Tiệc cưới vừa tàn, cô dâu chú rễ cùng bà con bạn hữu đang quay quần chụp thêm những tấm hình như muốn níu kéo niềm vui đến bất tận. Bổng xuất hiện trước cổng là một người đàn ông chừng sáu mươi dáng thẳng đứng, da xạm đen, tay xách hai thùng nhựa với nhãn hiệu sơn Delux, tiến về nhà hàng và đi thẳng vào nhà bếp. Ít lâu sau, nặng nề nhưng nhanh nhẹn, ông xách ra hai thùng thức ăn thừa mứa, đặt lên sau xe Honda, buộc chặt và nổ máy chạy đi. Việc ông đến và đi nhanh nhẹn, âm thầm như chẳng ảnh hưởng đến ai, thế nhưng hai thùng thức ăn thừa ấy trở nên phần quà quí giá để ông bán lại cho người nuôi gia súc. Với vài chục ngàn đồng bán được, ông dành dụm để mua tả cho các “con” của ông. Ông có nhiều con lắm – tổng cộng gần bảy mươi người. Con của ông lạ lắm, có người ngoài bảy mươi và cũng có bé chỉ vài ba tuổi. Các con của ông, hầu như đều mắc chứng bệnh thiểu não, gọi ông là Thầy/Bố Châu. Theo ông, với loại bệnh này, các con của ông sẽ không có một tương lai nào cả – hằng ngày họ được nuôi ăn cho đến chết mà có lẽ xuốt đời, chúng cũng không thể nói được lời cám ơn. Ông gọi họ với tên không giống ai, nhưng rất thật: Người Không Có Tương Lai.
Thầy Châu là ai? Với nụ cười tươi, thầy Châu hóm hỉn chia sẻ, “Tôi bị mắc nợ mấy tháng với dòng Phan-xi-cô. Tu không được, nên về. Bầy giờ vẫn còn mang cái nợ này phải trả.” Sau khi lập gia đình, Thầy đã tình nguyện ôm “của nợ” này cách đây mười tám năm tại Khu L-C-D – làng Quảng Biên, từ đó Mái Ấm Phan Sinh được ra đời. Năm 2013, Thầy cùng với vợ con được định cư tại Hoa Kỳ, tuy nhiên, thầy cũng không đành bỏ “của nợ” ấy được. Thầy chia sẻ với gia đình: “Xin em và các con cho anh được về Việt Nam để lo cho “các con.” Anh biết anh có lỗi với em và gia đình, nhưng anh không thể để “các con” mồ côi được. Anh không lo cho các con thì ai sẽ lo cho chúng? Anh sẽ trở lại Chicago sau vài ba tháng.” Cứ như thế, vài ba tháng Thầy Châu lại về Việt Nam để thương yêu và chăm sóc cho các con của mình.
Tình yêu của Thầy Châu được thôi thúc mạnh mẽ từ câu lời Chúa: “Khi các con làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Thầy, là các con đã làm cho chính Thầy.” Thầy tâm sự một cách xác tín, “Vâng, mình đang làm cho Chúa.” Thầy tiếp, “Đây là những con người bé mọn và cùng mạt nhất rồi – không chỗ nào tệ và thấp hơn chỗ này. Các em mồ côi còn có tương lai, còn được học hành, ít ra cũng còn biết nói lời cám ơn. Còn những người ở đây vì họ là những người không có tương lai nên bị chê từ nhiều chỗ khác… Mình nuôi họ cho đến chết.” Tỏ dầu hiệu ưu tư, thầy tâm sự, “Không biết khi mình chết, ai sẽ thay mình để lo cho họ.”
Trong số một vài tình nguyện viên ít ỏi, Bình là người mới đển Mái Ấm Phan Sinh gần một tháng. Một thanh niên hai mươi mốt tuổi, đang làm công nhân lương một trăm ngàn đồng một ngày, bổng dưng bỏ ngang vào Mái ấm Phan Sinh để tình nguyện đổ bô, tắm rửa, và đút thức ăn cho những con người không hề biết nói lời cám ơn. Được hỏi động cơ nào Bình bỏ ngang công việc ổn định và tình nguyện gia nhập Mái ấm Phan Sinh để sống và chăm sóc cho những bệnh nhân này – đời Bình sẽ ra sao, không có tương lai? Nở nụ cười Bình thản nhiên trả lời: “Những người ở đây cũng đâu có tương lai đâu! Đâu cần nghĩ tới mình, miễn sao đời mình có ý nghĩa là được!”
Tấm lòng của Thầy Châu và bạn trẻ Bình phản chiếu một tình yêu chân thật và đậm nét của Đức Mến. Họ là những con người bình thường nhưng đang làm việc cao quí. Họ đặt đời mình trong sự vô định: Có an toàn nhưng chấp nhận rủi ro, có tương lai nhưng lại trao tương lai đời mình cho người tàn tật. Họ ấp ủ, đồng hành và hiện diện với những con người không có tương lai – để họ cũng trở nên những người không có tương lai.
Mục Sống Sao Cho Đẹp thân mời bạn cùng đồng hành với những Người Không Có Tương Lai một ngày, một tuần, hay một năm qua những khả năng trong tầm tay của bạn
Địa chỉ: Mái Ấm Phan Sinh. Tây Lạc, An Chu, Bắc Sơn, Huyện Trảng bom, Đồng nai. Điện thoại: 0937052410, 0909735430. Email: saomaichau@yahoo.com
Mục Sống Sao Cho Đẹp xin được kết thúc sau bài thứ 100 này. Cám ơn quí bạn đã đồng hành và chia sẻ với tác giả.
Thân ái,
Fr. Huynhquảng