Tại một khu làng nọ, nhiều người dân sống trong sự sợ hãi vì phía cuối làng có một hang động mang tên “Hang động sợ hãi.” Sở dĩ có tên gọi này là vì hể ai đi vào hang động thì nghe một tiếng thật ghê sợ và không thấy người ấy trở ra nữa. Mọi người trong ngôi làng tin rằng trong hang động đó có một con yêu quái kinh sợ; những tiếng kêu ghê sợ ấy như nhắc nhở người dân trong làng phải cúng nộp thức ăn hằng ngày cho nó nếu không muốn quái vật đi ra khỏi hang động để tìm thức ăn và bắt người. Vì lẽ đó, dân làng thay phiên nhau từng ngày mang thức ăn ngon đặt trước hang động để cho yên thân.
Vào một ngày nọ, có một vị khách đến thăm ngôi làng và nghe kể về “Hang động sợ hãi.” Anh liền tình nguyện đi vào hang động để giáp mặt với quái vật. Sự can đam của anh đã vượt qua sự ngăn cản của nhiều người. Cuối cùng, không thể thuyết phục được anh, dân làng cũng đưa tiễn anh đến hang động. Cuối cùng chỉ có mình anh tiến gần và từng bước cẩn thận vào hang. Với bó đuốc trên tay, anh chậm chậm tiến vào hang động; từng bước, anh tiến thật xâu vào hang. Bất thình lình anh nghe một tiếng hét rất nghê sợ phát ra và liền ngay sau đó anh bị một cú đánh bất ngờ và gục xuống; trong hoảng loạng tăm tối, anh thầm nghĩ là anh bị quái vật tát vào đầu anh. Anh la lên thật lớn với hy vọng dân làng trên miệng hang có thể nghe tiếng la của anh – tiếng kêu chào vĩnh biệt – “Tôi sắp bị quái vật nuốt chửng.” Sau tiếng la, anh bị choáng váng và bất tỉnh. Một hồi sau khi tỉnh lại, anh nghe tiếng nhạc ca hát và tiếng nói cười của một số người. Họ mời anh nhập bọn với họ. Họ cho anh biết, thực ra không có quái vật nào ở đây cả. Nhưng đây là sáng kiến của một vị bô lão trong làng để kiếm tìm người dũng cảm nhằm phục vụ và bảo vệ dân làng khi có nguy biến. Những ai vượt qua được quan niệm sợ hãi của xã hội và dư luận dựng nên, người ấy sẽ được chọn vào nhiệm vụ đặc biệt này – ngày ngày họ được học hỏi, luyện tập để trở nên những người tài giỏi; và cuối ngày, họ cùng chung vui những bữa tiệc thịnh soạn do người dân làng “cống nộp” cho họ trước cửa hang động[1].
* * *
Bạn thân mến, câu chuyện minh hoạ trên giúp chúng ta suy niệm về nhân đức dũng cảm – một trong bốn nhân đức nhân bản trong chủ đề nhân đức của mục Sống Sao Cho Đẹp.
Vậy dũng cảm là gì? Theo nghĩa nhân bản tự nhiên: Dũng cảm là khả năng dám đối đầu với khó khăn, sóng gió của cuộc đời và của chính bản thân mình. Còn theo nghĩa Kinh Thánh: Dũng cảm là khả năng dám đối đầu với khó khăn, sóng gió của cuộc đời và chính bản thân mình vì vâng lời Thiên Chúa với sự xác tính rằng Thiên Chúa sẽ trợ lực và giúp sức mình vượt qua thử thách. Hiểu được nhân đức dũng cảm, chúng ta nhận thấy sự cần thiết biết bao để sống và áp dụng nhân đức này trong cuộc đời chúng ta. Dũng cảm không chỉ giúp chúng ta cầm khí giới để bảo vệ quê hương dân tộc với một ý chí sắt đá, nhưng dũng cảm còn cần được giáo dục và luyện tập cho con tim và khối óc để khi đối diện với những sóng gió trong đời thường của mình, chúng ta cần có sự dũng cảm để đương đầu với thử thách nghịch cảnh.
Thực là như vậy. Một cậu học sinh cần được hiểu nhân đức dũng cảm để khi bước vào phòng thi với tất cả lòng kiên định hoành thành bài thi cho tốt thay vì là bước vào phòng thi với tâm trạng bị bắt buộc, nín lặng làm cho “qua phà.” Quyết định lập gia đình cũng là một sự dũng cảm với trách nhiệm xây dựng gia đình mới, thay vì là bước vào hôn nhân như một hành vi bị thôi thúc bởi tình cảm hời hợt chóng qua. Chọn lấy đời tu, khấn dòng để trở nên một tu sĩ, linh mục cũng là một hành động dũng cảm đối diện vời trăm bề thử thách trong tương lai mà mình không biết được. Chúng ta thật cần nhân đức dũng cảm biết bao để khi đã chọn rồi – dù ở bậc sống và ơn gọi nào, mỗi chúng ta cần tiếp tục chọn lựa để đi cho đến cùng – dù có lúc thất bại, chán chường, hay ngã quị – Dũng cảm giúp chúng ta đứng lên đi tiếp.
Thực ra, sự dũng cảm trên phương diện nào cũng được bắt đầu từ sự dũng cảm với chính mình. Nói cách khác, tất cả mọi sự chiến thắng đều khởi đi từ chiến thắng chính bản thân mình. Chúng ta cũng cần khiêm tốn thú nhận với nhau một thực tế của thân phận con người: Chiến đấu với chính bản thân mình là cuộc chiến cam go và khó khăn nhất. Thực vậy, điều trở ngại lớn cho việc tập luyện nhân đức chính là bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa hoàn hảo – “Tôi cần phải hoàn hảo; làm sao những lầm lỗi của tôi trong quá khứ có thể được tha thứ; tôi thật là người tội lỗi,…” Những lời kết án tương tự như trên tựa như những tiếng hét ghê sợ được phát ra ngay trong tâm hồn của chúng ta; chúng trở nên rào cản khó khăn nhất để chúng ta vượt qua chính mình và vượt qua sự sợ hãi – đó chính là cái “Hang động sợ hãi” sâu thẩm bên trong con người của mỗi chúng ta mà chúng ta không dám bước vào.
Thưa bạn, chúng ta được mời gọi để dũng cảm bước vào “hang động sợ hãi” trong chính con người của mình bằng việc ngẫm nghĩ và luyện tập nhân đức, đặc biệt nhân đức dũng cảm. Bước vào trong sâu thẳm của tâm hồn là bước vào cuộc đối diện với những “quái vật” – với những tiếng kêu la ghê sợ của sự phê bình, chỉ trích, dằn vặt và kết án. Nếu ta không bước vào đối diện với chúng, chúng mãi mãi sẽ làm ta khiếp sợ, mất tự do và phải tránh né nó một cách phi lý vô duyên. Với ơn Chúa và sự kiên trì dũng cảm tập luyện, cứ bước vào sâu thêm từng ngày trong “hang động sợ hãi,” dần dần ta sẽ khám phá ra những “quái vật” đó cũng chỉ là “quái vật” giả – hoặc nếu có thật, thì chúng cũng đã bị “đạp đầu” (x. Gn 3:15) từ lâu rồi.
Chúng ta cùng cầu chúc nhau thật dũng cảm bước vào “hang động sợ hãi” của lòng mình để được tham dự tiệc vui dành cho những người dũng cảm.
Fr. Huynhquảng
[1] Dựa theo “The Cave of Fear” trích từ http://freestoriesforkids.com/children/stories-and-tales/cave-fear