Chuyện kể rằng, trong những con vật nuôi yêu quí của Ngọc Hoàng, ngựa được nhìn nhận là con vật đẹp và khoẻ mạnh, dầu vậy, con ngựa lại không hài lòng về chính nó. Một hôm, con ngựa thưa với Ngọc Hoàng, “Thưa ngài, ngài đã tạo con nên môt thân hình đẹp, nhưng con muốn là ngài hãy làm cho con đẹp thêm nữa.” “Ta sẵn sàng làm cho con đẹp hơn nữa, nhưng hãy cho ta biết điều gì có thể làm cho con đẹp thêm hơn?” Ngọc Hoàng đáp. Con ngựa trả lời, “Con thấy thân hình của con không cân xứng, cái cổ của con hơi ngắn, chân của con chưa cao đủ. Vậy ngài có thể làm cho cổ con dài thêm và chân của con cao thêm có được không?” Được thôi, ngay tức thì cái cổ và đôi chân của con ngựa được thay thế bằng cổ và chân của con lạc đà. Sau khi nhìn ngắm chính mình, con ngựa rất thất vọng. Nó liền hoảng hốt kêu to, “Thưa Ngọc Hoàng, con chỉ muốn làm con ngựa có cổ và chân cao, chứ không muốn mang hình dáng con lạc đà xấu sí.” “Nhưng đó là những gì con van xin ta,” Ngọc Hoàng đáp. “Vậy hãy cho con trở lại tình trạng ban đầu.” Chú ngựa van xin. Ngọc Hoàng đáp, “Nên nhớ, hãy khiêm tốn và đừng bao giờ kiếp tìm hay khao khát điều mà vị trí và chức phận của con không cho phép con có được. Nếu con chạy theo những khao khát bất tận ấy, con sẽ không biết những khao khát này sẽ dẫn con đi đến đâu. Hãy nhớ sự cân đối đã có sẵn trong con, hãy khám phá và phát triển nó thêm hoàn mỹ; đừng tưởng rằng những khao khát ấy sẽ làm con thêm hoàn mỹ.”[1]
Sống ở đời, người ta biết đến tài năng của mình thật là khâm phục, nhưng càng bội phục hơn khi cố dấu đi những tài năng ấy
* * *
Khiêm tốn là vắng bóng kiêu ngạo. Hơn thế nữa, kiêu ngạo thường dẫn con người vào vòng suy nghĩ cận tranh hơn thua. C.S. Lewis chỉ ra rằng, tự bản chất, đặc tính của kiêu ngạo chính là sự cận tranh hơn thua. “Chúng ta cho rằng, có người hãnh diện về sự giàu có, tài năng, sắc đẹp, nhưng thực ra còn hơn thế nữa. Những người này hãnh diện vì họ giàu có hơn, tài năn hơn, và đẹp hơn những người khác…Vì thế, khi yếu tố cạnh tranh hơn thua không còn nữa, thì kiêu ngạo cũng biến mất theo.”[2]
Khiêm tốn không phải là sự nhu nhược nhưng đúng hơn đó là sự nhận ra giá trị thật của mình. Con người mình ra sao, thì mình nhìn nhận như vậy; vì thực ra trong thân phận làm người, điều mà người này cho là khuyết điểm, nó có thể trở thành ưu điểm cho người khác. Tính trầm lặng ít nói của một ai đó có thể trở thành sự bất lợi trong một số hoàn cảnh, nhưng nó cũng có thể làm điểm mạnh cho người ấy trong những hoàn cảnh khác. Sự nỗi danh của một người cũng có thể là điểm tốt trong hoàn cảnh này, nhưng nó cũng có thể làm cản trở cho anh ta trong những hoàn cảnh khác. Hiểu như thế chúng ta mới thấy rằng, bản chất thật của con người thì quí trọng hơn những giá trị chóng qua bên ngoài. Vì thế, tập luyện sống khiêm tốn đúng mức sẽ giúp chúng ta đi tới sự thật ấy. Khiêm tốn sẽ sinh hoa quả bình an, tự tại.
* * *
Với lời khuyên trong câu chuyện Con ngựa, “Hãy khiêm tốn và đừng bao giờ kiếp tìm hay khao khát điều mà vị trí và chức phận của con không cho phép con có được;” hôm nay ta học thêm một bài học về sự khiêm tốn qua sự đón nhận sự thật về mình. Nếu con ngựa biết nhận ra giá trị sẵn có của mình, nó không cần cổ thêm cao và chân thêm dài. Nếu ta nhận ra đặc tính của Chân – Thiện – Mỹ sẵn trong ta, ta không cần phải trang điểm thêm những gì không thuộc về ta. Giá trị Chân – Thiện – Mỹ luôn sẵn có trong mỗi người. Có những người sống càng lâu thì họ càng phản ánh những đặc tính này rõ nét hơn qua lời nói, cử chỉ, và việc làm; còn một số người khác thì ngược lại. Thực ra, tự trong tâm của mỗi người, không ai muốn mình ăn nói, cư xử, và hành động ngược lại với những giá trị Chân – Thiện – Mỹ, nhưng thật cũng không dễ dàng khi cố gắng sống theo những giá trị ấy hằng ngày trong đời thường của mình. Sống theo giá trị Chân – Thiện – Mỹ cũng là lời mời từ bỏ cái tôi. Hay nói cách khác, khi ta uốn mình vào khuôn khổ để sống theo giá trị của Chân – Thiện – Mỹ, ta chấp nhận khiêm tốn bỏ mình. Chính vì điều này, nhiều người thừa nhận rằng, trong các đức tính nhân bản, đức tính khiêm tốn là đức tính căn bản và quan trọng nhất; vì sống khiêm tốn giúp ta đụng chạm tới giá trị thật của con người mình.
* * *
Trong tác phẩm võ hiệp lừng danh của Kim Dung, Tiếu Ngạo Giang Hồ, có lẽ nhân vật cho chúng ta ngưỡng mộ về đức khiêm tốn chính là Phương Chứng Đại Sư. Dù với võ nghệ tuyệt tác cộng thêm nội lực thâm hậu nhờ luyện tập Dịch Cân Kinh, nhưng Đại sư luôn luôn lấy cái tâm làm gốc. Đại sư luôn biết mình và biết người. Nhờ biết rõ về chính mình, Đại sư luôn hành xử phù hợp trong mọi hoàn cảnh, kể cả những lúc cần phải dùng võ công để phân rõ thật hư. Trong cuộc trò chuyện với Tả Lãnh Thiền – chưởng môn phái Tung Sơn, câu nói của đại sư làm cho chúng ta phải suy nghĩ, – Sống ở đời, người ta biết đến tài năng của mình thật là khâm phục, nhưng càng bội phục hơn khi cố dấu đi những tài năng ấy.[3]
Thưa bạn, sức mạnh của con người nằm ở chỗ nhận biết về sự thật của mình. Khiêm tốn sẽ giúp bạn nhận ra chính bạn rõ hơn và thật hơn.
Br. Huynhquảng
[1] Lược dịch của Sri Chinmoy
http://www.writespirit.net/stories_tales/stories_by_sri_chinmoy/humility_versus_pride/the_horse_that_wanted
_more_beauty/index.html(accessed May 15, 2012)
[2] Lược dịch từ, C.S. Lewis, http://artofmanliness.com/2008/05/25/the-virtuous-life-humility/(accessed May 20, 2012)
[3] Tóm lại theo giọng thuyết minh phim Tuyến Ngạo Giang Hồ.