Xin mượn câu chuyện về con thạch sùng từ email ban@y…của người bạn để chia sẻ về chủ đề chung thuỷ như sau.
Một anh người Nhật vì muốn sửa lại căn nhà của mình, anh đã dỡ tường nhà ra. Tường nhà kiểu kiến trúc Nhật thường để một tấm gỗ ở giữa, hai bên trát xi măng, nhưng thực chất bên trong để rỗng.
Khi anh ta tháo tường ra, phát hiện có một chú thạch sùng lớn đang ngủ ở trong đó, chân nó bị kẹt vào giữa hai miếng ván vì thế nó không thể di chuyển được. Anh này thấy tình cảnh đó vừa thương thạch sùng lại vừa tò mò; anh ta chăm chú quan sát và thấy chiếc đinh đóng chặt hai miếng ván với nhau làm cho chân chú thạch sùng bị kẹt. Sau một hồi, anh nhớ lại đây là chiếc đinh được đóng vài năm trước.
Rút cục chuyện gì xảy ra ở đây? Chú thạch sùng này đã mắc kẹt trên tường mà vẫn sống được trong vài năm qua. Nhưng sống bằng cách nào? Anh ta tiếp tục nghĩ ngợi, chân nó bị kẹt chặt, không thể xê dịch được, thế nó đã sống được nhờ vào điều gì? Anh ta quyết định chưa sửa công trình của mình vội. Từ từ rút lui và để yên tình trạng bức tường và chú thạch sùng. Anh muốn quan sát xem chú thạch sùng đã sống bằng cách nào?
Một lát sau, anh thấy một chú thạch sùng khác, miệng nó ngoặm miếng thức ăn tiến đến chú thạch sùng bị kẹt và đưa thức ăn cho nó. Ồ! Anh lặng người đi. Vì một bạn thạch sùng bị kẹt vào bức tường không thể di chuyển được, thì một bạn thạch sùng khác đã kiếm tìm thức ăn để nuôi sống bạn mình. Anh chủ nhà quan sát và rơi lệ cảm động trước bài học mà anh vừa học.
* * *
Thiên nhiên vạn vật vẫn tiếp tục khơi gợi cho ta những bài học làm người giá trị. Một con thạch sùng không có lý trí và suy nghĩ như con người nhưng nó biết hành động theo bản năng yêu thương đồng loại mình – Không bỏ rơi đồng loại mình lúc gặp hoạn nạn. Bài học thật ý nghĩa cho con người về sự chung thuỷ bảo bộc nhau khi gặp hoạn nạn. Nếu bạn tôi bị cuộc đời giáng cho những cú đòn chí mạng, thì vì tình bạn tôi cần chăm sóc cho bạn ấy bao lâu tôi còn có khả năng.
Email của người bạn tiếp, “Các bạn ạ, cùng với sự phổ cập của máy tính trong xã hội con người, tốc độ những thông tin mà chúng ta có được từ người thân, bạn hữu, đồng nghiệp, …ngày một nhanh hơn, nhưng khoảng cách giữa con người với con người chúng ta với nhau phải chăng gần nhau hơn ? …”
Thưa bạn, một trong những thách đố lớn lao cho đời sống con người trong thời đại thông tin chính là sự chung thuỷ. Thách đố này không chỉ dành riêng cho một bậc sống nào, nhưng là cho tất cả mọi người – đời sống gia đình cũng như người tu hành. Con người là con người sống trong thế giới, vì lẽ đó, cốt lõi của sự thách đố cho sự chung thuỷ cũng bị ảnh hưởng do xã hội. Có thể nói rằng, hơn bao giờ hết xã hội hiện đại đang trắc nghiệm khả năng chung thuỷ của con người với nhau trong hôn nhân một cách quyết liệt.
Hôm nay, nếu so sánh tỉ lệ ly dị giữa các quốc gia trên thế giới với nhau thì người Mỹ đứng hàng đầu; cứ trong số 1.000 người, thì số người ly dị là 4.95 (4.95/1.000), thứ hai là Puerto Rico, 4.47/1.000, thứ ba là Nga, 3.36/1.000.[1] Theo thống kê của Barna Research Group[2], những cặp vợ chồng sống niềm tin tôn giáo có tỉ lệ ly dị cũng thấp hơn so với những người không theo tôn giáo nào hoặc vô thần. Tỉ lệ ly dị của người không theo tôn giáo chiếm 34%, Tinh Lành Baptist 29%, Tinh Lành Chính phái 25%, Mormon 24%, Lutherans, 21%, và Công giáo 21%. Các nhà chuyên môn cho biết, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến ly dị là vì kết hôn quá vội vàng sau khi họ gặp nhau.
Vội vàng kết hôn đúng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến ly dị. Tưởng rằng hôn nhân cũng giống như việc click chuột mua sắm khi thấy vừa mắt là một sai lầm của những ai đang tính chuyện kết hôn mà thiếu thời gian chuẩn bị. Sự vội vàng làm cho con người sống trong sự thúc đẩy của cảm tính mà không chú trọng để ý đến hoàn cảnh thực tế của đời sống xã hội và chính mình. Vì vội vàng, nên chưa đươc chuẩn bị kỹ lưỡng. Khi đang yêu, khái niệm “chuẩn bị” thường không được các đôi hôn nhân quan tâm, vì họ cho rằng họ đâu cần gì đề mà chuẩn bị, miễn là họ yêu nhau là được. Tuy nhiên, hôn nhân không phải như mua một món hàng mà có thể thay đổi, nên họ cần thời gian để chuẩn “đón nhận” những “đòi hỏi” của tình yêu. Không giống như cảm tính vốn nó đến chỉ qua một ánh mắt, nụ cười, lời tỏ tình âu yếm, tình yêu thì không tự dưng mà có. Tình yêu đòi buộc sự đón nhận nhau và cam kết sống cho nhau cho đến cùng. Tình yêu là sự dấn thân chung thuỷ cho đến chết. Đây chính là điểm cần được chuẩn bị kỹ lưỡng cho đời sống hôn nhân. Nếu việc đào tạo cho một linh mục để ông ấy học sống một mình phải mất ít nhất chín năm hay lâu hơn, thì việc hai người học sống với nhau mà chỉ diễn ra trong vòng vài tháng liệu có ổn không?
Bạn thân mến, nếu hai con thạch sùng còn biết chung thuỷ lo cho nhau khi nó gặp hoạn nạn, thì có lẽ nào vợ chồng đã yêu nhau và sống với nhau lại không thể bỏ qua những lầm lỗi của nhau để đề cao giá trị của sự chung thuỷ mà mình đã cam kết với nhau trong ngày tân hôn?! Chung thuỷ không tự dưng mà có, nhưng là một sự vươn tới cho mình và cho nhau đến hết đời.
Fr. Huynhquảng
[1] Xem tại http://www.nationmaster.com/graph/peo_div_rat-people-divorce-rate (truy cập 27/12/2012)
[2] “Christians are more likely to experience divorce than are non-Christians,” Barna Research Group, 1999-DEC-21, at: http://www.barna.org/cgi-bin