậy không ?
Thiên thần trấn an Ngài : – Hỡi Giuse, con vua David, đừng ngại nhận Maria bạn ông, bởi vì Đấng hình thành nơi lòng Người là công cuộc của Thánh Thần, Ngài sẽ sinh một con trai. Ông sẽ đặt tên cho con trẻ là Giêsu, bởi vì Người sẽ cứu dân Người cho khỏi tội.
Giuse thờ lạy những kế đồ khôn dò của Thiên Chúa, Ngài tin vào mầu nhiệm hoàn thành nơi người bạn trinh khiết của mình. Không ai nghi ngờ về ảnh hưởng thần linh trong tổ ấm này. Giuse chú ý tới các mệnh lệnh từ trời cao gửi xuống. Khiêm tốn sâu thẳm, Ngài không bỏ qua một lời nào. Trước hết Ngài chịu đựng mệt nhọc để đưa Maria về Bêlem theo lệnh kiểm tra dân số của nhà vua, Ngài đau khổ khi thấy mọi hàng quá chối từ và chỉ tìm được chỗ trú ngụ nơi chuồng bò.
Chúa Kitô sinh ra. Thánh Giuse là người đầu tiên thờ lạy Ngôi Lời nhập thể, Ngài thờ lạy Chúa với tâm hồn chân thành họa hiếm. Thánh Gioan Kim Khẩu nói: – Thiên Chúa, một cách nào đó, đổ vào lòng thánh Giuse tia sáng tình yêu vô cùng đối với con của Ngài
Thánh Giuse đã thấy các mục đồng có lòng thanh sạch, các đạo sĩ giàu có quì lạy Chúa hài Đồng. Nhưng rồi, Ngài lại cũng tiên cảm thấy những khổ đau. Bởi vì khi dâng con trẻ vào đền thánh Ngài vui mừng nghe thánh ca đầy hoan lạc của cụ già Simêon, để tiếp ngay sau đó lại nghe lời tiên báo rằng: con trẻ sẽ nên cớ vấp phạm cho nhiều người và một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn mẹ con trẻ.
Giuse sống với cây thánh giá này, Ngài đã lo lắng nhiều khi một đêm kia, thiên thần lại hiện ra nói với Ngài: – Hãy chỗi dậy, mang con trẻ và mẹ Người trốn sang Ai cập vì Hêrodê đang tìm giết con trẻ.
Giuse đã vâng lời không bàn cãi. Ngài vội vã chuẩn bị rồi lên đường bắt đầu cuộc hành trình đầy vất vả: phải tránh những nơi người ta có thể nhận ra, khó tìm được của ăn, ban dêm không chỗ nghỉ. Đặt người mẹ và con trẻ lên lưng lừa, Ngài đi bộ dẫn dắt cho qua những nguy hiểm, kiềm chế mệt nhọc và âu lo, tới Ai cập Ngài làm thợ nuôi gia đình và chờ đợi một lệnh mới từ trời cao. Hêrôđe chết đi. Giuse lại thấy thiên thần bảo rời bỏ đất Ai cập vì những kẻ tìm giết con trẻ đã chết.
Trở lại Nazareth, Giuse luôn ẩn dật, săn sóc Chúa Giêsu dạy nghề cho con trẻ. Đấng cứu chuộc thế gian vâng phục người.
Hàng năm thánh Giuse và Mẹ Maria lên Gierusalem mừng lễ vượt qua. Năm ấy Chúa Giêsu 12 tuổi cũng theo các Ngài. Trở về các Ngài không thấy Chúa Giêsu đâu và sau ba ngày tìm kiếm đã thấy Người ở trong đền thờ, ở giữa các thầy tiến sĩ, nghe và hỏi họ: Mẹ Maria nói với Người: – Cha con và mẹ đau khổ tìm con.
– Sao lại tìm con ? Cha mẹ không biết rằng: con phải làm việc cho cha con hay sao ?
Đó là lần đầu tiên, Chúa Giêsu xưng mình là con Thiên Chúa.
Sau khi loan báo những lời mang âm hưởng vĩnh cửu ấy, Người trở lại cuộc sống của một con trẻ đơn sơ với thánh Giuse và Mẹ Maria .
Không có gì nói tới việc thánh Giuse qua đời. Thánh Phanxico Salêsiô ghi nhận : – Người ta không thể nghi ngờ là thánh Giuse đã qua đời trước khi Chúa Giêsu chịu khổ nạn và chịu chết, bởi vì nếu không phải như thế Chúa Giêsu đã không trối phó Đức Mẹ cho thánh Gioan.
Các Kitô hữu tưởng tượng rằng thánh Giuse đã an nghỉ trong tay Đức Mẹ Maria và Chúa Giêsu. Và niềm tin này đã khiến cho người ta kêu cầu thánh Giuse như Đấng bảo trợ cho được chết lành.
Đức giáo hoàng Piô IX đã đặt thánh Giuse là quan thầy bầu cử Hội Thánh.
Thánh TURIBIÔ MONGRÔVEJO
Giám mục (1536 – 1606)
Có những trẻ em như đã biết Chúa làm gì, trong khi những người khác lo tìm kiếm. Những trẻ này biết an ủi và giúp đỡ người khác. Chẳng hạn dân Mayorga nước Tây Ban Nha, ngày kia, được thấy một em bé đến bên một phụ nữ đang giận dữ. Bà này mất một vật mà không mong tìm lại. Đứa trẻ nhã nhặn giải thích cho bà rằng: đừng nên làm như vậy bởi vì điều đó làm phiền lòng Thiên Chúa. Đứa trẻ tốt lành và tế nhị này tên là Turibiô, con thứ của lãnh chúa Mongrôvejô.
Ở trường Valladolid rồi ở Salamanca, Ngài thường nhịn ăn để giúp đỡ người nghèo, Ngài còn muốn thống hối thay cho các tội nhân đến nỗi Ngài bị buộc phải bỏ những hy sinh. Người ta có thể tiên đoán là người sẽ thành một tông đồ bởi Ngài đã biết sống đúng đắn.
Khi đã lớn đủ, cùng với sự khôn ngoan, thông hiểu khá vững chãi, Ngài được vua Philippê II đặt làm chánh án tòa án Granada. Khi địa phận Lima trống ngôi năm 1578, thật ngạc nhiên khi người được chỉ định là một giám mục lại là Turibinô một giáo dân. Nghe tin này, Turibinô khóc ròng, Ngài quì dưới chân thánh giá viết thư cho nhà vua, trong đó Ngài tự diễn tả như một kẻ thù tồi tệ của vua vì những bất xứng của mình. Nhưng các lý lẽ ấy đã không lay chuyển được ai. Ngài thụ phong linh mục rồi giám mục và nhậm địa phận năm 1581.
Địa phận dành cho Turibiô có những khó khăn đến nỗi có thể ngăn chận Ngài lại nếu Ngài không phải là một vị thánh. Địa phận có chu vi là sáu trăm dặm, gồm nhiều thành phố và làng mạc rải rác trên hai dãy núi Andes.
Người Tây Ban Nha khai phá tân thế giới, ức hiếp dân chúng cách man rợ. Muốn cải hóa bằng roi, họ bắt dân làm nô lệ và muốn khai hóa dân thì họ lại chỉ thông cho dân những tật xấu của mình. Nhìn dân da đỏ say sưa liên lỉ, Turibiô không thể cầm được nước mắt Ngài quở trách những người chinh phục vì những lạm dụng cướp bóc của họ và tuyên cáo rằng: những cớ vấp phạm ấy phải dừng lại cho chân lý và tình thương ngự trị.
Vị mục tử đi tìm kiếm mọi con chiên của mình. Sa mạc nóng cháy, núi cao tuyết phủ, thú rừng hung tợn, tất cả đều không làm Ngài nản chí, những người Tây ban Nha quyền thế trở thành phó vương, rồi đến vua Philippe II, do những báo cáo sai lầm đã trách cứ Ngài. Nhưng tất cả những lề luật nghiêm khắc đó đã không làm cho Ngài tháo lui. Ngài biện hộ rằng : Chính Chúa Kitô chứ không phải thế gian sẽ phán xét Ngài.
Turibiô học ngôn ngữ dân Peru, Ngài dạy dỗ dân da đỏ như một người cha nhân từ. Lòng bác ái nhân từ của Ngài đối với họ không có giới hạn. Khi Ngài tới một làng hẻo lánh, dân chúng đổ xô đến với Ngài. Trước hết Ngài thăm hỏi những người đau yếu và không chữa chạy cho họ được, Ngài dạy cho họ biết chết lành. Khi phân phát tình yêu Chúa Kitô, Ngài cũng tái lập sự công bình. Dần dần các thành phố và cả những nơi cô quạnh có người Kitô hữu cư ngụ đông đảo. Thánh Turibiô thiết lập các chủng viện, các viện cứu tế.
Trong hai mươi lăm năm, Ngài đi thăm viếng giáo phận rộng lớn và hoang dã của mình ba lần, mỗi lần phải mất tới bảy năm. Ngài kiên trì ngồi tòa mỗi sáng. Người ta nói rằng: khi cầu nguyện, Ngài tỏa chiếu từ khuôn mặt một tia sáng siêu nhiên. Mệt nhọc đã là một việc sám hối rồi, Ngài còn hy sinh và ăn chay thêm nữa. Khi có ôn dịch trong giáo phận, Ngài tăng gấp đôi lời cầu nguyện hãm mình, Ngài cũng tổ chức nhiều cuộc rước, khi tham dự chính Ngài rơi lệ uớt cả thánh giá cầm trong tay.
Trong khi bất dầu cuộc kinh lý mớí, Ngài đã ngã bệnh tại Santa, Ngài chỉ biết lập lại lời thánh Phaolô : “Tôi ao ước thoát khỏi những ràng buộc của thể xác để kết hiệp với Chúa Giêsu Kitô”.
Gần chết Ngài xin những người chung quanh hát lời thánh vịnh : – Tôi vui mừng khi nghe nói cùng tôi : chúng ta đi về nhà Thiên Chúa
Thế là cái chết của Ngài được coi như một thánh lễ. Lời cuối cùng của Ngài là lời chính chúa Kitô : – Lạy Chúa, con phó thác linh hồn con trong tay Chúa. Ngài tự đi tới thánh đường Santa để lãnh các bí tích cuối cùng và kết hiệp với Thánh Thể, Ngài qua đời năm 1606.
LỄ TRUYỀN TIN
“Lịch Roma đã mừng lễ Ngôi Lời nhập thể với danh hiệu gọi từ xa xưa là “Truyền tin” của Chúa, nhưng lễ này từ xưa và hiện nay vẫn là lễ mừng Chúa Kitô và Mẹ Ngài : Ngôi lời đã trở thành “Con của Đức Maria” (Mc 6,3) và Maria trở thành Mẹ Chúa Trời”.
“Phụng vụ phong phú của Đông và tây phương, đối với đức Kitô. Đã mừng lễ Truyền Tin, nhằm nhắc lại tiếng “Xin vâng” cứu rỗi của Ngôi lời nhập thể, lúc bước vào đời đã nói: “Lạy Thiên Chúa, này con xin đến để thi hành thánh ý Người” (Dt 10, 7 và Tv 39,8-9) , lễ này cũng kính nhớ giây phút đầu của ơn cứu chuộc với sự kết hợp chặt chẽ, bất khả phân giữa thiên tính và nhân tính trong một Ngôi Lời”.
“Lễ truyền tin đối với Đức Maria: một Evà mới, trung thành và vâng phục với lời “Xin vâng” quảng đại (Lc 1,38) do Đức Chúa Thánh Thần. Maria trở thành Mẹ Chúa Trời và là mẹ của mọi người. Maria cũng là hòm bia giao ước và Đền thờ Thiên Chúa bởi Mẹ cưu mang Đấng trung gian duy nhất. Lễ truyền tin kính nhớ sự tự do chấp nhận sự hợp tác với kế hoạch cứu rỗi Đức Maria” (Marialis culitus 6b)
Như vậy biến cố Truyền tin. Diễn ra âm thầm giữa sứ thần Gabrie với Đức Trinh Nữ Maria (Lc 1,26-28) đã mang đến cho toàn thể gia đình nhân loại một Tin vui lớn lao. Nhân loại không còn chìm ngập trong bóng tối sự chết nữa, bởi vì lời hứa cứu độ (St 3,15), nay “Vào thời sau hết, Thiên Chúa đã nói với ta nơi một người con” (Dt 1,2). Biến cố cứu rỗi này kết hợp bởi hai lời “Xin vâng” tự đời đời của Ngôi Con Thiên Chúa “xin đến để thi hành thánh ý Thiên Chúa” và trong thời gian của Đức Maria sẵn sàng cộng tác “như lời thiên thần truyền” (Lc 1,38).
Đến lượt chúng ta là những kẻ hưởng nhờ hồng ân cứu chuộc chúng ta cũng cần tiếp nối một lời xin vâng để thực sự trở thành thân nhân của Chúa (Lc 8.21). Đây là đường nhập thể của sự sống vĩnh cửu nơi mỗi người biết đón nhận Tin vui Cứu độ.