Tây Du Ký là một tác phẩm kinh điển trong văn học Trung Hoa do tác giả Ngô Thừa Ân viết vào khoảng thế kỷ 16. Tây Du Ký miêu tả cuộc hành trình đi Tây Trúc (Ấn Độ) thỉnh kinh của Huyền Trang (Đường Tam Tạng). Trong cuộc hành trình này, bên cạnh Huyền Trang – nhân vật chính, còn có Tôn Ngộ Không (nửa người nửa khỉ), Trư Ngộ Năng (Bát Giới, nửa người nửa heo), và Sa Ngộ Tịnh (nửa người nửa trâu). Câu chuyện này phần nào miêu tả cuộc hành trình đi tìm chân lý của mỗi con người. Hay nói cách khác, trong hành trình tìm chân lý của chúng ta, ai ai cũng mang trong mình dáng dấp của bốn nhân vật trong câu chuyện. Trong chuyên đề Kiên nhẫn – Kiên cường hôm nay, mục Sống Sao Cho Đẹp xin mượn chuyện Tây Du Ký để bàn về sự kiên nhẫn trong hành trình đi tìm chân lý, hay cũng có thể nói là quá trình hoàn thiện chính mình. Trong quá trình này, thiện tâm được cho là yếu tố căn bản nhất.
* * *
Nhân vật được yêu thích nhất trong Tây Du Ký không ai khác hơn chính là Tôn Ngộ Không – nửa khỉ nửa người. Ngộ Không có nhiều phép biến hóa thần thông, có trí khôn hơn người, có tài lý luận. Trư Bát Giới – nửa người nửa lợn, dù đã gia nhập hành trình đi thỉnh kinh và can đảm bảo vệ cho Tam Tạng, nhưng cá tính của Trư Bát Giới vẫn hiếu sắc, lười biếng, và tham ăn. Sa Tăng – nửa người nửa trâu có sức mạnh, cần cù chịu khó trong hành trình thỉnh kinh. Cuối cùng, Tam Tạng mang hình ảnh con người bình thường. Dù không có khả năng biến hóa như Ngộ Không, không khỏe mạnh như Ngộ Tịnh, và không đam mê như Bát Giới, nhưng Tam Tạng có cái tâm và sự khao khát hoàn thiện chính mình, khao khát đi tìm chân lý. Trong hành trình đi Tây Trúc, Tam Tạng gặp nhiều thử thách, nghịch cảnh, khó khăn. Biết bao nhiêu yêu quái đã ngăn chặn Tam Tạng; biết bao nhiêu yêu nữ đã cám dỗ Tam Tạng bỏ cuộc hành trình tầm đạo; biết bao nhiêu cuộc bất bình cãi vả giữa các đồ đệ và họ đã bỏ Tam Tạng một mình; biết bao nhiêu lần Tam Tạng bị bắt với nhiều lời dụ dỗ ngọt ngào lẫn những đe dọa mất mạng,… nhưng Tam Tạng vẫn kiên nhẫn đi đến Tây Trúc; Tam Tạng vẫn quyết tâm thực hiện giấc mơ đi tìm chân lý và khao khát tìm gặp chân lý. Cuối cùng, Tam Tạng đã tới Tây Trúc như lòng khao khát của mình.
* * *
Bốn nhân vật trong Tây Du Ký miêu tả chân dung con người thật của mỗi chúng ta. Ai ai cũng có trí khôn lý luận như Ngộ Không. Sự thông minh của con người là có thật và hiện hữu trong mỗi con người. Ai ai cũng mang trong mình một chút của Bát Giới, của một chút đam mê danh –lợi – thú. Ai ai cũng có sức khỏe, sự can đảm, và sự cần cù như Ngộ Tịnh. Dầu ba nhân vật trên có một chút thông minh, có một chút dục vọng, có một chút sức khỏe, nhưng cả ba không thể đi tới Tây Trúc được, vì họ còn thiếu cái tâm. Và ngược lại, nếu chỉ có Tam Tạng hành trình một mình, thì Tam Tạng cũng không thể đi đến Tây Trúc được, vì chính nhờ ba đồ đệ mà Tam Tạng được giải cứu nhiều lần khỏi tay của yêu quái. Nói cách khác, cả bốn nhân vật cùng hành trình đến Tây Trúc, nhưng chính nhờ thiện tâm mà Tam Tạng đã chinh phục được yêu quái thành đồ đệ của mình. Nhờ thiện tâm mà Tam Tạng thêm kiên nhẫn và khao khát đi tìm chân lý dù gặp bao hiểm trở khó khăn. Nhờ thiện tâm mà Tam Tạng đã chinh phục được trí khôn, dục vọng, và sức mạnh để chúng trở thành đồ đệ phục vụ cho mục đích tìm chân lý. Chính thiện tâm giúp làm ngọn đuốc đi tìm chân lý chứ không phải những điều khác.
* * *
Bạn thân mến, sự kiên nhẫn – kiên cường mà chúng ta đang cùng nhau chia sẻ cũng cần phải xuất phát từ cái tâm. Hành trình hoàn thiện con người của bạn và tôi không phải là một kế hoạch ngắn hạn làm cho xong theo định kỳ, nhưng cần được bắt nguồn từ cái tâm muốn khao khát hoàn thiện, muốn gặp chân lý. Chính sự thiện tâm thúc đẩy ta tiếp tục vươn tới, tiếp tục ra đi, và tiếp tục sửa đổi dù khi có thất bại.
Thực ra, chúng ta tìm thấy bốn nhân vật trên ngay trong con người của mình qua từng ngày sống. Nhưng dù thế nào đi nữa, chính từ sự thiện tâm, chúng ta sẽ tìm thêm sức mạnh để tiếp tục kiên nhẫn. Chúng ta cầu chúc nhau thêm nghị lực để kiên nhẫn cho đến cùng.
Fr. Huynhquảng