Ngày 3 tháng 6 vừa qua, theo lệnh của Đức Thánh Cha Phanxicô, Bộ Phụng Tự đã nâng lễ nhớ thánh Maria Mađalêna lên bậc lễ kính, tức là ngang hàng lễ kính các thánh Tông Đồ.
Nhân dịp này cũng nên ghi nhận rõ hơn về vị thánh này trong các Sách Tin Mừng. Tôi muốn trình bày theo các sách Tin Mừng thôi, để dung nhan vị thánh nữ trong hàng môn đệ của Chúa được hiện rõ hơn, sáng đẹp hơn.
Ta hãy lần mở từng sách Tin Mừng từ đầu đến cuối, đừng xào lẫn bốn sách Tin Mừng với nhau, vì mỗi sách Tin Mừng có một cách nhìn riêng về Chúa Giê-su và các môn đệ.
Bài 1. Bà Maria Ma-đa-le-na Trong sách Tin Mừng Mát-thêu
27, 55: Ở đó cũng có nhiều người phụ nữ đứng nhìn từ đàng xa. Các bà này đã theo Đức Giê-su từ Ga-li-lê để giúp đỡ Người. Trong số đó có bà Maria Mác-đa-la, bà Maria mẹ các ông Gia-cô-bê và Giô-xép, và bà mẹ các con ông Dê-bê-đê.
27, 60-61: Ông [Giô-xép] lăn tảng đá to lấp cửa mồ, rồi ra về. Còn bà Maria Mác-đa-la và một bà khác cũng tên là Maria ở lại đó, ngồi quay mặt vào mồ.
28,1-10: Sau ngày sa-bát, khi ngày thứ nhất trong tuần vừa ló rạng, bà Maria Mác-đa-la và một bà khác cũng tên là Maria, đi viếng mộ. Thình lình, đất rung chuyển dữ dội; Thiên thần Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên; diện mạo người như ánh chớp, và y phục trắng như tuyết. Thấy Người, lính canh khiếp sợ, run rẩy chết ngất đi. Thiên thần lên tiếng bảo các phụ nữ: “Này các bà, các bà đừng sợ! Tôi biết các bà tìm Đức Giê-su, Đấng bị đóng đinh.Người không có ở đây, vì Người đã trỗi dậy như Người đã nói. Các bà đến mà xem chỗ Người đã nằm, rồi mau về nói với môn đệ Người như thế này: Người đã trỗi dậy từ cõi chết, và Người đi Ga-li-lê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người. Đấy, tôi xin nói cho các bà hay”. Các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giê-su hay.
Bỗng Đức Giê-su đón gặp các bà và nói: “Chào chị em!” Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân và bái lạy Người. Bấy giờ Đức Giê-su nói với các bà: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy thầy ở đó.”
-
Nhiều người phụ nữ đứng nhìn từ đàng xa
Trong cảnh thứ nhất, khi Chúa Giê-su bị treo trên thập giá, Mat-thêu cho thấy một nhóm “nhiều người phụ nữ đứng nhìn từ đàng xa”. Họ không phải là những người xa lạ, nhưng là những người “đã theo Đức Giê-su từ Ga-li-lê để giúp đỡ Người”. Chi tiết này gợi lên lời thánh vịnh 38/37, 12: “Con bị tai ương, người thân kẻ nghĩa chẳng tới gần, bà con ruột thịt cũng đứng xa”, một trong những thánh vịnh điễn tả tình trạng người công chính bị bách hại (Tv 18/17; 22/21; 38/37; 69/68) và các sách Tin Mừng trích dẫn, hoặc gợi lên, khi trình bày cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su. Trong số các phụ nữ đứng đó, Mat-thêu nêu danh ba người: đứng đầu là bà Maria Mác-đa-la, bà Maria mẹ các ông Gia-cô-bê và Giô-xép và bà mẹ các con ông Dê-bê-đê.
Sau khi ông Giô-xép A-ri-ma-thê đã lăn tảng đá lấp cửa mồ và ra về, Mat-thêu cho thấy hình ảnh cuối cùng: “bà Maria Mác-đa-la và một bà khác cũng tên là Maria [dịch sát: bà Maria khác] ở lại đó, ngồi quay mặt vào mồ”.
Bút pháp kể chuyện ở đây giống như điện ảnh ngày nay, dùng ống kính tách dần từ nhóm phụ nữ, giữ lại ba người, rồi hai người trên màn hình cuối một đoạn phim, trước khi chuyển sang cảnh khác, và cảnh mới này cũng mở ra với hai nhận vật ấy dưới ánh sáng khác: từ ánh chiều tàn qua “ngày vừa ló rạng”; và trong tư thế khác: từ tư thế “ngồi quay vào mộ” sang “đi viếng mộ”. Chú ý là Mát-thêu chỉ nói hai bà đi viếng mộ chứ không nói đến chuyện đem dầu thơm đến ướp xác như Mác-cô (16, 1) hay Luca (24,1).
Trước khi Chúa Giê-su tắt thở thì Mat-thêu kể: “Từ giờ thứ sáu [giữa trưa], bóng tối bao phủ cả mặt đất mãi đến giờ thứ chín [3 giờ chiều]. Vào giờ thứ chín, Đức Giê-su kêu lớn tiếng: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con!” … Đức Giê-su lại kêu lên một tiếng lớn, rồi trút linh hồn”. Cảnh bóng tối và hai lần “kêu lớn tiếng” của Chúa Giêsu cùng với cảnh “đất rung đá vỡ” thường được nhìn như diễn tả cảnh bi đát, nhưng dưới ánh sáng của thánh vịnh 17/18 thì đó là cuộc hiển linh của Thiên Chúa; xin lướt qua một số câu ở đây (7-17):
Lúc ngặt nghèo tôi kêu cầu Chúa, kêu lên Người là Thiên Chúa của tôi. Từ Thánh điện, Người đã nghe tiếng tôi kêu cứu, lời tôi khấn nguyện vọng đến tai Người.
Trái đất bỗng ầm ầm rung chuyển, chân núi đồi chấn động lung lay, vì Chúa nổi lôi đình…
Chúa nghiêng trời ngự xuống, chân đạp lớp mây mù… Chúa dùng bóng tối làm màn bao phủ, lấy mây đen nghịt làm trướng che Người…
Chúa nổi sấm vang trời, Đấng Tối Cao lớn tiếng… Từ chốn cao vời, Chúa đưa tay nắm lấy, vớt tôi lên khỏi nước lũ mênh mông.
Đến giờ thứ chín, lần thứ nhất Chúa Giê-su lớn tiếng kêu với lời thánh vịnh 22/21, cũng là thánh vịnh mà các sách Tin Mừng đều sử dụng, và cũng kết thúc bằng lời tạ ơn vì được cứu thoát; lần thứ hai Chúa kêu lên một tiếng lớn, không có nội dung nào cả. Ta hãy trở lại với hai lần Thiên Chúa hiển linh trước đó trong Tin Mừng: ở bờ sông Gio-đan, sau khi Chúa Giê-su chịu phép rửa, trời mở ra, Thánh Thần ngự xuống trên Chúa Giê-su và tiếng từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3,16-17). Lần thứ hai, khi Chúa Giê-su hiển dung: “Ông [Phêrô] còn đang nói, chợt có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và có tiếng từ đám mây phán rằng, “Đây là Con Yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người” (Mt 17, 5). Ở lần hiển linh thứ hai, có ba người trong nhóm Mười Hai được chứng kiến. Lần thứ ba này, “cuộc hiển linh trong bóng tối”diễn ra suốt thời gian Chúa Giê-su ở trên thập giá, các phụ nữ đứng đó được chứng kiến, nhưng Mat-thêu tách ra ba người với tên gọi rõ ràng, như gợi cho ta đối chiếu với ba tông đồ chứng kiến cảnh “hiển linh chói lọi trên núi” trước kia. Khi Chúa Giêsu kêu một tiếng lớn là lúc Thiên Chúa đã kéo Con lên khỏi “nước lũ mênh mông”, vừa là tiếng kêu của Con được Cha ôm vào lòng, vừa là tiếng Đấng Tối Cao quát nạt kẻ thù “Rồi nổi trận lôi đình Ngài quát nạt, trút cơn thịnh nộ khiến chúng kinh hoàng” (Tv 2, 5).
-
Bà Maria Mac-đa-la và một bà khác cùng tên Maria đi viếng mộ
Bà Maria Mác-đa-la và một bà khác cùng có tên là Maria, đi viếng mộ, được chứng kiến một cuộc hiển linh mới. “Thình lình, đất rung chuyển dữ dội: thiên thần Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên; diện mạo người như ánh chớp, và y phục trắng như tuyết. Thấy Người, lính canh khiếp sợ, run rẩy chết ngất đi”. Diện mạo và màu trắng y phục của thiên thần phản chiếu vinh quang của Chúa Giêsu khi hiển dung trên núi: “Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng” (Mt 17, 2). Sau khi Chúa chiến thắng Xa-tan trong hoang địa thì “quỷ bỏ đi, và có các thiên thần đến hầu hạ Người” (Mt 4,11). Bây giờ Chúa đã chiến thắng cả cái chết, thì thiên thần lại đến hầu hạ Người, phản ánh vinh quang phục sinh của Người, mở cửa, đón khách tới viếng… và báo tin mừng Phục Sinh.
Bọn lính canh mồ khiếp sợ, ra như chết, gợi lên cảnh ở cuối thánh vịnh 2: “Hãy khiếp run phủ phục dưới chân Người! Kẻo Chúa nổi lôi đình là các ngươi mạt lộ”. Trong khi đó thì thiên thần lên tiếng bảo các phụ nữ: “Này các bà, các bà đừng sợ! Tôi biết các bà tìm Đức Giêsu, Đấng bị đóng đinh, Người không còn ở đây vì Người đã trỗi dậy như Người đã nói. Các bà đến mà xem chỗ Người đã nằm, rồi mau về nói với môn đệ Người như thế này: Người đã trỗi dậy từ cõi chết, và Người đi Ga-li-lê trước các ông. Ở đó các ông sẽ được thấy Người.”
Sau khi nhận được lời nhắn, “các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho các môn đệ Đức Giê-su hay.” So sánh phản ứng của bọn lính canh với phản ứng của hai bà trùng tên Maria, chúng ta nghĩ tới lời thánh vịnh 67/68: “Thiên Chúa đứng lên, địch thù Người tán loạn… như sáp chảy tan khi vừa gặp lửa… Đức Chúa vừa tuyên sấm, cả một đoàn quân phụ nữ đã loan đi, vua quan đào tẩu, binh lính chạy dài”.
Nhưng Chúa Giê-su như không chờ nổi: “Bỗng Đức Giê-su đón gặp các bà và nói: “Chào chị em! Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người. Bấy giờ Đức Giê-su nói với các bà: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.” Thế là hai bà trùng tên Maria là những người đầu tiên được gặp Chúa phục sinh và nhận sứ mạng loan baó Tin Mừng cho “anh em của Chúa”. Thiên thần nói với các bà “mau về nói với môn đệ Người”. Chính Chúa Giê-su nói với các bà lại bảo “về báo cho anh em của Thầy”. Sự hoán đổi danh xưng môn đệ / anh em ở đây có tầm quan trọng đặc biệt trong sách Tin Mừng Mat-thêu. (Sách Tin Mừng Gio-an cũng đưa ra sự hoán đổi này, nhưng Gioan quy chiếu với một chuyện khác trong Cựu Ước, chúng ta sẽ bàn khi nói về sách Tin Mừng Gio-an.)
Trình thuật Chúa Giê-su chịu đóng đinh kết thúc với hình ảnh “bà Maria Mac-đa-la và một bà khác cũng tên là Ma-ri-a ở lại đó, ngồi quay mặt vào mồ”. Hai bà cùng tên Maria này trở thành hai nhân vật chính trong toàn thể câu chuyện xảy ra ở mồ vào lúc rạng sáng ngày thứ nhất trong tuần, với sứ mạng do Chúa Giê-su Phục Sinh đích thân trao: ”về báo cho anh em của Thầy”.
-
Gia phả Chúa Gê-su
Để hiểu câu chuyện này chúng ta phải trở lại từ đầu sách Tin Mừng Mat-thêu. Mat-thêu mở đầu sách Tin Mừng với gia phả của Chúa Giê-su: con cháu Ap-ra-ham, con cháu Đa-vit. Kể xuôi từ Ap-ra-ham xuống tới Chúa Giê-su, chia làm ba giai đoạn, mỗi giai đoạn 14 đời. Đếm kỹ chuỗi thứ ba thì sẽ thấy tới “Giuse, chồng của bà MARIA” là 12 đời, Chúa Giê-su là đời thứ mười ba. Sau đó Mat-thêu kể việc thiên thần báo tin cho thánh Giu-se, xác nhận Đức Maria có thai bởi quyền năng Thánh Thần. Giữa “Giu-se chồng bà Maria” với Chúa Giêsu có một khoảng cách, bởi vì Chúa Giê-su do “bà Maria sinh ra” nhưng không phải do ông Giuse, mà do sự can thiệp của Thánh Thần, khiến Chúa Giê-su vừa là dòng dõi Ap-ra-ham và Đa-vit, vừa là Con Thiên Chúa.
Ta tự hỏi tại sao lại đặt hai vị tổ phụ Ap-ra-ham và Đa-vit làm cột mốc: “gia phả Đức Giê-su Ki-tô con cháu Đa-vit, con cháu Ap-ra-ham”, rồi kể từ Ap-ra-ham xuống tới Chúa Giê-su? Trước hết vì hai vị tổ phụ này nhận được những lời hứa của Thiên Chúa làm cốt lõi cho cả lịch sử cứu độ: Ap-ra-ham nhận được lời hứa của Thiên Chúa gồm ba điều: một miền đất, một dòng dõi đông đúc như sao trời cát biển, và trở nên phúc lành cho muôn dân (x. St 12, 1-3; 15; 22). Vua Đavit nhận được lời hứa là dòng dõi ông sẽ đời đời làm vua (2S 7, 4-16). Mat-thêu cho thấy cả hai lời hứa trên được thực hiện hoàn toàn nơi “Chúa Giê-su Ki-tô, con cháu Đavit, con cháu Ap-ra-ham”. Là con cháu của vua Đavit, sinh tại Be-lem, quê hương vua Đavit, Chúa Giêsu Phục Sinh nhận được mọi quyền trên trời dưới đất và ở với các môn đệ cho đến ngày tận thế (Mt 28, 18-20). Là con cháu Ap-ra-ham, Chúa Giê-su Phục Sinh trở thành phúc lành cho muôn dân khi Chúa sai các môn đệ đi “làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ… và dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em”, và như vậy làm cho lời hứa về dòng dõi Ap-ra-ham thành sự thực: muôn dân trở thành môn đệ thì cũng trở thành anh em của Chúa Giê-su, và như thế trở thành con cháu Ap-ra-ham. (Thánh Phao-lô quảng diễn điều này, x. Rm 4; Gl 4).
Hãy tạm đưa ra kết luận thứ nhất ở đây: Chúa Giê-su vừa là điểm tới (nhưng không phải là kết thúc) vừa là điểm khởi đầu mới của dòng dõi Ap-ra-ham, nhờ quyền năng Thánh Thần, dòng dõi Ap-ra-ham mới thật sự trở nên đông như sao trời cát biển (x. St 15,5; 22, 15-18).
-
Ông Mô-sê sinh ra và được cứu sống
Đến đây chắc bạn đọc hỏi: chưa thấy chuyện hai bà cùng tên Maria ăn nhập gì ở đây. Đó là chuyện tiếp theo. Sau bản gia phả và chuyện thiên thần báo mộng cho ông Giu-se, Mat-thêu không kể chuyện Chúa Giê-su sinh ra, mà kể chuyện các nhà chiêm tinh tìm đến bái lạy “Vua Người Do Thái mới sinh”. Câu chuyện này cho thấy lời hứa của Thiên Chúa về ngôi sao mọc lên từ lều trại Gia-cóp mà Thiên Chúa Chúa đã dùng miệng ông Bi-lơ-am, một người dân ngoại ở phương Đông để công bố (x. Ds 24, 16-19). Vừa sinh ra, Chúa Giê-su đã được dân ngoại nhận biết và tuyên xưng và đến bái lạy như “Vua người Do Thái”. Nhưng chuyện này dẫn tới việc Hê-ro-đê ra lệnh sát hại các bé trai từ hai tuổi trở xuống, ở Be-lem và vùng phụ cận, hy vọng giết được “Vua người Do Thái mới sinh”. Thiên Chúa ra tay trước, sai thiên thần báo cho ông Giu-se ban đêm, để “đem hài nhi và mẹ trốn sang Ai-cập.” Thế là Chúa Giê-su thâu tóm trong bản thân mình lịch sử của dân Thiên Chúa.
Hê-rô-đê ra lệnh giết các hài nhi từ hai tuổi trở xuống, như mẻ lưới vét, với hy vọng giết được “vua người Do Thái mới sinh”, chiếu theo ngày giờ các nhà chiêm tinh đã thấy ngôi sao mọc lên, khiến ông Giu-se phải thức dậy giữa đêm khuya, vội vã đem “hài nhi và người mẹ” trốn sang Ai-Cập. Chuyện này gợi ta nhớ đến phần mở đầu của sách Xuất Hành, với chuyện vua Pha-ra-ô ra lệnh cho các bà đỡ giết các con trai của người Hip-ri khi vừa sinh ra. Nhưng hai bà đỡ tên là Sip-ra và Pu-a không tuân lệnh vua, cứ để cho sống. Khi bị vua hỏi, các bà chống chế: “Đàn bà Hip-ri không như đàn bà Ai Cập, họ khoẻ lắm, bà đỡ chưa kịp đến thì họ đã sinh rồi” (Xh 1, 15-19). Vua Ai-cập chịu lý, nhưng dùng biện pháp khác toàn diện hơn: “Pha-ra-ô ra lệnh cho toàn dân của mình: “Mọi con trai Hip-ri sinh ra, hãy ném xuống sông Nin, còn con gái thì để cho sống”.
Trong bối cảnh “biện pháp toàn diện” của Pha-ra-ô, ông Mô-sê sinh ra và được mẹ “giấu trong ba tháng trời. Khi không thể giấu lâu hơn được nữa, nàng lấy một cái thúng cói, trét hắc ín và nhựa chai, bỏ đứa bé vào, rồi đặt thúng trong đám sậy ở bờ sông Nin. Chị đứa bé đứng đàng xa để xem cho biết cái gì sẽ xảy ra cho em nó”.
Sau khi dân Chúa vượt qua Biển Đỏ ta thấy người chị này xuất hiện với tên là MARIA, trong vaI NỮ NGÔN SỨ, cầm đầu đoàn phụ nữ đánh trống, nhảy múa và hát điệp khúc cho bài ca của ông Mô-sê: “Hãy hát mừng Đức Chúa, Đấng cao cả uy hùng, kỵ binh cùng chiến mã, Người xô xuống đại dương” (Xh 15, 21).
Đọc đến đây, chắc bạn đọc đã có thể liên tưởng được mối liên hệ văn chương giữa câu chuyện ông Mô-sê sinh ra với chuyện Chúa Giêsu “vua người Do Thái mới sinh”; “chuyện các phụ nữ đứng nhìn từ đàng xa” khi Chúa bị treo trên thập giá với chuyện “chị đưa bé đứng đàng xa để xem cho biết chuyện gì xảy ra cho eem nó”; chuyện hai bà cùng tên là Maria ở lại đó, ngồi quay vào mộ; chuyện hai bà đi viếng mộ, tới nơi thì cửa mộ đã mở, thiên thần báo tin “Tôi biết các bà tìm Đức Giê-su, Đấng bị đóng đinh, Người không còn ở đây, vì Người đã trỗi dậy rồi”.
Ông Mô-sê được cứu sống, trước hết là nhờ hai bà đỡ, rồi nhờ người chị tên là Maria “đứng đàng xa để xem cho biết cái gì sẽ xảy ra cho em nó”. Thiên Chúa làm điều kỳ diệu, đứa bé bị thả trôi sông theo lệnh vua Ai-Cập, lại được con gái của vua “cứu khỏi nước” (ý nghĩa cái tên Mô-sê) rước về làm con, và chính người mẹ sinh ra Mô-sê lại trở thành vú nuôi của Mô-sê, để sau này Mô-sê trở thành người Chúa sai đi cứu dân của chính ông và là dân của Thiên Chúa, khỏi ách nô lệ Ai-cập. Người con do bà Maria sinh ra có tên là Giê-su, “vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” Từ trời cao Thiên Chúa sẽ đưa tay vớt Con của Người lên khỏi nước lũ của đau khổ và cái chết, để trao cho Người mọi quyền trên trời dưới đất, hầu cứu muôn dân khỏi tội lỗi và sự chết. Bà Maria Mac-đa-la và bà Maria kia gợi nhớ hai bà đỡ và bà Maria chị của Mô-sê, người đã chứng kiến em mình được cứu, và góp phần bằng việc “mai mối” cho mẹ được làm vú nuôi cho em.
Ông Gióp đã nguyền rủa cái đêm ông được sinh ra “vì đêm ấy đã không đóng kín lòng dạ cưu mang tôi khiến mắt tôi khỏi nhìn thấy đau khổ” (G 3, 10). Nhưng ngôi mộ của Chúa Giê-su lại trở thành lòng mẹ cho một cuộc sinh nở mới. Mẹ đất chuyển bụng bằng cuộc động đất dữ dội, đất rung đá vỡ. Tiếng Chúa Giêsu kêu trên thập giá khác nào tiếng kêu la của bà mẹ chuyển dạ sinh con (x. Kh 12, 2). Lập tức hai bà đỡ đã tới ngồi quay mặt vào bà mẹ đang chuyển bụng, đúng như Pha-ra-ô nhặn các bà đỡ (x. Xh 1, 16). Mat-thêu cho ta thấy cảnh cuối cùng lúc chiều tối, là hai bà cùng tên Maria ngồi quay vào mộ, không nói khi nào hai bà đi về. Rạng sáng ta thấy hai bà lững thững đi viếng mộ, thình lình đất rung chuyển dữ dội (nhưng lần này không có đá vỡ), thiên thần Chúa từ trời xuống, lăn tảng đá đậy cửa mồ ra, rồi ngồi lên trên. Cùng lúc với bọn lính canh mồ, các bà thấy thiên thần sáng láng và nghe thiên thần, vừa mở cửa, nói cho biết “Người đã trỗi dậy rồi, Người không còn ở đây”. Vai trò của hai bà trong cảnh này vừa gợi lại cảnh hai bà đỡ ở bên canh chừng sản phụ Hip-ri, vừa gợi lại lời hai bà chống chế với Pha-ra-ô: “Bà đỡ chưa kịp tới thì họ đã sinh rồi!” Mô-sê được đem giấu, còn Chúa Giê-su đã về Ga-li-lê trước các “anh em” của Chúa.
Bà chị Maria về gọi mẹ ra đón em về nuôi. Hai bà cùng tên là Maria được Chúa đích thân đến gặp, sai về báo tin cho “anh em của Thầy” biết, họ sẽ được gặp Thầy ở Ga-li-lê. Khi Mô-sê đã lớn, ông đi ra thăm anh em của mình (Xh 2, 11). Chúa phục sinh chính là lúc Chúa cứu dân mình khỏi tội, các môn đệ trở thành anh em của Chúa. Chúa nhắn anh em của Ngài đến với Ngài ở Ga-li-lê, cũng như khi ông Mô-sê từ đất Ma-đi-an trở về Ai-cập, thì Thiên Chúa sai ông A-ha-rôn, là anh, đi vào sa-mạc gặp ông Mô-sê (x. Xh 4,27-31).
Một cuộc sinh nở mới bắt đầu nhờ phép Rửa: muôn dân thành anh em của Chúa Giê-su, và dòng dõi của Ap-ra-ham từ nay trở nên đông đúc như sao trời cát biển.
Không thể nào diễn tả hết được những hàm ẩn trong nghệ thuật kể chuyện này của Tin Mừng Mat-thêu; chỉ có sự chiêm ngắm trong thinh lặng và lòng tin, mới cho ta cảm nghiệm được mỗi ngày một sâu xa hơn mầu nhiệm Chúa Giê-su Ki-tô Con Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, và thấy được vai trò đặc biệt của thánh nữ Maria Ma-đa-le-na trong khung cảnh hoành tráng của màu nhiệm Phục Sinh, được Mat-thêu trình bày như một cuộc sinh nở mới để làm nên một dân mới, thực hiện lời Thiên Chúa hứa với Ap-ra-ham và với Đa-vit.
Trên bình diện văn chương thì nhân vật Maria Ma-đa-le-na trong Tin Mừng Mat-thêu là cầu nối trình thuật thời thơ ấu của Chúa Giêsu và trình thuật “Phục Sinh” với sách Xuất Hành. Về vai trò thì Mat-thêu đặt Maria Ma-đa-le-na vào hàng Nữ ngôn sứ Maria, chị của Mô-sê, người đã canh chừng để cứu em, chạy về gọi mẹ; sau này khi đã vượt qua Biển Đỏ, bà chứng kiến và ca ngợi ơn cứu độ. Bà Maria Ma-đa-lê-na cũng chứng kiến, đón nhận Tin Mừng ơn cứu độ và chạy đi loan báo cho “anh em” của Chúa.
Phụ chú về phương pháp nghiên cứu
Người không biết đọc các tác phẩm văn chương bất hủ của Mẹ Việt Nam như Chinh phụ ngâm, Cung Oán ngâm khúc, Kim Vân Kiều… có thể sẽ cuời ruồi mà bảo “ông già này khéo bịa chuyện…” Khoan ! Dù sao tôi cũng đậu Tú Tài Văn Chương Việt Nam năm 1960 đấy. Các bạn sinh sau đẻ muộn vào thời tân tiến, không còn được nghe mẹ ru bằng những câu ca dao, những câu Kiều lẩy, đến trường thì học thơ Tố Hữu và các nhà thơ cách mạng, vốn nhằm vận động quần chúng, nên lời văn dễ hiểu, ca tụng hay khóc than, chỉ cần học thuộc lòng, dù thơ mộng như: “núi liền núi, sông liên sông”, hay ai oán thiết tha hết tình thảo hiếu như: “Ông Xít-ta-lin ơi! Ông Xít-ta-lin ơi! – Thương con, thương vợ, thương chồng – thương cha thương một, thương ông thương mười!”; các bạn không phải ngồi ghi chép và học những điển tích văn chương, đọc một câu trong chuyện Kiều hay Chinh phụ ngâm… rồi bóp trán tìm xem “Trống Tràng Thành lung lay bóng nguyệt, khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây” nghĩa là gì? “Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông” nghĩa là gì, liên quan tới điển tích văn chương nào? Chỉ khi tìm ra điển tích văn chương phía sau mới hiểu được câu thơ.
Kinh Thánh cũng là văn chương, và hơn nữa, là đỉnh cao của văn chương nhân loại, vì Lời Chúa đã thành lời người, nhập thể trong lời người, nên cũng có hiện tượng quy chiếu văn chương tương tự và còn quyết liệt hơn, vì không chỉ là quy chiếu văn chương giữa Tân với Cựu Ước, như các cụ nhà nho của ta ngày xưa quy chiếu vào văn chương chữ Hán, mà là sự thực hiện các lời hứa của Cựu Ước ở trong Tân Ước. Toàn bộ Sách Thánh là một cuốn sách duy nhất, nên giải thích lẫn nhau, như châm ngôn từ thời các giáo phụ : “Tân Ước ẩn tàng trong Cựu Ước; Cựu Ước hiện rõ trong Tân Ước”.
Có người lại bảo, cứ cho là như vậy đi, nhưng làm sao biết chuyện nào quy chiếu vào đâu? Ông già này chỉ giỏi tưởng tượng cho ra lắm chuyện! Ông già này xin trả lời đơn giản: đi tìm các vị giáo già còn biết văn chương Việt Nam cổ điển, nhờ các cụ giảng cho một đoạn truyện Kiều hay Chinh Phụ Ngâm thì sẽ biết: một câu, một từ, cách diễn tả, bố cục… đều có thể gợi cho ta thấy mối quan hệ giữa câu ta đang đọc với những điển tích văn chương. Chúa Giê-su và các môn đệ đều là người Do Thái, nghe Sách Thánh từ nhỏ nên cũng nhớ, cũng thuộc các chuyện trong sách Thánh. Chính Chúa Giê-su khi giảng dạy cũng trưng dẫn Cựu Ước. Khi các tông đồ bắt đầu rao giảng thì đã dựa vào Cựu Ước để giải nghĩa mầu nhiệm Đức Giê-su Kitô (x. Cv 2), đến khi viết sách Tin Mừng thì những sự quy chiếu đã chín mùi, xuôi chảy, gọn gàng, sắc bén, nhẹ nhàng, tinh vi hơn. Nghiền ngẫm Sách Thánh cho nhuần nhuyễn thì sẽ thấy, cũng như các cụ nhà nho ngày xưa, cả đời nghiền ngẫm sách thánh hiền, nên nói ra là có sách có chữ, nghe một câu văn, câu thơ là có thể thấy cả một vùng trời văn chương hiện ra trước mắt.
Giê-ru-sa-lem, 15 tháng 6 năm 2016
L.M.Giu-se Nguyễn công Đoan, S.J.