Các bạn trẻ thân mến,
Chẳng ai trong chúng ta thích cảm giác chờ. Khi chờ, ta thấy thời gian trôi chậm chưa từng có. Mỗi phút, mỗi giây như kéo lê từng chút một. Khi ta chờ là ta đang mong ngóng cái gì đó, mà không biết khi nào nó sẽ tới. Ruột gan ta nóng lên, tâm trí ta thấp thỏm. Một cảm giác dày vò thật khó chịu vô cùng.
Nhớ lại lời Thiên Chúa đã hứa với tổ phụ Apraham là sẽ ban Đấng cứu thế, dân Do Thái năm xưa lúc nào cũng ngóng đợi. Hết thế hệ này đến thế hệ kia trôi qua, biết là khi đã hứa, Thiên Chúa sẽ giữ lời, nhưng sao chờ đợi hoài chẳng thấy. Từ người trẻ đến người già, ai cũng mong sao Thiên Chúa mau thực thi lời hứa của mình, đến giải thoát mình thoát khỏi ách đô hộ của Đế Quốc Rôma. Maria, một thiếu nữ thôn quê ở xứ Galile hẳn cũng đang trong tâm trạng ấy.
Bỗng một ngày, Thiên Chúa sai Sứ thần đến với cô, chia sẻ cho cô biết kế hoạch cứu độ của Ngài. Thiên sứ cho biết, Chúa sẽ không đến cứu con người như trong truyện thần thoại, sẽ làm lóe sáng trên bầu trời, rời uy phong xuất hiện với lưỡi gươm sắc bén và cưỡi ngựa truy phong, hầu cận đằng sau là vô số triều binh hùng mạnh và bách thắng. Nhưng Ngài muốn trở thành một con người như bao người khác, muốn được làm con của con người, muốn được con người dạy dỗ cho biết phải hành xử ra sao, phải sống thế nào. Và điều quan trọng là Maria được chọn để thực thi vai trò cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Chúa. Chưa thôi ngỡ ngàng, Maria được giải thích thêm là chính Thánh Thần sẽ thi triển quyền năng của Người và khiến cho nàng được thụ thai. Bào thai ấy không phải là sản phẩm của con người, nhưng là thành tựu của quyền năng Thiên Chúa. Khi đã tỏ tường kế hoạch của Thiên Chúa, Maria đã không ngần ngại thưa tiếng “xin vâng”, hiến trọn cuộc đời mình làm theo thánh ý Chúa, dẫu có hy sinh, dẫu có thiệt thòi, miễn là có thể mang Chúa đến cho tất cả mọi người.
Các bạn trẻ thân mến,
Không biết các bạn có giờ thắc mắc là tại sao Chúa không trực tiếp ra tay cứu con người, mà lại phải nhờ vả hết người này đến người khác? Lúc trước, Ngài phải hết lời nài nỉ Môsê để ông chịu về Ai Cập đàm phán với Pharao. Tiếp đến, bất chấp Giona đã nhiều lần từ chối, thậm chí đã tìm cách bỏ trốn, Thiên Chúa vẫn cứ một mực nhờ ông đến xứ Ninive để cảnh tỉnh dân làng. Rồi Ngài cũng dùng đủ cách để lôi kéo Giêrêmia làm ngôn sứ cho mình, cảnh báo tai họa sắp ập đến trên dân. Sau đó lại tốn công chuẩn bị cho việc sinh hạ Gioan Tẩy Giả và bây giờ lại sai sứ thần đến thỉnh ý Maria. Chúa làm một mình không phải nhanh và tốt hơn sao? Cớ sao cứ phải mời gọi con người cộng tác?
Chắc là các bạn vẫn còn nhớ câu chuyện có một bức tượng Chúa bị mất một cánh tay do chiến tranh. Người dân muốn đúc một cánh tay khác để lắp vào cho thẩm mỹ, nhưng vị trưởng làng khôn ngoan đã không đồng ý. Vị ấy bảo rằng, “nếu tay Chúa đã gãy thì ta hãy trở thành cánh tay cho Ngài”. Thiên Chúa vốn là Đấng quyền năng, nhưng dường như đối với chúng ta, Ngài lúc nào cũng muốn giới hạn quyền năng của mình. Ngài làm như thể, khi ta không cộng tác thì chính Ngài cũng không thể làm được gì. Điều tuyệt vời của Thiên Chúa là vậy. Đối với Chúa, một sự đóng góp dù vô cùng nhỏ nhoi của con người cũng trở nên cao cả vô cùng.
Thế nên, các bạn đừng nghĩ là chuyện gọi mời cộng tác của Thiên Chúa chỉ dành cho các nhân vật vĩ đại trong quá khứ, hay là dành cho ai đó, chứ không phải cho chính ta. Lời truyền tin của Sứ Thần vẫn cứ còn vang vọng mãi trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, để mang Chúa đến trong mọi người chung quanh mình. Chúa mời ta có sẵn sàng bỏ đi lối sống ích kỷ, thu mình để có thể vươn ra và cởi mở với người khác không. Chúa hỏi ta có dám từ bỏ một đam mê nào đó, vốn đang gây gương xấu cho người khác, để sống một cuộc sống thanh tịnh hơn không. Chúa gợi nhắc cho ta là một hành vi bác ái ta làm với trọn con tim có thể sưởi ấm một tâm hồn lạnh lẽo, ta có dám làm không. Chúa cho ta biết, chỉ cần ta lấy hiền hòa đối lại hung hăng, lấy thứ tha trả lại ganh ghét, ta đã có thể mang Nước Chúa đến trong trần gian này, ta có chấp nhận hy sinh không?
Cộng tác với Chúa luôn đòi ta phải từ bỏ. Môsê phải chịu xa gia đình, Giêrêmia phải chấp nhận chịu tù ngục, đớn đau. Giona phải vất vả chịu nắng chịu mưa. Gioan Tẩy Giả thì đầu rơi khỏi cổ. Còn Mẹ Maria thì bỏ dở mộng ước tương lai, suốt một đời vác thánh giá cùng Con lên đồi vắng. Nhưng cộng tác với Chúa cũng là một vinh dự lớn lao cho ta vì ta được thông phần vào công trình cứu độ của Thiên Chúa. Chẳng phải vì làm không được nên Chúa mới mời gọi ta, nhưng vì tình yêu nên Ngài mới xin ta cộng tác. Tiếng xin vâng của Mẹ đã giúp cứu độ muôn loài. Còn bạn, bạn sẽ thưa thế nào với Chúa, khi Chúa mời bạn cùng lao tác với Người?
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ