Đã nhiều lần, trong Kinh Thánh, chúng ta nghe nhắc đến Thánh Thần. Quyền năng của Thánh Thần đã giúp Ngôi Hai nhập thể trong lòng trinh nữ Maria. Thánh Thần đưa Đức Giêsu vào hoang địa để chịu cám dỗ. Thánh Thần đã làm cho Đức Giêsu tràn ngập niềm vui mà lớn tiếng ca ngợi Chúa Cha vì những việc kỳ diệu Cha đã làm. Vào những khoảnh khắc cuối đời, tại vườn Dầu, Đức Giêsu cũng đã nhắc đến Thánh Thần rất nhiều, rằng Người sẽ đến sau Thầy, sẽ làm cho anh em nhớ lại những gì Thầy đã nói với anh em. Và hẳn là chúng ta không thể nào quên được cuộc biến đổi lạ lùng của các tông đồ vào ngày lễ Ngũ Tuần, với sự xuất hiện của cơn gió mạnh lùa vào phòng và hình lưỡi lửa tản ra đậu trên đầu mỗi người.
Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa, và lâu nay vẫn được xem là ngôi vị vừa vô hình vừa vô danh trong ba ngôi. Ngôi Hai Thiên Chúa khi nhập thể làm người thì mang trên mình một hình hài, là một người nam, có thể xác. Ta cũng có thể tưởng tượng ra Ngôi Cha trong hình ảnh một người cha đầy yêu thương và phúc hậu. Nhưng ta không biết nên tưởng tượng Chúa Thánh Thần dưới hình thù gì. Lúc thì Ngài xuất hiện dưới dạng con bồ câu, lúc thì ngọn gió, lúc thì ngọn lửa, rồi có khi chỉ là những thôi thúc sâu thẳm nào đấy trong tâm hồn. Ta không thể nghe được tiếng nói của Ngài như nghe một âm thanh bình thường. Ta chỉ có thể cảm được Ngài khi bất chợt có một sự đụng chạm thần linh nào đấy vào con tim ta. Bởi thế nên nhiều người trong chúng ta cảm thấy Thánh Thần như là một ngôi vị Thiên Chúa khá mờ nhạt, và rất khó để suy tưởng đến.
Thế nhưng, Kinh Thánh đã mặc khải cho chúng ta biết rằng Thánh Thần là Đấng trao ban cho chúng ta sự sống. Chính Đấng Sáng Tạo đã thổi Thánh Thần vào trong con người, khiến cho con người trở thành một thụ tạo khác, trỗi vượt hơn mọi loài. Thánh Thần lan tỏa khắp mọi nơi, làm bừng dậy những sự sống, dù là nhỏ bé nhất. Chính Thánh Thần làm cho mọi thứ trở nên sống động, sinh sôi nảy nở, và phát triển đến những tầm cao. Thánh Thần khơi lên những điều gì đấy mới mẻ, sáng tạo, làm phong phú đất trời. Thánh Thần không bao giờ là hiện thân của những gì ù lì, trễ nãi, chậm chạp. Ngài luôn năng động, luôn thúc đấy để mọi loài hướng tới những điều hay, những giải pháp tốt. Và nhớ đó, khắp vũ hoàn đều được tưới gội trong ân sủng của Ngài. Chính vì thế, mà trước các buổi học, các cuộc họp, người Công Giáo chúng ta thường xin ơn Chúa Thánh Thần, để Người mở trí, mở tâm chúng ta, giúp chúng ta đạt được những thành quả tốt đẹp nhất.
Truyền thống Giáo Hội vẫn dạy chúng ta rằng Chúa Thánh Thần sẽ ban cho chúng ta những ơn lành cần thiết, giúp chúng ta sống ơn gọi Kitô hữu của mình cách hoàn hảo. Ơn khôn ngoan giúp ta có được một khả năng phân định đúng đắn, biết đâu là điều tốt cần làm, đâu là điều xấu cần tránh. Ơn hiểu biết giúp mở mang trí óc ta, để ta có thể lĩnh hội được những tri thức quý báu. Ơn lo liệu cho ta một sự khéo léo và tài tình trong việc đối đầu và giải quyết những khó khăn trong cuộc sống. Ơn sức mạnh làm ta không trở nên yếu đuối, nhưng đủ sức để chu toàn những bổn phận, bất chấp những thách đố đang cản trở ta. Ơn thông minh giúp cho đầu óc ta trở nên nhạy bén hơn, có thể nhận ra được thánh ý Chúa cách nhanh nhạy và xác quyết. Ơn đạo đức giúp mở rộng con tim ta, để ta có thể yêu Chúa và yêu người ơn. Ơn kính sợ Thiên Chúa đưa ta tới một tương quan sâu sắc với Thiên Chúa, luôn nỗ lực để làm Ngài vui lòng. Lãnh nhận được tất cả những ơn này, ta hoàn toàn có thể sống xứng đáng phẩm giá là con người và là con Thiên Chúa.
Chúng ta không thể nhìn thấy được Thánh Thần, nhưng chúng ta có thể nhận ra hay cảm nghiệm được Ngài qua những hoa trái do ân sủng Ngài mang lại. Nếu ta chìm mình vào trong Thánh Thần, ta sẽ thấy được mời gọi để sống bác ái hơn, sẵn sàng giúp đỡ người khác với hết lòng mến yêu. Ta sẽ thấy cuộc đời mình chan chứa niềm vui hơn, lòng luôn bình an, dù trước mắt hay chung quanh chúng ta là đầy dẫy những khó khăn như đang cố làm ta chùn bước. Ta thấy mình có lòng kiên nhẫn hơn, không nóng giận, không vội vã nhưng lúc nào cũng điềm tĩnh và cố gặng đón nhận những nỗi đau. Ta thấy trong lòng mình có thôi thúc, lôi kéo ta đến việc thực thi những điều lành với một sự nhân từ, hòa nhã. Lời nói của ta cũng từ đó mà nhẹ nhàng, ấm áp và có sức cảm hóa hơn. Hành vi của ta nhờ vậy mà chín chắn hơn. Cơn nóng giận không làm chủ được ta, những khó khăn không còn khống chế ta, những vất vả không thể đánh gục niềm tin và ý chí vươn lên của ta, những lôi kéo dục vọng thấp hèn cũng không còn là điều gì đáng lo sợ. Ta sống trong an bình, vui tươi và hạnh phúc.
Chúng ta hãy tiếp tục xin ơn Chúa Thánh Thần, để Người ban cho ta những ơn cần thiết, giúp chúng ta thụ hưởng được những hoa trái thiêng liêng của Người trong cuộc sống của chúng ta.
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ