Mục Sống Sao Cho Đẹp xin mượn nhân vật Nhạc Bất Quần trong tiểu thuyết võ hiệp lừng danh Tiếu Ngạo Giang Hồ của Kim Dung để giúp ta hiểu thêm hậu quả của sự gian trá, không chân thật. Nhưng quan trọng hơn, nhân vật này có thể giúp ta dừng lại để lắng nghe tiếng nói trong con tim: Động cơ gì đã dẫn quân tử kiếm Nhạc Bất Quần dùng mọi thủ đoạn âm mưu để lừa gạt, để hại người, hại gia đình, và hại chính mình.
* * *
Kim Dung thoạt đầu miêu tả Nhạc Bất Quần như một bậc chính nhân quân tử thuộc chính phái. Ông là chưởng môn phái Hoa Sơn, luyện thành công môn Tử Hà Công; ông ăn nói nhỏ nhẹ, thái độ khoan thai cộng với võ nghệ cao cường nên ông được nhiều người trong chốn giang hồ kính nể, đặc biệt Lệnh Hồ Xung, chàng một lòng kính phục sư phụ mình. Dầu vậy, do tham vọng hợp nhất năm môn phái thành một, và sau đó sẽ làm minh chủ Ngũ Nhạc Phái, Nhạc Bất Quần đã lừa gạt mọi người và dùng Lệnh Hô Xung để che đậy tội lỗi của ông. Ông đã ăn cắp Tịch Tà Kiếm Phổ của nhà họ Lâm; ông đoạt ngôi minh chủ trên tay Tả Lãnh Thiền người cũng có tham vọng làm minh chủ Ngũ Nhạc Kiếm Phái; và tệ hại hơn, ông đã đánh lừa chính vợ con ông và bản thân ông khi ông tự thiến để luyện Tịch Tà Kiếm Phổ. Cuối cùng, Nhạc Bất Quần đã thành công và đã đạt được mục đích; ông trở thành minh chủ Ngũ Nhạc Phái, ông đã luyện thành công Tịch Tà Kiếm Phổ, ông đã có tất cả những gì ông khao khát, nhưng cuối cùng ông đã đánh mất đi chính bản thân ông. Khi ông được tất cả cũng chính là lúc ông mất tất cả.
Kim Dung tài tình lột dần dần mặt nạ của Nhạc Bất Quần, để dù Nhạc Bất Quần đã có trong tay tất cả những gì ông muốn, nhưng khi mặt nạ đã bị lột bỏ, thì dù là minh chủ của Ngũ Nhạc Phái, bên ông không còn ai là bạn hữu, không còn ai là đệ tử, và cuối cùng phải chết dưới tay Ni-Cô Nghi Lâm phái Hằng Sơn. Bộ mặt thật “ngụy quân tử” của Nhạc Bất Quần lộ ra khi ông có trong tay mọi thứ ông tham vọng và khao khát. Cảnh cuối đời của Nhạc Bất Quần diễn tả đúng với tên gọi của ông, nghĩa là “không chơi với ai.” Vì thực ra dù trước khi bị lột mặt nạ, ông có rất nhiều bạn hữu và được nhiều người kính nể, nhưng thực ra ông đâu có thực lòng giao tình bằng hữu với ai đâu! Với ông, tất cả các mối quan hệ đều ngấm ngầm tính toán hơn thua; ông dùng mọi người kể cả đại đệ tử, vợ ông, và con ông làm bàn đạp cho ông thực hiện âm mưu bá chủ võ lâm. Mối quan hệ của ông từ trong gia đình ra ngoài xã hội đều dựa trên sự gian dối, lừa gạt, âm mưu… chứ không dựa trên sự thật, đơn sơ, chân chính của người võ sư.
* * *
Thưa bạn, cũng như Nhạc Bất Quần, điều nguy hiểm nhất cho cuộc đời chúng ta là đôi khi chúng ta đã gạt bỏ những gì chúng ta đang có để cố chụp giựt cho được điều mà chúng ta thích, vui. Động cơ này dễ dàng thúc dục chúng ta tìm mọi phương cách để đạt được mục đích kể cả khi phải dùng những kỹ xảo thấp hèn. Gạt bỏ những gì sẵn gần bên ta, trong gia đình ta, trong tâm hồn ta để rong ruổi tham vọng những sự xa ta, ngoài gia đình ta, và ngoài tâm hồn ta đó là thất bại lớn nhất của một đời người. Chạy theo dục vọng để chiếm hữu, để được làm chủ một điều gì ngoài ta là một cuộc rong ruổi nguy hiểm và dễ dàng đánh mất chính ta; vì thực ra khi ta chỉ lo kiếm tìm những sự “bên ngoài” thì chắc một điều, sự “bên trong” không được quan tâm và chăm sóc cho chu đáo. Được điều gì khi ta thắng trận mà ta không biết ta trở về đâu?! Hóa ra, cái sự thật căn bản vẫn là chính ta, trong ta chứ không phải bên ngoài được tô điểm bằng danh thơm hão huyền hư ảo. Từ đó ta học được rằng, dù xã hội có thể ban tặng cho ta tước hiệu hoa mỹ đến đâu đi chăng nữa, nhưng ta không thật với lòng ta, thì ta cũng mất tất cả – và điều mất mát lớn nhất trong cuộc đời chính là mất đi chính ta. Mong rằng chúng ta cùng giúp nhau mỗi ngày khám phá ra sự thật về chính mình; cùng giúp nhau cẩn tỉnh về hiểm họa của những tiếng mời gọi ta đi ra khỏi lòng ta. Thực tế cho thấy, “Đôi khi thế giới [con người] cứ lôi kéo bạn theo một hướng, mà theo con tim, bạn không mong muốn đi theo.”[1]
Thưa bạn, nếu Nhạc Bất Quần biết nhận ra tài năng và thật tâm của Lệnh Hồ Xung, nhận ra một gia đình hạnh phúc trong giá trị hiện tại của đời ông, chắc một điều ông sẽ đạt được cả “bên trong” lẫn “bên ngoài.” Nhưng đáng buốn thay ông đã không làm như vậy. Còn bạn thì sao?
Br. Huynhquảng
[1] Thomas F. Crum, The Magic of Conflict (New York: A Touchstone Book, 1987), 65.