Quý vị thính giả thân mến,
Ngay từ tấm bé, chúng ta đã được dạy cho bài học về lòng biết ơn. Nói lên lời cảm ơn người khác là một nghĩa cử cao đẹp và đáng ngợi khen. Một đứa trẻ không biết nói lời cám ơn là một đứa trẻ chưa được giáo dục tốt. Khi thụ ơn một người, việc ta cám ơn họ là một hành vi thể hiện sự trân trọng của ta đến họ, thể hiện niềm hạnh phúc của ta khi đón nhận sự giúp đỡ của họ. Lòng biết ơn giúp ta làm sống động hơn tương quan giữa con người với nhau, khiến cho tương quan ấy thêm bền chặt và ý nghĩa.
Xem xét lại bối cảnh xã hội ngày nay, ta thấy phần lớn những xáo trộn đến từ việc con người sống mà thiếu thái độ biết ơn. Báo chí vẫn hay đưa tin chuyện con cái hỗn hào, hay thậm chí đánh đập cha mẹ, chỉ vì cha mẹ không chiều theo những nguyện vọng bất chính của chúng. Do không biết ơn nhau nên con người sẵn sàng phủi tay đi hết những trợ giúp âm thầm của người khác, rốt cuộc chỉ nghĩ đến bản thân mình, nghĩ đến lợi ích cho một mình mình. Do không biết ơn Chúa, ta đâm ra trể nãi chuyện thiêng liêng. Ta thấy mệt mỏi khi phải đến nhà thờ hàng tuần, hay thưa đáp những câu kinh nhạt nhẽo. Ta thấy chẳng cần phải giữ điều răn Chúa khuyên, thích sống thế nào thì sống. Gạt chuyện đạo nghĩa sang một bên, ta vui hưởng những gì ta đang có như thể có công trạng của riêng ta hay có chăng cũng chỉ là do ta may mắn.
Tin Mừng có lần mô tả cho chúng ta thấy nỗi ngạc nhiên của Chúa Giêsu khi chữa lành cho mười người phong hủi mà chỉ có một người quay trở lại để cảm tạ Chúa. Cái trớ trêu là người ấy lại là một người dân ngoại. Số lượng chỉ có một người càng nói lên sự bạc bẽo của nhân loại dành cho Ngài. Thói thường của con người chúng ta là khi gặp những bất trắc, ta luôn miệng kêu trách Chúa, còn khi có được hạnh phúc bình an, ta như thể chẳng còn nhớ chi đến Chúa, đến những ơn lành của Người.
Có thể có nhiều người trong chúng ta thắc mắc là tạo sao ta cứ phải tạ ơn Chúa. Hoặc nếu phải tạ ơn Chúa thì chỉ những người thụ nhân ơn Ngài cách nhãn tiền, ví dụ như những người bị bệnh mà được lành, hay những người được Chúa cho tai qua nạn khỏi bởi một biến cố nào đó. Mình có thấy Chúa ban gì cho mình đâu, tại sao phải tạ ơn Người.
Nếu các bạn chịu khó dành một chút thời gian nhìn lại, các bạn sẽ thấy bao bọc mình là một chuỗi tất cả những hồng ân của Chúa. Điều trước tiên phải kể, đó là ơn sáng tạo của Người. Chính Chúa đã cho chúng ta hiện hữu trên đời, đã ban cho chúng ta hơi thở để sinh tồn. Chỉ cần bạn nín thở trong vòng vài phút, bạn sẽ hiểu được việc ta có thể hít thở là một điều kì diệu biết bao. Không những thế, Thiên Chúa còn dựng nên các thụ tạo khác để cho chúng ta được hưởng dùng. Ngài ban cho chúng ta có gia đình, có những người bạn để sẻ chia. Đó là những điều Chúa ban cho chúng ta một cách thường hằng đến nỗi ta cứ ngỡ đó là điều tự nhiên, chứ không phải là sự can thiệp của Chúa.
Chúng ta hãy cùng suy niệm lại lời kinh cám ơn mà mọi người dân Việt Nam vẫn thường hay đọc:
Con cám ơn Đức Chúa Trời là Chúa lòng lành vô cùng, chẳng bỏ con, chẳng để con không đời đời, mà lại sinh ra con, cho con được làm người cùng hằng gìn giữ con, hằng che chở con, lại cho Ngôi Hai xuống thế làm người, chuộc tội chịu chết trên cây thánh giá vì con, lại cho con được đạo thánh Đức Chúa Trời, cùng chịu nhiều ơn nhiều phép Hội Thánh nữa, và đã cho phần xác con ngày hôm nay được mọi sự lành, lại cứu lấy con kẻo phải chết tươi ăn năn tội chẳng kịp. Vậy các thánh ở trên nước thiên đàng cảm ơn Chúa thế nào, thì con cũng hợp cùng các thánh mà dâng cho Chúa con lời cám ơn như vậy.
Vâng, Thiên Chúa là Đấng nhân lành, đã cho chúng ta xuất hiện từ hư không, đã ban cho chúng ta phẩm giá của một con người, ban cho ta sự sống và vẫn luôn phù trì che chở ta trên mọi nẻo đường. Tuyệt vời hơn, dù đời sống của ta có bê tha, lạc lối, Chúa vẫn không bỏ rơi, nhưng đã sai Con Một đến, đền tội thay cho ta bằng cái chết của Người. Chúa lại còn tiếp tục mời gọi ta trở thành con Thiên Chúa trong Giáo Hội, cho ta hiệp thông với Người qua các bí tích và con hứa ban Nước Thiên Đàng cho ta.
Ước gì, như lời kinh diễn tả, ta hãy cùng với các thánh trên trời, dâng lợi tạ ơn Thiên Chúa từ sâu thẳm tâm hồn mình, từ một ý thức sâu sắc đến những ân huệ của Người.
Phêrô Lê Hoàng Nam, SJ
Nguồn: Radio Vatican