Ngày 8 tháng 12 năm 2020 – nhân kỷ niệm 150 năm Đức Chân Phước Giáo Hoàng Piô IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo – Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành Tông Thư “Patris corde – Trái tim người cha”…và công bố Năm Đặc Biệt về Thánh Giuse từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021…
Ngày 8/12/1870, Đức Giáo Hoàng Piô IX – qua sắc lệnh “Quemadmodum Deus – Cũng như Thiên Chúa” – công bố thánh Giuse là Đấng Bảo Trợ Giáo Hội…Và – Đức Thánh Cha Phanxicô đã có Tông Thư “Patris corde – Trái tim người cha” để kêu gọi toàn thể Giáo Hội dành năm đặc biệt kính thánh Giuse này để nhìn lại vai trò “vô cùng kiệm lời , nhưng hết sức quan trọng” của Ngài…nhằm mục đích mời gọi tín hữu chiêm ngưỡng vai trò của thánh Cả trong chương trình nhiệm mầu của Thiên Chúa, sống tinh thần “kín đáo và âm thầm” của Ngài, đồng thời biết đồng cảm và chia sẻ với những người ngày đêm vật lộn để dành lại sự sống mong manh cũng như tất cả những gì tốt đẹp nhất cho anh chị em đồng loại của minh – những người mà Đức Thánh Cha bảo rằng:
Họ vốn là những người rất đỗi bình thường, những người thường bị bỏ qua. Những người không xuất hiện trên các tiêu đề của báo chí, hoặc trên những chương trình truyền hình mới nhất, nhưng trong chính những ngày này, những con người ấy chắc chắn đang định hình các sự kiện mang tính quyết định của lịch sử chúng ta. Các bác sĩ, y tá, người quản kho và nhân viên siêu thị, nhân viên vệ sinh, nhân viên chăm sóc, nhân viên vận chuyển, mọi người man nữ làm việc để cung cấp các dịch vụ thiết yếu và an ninh công cộng, các tình nguyện viên, các linh mục, nam nữ tu sĩ, và rất nhiều người khác. Họ hiểu rằng không ai được cứu một mình. Có bao nhiêu người hằng ngày rèn luyện tính kiên nhẫn và hy vọng, quan tâm để có sức lan tỏa, không phải hoảng sợ mà là chia sẻ trách nhiệm. Có bao nhiêu người cha, người mẹ, ông bà và thầy cô đang chỉ dẫn cho con cái chúng ta, bằng những cách nho nhỏ hằng ngày, cách chấp nhận và đối phó với khủng hoảng bằng điều chỉnh thói quen, nhìn về phía trước và khuyến khích cầu nguyện. Biết bao nhiêu người đang cầu nguyện, hy sinh, và cầu thay nguyện giúp những điều tốt lành cho mọi người. Mỗi người đều có thể khám phá ra nơi Thánh Giuse, một người không ai chú ý, nhưng hiện diện hằng ngày, kín đáo và ẩn giấu, một người chuyển cầu, hổ trợ và hướng dẫn khi ta gặp khó khăn. Thánh Cả Giuse nhắc nhở chúng ta rằng những ai xuất hiện cách ẩn giấu có thể đóng một vai trò không thể so sánh được trong lịch sử cứu độ. Với tất cả những con người ấy, chúng ta có một lời, đó là lời biết ơn.
Và sau đó, Đức Thánh Cha lần lượt trình bày những đức tính hay ân ban đặc biệt Thánh Cả có được trong tư cách “một người Cha” :
-Thánh nhân là một người Cha được những người tin kính yêu, bởi Ngài đã thể hiện rõ nét “tình Cha” của mình khi “tự nguyện dâng cuộc đời mình làm của lễ tình yêu phục vụ Đấng Cứu Thế”
-Thánh nhân là một người Cha dịu dàng…và nơi Ngài, Đức Giê-su “nhìn thấy sự dịu dàng của Thiên Chúa” – một sự dịu dàng bất chấp những yếu đuối của phàm nhân chúng ta, nhờ vậy mà các kế hoạch của Thiên Chúa được thực hiện…”Thiên Chúa không lên án chúng ta, nhưng đón nhận, ôm lấy chúng ta, nâng đỡ và tha thứ cho chúng ta.”
-Thánh nhân là người Cha biết sống vâng lời Thiên Chúa…Với sự vâng phục tuyêt đối ấy, Ngài đã làm tất cả để bảo vệ sự an toàn của Đức Giê-su và Mẹ Maria…Ngài là hình mẫu cho Đức Giê-su thủa thiếu thời trong việc “thi hành ý muốn của Chúa Cha.”
-Thánh nhân là người Cha luôn sống tinh thần đón tiếp…Ngài đã “đón tiếp Đức Maria” khi biết được ý Thiên Chúa và kế hoạch của Người…Trong hôm nay – theo Đúc Thánh Cha – ơn sống tinh thần “sẵng sàng đón tiếp” vẫn vô cùng quan trọng…Nó dạy chúng ta biết đón nhận người khác như họ là họ, nhất là với những thành phần yếu thế quanh chúng ta.
-Thánh nhân là người Cha can đảm và có khả năng sáng tạo, “biết cách biến vấn đề thành cơ hội bằng cách luôn đặt niềm tin vào Thiên Chúa – Đấng Quan Phòng – lên hàng đầu.” Cũng như bao nhiêu người cha khác, thánh nhân luôn phải đối mặt với những “vấn đề cụ thể” của gia đình mình. Và – trong tất cả – Ngài luôn chứng tỏ là người bảo vệ tốt cho Hài Nhi Giê-su và Đức Maria…Và vì thế Ngài cũng là Đấng Bảo Vệ tuyệt vời cho Giáo Hội…
-Thánh nhân là người Cha lao động và lao động trong lương thiện để nuôi sống gia đình mình…Cho nên Ngài cũng là mẫu gương dạy chúng ta “giá trị, phẩm giá và niềm vui” của việc “có được chén cơm – thành quả lao động của mình mỗi ngày”…Ngài hiểu rất rõ việc đóng góp công sức lao động của bản thân vào công trình cứu độ Thiên Chúa thực hiện cho con người. Qua sự tận tâm và cần cù của thánh nhân, Đức Thánh Cha kêu gọi chúng ta “khám phá lại giá trị, tầm quan trọng và sự cần thiết của lao động”, để “làm nảy sinh một chuẩn mực mới, trong đó không ai bị loại trừ”…Đặc biệt với tình trạng khó khăn do đại dịch – khi mà rất nhiều gia đình vấp đụng những khó khăn, căng thẳng, rạn nứt, và thậm chí là sự cám dỗ tuyệt vọng và phân tán”, Đức Thánh Cha kêu mời mọi người dấn thân nhiều hơn nữa để “không có người trẻ nào, không có người nào, không có gia đình nào không có việc làm”…
-Thánh nhân là người Cha luôn là bóng mát chở che. Thánh nhân gìn giữ , bảo vệ Đức Giê-su của thời ấu thơ và niên thiếu, đảm nhận trách nhiệm người gia trưởng ở gia đình Nazareth…Ngài được gọi là Đấng rất thanh khiết, nghĩa là “đối nghịch với sự chiếm hữu”, biết từ bỏ chính mình để đặt Đức Giê-su và Mẹ Maria vào tâm điểm của đời mình. Hạnh phúc của Ngài là “trao tặng chính mình”, không bao giờ thất vọng, luôn tin tưởng, luôn thinh lặng, không than van, nhưng sống tín thác…Vì vậy, Đức Thánh Cha cho rằng thánh nhân là gương mẫu trong một thế giới “cần những người cha và từ chối những ông chủ”, từ chối những người nhầm lẫn “quyền hành với sự độc tài, phục vụ với nô lệ, đối mặt với áp bức, bác ái với phúc lợi, sức mạnh với sự phá hủy” (theo Vatican News)…
Bên cạnh việc giới thiệu gương sống của Thánh Cả nhằm tôn vinh những thành phần khiêm tốn, miệt mài trong thinh lặng để mang lại sự sống và niềm vui cho anh chị em bệnh hoạn cũng như tạo điều kiện để môi trường sinh hoạt hằng ngày của mọi người được trong lành và thuận lợi hơn giữa những bề bộn mà các quốc gia – phần lớn chỉ có những tuyên bố và những lời lẽ – nhưng thực hành thì chẳng có là bao, Đức Thánh Cha còn mời gọi những người cha, người mẹ gia đình – theo gương Thánh Cả – để có được những “khuôn mặt người Cha” như trên hầu giúp cho gia đình cũng như mọi thành viên khác trong gia đình cùng nhau kiếm tìm và có được những giải pháp khả dĩ trong cơn khủng hoảng chung của thời đại dịch này, đặc biệt những khó khăn về kinh tế, sự chật chội và thiếu vắng những điều kiện của nơi tá túc…
Cuối cùng Đức Thánh Cha xin mỗi người chúng ta cùng nhau sốt sắng dâng kinh kính Thánh Cả ở cuối mỗi ngày sống – hoặc riêng tư từng người hoặc cùng với nhau trong giờ kinh tối – và Ngài tin tưởng – nếu chúng ta sốt sắng dâng kinh kính Thánh Cả – thì chắc chắn Thánh Cả ra tay trợ giúp…như Ngài đã – đang và vẫn sẽ tiếp tục bảo trợ Giáo Hội Chúa cho đến ngày Chúa Quang Lâm…
Lạy Thánh Giuse. xưa nay không ai kêu cầu Cha mà vô hiệu. Cha có thần thế trước mặt Đức Chúa Trời…đến nỗi người ta có thể nói rằng : “ Trên trời, Thánh Giuse truyền lệnh hơn là van xin.”
Lạy Cha hiền, xin cầu bầu cùng Chúa cho chúng con. Khi ở thế gian này, Cha đã từng là cho nuôi và là vị bảo hộ trung thành của Chúa Con Chí Thánh. Nay xin Cha bào chữa cho chúng con bên tòa Chúa. Chúng con trao phó nơi Cha vụ khó khăn này (…), xin Cha giải gỡ giúp chúng con, để thêm một vinh quang mới vào bao nhiêu vinh quang sẵn có của Cha.
Lạy Thánh Giuse nhân từ, chúng con tin tưởng – vâng – chúng con tin tưởng Cha có thể chấp nhận lời nguyện của chúng con, và giải thoát chúng con khỏi những khổ cực u sầu mà chúng con đang gặp phải. Hơn nữa, chúng con vững lòng trông cậy : Cha không bỏ qua điều gì giúp ích cho những người sầu khổ kêu cầu Cha. Chúng con sấp mình dưới chân Cha, tha thiết nài xin Cha đoái thương đến những than van khóc lóc của chúng con, xin Cha Lấy tình thương như áo choàng che phủ chúng con và chúc lành cho chúng con. Amen
Lm Giuse Ngô Mạnh Điệp