Ở tại Gotignac, miền nam nước Pháp, có những ngôi thánh đường cổ xưa và kỳ lạ dâng kính Đức Mẹ và Thánh Giuse, lôi kéo rất nhiều du khách hành hương. Ba giai đoạn hành hương tiếp diễn.
Giai đoạn đầu xảy ra ngày 10.08.1519. Hôm ấy, trời rất oi bức trong đám rừng thông núi Verdaille ở Cotignac gần Frejus. Ông Jean de la Baume, sợ hỏa hoạn, đã quyết định đốn hạ cây làm củi. Là một Kitô hữu đạo đức, trước khi bắt tay vào việc, ông quì gối nguyện kinh.
Nhưng khi đứng lên, ông thấy một ánh sáng lạ xuất hiện bên cạnh, một ánh sáng chói chang đến độ át hẳn ánh sáng mặt trời hôm ấy. Trong bầu ánh sáng ông nhận ra nhiều đấng vị vọng. Phản ứng đầu tiên của ông là bỏ chạy vì không biết điều gì sẽ xảy ra. Thì ông nhìn thấy Đức Mẹ ẵm Chúa Hài Đồng trên tay. Đức Mẹ nói: “Ta là Trinh Nữ Maria, hãy đi nói với các giáo sĩ và các vị chấp chánh ở Cotignac phải xây cất ở đây một nhà thờ mang lên là Nhà thờ Đức Mẹ Ban Ơn. Hãy đến tổ chức rước kiệu để hưởng nhờ các ơn huệ mà Ta sẽ ban…”
Ông Jean de la Baume sửng sốt… xây một nhà thời… trong cánh rừng thông! Bên cạnh Đức Mẹ lại còn có Thánh Micae, Thánh Nữ Catarina Alexandria… Rồi tất cả như tan biến trong ánh sáng huy hoàng của mặt trời. Ông Jean không nói với một ai về câu chuyện bất ngờ ấy khi chiều tối ông trở về.
Hôm sau, ông lại trở lại lên khu rừng thông đốn củi và cảnh tượng lạ lại xảy ra… Ông trở về làng, kể lại câu chuyện. Dân làng quyết định làm theo lệnh trời ban. Ngôi nhà thờ mọc lên, cuộc hành hương khởi đầu và lớn dần. Ngày 6 .5.1628, Đức Giáo Hoàng Urbanô VIII giảng thuyết: “Tại Cotignac trong giáo phận Frejus, có ngôi thánh đường nổi tiếng dâng kính Đức Trinh Nữ Maria, gọi là Đức Mẹ ban ơn, vì những phép lạ cả thể mà Thiên Chúa đã làm ở đó, các giáo dân, vì lòng biết ơn và sùng kính, đã chạy đến từ khắp thế giới.”
Giai đoạn hai liên hệ đến lịch sử nước Pháp nhất là Vua Louis XIII và lời khấn dâng Pháp quốc cho Đức Mẹ.
Hồi ấy có một thầy Dòng tên là Fiacre de Sainte Marguerite. Ngoài đời thầy mang tên là Denis Antheaume. Thầy rất sốt sắng, sau buổi kinh đêm, còn thức khuya cầu nguyện. Thầy lâm bệnh nặng và được đưa vào bệnh xá của Dòng. Thầy chỉ sợ một điều là thêm gánh nặng cho nhà Dòng. Thầy y tá trả lời : “Đừng lo. Bà Hoàng Hậu chúng ta Anna Áo-Quốc (Annne d’Autriche) hay đến đây và giúp chúng ta nhiều để nhờ chúng ta cầu nguyện hãm mình xin cho Bà được một đứa con sẽ nối ngôi báu nước Pháp.” Thầy Fiacre biết nước Pháp đang cần có hoàng tử nối ngôi. Thầy liền cầu nguyện và ngày 28.10.1637, Đức Mẹ hiện ra với Thầy và cho biết hoàng hậu Anna Áo-Quốc sẽ sinh hạ một hoàng tử, nhưng trước đó, Bà phải làm ba tuần cửu nhật, một kính Đức Mẹ Cotignac, một kính Đức Bà Paris và một kính Đức Bà thắng trận. Vì sao lại ba? Rất dễ hiểu: Đức Bà Mẹ Cotignac vì Mẹ hứa ban nhiều ơn, Đức Bà Paris vì là Giáo Hội mẹ, thủ đô nước Pháp và Đức Mẹ thắng trận vì Đức Bà được tôn vinh do nhiều ơn lành ban cho quốc gia. Vua Louis XIII phu quân được một hoàng tử và thầy Fiacre thuộc tu viện các tu sĩ Augustinô ở Paria được đề cử, thay mặt nhà Vua và Bà Hoàng Hậu đi đến Đền Thờ Cotignac, để cám ơn Đức Mẹ. Để tỏ lòng biết ơn hơn nữa, Vua Louis XIII đã hiến dâng quốc gia cho Đức Mẹ; đó là đều mà lịch sử gọi là “lời khấn hứa của Vua Louis XIII.”
Vua Louis XIV, “Ông vua mặt trời” đã đi hành hương Gotignac ngày 21.2.1660.
Giai đoạn ba của lịch sử vùng Gotignac thật ly kỳ. Ngày 7.6.1660, trên sườn đồi Bessillon, cách Nhà thờ Đức Mẹ Ban Ơn ba cây số về hướng tây, một người chăn chiên tên là Gaspard Ricard đang chăn giữ đoàn vật và ngồi nghĩ dưới một gốc cây. Trời nắng chang chang. Anh lại khát nước, khát đến khô cổ, chị mong được một gụm nước. Bỗng dưng, có một người xuất hiện đột ngột trước mặt anh, ông lấy tay chỉ vào một tảng đá lớn trên thảm cỏ và nói: “Ta là Giuse. Hãy cất tảng đá này đi và có nước uống.” Anh Gaspard là con người thực tế, anh lượng định sức mình không làm sao xê dịch được tảng đá quá lớn và quá nặng. Nhưng người tự xưng là Giuse lại truyền: “Cất hòn đá đi và anh sẽ được uống.” Người chăn chiên vâng lời. Anh nâng tảng đá lên một cách dễ dàng như nâng một chiếc lông hồng và đặt một bên. Một giòng suối trong veo, mát mẻ lộ hiện. Anh cúi xuống sát đất và uống một mạch cho đỡ khát. Uống xong, anh nguớc mặt lên để cám ơn người lạ dễ thương. Nhưng không thấy đâu cả… Ông đã biến đâu mất, nhìn trước ngó sau, anh không thấy ai.
Anh vội chạy về làng kể lại việc lạ xảy ra. Nhưng người ta không tin. Anh năn nỉ mời họ ra xem. Giòng nước chảy từ ba giờ và còn chảy mạnh. Mọi người đều kinh ngạc. Tảng đá còn nằm lồ lộ đó, tám người thử nâng lên không nổi, như đã được chốt xuống lòng đất. Một tia sáng xuyên qua tâm hồn, Gaspard người chăn chiên chất phác đã hiểu. Giuse kỳ diệu ấy không ai khác là chính Thánh Cả Giuse. Ngài đã ban cho anh một sức mạnh phi thường để di chuyển tảng đá. Dân làng bắt đầu cầu nguyện và từ năm 1660, dân chúng đổ về cầu xin Thánh Cả Giuse và uống nước. Giòng suối tuôn chảy chữa bệnh tật phần xác và phần hồn.
Nhà cầm quyền Gotignac, được dân chúng ủng hộ, đã xây cất ở đó một thánh đường trùm lên suối nước, được giám mục Frejus long trọng làm phép ngày 9 tháng 8 năm 1660. Một tu viện cũng được thiết lập bên cạnh. Tại Gotignac, Thánh Giuse dạy chúng ta hãy cất “hòn đá” đi, để chon “ngọn suối ơn Thánh” tuôn chảy “Ai khát thì hãy đến với Ta và hãy uống, kẻ tin vào Ta, như Kinh Thánh đã nói: “Tự lòng họ, nước hằng sống sẽ chảy ra như giòng sông” (Gio 7, 37-38).
THÁNH GIUSE VÀ NGUYỆN ĐƯỜNG MONT-ROYAL
Trung tâm quốc tế sùng kính Thánh Cả Giuse là ở Montréal, Gia-na-đại trong “Nguyện đường Mont-Royal.” Nguyện đường ấy là một vương cung thánh đường vĩ đại, hàng năm thu hút khoảng 2 triệu khách hành hương. Đó là công cuộc của thầy Dòng hèn mọn, thầy André mà Đức Gioan Phaolô II đã tôn phong chân phước ngày 23.5.1982. Thầy André chính là một thách đố đối với sự khôn ngoan trần thế. Ngài không có sức khoẻ thì lại sống đến 91 tuổi. Ngài ít học, chỉ biết ký tên thì phải dùng đến bốn thư ký để trả lời 80 ngàn bức thư mỗi năm. Ngài không được ai biết thì mỗi ngày phải tiếp trung bình từ hai đến ba trăm người khách. Ngài là một tu sĩ rất nghèo lại xây dựng được một ngôi thánh đường lớn nhất thế giới dâng kính Thánh Giuse.
Alfred Bissette sinh hạ tại Québec ngày 9 tháng tám 1845, thứ tám trong một gia đình 12 anh em. Mồ côi cha mẹ sớm, Alfred phải trải qua nhiều đói khổ và bệnh tật, làm bánh mì, làm thợ giày, thợ rèn, lại mắc phải bệnh yếu bao tử không làm được việt nặng mà Alfred mang phải suốt đời. Điều làm cho anh vượt thắng là sự trông cậy vào Chúa quan phòng và Thánh Cả Giuse.
Lúc lên 25 tuổi, Alfred được nhận vào tập viện Dòng Thánh Giá, trước đây gọi là Dòng sư huynh Thánh Giuse và mang tên là André. Suốt ba mươi năm, Thầy André làm thầy gác cửa của Trường Trung học Đức Bà ở Montréal. Mặc dầu bị bệnh bao tử hành, Thầy vẫn tỏ ra vui vẻ và tiếp đón mọi người, nghe họ tâm sự, từ học sinh đến phụ huynh cha mẹ. André lắng nghe, an ủi, cầu nguyện và khuyến khích cầu nguyện.
Người có biệt tài nói đến Thánh Cả Giuse và xin mọi người cầu nguyện với Thánh Nhân trong mọi thử thách phần hồn phần xác. Người dùng ảnh vảy Thánh Giuse chà sát lên vết thương hay thoa dầu đã được đốt trước tượng Thánh Cả. Vết thương lành và tâm hồn “trở lại.” Bệnh nhân ùn ùn kéo đến làm xáo trộn thật tự của trường… Cần phải chấm dứt. Bề trên xin Thầy phải rút lui không được tiếp ai cả. Thầy tuân lệnh, nhưng vẫn ôm mộng làm được gì lớn lao hơn cho Thánh Cả và các bạn bệnh nhân.
Trước mặt Trường Trung học là quả đồi gọi là Đồi Mont-Royal, Thầy André ước mơ xây ở đó một nguyệt đường kính Thánh Giuse. Người lên đồi, cầu nguyện suốt nhiều đêm và đem ảnh vảy Thánh Giuse rải khắp nơi. Thánh Cả bắt đầu làm việtc, một lô đất được mãi tậu, một tượng Thánh Giuse được dựng lên và một nguyện đường đươc khởi công… Nhưng không bao lâu trở nên quá bé nhỏ trước hàng trăm hàng ngàn người đến kính viếng và cầu xin ơn Thánh Cả.
Theo thầy André, không có gì là quá lớn đối với Thánh Giuse. Một đại thánh đường được khởi công. Thầy André có một phòng nhỏ sát cạnh vương cung thánh đường mà người chỉ muốn gọi là “Nhà nguyện Thánh Gisue.” Người cầu nguyện và giúp người ta cầu nguyện. Mỗi ngày người giúp lễ, viếng Thánh Thể, tổ chức lần hạt mân côi, đi đàng Thánh Giá. Buổi chiều, người xuống phố đi thăm bệnh nhân không thể lên Thánh đường và kết thúc bằng việc Chầu Thánh Thể.
Thầy André qua đời ngày 6 tháng giêng năm 1937, hưởng thọ 91 tuổi. Mặc dầu trời băng tuyết, hơn một triệu người đã đi qua trước linh cữu.
Vương cung Thánh Đường vẫn mang tên là “Nguyện đường” để ghi nhớ sự khiêm tốn của buổi đầu. Nhưng có đủ mọi dịch vụ của một trong tâm hành hương lớn, địch vụ tiếp đón, dịch vụ thiêng liêng. Nhất là ở đây còn có một trung tâm đại kết và “Giuse học,” các nhà thần học hội họp và nghiên cứu về tu đức theo đường hướng cuộc sống của Thánh Cả Giuse.
Ngày 11 tháng 9 năm 1982, trong cuộc công du thăm Canada, Đức Gioan Phaolô II đã đến kính viếng “Nguyện đường Thánh Giuse,” và ngôi mộ Chơn phước André nằm sau bàn thờ chính.
Câu chuyện “Nguyện đường Thánh Giuse” như một câu chuyện thần tiên, khai sinh và triển nở cách lạ lùng. “Không gì là bé nhỏ đối với Thánh Cả Giuse” (Chơn Phước André).
THÁNH GIUSE Ở KAPELLEN (BỈ)
Thánh Cả Giuse là vị Thánh vượt biên giới. Nơi nào cũng được ơn phù trợ của Người và nhiều khi một cách hi-hữu và bất ngờ. Năm 1956, tại Anvers, một hải cảng lớn của Bỉ quốc, nhưng cũng là nơi có rất nhiều tệ đoan xã hội, nhất là trong giới nghèo thợ thuyền. Tại đây, trong một tu viện, có một chị nữ tu không làm gì khác ngoài việc đi thăm viếng người nghèo và cầu nguyện. Chị tiếp xúc với những người cùng đinh xã hội, những người nghèo xác xơ thường hay đến gõ cửa nhà Dòng. Chị đã làm gì ? Hay chị có thể làm gì ? Khi đã là một nữ tu, thì phương tiện hoạt động rất hạn hẹp. Chị chỉ biết cầu nguyện và khuyến khích cầu nguyện với Thánh Cả Giuse và kết quả thật kỳ diệu.
Như Chơn phước André ở Canada, chị biết rằng Thánh Giuse rất quyền thế bên Chúa Giêsu và Đức Mẹ, nên phải đặt tất cả niềm hy vọng và tin tưởng ở nơi Ngài. Đoàn lũ người nghèo ùn ùn kéo đến tu viện bất chấp giờ giấc làm xáo trộn cuộc sống nội vi. Vì thế, chị được lệnh không tiếp ai, không ra nhà khách và lệnh cấm ấy lại phát xuất cả từ Tòa Hồng Y, Đức Van Roey – “Chị phải sống ẩn dật không đi ra ngoài… Chỉ được đi dạo một vòng ngoài công viên lúc sáng sớm.”
Nhưng ngoài công viên lại có một pho tượng Thánh Giuse và chị hay đến tỏ bày tâm sự. Và một ngày kia, chị nghe từ pho tượng phát ra tiếng kêu đích danh chị và lời dạy sau đây: “Justa – Con người đều có thể đến, Ta sẽ cầu xin cho những ai đến kêu cầu Ta và trời sẽ xuống gần đất và đất sẽ lên gần trời.”
Chị Justa hứa sẽ đặt pho tượng ngày mồng một tháng năm. Chị hứa nhưng không biết làm sao thực hiện. Thánh Giuse, chị nói, phải nghĩ đến chuyện đó. Chị đem câu chuyện chia sẻ với một chị bạn, chị này phát sợ, đã có nhiều khó khăn rắc rối rồi: Cả nhà Dòng phản đối và cả Tòa Tổng Giám Mục nữa! “Chị ơi ! chị nghĩ gì đâu đâu !”
Những chị chỉ nghĩ làm theo ý Thánh Cả Giuse! Và Thánh Cả chỉ dẫn cho chị biết dần những việc phải làm. Trước hết, chị nằm mơ thấy mình đang ở trong một xưởng thợ, có nhiều người đang làm việc. Bỗng chị thấy trong một xó góc, có một pho tượng đầy bụi bặm dơ bẩn, đến độ chị không nhìn ra được là tượng gì. Chị liền bắt đầu phủi bụi, lấy một chiếc khăn lau sặch. Thì ra là pho tượng Thánh Cả Giuse. Chị rất kinh ngạc nhưng vẫn lau chùi, trong khi các người thợ khác tỏ ra khó chịu vì làm bụi lan tỏa. Khi ấy, chị nhìn thấy một vị linh mục không quen biết bước vào. Thì ra là Thánh Gioan Bosco, một vị Thánh rất sùng kính Thánh Giuse.
Chị Justa chợt tỉnh và tự hỏi mình phải làm sao. Chị liền đi ra công viên đến trước pho tượng Thánh Cả và cầu nguyện. Chị nói: “Nếu Thánh Cả muốn con đưa Ngài đến đó thì xin làm một dấu gì. Xin cho cha xứ đến gặp con hoạc bà ở của ngài cũng được… như một dấu chỉ rằng chính Thánh Cả muốn như vậy và họ đến xin gặp con ở nhà khách vì con không được phép gặp ai.”
Khu phố Kapellen là một khu phố “đỏ,” nổi tiếng về việc chống đối giáo sĩ mà họ gọi là “những con quạ đen.” Không một linh mục nào đặt chân đến khu chống đối ấy, thì Thánh Cả Giuse lại chọn khu phố “đỏ.”
Hai ngày sau, Mẹ Bề Trên tu viện ban phép cho chị Justa được tiếp ở phòng khách bà quản gia của cha sở. Đây là dấu hiệu đầu tiên! Bà biết chị Justa cầu nguyện rất sốt sắng và đến xin chị khấn cho bà em ruột mắc bệnh ung thư. Chị Justa trả lời: “Nếu bà làm hết sức để thuyết phục cha chính xứ đặt một pho tượng nhỏ Thánh Giuse tại khu phố mới Kapellen vào ngày mồng một tháng năm đến, chắc chắn bà sẽ được Thánh Giuse nhậm lời.” Chị xin bà quản gia thuyết phục cha sở cho bằng được vì việc đặt tượng không phải là dễ.
Cha sở từ chối ngay. Thật là điên khùng. Ai lại đặt tượng Thánh Giuse vào giữa một khu phố chống giáo sĩ, vào ngày Lễ Lao động !
Thánh Giuse lại phải can thiệp. Cha sở đã xiêu lòng phần nào khi thấy bà em cô quản gia của mình được lành bệnh hoàn toàn tức khắc và lâu bền, nhưng vẫn khăng khăng từ chối. Thánh Giuse lại gởi đến cho cha một cơn bệnh rất khó chịu. Nhưng cha vận dụng lý trí để phân tích. Khu phố Kapellen, thiết lập từ năm 1920, rất chống báng.
Ở đó, có một bầu không khí rất thù ghét Giáo Hội, con cái gia đình nào được gởi đến trường đạo, cha mẹ bị tẩy chay xỉ vả. Ai lại đem pho tượng Thánh Giuse đặt vào đó… giữa một khu cấm địa! “đỏ” lòm!
Cha sở được lành bệnh nhưng chỉ đặt pho tượng tại tư gia của mình. Thánh Giuse lại phải can thiệp bằng cách gửi đến cha sở ương ngạnh bệnh sưng đầu gối, cần phải mổ. Cha không hiểu làm sao cả! Cha liền dâng lại lời hứa sẽ đặt pho tượng Thánh Cả Giuse tại khu phố mới oái ăm ấy. Khi bệnh sưng chân được khỏi, cha lại cho rằng muốn đặt một pho tượng ngoài trời thì phải có một pho tượng khá lớn… mà pho tượng ấy cha lại không có! Thánh Giuse lại phải can thiệp. Một bà lạ, từ đâu đến đặt trong nhà và bà thêm: “Đây pho tượng Thánh Giuse, cha có biết một nơi nào muốn đặt pho tượng này không?” Lạ thật cha sở vận dụng tất cả can đảm đến gặp Hội đồng Thị xã để xin phép dựng pho tượng. Ông thị trưởng ký giấy cho phép ngay. Ai cũng ngạc nhiên.
Ngày áp Lễ Lao động, một người thợ mộc dựng chiếc đế cao để đặt pho tượng trước hiên một ngôi nhà. Hàng xóm không bằng lòng, nhưng giấy phép chính thức đã có, công việc vẫn tiến hành. Các phong trào bài giáo sĩ Kapellen dự định đem “hội kèn tây” đến để lấn át tiếng nói của cha sở khi ngài đọc diễn văn khánh thành. Thánh Giuse lại can thiệp cho người đi giải độc, họ giải thích cho đám thợ thuyền biết Giuse là ai. Giuse là một người lao công như họ và quan thầy giới lao động. Vì thế không nên chống phá. Ngày Lễ Lao động và cũng là ngày khánh thành làm phép pho tượng đến. Khu phố mới Kapellen đầy cờ đỏ phất phới, nhiều hội kèn tây cử những bài mừng… ông Thánh Quan Thầy trong buổi làm phép pho tượng, thật long trọng.
Pho tượng Thánh Cả được đặt giữa hai ngôi nhà và người ta bất đầu đến kính viếng. Nhóm người chống đối dần hồi cũng đổi thái độ. Một bà già 80 ở gần đó, cảm thấy mình sắp được Chúa gọi về, đề nghị bán ngôi nhà đang ở để các linh mục biến thánh Ngôi Nhà Nguyện kính Thánh Giuse.
Giáo dân lũ lượt kéo đến kính viếng, nhất là vào ngày thứ Tư, cha sở chủ sự việc cầu kinh trước pho tượng Thánh Cả. Ngày 3.5.1957, Tòa Tổng Giám Mục gởi người đến thanh tra và cấm cha sở không được dự vào việc sùng kính có vẻ quá ồn ào ở đó. Cha sở bị cấm, nhưng giáo dân không bị cấm, vẫn tiếp tục kéo đến, xung quanh pho tượng chất đầy những bảng đá tạ ơn.
Năm 1962, Đức Giám Mục mới Tổng Giáo Phận Anvers ban phép xây cất nhà nguyện mới như dự định và năm 1964, Thánh lễ đầu tiên được cử hành. Một lần nữa, Thánh Giuse đã thắng.
Linh mục Hồng Phúc
Trích trong sách “Thánh Cả Giuse”