Nếu bạn hỏi 10 người, xem vị thánh lớn nhất đối với họ là ai, thì có đến 6, 7 người sẽ nói rằng: đó là thánh Giu-se.
Nhưng nếu lại đề nghị họ hãy kể cho bạn nghe những gì thánh Giu-se đã làm, thì rất ít người có thể nói được một điều gì mới lạ, ngoại trừ việc thánh Giu-se là cha nuôi của Chúa Giê-su, hoặc một vài truyện truyền kỳ về ngài mà chúng ta không biết đúng sai đến độ nào. Ví dụ như câu truyện chàng thanh niên Giu-se được chọn làm hôn phu của cô Ma-ri-a chỉ vì cây gậy của chàng trổ hoa!
Chúng ta hãy trở về với Kinh Thánh để xem các tác giả Tin Mừng viết gì về thánh Giu-se. Trước tiên, thánh Mát-thêu giới thiệu về ngài như sau:
“Bà Ma-ri-a, mẹ của Đức Giê-su, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giu-se, là con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ”… Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.” ( Mt 1, 18 – 21 . 24 ).
Bạn thuộc đoạn văn trên đến độ tôi rất do dự khi phải chép lại. Mọi chuyện đã rõ: thánh Giu-se có do dự đấy chứ, nhưng sứ thần của Chúa đã đến sắp xếp mọi việc và đâu lại vào đấy, đúng với “chương trình mầu-nhiệm-của-Thiên-Chúa”.
Thế mọi sự có thật sự xảy ra dễ dàng như vậy không? Tôi không chắc đâu! Hình ảnh thánh Giu-se luôn luôn là một cụ già râu tóc uy nghi, một người cha nhân lành và không hề biết thế nào là những đam mê tuổi trẻ!?!
Xin các bạn nhớ lại cho: cô Ma-ri-a lúc ấy là một cô gái vào khoảng 15, 17, thế thì chàng hôn phu không thể là một ông già. Chàng Giu-se lúc ấy có lẽ là một chàng trai đầy sức sống ở lứa tuổi đôi mươi thì đúng hơn. Chàng Giu-se và nàng Ma-ri-a yêu nhau thắm thiết. Cặp tình nhân đẹp tuyệt vời, nhất là ở nét đẹp tâm hồn. Và Giu-se đã thật hạnh phúc và bình an: một người như cô Ma-ri-a thì không thể có gì bất trắc xảy ra khiến cho cuộc sống gia đình tương lai của họ có thể bị đe dọa…
Thế mà, đùng một cái, người hôn thê thánh thiện của Giu-se lại đã mang thai ! Chàng có giàu óc tưởng tượng đến đâu cũng không tài nào tưởng tượng được một tiếng sét giữa trưa hè chói chang như thế.
Sự thể hiển nhiên là như vậy. Tuy nhiên, tự thâm sâu, tình yêu của Giu-se vẫn trổi vượt. Chàng không hề quay lại bản thân mình để cảm thấy bị lừa dối xúc phạm, nhưng chỉ hướng về người yêu để tiếp tục tin rằng vị hôn thê của mình vẫn thật sự trong sạch vẹn tuyền. Chàng không hề tra hỏi cô Ma-ri-a một lời nào, chàng chỉ im lặng ôm lấy nỗi đau, và âm thầm trả Ma-ri-a về với bí mật của nàng. Bạn sẽ bảo rằng tình yêu đó đã được thưởng, bởi sau đó, sứ thần của Chúa đã đến trình bày mọi sự. Bạn có đi quá xa thực tế chăng ?
Kinh Thánh ghi rõ: “Sứ thần Chúa hiện đến báo mộng…” Bạn thử sống trong hoàn cảnh của Giu-se lúc ấy mà xem: Bạn có một người hôn thê, người hôn thê ấy có mang, rồi bạn nằm mộng thấy thiên thần đến bảo rằng hôn thê của mình chưa bao giờ liên hệ với một thanh niên nào, và bào thai trong lòng cô là do phép lạ của Thiên Chúa. Khi thức giấc, bạn có tin không? Tôi thì dứt khoát không! Thế mà Giu-se đã làm gì nào? “Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.” Đơn giản chỉ có thế. Đơn giản đến độ vô lý!
Vâng, thế đấy, sự vâng phục thánh ý Thiên Chúa của Giu-se thật chóng vánh, quyết liệt và dứt khoát đến độ vô lý. Giu-se chỉ cần một dấu hiệu cỏn con là đã đọc được thánh ý Thiên Chúa và thực thi ngay lập tức. Và đó là lý do mà ông được gọi là “Người-Công Chính”.
Còn bạn và tôi thì sao? Chúng ta có tự coi mình là công chính chăng? Chúng ta có sẵn sàng đón nhận thánh ý Thiên Chúa qua một dấu hiệu thật nhỏ bé và rồi tuân theo mà không bàn cãi chăng? Hay chúng ta chờ đợi những phép lạ nhãn tiền, và sau đó là lý luận, mặc cả trước khi hành động? “Người-Công-Chính” Giu-se hình như là một người suốt cả cuộc đời luôn luôn thức tỉnh trước thánh ý Thiên Chúa, thức tỉnh ngay cà trong giấc ngủ. Bằng chứng? Đó là: cứ mỗi lần Thiên Chúa tỏ ý là mỗi lần ông lại nằm mộng. Ngoài lần nằm mộng ở Na-da-rét thì ít nhất còn ba lần khác:
Ở Bê-lem: “Sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy !” Ông Giu-se liền chỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Aicập.” ( Mt 2, 13 – 14 ).
Ở Ai-cập: “Sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giu-se bên Ai-cập, báo mộng cho ông rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en, vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi. ”Ông liền chỗi dậy đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en.” ( Mt 2, 19 – 21 ).
Ở Giu-đê: “Vì nghe biết Ác-khê-lao đã kế vị vua cha là Hê-rôđê, cai trị miền Giu-đê, nên ông Giu-se sợ, không dám về đó. Rồi sau khi được báo mộng, ông lui về miền Ga-li-lê, và đến ở tại một thành kia gọi là Na-da-rét.” ( Mt 2, 22 – 23 ).
Sở dĩ Giu-se xác tín rằng các giấc mộng của mình đúng là thánh ý Thiên Chúa, vì cứ mỗi lần ông nằm mộng là mỗi lần phải quyết định ngược hẳn với ý định riêng của mình. Khi ông dự định âm thầm rời bỏ cô Ma-ri-a thì Thiên Chúa lại bảo ông ở lại với người hôn thê của mình. Ngược lại, khi 3 nhà chiêm tinh đến xác nhận vương quyền của Hài Nhi, và hẳn là người cha nuôi nghĩ rằng mình sẽ được thoải mái ở lại Bê-lem cho đến khi con mạnh và mẹ khỏe, thì chính lúc đó, Thiên Chúa bảo ông chỗi dậy đi ngay giữa đêm khuya, không hành trang, không tiền bạc, cũng chẳng phải là về quê hương mình mà là sang Ai-cập để sống kiếp lưu đày.
Giu-se đã nghĩ gì khi trước mặt là đường dài vạn dặm mà vợ yếu con sơ? Giu-se đã nghĩ gì khi ở xứ lạ quê người, tương lai cũng tối đen như trời khuya hôm ấy? Kinh Thánh nói rất gọn: “Ông Giu-se liền chỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập.” Cũng lại thật đơn giản. Đơn giản đến độ vô lý!
Khi đã tạm yên thân ở Ai-cập sau những ngày đầu khó khăn, Giuse hẳn đã sắp xếp ổn định cuộc sống gia đình, thì một lần nữa, Thiên Chúa lại bảo ông phải bỏ tất cả mà ra đi. Ông đã nghĩ thế nào khi nhìn lại những gì đã vun quén xây dựng được từ hai bàn tay trắng? Ông đã nghĩ gì khi nhìn lại cái nơi chốn quê hương đã muốn hại con mình, mà bây giờ ông lại phải trở về, rồi không biết sẽ ở đâu?
Nhưng Giu-se vẫn là Giu-se. ”Ông liền chỗi dậy đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en.” Cũng lại đơn giản đến độ vô lý!
Tất cả những truân chuyên mà Giu-se gánh chịu, rốt cuộc để làm gì? Phải chăng vì lợi ích cho bản thân mình? Tuyệt nhiên là không! Tất cả là để bảo vệ Hài Nhi, một Hài Nhi mà có một lần trong mộng, ai đó đã bảo rằng đó sẽ là Đấng Cứu Tinh cho dân tộc. Giu-se không bao giờ đặt lại vấn đề. Không bao giờ ông lại cho rằng Hài Nhi đã gây cho ông quá nhiều rắc rối. Trong mọi tính toán dự liệu hằng ngày, ông chỉ một mực canh giữ Hài Nhi, Người Con do Chúa Thánh Thần.
Bạn và tôi, chúng ta có sẵn sàng trả giá để Chúa Giê-su luôn cư ngụ mãi trong tâm hồn mình không? Hay nhiều khi quá mệt mỏi, chúng ta chỉ muốn yên thân để lo toan chuyện của mình và bỏ mặc Chúa Giêsu ra sao thì ra?
Giu-se đã trả mọi giá để giữ gìn Chúa Giê-su. Nhưng, cũng đôi khi sức người cũng có hạn. Trong chuyến đi Giê-ru-sa-lem, khi trẻ Giê-su mới 12 tuổi, ông đã để Giê-su vuột khỏi tầm tay. 3 ngày ròng ông kiếm tìm, 3 ngày ròng cả hai ông bà đã phải “cực lòng tìm con”. Thế rồi, ngay khi vừa tìm thấy thì ông được gì ? Như thể một gáo nước lạnh tạt vào mặt: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” ( Lc 2, 48 – 49 ).
Cậu bé Giê-su ấy, khi ra đời chỉ là một Hài Nhi nằm gọn trong máng cỏ, 12 năm trời chịu kham chịu khổ để cho cậu khôn lớn như thế này. 12 năm trời tình thương để thêm thịt thêm da, cho thành một thiếu niên nặng cân như thế. Mà tình thương thì có nặng gì cho cam, phải tốn bao nhiêu tình thương để tạo thành một con người như thế ? Vậy mà một tiếng kêu “cha ơi” âu yếm Giu-se cũng không được nghe. Ông không hiểu gì cả, nhưng ông vẫn lặng thinh đón nhận.
Và đấy cũng là chiều kích bất ngờ của thánh Giu-se. Trong suốt 4 cuốn sách Tin Mừng, không có một câu nói nào của thánh Giu-se. Đức Ma-ri-a được coi là mẫu mực của sự thinh lặng nguyện cầu, Mẹ luôn luôn ghi nhớ và suy niệm trong lòng. Thế nhưng cũng còn có đến 6 lần Mẹ đã lên tiếng: 2 lần ngày được sứ thần truyền tin, 1 lần trước bà Ê-li-sa-bét, 1 lần khi tìm lại được trẻ Giê-su, 2 lần trong tiệc cưới ở Ca-na.
Còn thánh Giu-se thì tuyệt đối không nói một lời nào! Ngay cả trong lần lại được con ở Đền Thờ Giê-ru-sa-lem thì chính người mẹ đã lên tiếng chứ không phải là ông: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con !” ( Lc 2, 48 ).
Trong xã hội Do Thái lúc bấy giờ, người phụ nữ là hạng người không đáng kể. Tin Mừng theo thánh Mát-thêu ghi lại 2 lần Chúa Giê-su làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, lần đầu để nuôi 5000 người không kể đàn bà và trẻ con ( x. Mt 14, 21 ); lần thứ hai cho 4000 người cũng người không kể đàn bà và trẻ con ( x. Mt 15, 38 ). Vậy mà thánh Giu-se dẫu biết mình là chủ gia đình, nhưng ông vẫn không nói gì cả, người lên tiếng vẫn là Đức Ma-ri-a.
Thánh Giu-se sống một cuộc sống càng ngày càng mờ đi để cho Chúa Giê-su càng ngày càng sáng lên. Ông sống mờ nhạt đến độ những người trong thị trấn Na-da-rét không buồn nhớ tới tên ông, mà chỉ gọi là “ông-thợ-mộc”.
Theo thánh Mát-thêu và thánh Mác-cô, ngày Chúa Giê-su trên đường rao giảng, trở về Na-da-rét, người đồng hương đã bàn tán: “Ông ta không phải là con bác thợ mộc đó sao? Mẹ của ông ta không phải là bà Ma-ri-a đó sao?” ( Mt 13, 55; Mc 6,3 ). Sau này, khi viết lại sách Tin Mừng, thánh Lu-ca hẳn đã thấy cái chua chát đó nên đã ghi cách khác: “Ông này không phải là con ông Giu-se đó sao?” ( Lc 4, 22 ).
Dù sao đi nữa, sự âm thầm của thánh Giu-se quả là một đặc trưng của ngài. Âm thầm đến độ mà khi Chúa Giê-su bắt đầu lên tiếng trong cuộc đời công khai, thì thánh Giu-se không còn được nhắc đến mẩy may nào, thậm chí, ngài chết bao giờ, thế nào, ở đâu thì cũng chẳng ai biết. Trong cuộc đời công khai của Chúa Giê-su thì thánh Giu-se có vẻ như bị xem nhẹ hơn cả bà nhạc của ông Phê-rô hay đứa con gái của ông Giai-rô.
Thế nhưng, chính điều đó đã biến thánh Giu-se thành một vị thánh lớn, bởi vì ngài đã đem cuộc đời mình biến thành một Lời Chúa sống động.
Thánh Gio-an Tẩy Giả đã khiêm tốn rao giảng rằng: “Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi” (Ga 3, 30). Thánh Giu-se đã sống điều đó mà không nói một lời nào.
Tiếng “xin vâng” của Mẹ Ma-ri-a ở Na-da-rét và tiếng “xin vâng” của Chúa Giê-su ở vườn Giệt-si-ma-ni đã được hòa âm trong trọn vẹn cả cuộc đời thánh Giu-se.
Và thánh Giu-se sẽ mãi mãi là tấm gương cho bạn và tôi.
Tấm gương của một con người luôn thao thức lắng nghe tiếng Thiên Chúa, và khi nghe được rồi thì đáp lại không chần chừ, dù cho phải trả giá.
Tấm gương của một con người luôn luôn làm đủ mọi cách gìn giữ Chúa Giê-su bên mình. Và nếu chẳng may lạc nhau thì đi tìm không ngưng nghỉ cho đến khi gặp lại mới thôi.
Tấm gương của một con người “công chính” chỉ làm có một điều duy nhất là trình bày Chúa Giê-su cho mọi người, rồi âm thầm xóa mình đi khi Chúa Giê-su bắt đầu lên tiếng.
TRẦN DUY NHIÊN
Nối Lửa Cho Đời – Tuyển tập 4