THÁNH GIUSE VÀ VAI TRÒ “NGƯỜI CHA CỦA CHÚA GIÊSU” TRONG LỊCH SỬ CỨU ĐỘ

Tom Hoopes – xuất bản ngày 20/01/21

Năm Thánh Giuse này là thời điểm tuyệt vời để chúng ta hiểu sâu hơn về vai trò của Thánh Giuse trong lịch sử cứu độ.

Trong năm Thánh Giuse này, người Công giáo đang khám phá lại vai trò cốt yếu của Thánh Giuse trong lịch sử cứu độ.

Chúng ta đã quen với việc nói về tầm quan trọng của Mẹ Chúa Giêsu. Chúng ta giải thích điều đó vào mỗi Chủ nhật trong Kinh Tin Kính: “Bởi phép Ðức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria, và đã làm người.”

Nhưng chúng ta có xu hướng nghĩ về Thánh Giuse như thể ngài chỉ là một người chăm sóc, và không liên quan mật thiết đến sự cứu rỗi của chúng ta. ĐTC Phanxicô cố gắng sửa chữa điều đó trong tông thư về Thánh Giuse, nói rằng: “Sự vĩ đại của Thánh Giuse ở chỗ ngài là bạn trăm năm của Đức Maria và là cha của Chúa Giêsu.” (Tông Thư Patris Corde, số 1, Một người cha yêu thương, của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân kỷ niệm 150 năm tôn vinh Thánh Giuse là bổn mạng Hội Thánh).

Thực tế, vai trò làm cha của Thánh Giuse đối với Chúa Giêsu rất quan trọng.

 

  1. Vai trò của Đức Maria trong lịch sử cứu độ là vượt trội hơn tất cả, nhưng vai trò làm cha của Thánh Giuse lại hoàn thành những lời hứa của Thiên Chúa theo một cách mà thiên chức làm mẹ của Đức Maria không làm được.

Hãy lưu ý thứ tự của các chi tiết mà Tin Mừng đưa ra khi kể câu chuyện Truyền tin:

Thánh Luca viết: “Thiên Chúa sai sứ thần Gáprien đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua Đavít. Trinh nữ ấy tên là Maria. Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng bà”. (1: 26-28).

Trước tiên, chúng ta hãy nghe nói Giuse là ai đã, và chỉ sau đó chúng ta mới nghe đến tên của Mẹ Maria và biết rằng Mẹ là “Đấng đầy ân sủng.”

Đó là bởi vì, để ứng nghiệm những lời tiên tri về Đấng Mêsia – Quân Vương đến từ dòng dõi Đavít, Chúa Giêsu phải sinh ra trong nhà Đavít. Điều đó có nghĩa là Ngài phải là con trai của Giuse cũng giống như Ngài phải là con trai của Đức Trinh Nữ Maria. Và Ngài, chắc chắn giống như Augustus Caesar, đang trị vì vào thời điểm đó, là con trai thực sự của Julius Caesar, người đã nhận nuôi Augustus.

 

  1. Thánh Giuse là một trong những người đầu tiên biết rằng Chúa Giêsu cần phải thực sự là Thiên Chúa thì mới có thể cứu độ chúng ta.

Ngày nay, các học giả được báo chí trích dẫn nhiều nhất có xu hướng nhấn mạnh quá mức về nhân tính của Chúa Giêsu. Họ làm cho Ngài trở nên hoàn toàn là sản phẩm của thời đại và không gian của Ngài: Ngài làm những việc Ngài đã làm và rao giảng về ngày tận thế bởi vì Ngài là một người Do Thái ở Palestine, nơi những điều đó được nhấn mạnh.

Nhưng nếu Chúa Giêsu chỉ đơn giản là một con người, thì lễ Giáng sinh mất toàn bộ trọng tâm của nó – Thiên Chúa đến để cho chúng ta dự phần vào bản tính Thiên Chúa.

Trớ trêu thay, lời tuyên bố rõ ràng nhất rằng Chúa Giêsu sẽ đến với tư cách là Thiên Chúa không có trong trình thuật của Tin Mừng Luca về những lời sứ thần Gabriel nói với Mẹ Maria, mà trong trình thuật của Tin Mừng Mátthêu về những lời sứ thần Gabriel nói với Thánh Giuse: “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.” (Mt 1: 20).

Thánh Giuse nghe thấy trước toàn bộ kế hoạch cứu độ: Chúa Giêsu “sẽ cứu dân Ngài khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1: 21) và Ngài sẽ là “Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1: 23). 

Chúa Giêsu sẽ lại mặc khải căn tính thần linh của mình cho Thánh Giuse và Mẹ Maria khi các vị lạc mất Ngài rồi lại tìm thấy Ngài trong Đền thờ và nói: “Tại sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết rằng con phải ở trong nhà của Cha con sao?” (Lc 2: 49).

 

  1. Nhưng để cứu độ chúng ta, Chúa Giêsu cũng phải là một con người thực sự, học sự vâng lời từ cha Ngài, là Thánh Giuse.

Thay vì nhấn mạnh đến nhân tính của Chúa Giêsu, người ta cũng dễ mắc phải sai lầm ngược lại về Chúa Giêsu và quá nhấn mạnh thần tính của Ngài. Chúng ta có nguy cơ coi Ngài không là một “con người” chút nào, mà là một ngôi vị thần linh giả làm một con người.

Như Công đồng Vatican II đã nêu trong Gaudium et Spes: “Con Thiên Chúa đã làm việc với đôi tay con người, suy nghĩ bằng trí óc con người, hành động theo một ý chí con người, yêu mến bằng quả tim con người. Sinh làm con Đức Trinh nữ Maria, Ngài đã thật sự trở nên một người giữa chúng ta, giống chúng ta về mọi phương diện, ngoại trừ tội lỗi” (Gaudium et Spes – Vui mừng và Hy vọng, 22,2).

Nếu Ngài có trí óc con người, thì chúng ta có một mầu nhiệm lớn ở đây: Người Con thần linh phải học hỏi từ một người cha phàm nhân. Như thư Do Thái viết: “Dầu là Con Thiên Chúa, Ngài đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (Dt 5:8).

Và Ngài đã làm được: “Trong những năm sống ẩn dật ở Nadarét, Chúa Giêsu đã học ở trường học của thánh Giuse để làm theo ý của Chúa Cha.” ĐTC Phanxicô giải thích, (Tông Thư Patris Corde, số 3, Một người cha vâng phục).

Sách Giáo lý còn viết rõ hơn khi nói rằng, “Việc Đức Giêsu mỗi ngày vâng phục thánh Giuse và Mẹ Maria báo trước việc vâng phục vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh: “Xin đừng theo ý con” (Lc 22,42). Sự vâng phục của Đức Kitô trong cuộc sống ẩn dật thường ngày đã khởi đầu công trình tái lập những gì mà Ađam đã phá đổ vì bất tuân phục (Rm 5, l9)” (GLCG, số 532).

Vì vậy, chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì vai trò độc nhất của Mẹ Maria trong lịch sử cứu độ – và của cả người bạn trăm năm của Mẹ, là Thánh Giuse.

 

Phêrô Phạm Văn Trung chuyển ngữ.

NB: Người dịch dẫn nguồn và biên tập lại các câu trích trong bản văn gốc vốn không dẫn nguồn.

https://aleteia.org/2021/01/20/3-ways-we-wouldnt-have-jesus-without-joseph/

Chia sẻ Bài này:

Related posts