Chuyện kể rằng, có một Thanh Sắt rất cứng chắc đến nỗi các loại dụng cụ khác không thể bẻ gãy hay uốn cong được nó. Một ngày nọ, Cây Rìu, Cây Cưa, Cây Búa, và Ngọn Lửa tranh tài với nhau xem ai là kẻ có sức mạnh làm cho thanh sắt biến dạng.
“Tôi chẻ đôi nó ra dễ dàng,” Cây Rìu lớn tiếng tuyên bố. Sau một hồi chặt chém, mũi Rìu cùn đi mà Thanh Sắt vẫn cứ trơ trơ không thay đổi. Cây Cưa quát lên, “Để đó cho tôi.” Chưa dứt lời, mũi cưa dí mạnh vào thanh sắt liên tiếp đẩy qua đẩy lại tạo nên những âm thanh ken két chói tai. Sau một hồi miệt mài cưa lui cưa tới, mũi Cưa dần dần mòn đi, nó từ từ cúi đầu bỏ cuộc. Cây Búa nổi giận quát, “Được rồi, để đó cho ta xem thử nó lì tới mức nào.” Tức thì Búa vung lên giáng xuống những cú đánh thật mạnh và chính xác vào Thanh Sắt. Những âm thanh bùm bùm liên tiếp vang dội một góc trời. Sau một hồi vung lên giáng xuống liên tục, Búa dừng tay nhìn Thanh Sắt và nhận ra rằng, khổ thay, Thanh Sắt vẫn như vậy, không hề thay đổi. Nhìn ba chàng Rìu, Cưa, và Búa mệt nhọc từ nãy đến giờ mà không làm gì được với Thanh Sắt, Ngọn Lửa lên tiếng, “Các anh hãy để tôi thử xem sao.” Cả ba bĩu môi nói, “chị Lửa yếu ớt kia ơi, quên nó đi, chị có sức đâu mà rờ tới nó.” “Vâng,” Ngọn Lửa đáp, “tôi yếu mềm lắm, vì chính sự yếu mềm ấy nên tôi sẽ bao trùm thanh sắt và sẽ ôm chầm lấy nó cho đến khi nó biến dạng mới thôi.” Nói rồi, phù phù hai tiếng, Ngọn Lửa bao trùm Thanh Sắt; một hồi sau, Thanh Sắt dần dần biến màu đỏ và hình dạng bị thay đổi bởi sức nóng của Ngọn Lửa.[1]
* * *
Kiên nhẫn bên trong chứ không phải sức mạnh hời hợt bên ngoài là yếu tố quyết định cho sự thành đạt của con người trong cuộc sống. Chính khả năng kiên nhẫn bên trong này giúp con người thành đạt ôm chầm lấy hoàn cảnh bất lợi mà không nao núng. Một học sinh không thể đạt được điểm tốt nếu cậu ta chỉ bạ đâu làm đó để biểu dương sự thông minh hơn người của mình. Một vận động viên không thể đạt được huy chương vàng chỉ sau một buổi tập luyện. Tất cả sự thành đạt của bất cứ cá nhân nào cũng được in dấu của sự quên mình, nước mắt, và cả máu qua những năm tháng kiên luyện như không có ngày mai. Như thế, sự kiên trì phải được bắt nguồn từ bên trong con người của mình. Chính sức mạnh bên trong này đã giúp ông Nelson Mandela dù trải qua 27 năm tù đày nhưng vẫn sống hiên ngang với tất cả dũng khí của người thắng cuộc. “Để tồn tại trong tù, tôi tập suy nghĩ, tập tìm niềm vui trong mỗi ngày sống… Như người làm vườn, anh ta phải gieo hạt, quan sát, xới đất, và gặt hái kết quả… người ta có thể tìm niềm vui bằng cách giặt áo quần mình sạch, bằng cách quét sạch bụi phòng mình, hoặc cũng như tôi sắp xếp phòng tù của tôi cho ngăn nắp. Sự vui thích này cũng dành cho những người đang tự do bên ngoài khi biết tìm thấy niềm vui trong những việc nhỏ thường nhật.”[2] Như thế đó, kiên nhẫn trong những việc nhỏ với một nội lực vĩ đại: Biết chấp nhận chờ đợi như một người làm vườn kiên nhẫn chờ hoa trái – không thể khác hơn được; vì “mọi sự đều có thời của nó.”[3]
Như câu chuyện nêu trên, hình ảnh ngọn lửa mời gọi ta ôm chầm lấy những hoàn cảnh trái ngang, bất lợi, thất bại. Chính khi ôm chầm lấy chúng, ta sẽ cảm được sự cần thiết trong những hoàn cảnh “bất lợi” ấy. Chính khả năng ôm chầm lấy những hoàn cảnh này, mà những con người vĩ nhân đã tìm thấy sức mạnh vô song trong nhiều năm tháng thất bại của họ. Đối với họ, sự thất bại trong tiến trình đi đến thành đạt là điều đương nhiên không thể thiếu. Người thường như chúng ta thường nhìn sự thất bại như một sự thua cuộc. Ít người trong chúng ta dám ôm sự thất bại, nhưng chúng ta thường khi gặp thất bại, chúng ta dễ dàng phủi tay ruồng bỏ nó. Chính khi phủi tay ruồng bỏ sự thất bại, chúng ta vô tình bỏ luôn yếu tố tích cực nhen nhóm hạt giống thành đạt ẩn chứa bên trong sự thất bại ấy. Mỗi hoàn cảnh xảy đến đều có tác nhân của nó. Vậy khi đã khởi sự một chương trình, một kế hoạch, một công việc, thì yếu tố thành đạt đã nằm ngay trong bước khởi sự rồi, không nhất thiết phải chờ đến kết quả như mong đợi mới gọi là thành đạt. Nếu không may gặp thất bại, kết quả không được như mong muốn, thì điều đó không có nghĩa là ta đã thất bại hoàn toàn, nhưng thật ra ta chỉ chưa đạt được kết quả hoàn mỹ như ta mong đợi thôi, chứ không phải ta thất bại. Hiểu như thế để chúng ta tiếp tục kiên nhẫn hoàn thiện những gì mình đã khởi sự. Hiểu như thế để thấy rằng tiến trình hoàn thiện con người mình thì quan trong hơn là kết quả bên ngoài và quan trọng hơn tiếng vỗ tay khen ngợi tán dương.
Để kết thúc, mục Sống Sao Cho Đẹp mời gọi bạn ngược dòng suy nghĩ và thử đặt mình vào vị trí của ông Nelson Mandela. Suốt 27 năm ngục tù ông đã nghĩ gì? Ông có biết thành quả mà ông mang lại cho dân tộc ông như hôm nay không? Ông có biết là nhiều người sẽ ngưỡng mộ ông như hôm nay không? Không, không hề biết, và không hề tìm kiếm cho riêng ông! Nhưng có một điều (có lẽ theo tôi nghĩ) ông biết chắc là ông phải sống từng ngày để hoàn thiện con người của ông, chỉ sống thôi để mong lý tưởng được thành đạt; và ít nhất là sống từng ngày chỉ để trung thành với lý tưởng ấy mà thôi, phải không bạn?
Fr. huynhquảng
[1] Lược dịch từ Brian Cavanaugh, The Sower’s Seeds (New York: Paulist Press, 2004), 57.
[2] Lược dịch từ Marianne Larned, Stone Soup for the World (California: Conari Press, 1997), 54.
[3] Br. huynhquảng, Kiên nhẫn, Bảy Ngôi Sao Sáng