Các bạn trẻ thân mến,
Niềm hạnh phúc Thiên Đàng không còn nữa, khi con người đánh mất niềm tin vào Chúa và bắt đầu vi phạm những giới luật của Người. Nghe theo lời xúi giục của con rắn, Eva và Ađam đã ăn trái cấm, vì ngỡ rằng sau khi ăn, họ sẽ trở nên như Thiên Chúa, quyền năng và dũng mãnh như Người. Không ngờ, sự thật xảy ra không như họ mong ước. Kết quả nhận được sau khi lỗi luật Chúa là nhận ra thân phận trần truồng, thấp bé của mình, một thân phận không dám đối diện với chính bản thân và với người khác, phải lẩn trốn trong những tàn cây. Một cuộc sống vô tư và sung túc nay không còn nữa. Sự hiên ngang và quyền bá chủ cũng không còn. Hành trình của con người, giờ đây chỉ còn là sự chốn chạy khỏi Thiên Chúa, khỏi tha thân và chính bản thân mình.
Nhưng có phải chỉ vì con người cãi lệnh Chúa mà phải chịu một hình phạt kinh khủng thế không? Hẳn là Chúa cũng không khắt khe đến thế, Ngài là Thiên Chúa của tình yêu mà? Thế thì vì đâu, con người trở nên bị vùi dập dưới biết bao thăng trầm của cuộc sống? Sách Sáng Thế đã tường thuật rằng, khi đã bị Thiên Chúa phác giác chuyện ăn trái cấm, hai ông bà đã không còn lời nào biện minh. Nhưng khi Thiên Chúa hỏi Ađam: “Tại sao ngươi biết ngươi trần truồng, có phải ngươi đã ăn trái cây Ta đã không cho ngươi ăn không?”, Ađam đã không dám nhận trách nhiệm. Ông đổ tội cho người đàn bà là Eva, ông nói: “Người đàn bà mà Ngài đã cho ở với con, cho con trái cây ấy và con đã ăn”. Và khi Chúa hỏi người đàn bà thì bà ta đáp: “Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn”. Vâng, tất cả là một sự đùn đẩy. Tất cả đều cho rằng lỗi không phải nằm ở mình nhưng là ở người khác. Đau khổ mà con người phải chịu và gây ra cho nhau, phần lớn là do không dám can đảm nhận lấy hậu quả của những gì mình đã gây ra. Con người không dám nhận trách nhiệm về mình.
Các bạn trẻ thân mến,
Đã mang thân phận con người, chúng ta đều có lúc vấp ngã, do cứng lòng tin hay do ta bướng bỉnh. Nhưng đáng buồn thay, nhiều người trong chúng ta cứ luôn luôn cho rằng việc ta phạm sai lầm ấy là bởi ai kia, bởi người nào khác, do hoàn cảnh nào đó, chứ không phải do ta. Ta thích dồn hết danh dự, vinh quang về phía mình, còn lỗi lầm, ta đẩy sang cho người khác. Ta luôn đặt mình ở vị thế nạn nhân, chứ không bao giờ là người chủ sự trong những sai phạm ta gây ra. Ta không đi lễ hay đọc kinh được là do giờ lễ, giờ kinh trùng với giờ ta phải làm điều này điều kia, chứ không phải do ta không muốn. Ta không làm bài được là vì bài khó, vì giáo viên khắt khe, chứ không phải do ta lười học bài… Ta luôn có lý do để biện minh cho mình. Thế nên, người phải sửa đổi, phải ăn năn, phải hoán cải là người khác, chứ không phải ta. Trách nhiệm gánh lấy những hậu quả là của người khác, chứ không phải mình. Và ta an phận với tư tưởng ấy.
Trong Tin Mừng, có lần Đức Giê-su đã dạy các môn đệ rằng tất cả các tội đều có thể được tha, chỉ có một tội không được tha là tội xúc phạm đến Thánh Thần. Các nhà chú giải đã giải thích cho chúng ta hiểu “tội xúc phạm đến Thánh Thần” tội gì. Thưa, đó là tội ngoan cố, tội không chịu nhận tội, tội luôn cho mình là thánh thiện, là ngay chính, tội phủi tay hết những tội mình gây ra. Phải, làm sao Thiên Chúa có thể tha thứ cho một người mà người ấy cứ khăng khăng là mình không có tội. Làm sao ơn tha thứ của Thiên Chúa có thể đến với một người mà người ấy cho rằng mình không cần. Làm sao Thiên Chúa có thể cứu vớt Ađam khi ông cho rằng người cần cứu là bà Eva, chứ không phải ông. Làm sao Thiên Chúa có thể bỏ qua lỗi lầm của Eva, khi bà khẳng định lỗi lầm xuất phát từ con rắn, chứ không phải ở nơi mình? Ta cứ thử tưởng tượng xem, chuyện gì sẽ xảy ra khi Ađam can đảm đến gặp Chúa, thú nhận với Chúa lỗi lầm của mình, và Eva cũng thế, với tất cả lòng thống hối ăn năn. Hẳn là Thiên Chúa sẽ ôm họ vào lòng, tha thứ hết cho họ và cuộc sống an vui hạnh phúc vẫn được tiếp tục dành cho họ. Tình cảm giữa họ và Thiên Chúa thêm phần vững chắc.
Các bạn trẻ thân mến,
Đã đành là có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến những thất bại của ta trong cuộc sống. Nhưng điều trước tiên ta cần làm nhìn vào bản thân mình, xem xét lại cung cách sống của mình, cách hành xử của mình, những nổ lực của mình. Biết đâu ta cũng góp phần, hay thậm chí là đóng vai trò chính yếu gây ra những thất bại đó. Khi đã nhận ra điều đó, bạn hãy can đảm nhận lấy trách nhiệm về những gì mình đã gây ra, chứ đừng đổ lỗi cho người khác. Người dám nhận trách nhiệm về mình và đảm nhận cuộc sống của mình trong mọi hoàn cảnh là người cam đảm, và không bao giờ đánh mất đi hạnh phúc Thiên Đàng. Bởi khi ta nhận trách nhiệm, ta thấy mình được tự do khỏi những lo sợ bị phác giác. Và cũng nhờ đó, ta mới thăng tiến được. Các bạn có nghĩ như vậy không?
Phêrô Lê Hoàng Nam, SJ