Thánh Gio-an Tẩy Giả

Thánh Gio-an Tẩy Giả là một nhà giảng thuyết người Do-thái. Tin Mừng theo Thánh Lu-ca cho biết, Ngài là con của tư tế Da-ca-ri-a, thuộc nhóm A-vi-a, dòng tộc A-ha-ron, và chào đời tại vùng Judea, Do-thái, chỉ trước Chúa Giê-su chừng sáu tháng (xc. Lc 1,5-36; 1,39-80).

Khoảng năm 28 sau Chúa Ki-tô, Thánh Gio-an đã xuất hiện công khai tại Galilea và tại Judea để rao giảng và mời gọi người ta thống hối. Bên cạnh việc rao giảng sám hối, Ngài còn cử hành nghi thức Thanh Tẩy cho tất cả những ai đến với Ngài, bằng cách dìm họ xuống nước. Vì thế, Thánh Nhân được gọi là Gio-an Tẩy Giả. Thánh Nhân hoạt động trong cả vùng Do-thái lẫn Palestina, và cũng đã có nhiều người nhận mình là môn sinh của Ngài. Lịch sử tính của Ngài đã được xác nhận bởi sử gia người Do-thái Flavius Josephus.

Các Ki-tô hữu nguyên thủy đã trình bày Thánh Gio-an Tẩy Giả như là vị Ngôn Sứ cuối cùng của Cựu Ước, và là người dọn đường cho Chúa Giê-su Ki-tô. Vì thế, Ngài cũng còn được gọi là Gio-an Tiền Hô, tức vị tiền trạm của Chúa Ki-tô. Thánh Nhân không chỉ được tôn kính bởi Giáo hội Công giáo, nhưng còn được tôn kính bởi nhiều Giáo hội khác. Người Hồi giáo coi Thánh Gio-an Tẩy Giả là một trong ba vị Ngôn Sứ cuối cùng, trước Chúa Giê-su và Mohammmed.

1.Các nguồn tài liệu xưa nhất về Thánh Gio-an Tẩy Giả:

Các nguồn tài liệu xưa nhất cung cấp thông tin về Thánh Gio-an Tẩy Giả, đó là 4 cuốn Tin Mừng của Tân Ước, sách Công Vụ Tông Đồ của Lu-ca, và chương XVIII 5, 2 trong tác phẩm Antiquitates Judaicae của sử gia người Do-thái Flavius Josephus. Các nguồn tài liệu này trình bày về Thánh Gio-an theo những cách thức rất khác biệt, tùy theo quan điểm của mỗi tác giả.

Theo Mc 1,2-15, Thánh Gio-an xuất hiện với tư cách là người tiền trạm cũng như là người dọn đường cho Chúa Giê-su.

Theo Mt 3,7tt và Lc 3,7-9, Thánh Gio-an xuất hiện với tư cách là nhà rao giảng sám hối.

Lc 1,5 – 2,29 đã trình bày một cách song song các biến cố trước hai cuộc sinh nhật của Thánh Gio-an Tẩy Giả lẫn của Chúa Giê-su. Cuộc sinh nhật của hai vị đều được công bố bởi một Thiên Thần; và cả hai vị đều được công bố như là những người được Thiên Chúa tuyển chọn và sai đi để giải phóng toàn bộ dân Israel một cách chung cuộc. Nhưng những sự kiện liên quan đến Chúa Giê-su thì được trình bày là trổi vượt hơn hẳn so với những sự kiện liên quan đến Thánh Gio-an Tẩy Giả.

Theo Ga 1,7-18.19-36, nói chung Thánh Gio-an xuất hiện như là vị chứng nhân đầu tiên và quan trọng nhất của Chúa Giê-su – Ngôi Lời trở thành xác phàm.

Trong tác phẩm của sử gia Flavius Josephus, Thánh Gio-an xuất hiện như một mẫu gương về đời sống khổ hạnh. Ông tuân giữ các mệnh lệnh của Kinh Tora dành cho một người Nasir, và là người chỉ cho người Do-thái cách thức thực hành nghi thức Thanh Tẩy.

2.Sinh nhật và thời niên thiếu của Thánh Gio-an:

Những trình thuật về cuộc sinh nhật và về thời niên thiếu của Thánh Gio-an Tẩy Giả được tìm thấy trong chương 1 và chương 2 của Tin Mừng theo thánh Lu-ca không có trọng lượng lớn xét về khía cạnh sử tính. Một số chuyên gia giả định rằng, đó là những truyền thuyết xuất phát từ giới những người tôn sùng Thánh Gio-an Tẩy Giả. Những người này muốn đặt tầm quan trọng của Thánh Nhân vào trong những biến cố xung quanh cuộc sinh nhật và thời niên thiếu của Ngài, cũng như muốn minh họa tầm quan trọng của Ngài bằng cách sử dụng các mô-típ của Cựu Ước để tô điểm thêm. Tuy nhiên, đối với một sự tái hiện lịch sử, những bản văn của Thánh Lu-ca vẫ có những giá trị hiển nhiên của chúng, tuyệt nhiên không bị coi là vô bổ. Có lẽ Thánh Gio-an xuất thân từ giới tư tế. Theo cách trình bày của Tin Mừng theo Thánh Lu-ca, Ngài là con trai của tư tế Da-ca-ri-a, thuộc nhóm A-vi-a, cũng như là con của bà Elisabeth, thuộc dòng tộc A-ha-rôn (xc. Lc 1,5tt). Vì nhóm A-vi-a là một trong 24 nhóm tư tế không có tầm quan trọng (1 Sbn 24,19tt), nên những gì được công bố về Gio-an Tẩy Giả trong Tin Mừng theo thánh Lu-ca xem ra rất đáng tin cậy. Theo Lc 1,5tt, Thánh Gio-an được sinh ra „dưới thời vua Hê-rô-đê, vua Giu-đa“. Vị vua này cai trị dân Do-thái từ năm 38 trước Chúa Ki-tô cho tới năm thứ 5 trước Chúa Ki-tô. Trong Lc 1,39, độc giả biết được nơi ở của bà Elisabeth: „Một thành miền núi thuộc chi tộc Giu-đa“. Dựa vào Lc 1,80: „Cậu sống trong hoang địa cho đến ngày ra mắt dân Is-ra-el“, nhiều người đã suy đoán về một thời gian cư trú của Gio-an lúc còn trẻ tại Qumran. Tuy nhiên, những suy đoán này không thể tự xác nhận về khía cạnh sử tính. Thực ra Lc 1,80 chỉ có ý trình bày Gio-an như là một vị Ngôn Sứ đã từng cư ngụ và hoạt động tại sa mạc trong một thời gian trước khi Ngài được kêu gọi thực thi sứ vụ.

3.Thời gian và nơi hoạt động:

Theo cách trình bày của Tin Mừng Lu-ca, hoạt động công khai của thánh Gio-an bắt đầu vào „năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Ti-bê-ri-ô“ (Lc 3,1tt), tức vào khoảng từ năm 26 tới năm 29 sau Chúa Ki-tô. Còn về nơi hoạt động của Thánh Gio-an thì có nhiều công bố khác nhau. Theo Mc 1,3-5 thì Gio-an hoạt động tại sa mạc Jordan. Nhưng theo Mt 3,1tt thì Gio-an lại hoạt động tại sa mạc Judea. Còn theo Ga 1,28 và 10,40, thì Gio-an hoạt động tại Bê-ta-ni-a, phía bên kia sông Gio-đan; hay theo Ga 3,23 thì Gio-an lại hoạt động tại Ê-nôm, gần Sa-lêm. Có lẽ lý chứng cho rằng, Gio-an hoạt động ở phía Đông bờ sông Gio-đan là có lý hơn cả, vì Hê-rô-đê An-ti-pas – người đã ra lệnh tống giam Gio-an vì bị Ngài chỉ trích cách dữ dội về lối sống – chỉ có quyền trên khu vực đó (xc. Mc 6,17–29; Jos Ant XVIII 5,2); truyền thống Cựu Ước xem ra cũng có vẻ ủng hộ việc Gio-an hoạt động tại bờ Đông sông Gio-đan (xc. Gs 3 và 4; 2 V 2,1–18). Chỉ nhiều thế kỷ sau, nơi làm Phép Rửa của Gio-an mới được xác định là thuộc bờ Tây sông Gio-đan; bằng chứng sớm nhất của truyền thống cho rằng, Gio-an hoạt động tại bờ Tây sông Gio-đan, chính là bức tranh khảm nổi tiếng của Madaba (tk 6), nó được coi là bức bản đồ cổ nhất của Palestina.

4.Hoạt động công khai và bị hành quyết:

a.Hoạt động công khai:

Khoảng từ năm 26 tới năm 30 sau Chúa Ki-tô, Thánh Gio-an Tẩy Giả đã bắt đầu những hoạt động công khai của mình. Khu vực hoạt động chính của Ngài là vùng Pê-rê hồi đó, tức bờ bên kia sông Gio-đan, nằm đối diện với Giê-ri-cô. Ngài thực hiện một cuộc sống đề cao sự khổ hạnh. Theo Mc 1,6tt, Thánh Gio-an chỉ sống bằng châu chấu và mật ong rừng; còn theo Mt 11,18 thì Thánh Nhân không ăn và cũng chẳng uống gì cả. Thánh Nhân giảng dậy theo phong cách của các Ngôn Sứ Cựu Ước, và làm Phép Rửa. Trong các bài giảng của mình, Thánh Nhân kêu gọi người ta sám hối, và công bố cho mọi người biết rằng, Triều Đại Thiên Chúa đang đến gần, cũng như công bố „một Đấng Quyền Thế hơn“ sẽ đến để thực hiện cuộc phán xét cuối cùng (xc. Mt 3,1-12< Lc 3,4-17). Vì thế, trong Ki-tô giới, Ngài được coi là người dọn đường trực tiếp cho cuộc xuất hiện của Đấng Messias, và được ví như Ngôn Sứ Ê-li-a.

Những người đến với Gio-an Tẩy Giả khá đông, trong đó cũng có cả Chúa Giê-su thành Nazareth. Chính Ngài đã để cho ông thực hiện Phép Rửa cho mình (Mt 3,13-15). Với sứ điệp về ngày phán xét do các Ngài loan báo, cả Chúa Giê-su lẫn Gio-an tẩy Giả đều thuộc về truyền thống Ngôn Sứ của Israel, và đứng ngoài các nhóm Do-thái khác trong thời các Ngài. Những nhóm đó không nhìn nhận Phép Rửa. Có vẻ như chính Chúa Giê-su, sau khi được Gio-an làm Phép Rửa cho, cũng thực hiện nghi thức này cho những người khác với sự tán thành của Gio-an (xc. Ga 3,25-36). Trong các câu chuyện sau này, người ta lại thấy các môn đệ của Gio-an dưới danh xưng Man-đê. Một phần trong số các môn đệ của Thánh Gio-an đã trở thành môn đệ của Chúa Giê-su sau khi Thánh Nhân bị giết (xc. Cv 19,1-7).

Một số người lính Do-thái phục vụ trong triều đình vua Hê-rô-đê đã đến với Thánh Gio-an và hỏi Ngài rằng: Chúng tôi phải làm gì? Thánh Nhân  trả lời: „Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình“ (Lc 3,14). Nhiều trong số những người lính này đã trở thành môn đệ của Thánh Gio-an.

b.Hê-rô-đê Antipas và Aretas

Vua Hê-rô-đê Antipas đã kết hôn với bà Phasaelis, công chúa của vua Aretas, nước Nabate. Sau này ông còn kết hôn với bà Herodias, vợ của Herode Boethos, tức người anh cùng cha khác mẹ với ông, mà Tân Ước gọi là „Philippus“ (có lẽ là một biệt danh). Theo sử gia Flavius Josephus thuật lại trong Jüd. Alt. XVIII,5,1-2, thì Hê-rô-đê Antipas đã có nhiều căng thẳng với bà vợ đầu của mình, tức bà Phasaelis. Vì thế bà này đã dời nơi ở tới Machaerus, tức một pháo đài biên phòng của Antipas tại Biển Chết. Và từ đó, bà trốn về nhà thân phụ của mình. Mối tương quan giữa Hê-rô-đê Antipas và Aretas đã sẵn bị ảnh hưởng xấu bởi những tranh chấp về lãnh thổ, nên cuộc hôn nhân của Hê-rô-đê với Herodias càng gây thêm tổn thương cho Aretas. Và vì thế, một cuộc xung đột vũ trang đã không thể tránh khỏi.

c.Thánh Gio-an bị bắt giam:

Theo các sách Tin Mừng, Thánh Gio-an Tẩy Giả đã bị tống ngục chỉ một thời gian ngắn sau khi Ngài đã làm Phép Rửa cho Chúa Giê-su, có nghĩa là sau khi Chúa Giê-su bắt đầu hoạt động công khai (Mt 4,12; Mc 1,14; Lc 3,19-20). Sở dĩ Ngài bị tống ngục, là vì – theo các sách Tin Mừng – Ngài đã chỉ trích Hê-rô-đê Antipas về việc đã cưới người vợ của anh trai ông ta (xc. Mt 14,4; Lc 3,19). Nhưng theo sử gia Flavius Josephus thì nguyên nhân nằm ở chỗ là, Hê-rô-đê lo sợ trước „uy tín của người mà lời khuyên của người ấy có vẻ như rất được nhiều người nghe theo, nên có thể vì ông ta mà dân chúng sẽ thực hiện một cuộc nổi dậy“ (Ant. Jud. 18,5,2). Hê-rô-đê đã nhốt Thánh Gio-an Tẩy Giả trong pháo đài  Machaerus nằm bên bờ Biển Chết. Sau một thời gian tù đầy lâu dài, Thánh Gio-an đã bị Hê-rô-đê hành quyết trong lúc Chúa Giê-su còn sinh thời (xc. Mt 14,6-12; Mc 6,21-29). Nhiều sử gia cho rằng, Thánh Gio-an đã bị nhốt tù vào khoảng những năm từ 28 tới 31 sau Chúa Ki-tô, và bị hành quyết vào khoảng những năm từ 28 tới 32. Giống như các tác giả Tin Mừng, sử gia Flavius Josephus kể lại rằng, Hê-rô-đê Antipas đã ly dị vợ của mình để cưới người vợ của anh trai ông ta, nhưng người vợ bị ly dị đã trốn về được với thân phụ mình, tức vua Aretas của Nabate. Vì sự nhục nhã của con gái mình, và cũng vì đang có sẵn những tranh chấp về lãnh thổ, nên Aretas đã phát động một cuộc chiến để chống lại Hê-rô-đê sau khi thủ hiến Philippus qua đời (vào khoảng năm 33 hoặc 34 sau Chúa Ki-tô). Trong cuộc chiến này, quân đội của Hê-rô-đê đã bị thua trận, và người Do-thái coi cuộc thua trận này là một hình phạt của Thiên Chúa giáng trên Hê-rô-đê vì đã dám hành quyết Gio-an Tẩy Giả. Như vậy, lý do Thánh Gio-an bị tống ngục và bị chém đầu vì dám chỉ trích vua Hê-rô-đê về lối sống vô luân của ông ta, như các sách Tin Mừng đưa ra, xem ra có vẻ hợp lý hơn.

d.Thánh Gio-an bị hành quyết:

Theo Mc 6,17-29 và Mt 14,3-12, sở dĩ Thánh Gio-an đã bị chém đầu là vì cô con gái của Herodias – vợ vua Hê-rô-đê – muốn có được cái đầu của Ngài như là phần thưởng do cô đã trình diễn một điệu nhảy khiến cả vua Hê-rô-đê lẫn toàn bộ triều đình lấy làm mãn nhãn. Cô ta đã được đáp ứng ngay lập tức, vì trước đó, vua Hê-rô-đê đã thề nguyền trước bá quan văn võ rằng, sẽ tặng cho cô bất cứ điều gì cô muốn, dù là một nửa quốc gia. Các sách Tin Mừng không nhắc tới tên của cô gái nhảy này, nhưng sử gia Flavius Josephus cho biết, cô ta có tên là Salome (Jüd. Alt. XVIII 5,4), nhưng ông lại không cho biết, Thánh Gio-an đã bị hành quyết vào dịp cụ thể nào. Về phía mình, dù cho biết Thánh Gio-an bị trảm quyết vào dịp nào, nhưng các sách Tin Mừng đã không nhắc tới địa điểm Thánh Nhân bị trảm quyết, mà chỉ nói một cách chung chung rằng, viên thị vệ đã đi vào ngục và chặt đầu Ngài ở đó. Còn theo Josephus, cuộc hành quyết đã diễn ra tại pháo đài Machaerus nằm bên bờ Biển Chết. Đó là pháo đài biên phòng nằm tại biên giới giữa lãnh thổ của Antipas và lãnh thổ Aretas (Jüd. Alt. XVIII 5,2). Các sách Tin Mừng cho biết rằng, cuộc hành quyết Thánh Gio-an Tẩy Giả đã diễn ra nhân dịp mừng sinh nhật của vua Hê-rô-đê Antipas, vào khoảng năm 28/29 hoặc năm 31/32. Tuy nhiên, ngày sinh nhật của ông ta là ngày nào thì cho tới tận ngày nay, cũng vẫn chưa ai biết. Giáo hội cử hành Lễ Kính Nhớ „Cuộc trảm quyết của Thánh Gio-an Tẩy Giả“ vào ngày 29 tháng 08. Tuy nhiên, không rõ ngày này nên tương ứng với ngày chết có tính lịch sử của Thánh Gio-an Tẩy Giả hay tương ứng với ngày cung hiến Vương Cung Thánh Đường Thánh Gio-an Tẩy Giả theo lối kiến trúc Byzantin tại Samaria, mà trong ngôi Thánh Đường này được cho là có ngôi mộ của Thánh Nhân.

5.Việc tôn kính Thánh Gio-an Tẩy Giả:

Thánh Gio-an Tẩy Giả được coi là một trong những vị Thánh có tầm quan trọng nhất trong cả Giáo hội Công giáo lẫn Chính Thống giáo. Ngài cũng được coi là vị Ngôn Sứ cuối cùng cũng như là vị Ngôn Sứ lớn nhất của Cựu Ước. Bên cạnh đó, Ngài còn được coi là người dọn đường cho Chúa Giê-su và là mẫu gương của những người sống đời khổ hạnh. Mỗi khi Mùa Vọng đến, hình ảnh Thánh Nhân lại được làm nổi bật một cách đặc biệt bởi các bản văn Phụng Vụ.

6.Đại Lễ kính Thánh Gio-an Tẩy Giả:

Đại Lễ mừng Sinh Nhật Thánh Gio-an Tẩy Giả được cử hành vào ngày 24 tháng 06. Đây là Đại Lễ được cử hành trong hầu hết các Giáo hội Ki-tô, chứ không phải chỉ riêng Giáo hội Công giáo. Ngoài Chúa Giê-su và Đức Mẹ ra, Thánh Gio-an là vị Thánh duy nhất được Giáo hội Công giáo cử hành ngày Sinh Nhật với bậc Lễ Trọng. Sở dĩ Giáo hội mừng Lễ Sinh Nhật Thánh Gio-an vào ngày 24 tháng 06, là vì, Lễ Sinh Nhật của Chúa Giê-su được cử hành vào ngày 25 tháng 12, mà theo Tin Mừng Lu-ca, Thánh Nhân lớn tuổi hơn Chúa Giê-su đúng sáu tháng.

Ngày kính Thánh Gio-an bị trảm quyết cũng nằm trong lịch cố định của hầu hết các Giáo hội Ki-tô. Nhưng ngày Lễ này có tầm quan trọng ít hơn so với ngày Lễ Sinh Nhật của Ngài. Giáo hội Công giáo cử hành Lễ Kính Nhớ cuộc trảm quyết của Thánh Gio-an Tẩy Giả ở bậc Lễ Nhớ buộc vào ngày 29 tháng 08.

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist

Chia sẻ Bài này:

Related posts