Điều tra viên: “Em nói thật đi rồi anh cho em về. Anh biết em không biết đây là tiền giả. Nhưng anh cần em nói thật và dựa vào đó để anh đề xuất cho em được về. Ông bà ta dạy rằng, ‘Đánh kẻ chạy đi chứ đâu ai đánh kẻ chạy lại.’ Anh nghĩ là em cứ thành khẩn khai báo thì có ai nỡ lòng nào mà bắt người như em ở tù chỉ vì 50 ngàn đồng.”
Tù nhân: “Cám ơn lòng tốt của anh. Thực tình thì em đâu có biết 50 ngàn em đi ăn phở là tiền giả đâu. Hôm qua em đánh giày và ông khách trả tiền cho em. Ông đưa em 50 ngàn và em thối lại 45 ngàn.”
ĐTV: Được rồi, vậy thì em ký vào đây, hoặc viết tên em như thế này cũng được. Em không biết chữ thì anh đọc cho em nghe. “Tôi hoàn toàn đồng ý những lời khai của tôi trên đây là sự thật. Ký tên.”
Tù nhân: Dạ cám ơn anh.
Đó là lời kể của một em vị thành niên bị bắt vì tội “tiêu thụ tiền giả” với mức án có thể trên 10 năm tù vào năm 2003 tại phòng 19, khu E, khám Chí Hòa, Thành phố HCM.
* * *
Mục Sống Sao Cho Đẹp đang chia sẻ với bạn về đề tài Đơn sơ – Chận thật, nhưng sự đơn sơ và chân thật trong câu chuyện trên làm chúng ta lặng người tê tái cho cậu bé trong hoàn cảnh trên. Sự đơn sơ chân thật của cậu bé nhà quê lên thành phố kiếm tiền phụ giúp cha mẹ đã đánh gục cậu. Và còn hơn thế nữa, vì chính sự đơn sơ chận thật này mà cuộc đời cậu phải bị rẽ vào một bước ngoặt lành ít dữ nhiều. Bao nhiêu năm tăm tối phía trước đang chờ đợi cậu: không ai thăm nuôi, không ai gặp mặt, bị mức án bao nhiêu, bị chuyển đi trại nào, khi nào thì được về, và khi được về thì về đâu và sẽ làm gì…?
“Anh ơi, em đã nói thật mà sao họ không cho em về?” Đó là câu hỏi của cậu bé dành cho anh bạn tù cùng phòng với mình. Anh biết trả lời em thế nào? Nghĩ đến em, nghĩ đến xã hội, nghĩ đến đạo lý làm người, anh đành phải im lặng. Anh im lặng vì anh thương cho em và cũng thương cho xã hội. Anh thấy cuộc đời em tăm tối, cũng như chính cuộc đời của anh đang tăm tối, và anh thấy chính xã hội mình cũng đang tăm tối. Câu hỏi của em cũng làm anh nghi ngờ vào sự thật, vào đạo lý làm người, vào những lời giảng thuyết từ các giáo sĩ tôn giáo. Xa hơn, câu hỏi của em cũng như hàm ý trách móc về nền giáo dục đạo lý mà em đã thấm nhuần từ trong gia đình; và có lẽ em cũng đang trách móc anh vì anh cũng là người đã góp phần vào việc giảng dạy sự thật. Có thể tiếng thở dài chính em thốt ra là câu trả lời mãn nguyện cho em hơn cả. “Giá như em đừng nói thật thì hay hơn.”
Ôi! hai tiếng “giá như” là hai tiếng u uẩn luyến tiếc của kiếp tù nhân. Làm sao em biết được tương lai để khỏi phải thốt lên “giá như” mà hằng ngày em liên tục than thở trong phòng giam này. Em vẫn biết rằng dù có nhiều điều em đã không biết trong thế giới con người. Nhưng em biết sự đơn sơ chận thật từ trong con tim em; em biết lòng tin vào con người mà em đặt vào; và em biết sự thật luôn được con người đề cao và tôn trọng, dù họ thuộc ý thức hệ nào. Nhưng dù em có biết như thế, hôm nay và trong cả phần đời còn lại của em, em sẽ vẫn thốt lên hai tiếng “giá như” của ngày định mệnh ấy. Ngày mà em bị đánh gục bằng chính sự đơn sơ chân thật mà em luôn trung thành cố gắng thực hiện hằng ngày.
Giờ này em ra sao, nơi nào là chốn nương thân của em? Hôm nay anh xin mượn những dòng này để biểu lộ lòng cảm phục em, cảm phục chí khí của người đơn sơ chân thật như em. Tính đơn sơ chân thật nơi em đã không bị lây nhiễm bởi những gian trá, tính toán cho “được việc” của nhiều người đang sống xung quanh em. Và quang trọng hơn, những dòng này giúp anh nói lên lời cám ơn em. Cám ơn vì em đã dạy cho anh bài học về đơn sơ chân thật trong tình bạn, trong mối quan hệ trong gia đình, trong trường học, và đặc biệt trong tình yêu. Giá của những mối quan hệ này đắt và quí hơn 50 ngàn đồng gấp vạn lần, thế mà sự thật vẫn không phải là điểm chuẩn giữa họ khi đến với nhau. Cũng như em, anh cũng than thở rằng, “giá như” vì sự gian trá lừa gạt trong tình bạn, trong tình yêu, trong gia đình mà phải đi tù như em, thì chắc chắn thế giới này đã hạnh phúc và an bình biết dường nào, phải không em?!
Fr. Huynhquảng