Thầy Macarius (300 -391) nổi tiếng là vị ẩn tu thánh thiện trong sa mạc tại Ai-Cập; thầy thường được nhiều người tìm hỏi con đường nên thánh và cho lời khuyên dạy cho nhiều người đương thời. Một ngày kia, một thanh niên tìm hỏi thầy Macarius cách sống nào có thể giúp anh trở nên thánh thiện. Thầy Macarius bảo chàng thanh niên: “Con hãy ra nghĩa trang, hãy lấy đá ném vào những người đã chết, sau đó hãy thóa mạ và nguyền rủa họ thật lớn tiếng.”
Chàng thanh niên đến nghĩa trang và làm theo lời thầy Macarius; chiều tối chàng quay lại gặp thầy để chờ ý kiến. “Có chuyện gì không?” Thầy Macarius hỏi. “Dạ không, không ai trả lời và trả đủa cả.” Chàng thanh niên đáp. “Ngày mai hãy trở lại nơi ấy” thầy Macarius khuyên tiếp, “nhưng con hãy ca ngợi họ bằng những ngôn từ đẹp nhất, tán dương công trạng của họ và tôn phong họ như những vị thánh, những vị anh hùng.” Chàng thanh niên theo lời khuyên của Thầy. Hôm sau, chàng ra nghĩa trang và làm theo lời thầy dặn. Cuối ngày chàng trở về gặp thầy. Cũng như hôm qua, chàng thanh niên đáp: “Vẫn y như hôm qua. Họ không nói lời nào, chỉ im lặng.” Thầy Macarius tiếp, “Đó mới là thánh nhân. Con hãy đi và thực hành điều này: Dù người ta khen hay chê, điều đó cũng không thêm bớt điều gì cho con – con vẫn là chính con.”[1]
Bạn thân mến, thân mời bạn cùng tác giả học hỏi nhân đức tiết độ của mục Sống Sao Cho Đẹp trong kỳ này. Cũng như mọi nhân đức khác, tiết độ nhằm mục đích giúp con người chúng ta hoàn thiện hơn, và tự do hơn. Tiết độ giúp ta làm chủ con người của mình, nhất là giúp chúng ta lấy lại sự cân bằng khi sử dụng của cải vật chất cũng như khi đối diện với những cảm xúc tình cảm thái quá trong mỗi chúng ta. Không tập nhân đức tiết độ, ta dễ trở nên nô lệ cho của cải vật chất và những cảm xúc dục vọng thái quá. Như thế đã rõ, tiết độ giúp ta được tư do và trưởng thành hơn trong tiến trình làm người. Tuy nhiên, tiết độ không phải là bài tập thực hành một lần là xong, nhưng là bài học liên lĩ trong đời người.
Khi bàn đến tiết độ, chúng ta không thể không nói đến những khát vọng và ước muốn của con người. Tự trong sâu thẳm, mỗi chúng ta luôn tiềm ẩn những ước muốn rất sâu, rất thực, và mạnh mẽ. Những ước muốn này tựa như những bản năng thôi thúc chúng ta tìm – kiếm – và giữ lấy cho mình. Chúng ta muốn được ăn no, muốn mặc đẹp; chúng ta muốn được an toàn, được sức khoẻ; chúng ta muốn được tôn trọng và yêu thương. Tuyệt vời thay, những ước muốn đã có sẵn trong con người mà không cần phải rèn luyện hay thực tập. Như thế những ước muốn sẵn có này như là những quà tặng – chúng đáng phải cho chúng ta hãnh diện về chúng – về khả năng tiềm tàng ẩn chứa trong mỗi con người. Chúng trở nên những khát vọng vô cùng để giúp ta vươn tới, để tiến lên, để hoàn thiện. Thật tốt và may mắn cho chúng ta với những ước muốn và khát vọng này. Khi không còn ước muốn và khao khát, con người mất nội lực để vươn lên, để hoàn thiện. Hiểu như thế, để dù bất cứ ước muốn và khát vọng nào – tự trong sâu thẳm, chúng như là ngọn lửa than ngầm sẵn sàng bùng cháy. Vì lẽ đó, những ước muốn và khát vọng có sẵn trong con người của chúng ta cần được điều chỉnh và điều hoà như dòng điện được biến thế cho việc thắp sáng.
Nhân đức tiết độ không nhằm mục đích dập tắt những ước muốn và khao khát trong con người mình, nhưng nhân đức này giúp ta điều hợp những ước muốn nội lực ấy một cách có hiệu quả – nhằm giúp ta lớn hơn, trưởng thành hơn, và hoàn thiện hơn. Nói cách khác, tiết độ không có nghĩa là từ bỏ, là cắt đứt, nhưng là nhận ra khả năng làm chủ của mình trước những ước muốn hay cảm xúc có thể ập đến với chúng ta bất cứ lúc nào. Mọi hành động của con người điều được hình thành từ lối suy nghĩ. Chúng có thể đã ẩn chứa trong tiềm thức, vô thức, và nổi lên trong ý thức; sau đó sẽ dẫn đến hành động. Như thế, để có thể tập nhân đức tiết độ, trước hết và trên hết, chúng ta cần tập cho chúng ta có khả năng làm chủ dòng suy nghĩ của mình. Chúng ta được mời gọi gội rửa từng ngày lối suy nghĩ bất chính, nhỏ hẹp, dục vọng ích kỷ, hay tham lam. Chúng là hậu quả của những lần chúng ta bị ô nhiễm bởi môi trường sống mà chúng ta – một cách vô tình hay chủ ý, đã để cho mình bị vẫn đục. Cần gội rửa từng ngày với dòng nước trong sạch mới có thể điều chỉnh lại lối suy ghĩ của mình.
Cũng như câu chuyện của thầy Macarius và chàng thanh niên trên, thầy chỉ con đường thánh thiện mà chàng thanh niên nên theo – không phải con đường từ bỏ điều gì lớn lao bên ngoài, nhưng chính là tập làm chủ lấy suy nghĩ của mình – Sự thánh thiện không lệ thuộc vào lời phê bình hoặc ca tụng của người khác, nhưng tuỳ thuộc vào khả năng điều chính những khát vọng của mình và hướng chúng đến sự viên mãn. Dù được khen ngợi hay bị phê bình, xét cho cùng, chúng cũng không thể thay đổi vận mạng con người mình nếu mình đừng để chúng khống chế đời mình.
* * *
Chuyện một cậu bé trai và bé gái chơi chung với nhau. Cậu bé có nhiều viên bi sáng trong, trong khi cô gái có những viên kẹo ngọt thơm. Cậu bé đề nghị với cô gái là hãy đổi cho cậu kẹo ngọt, phần cô gái nhận lại những viên bi sáng trong. Cô bé đồng ý và đưa kẹo cho cậu bé. Phần cậu bé, cậu thò tay vào túi và đưa cô bé những viên bi cho cô bé, trừ viên lớn nhất và đẹp nhất. Tối hôm ấy, cô gái ngũ thật ngon và vui thích với những viên bi mình đang sở hữu. Còn cậu bé không thể ngũ được vì cậu cứ băn khoăn rằng liệu cô bé có giữ viên kẹo to và ngọt nhất như cậu đã giữ lại viên bi to và đẹp nhất không?[2]
Câu chuyện thật giản dị nhưng thâm thuý. Từ đâu mà hai đứa bé có hai lối suy nghĩ khác biệt nhau như thế? Khi để dòng suy nghĩ dục vọng ích kỹ chiếm hữu chúng ta, chúng ta mất quân bình. Hành động chọn giữ lại viên bi lớn nhất là hậu quả của sự thiếu khả năng tiết độ trong suy nghĩ. Còn hành động vô tư cho hết kẹo của bé gái là hoa quả của lối suy nghĩ tiết độ – không ích kỷ lo cho mình.
Lời mời gọi cho tôi và bạn là cùng giúp nhau tạo lối suy nghĩ tiết độ – không ích kỷ lo cho mình, để mình được tự do hơn và bình tâm hơn mà ca tụng Chúa.
“Xin cho điều con mặc niệm trong tâm
và lời con thốt ra từ môi miệng,
luôn đẹp ý Ngài,
lạy Thiên Chúa là đá tảng và là Đấng Cứu Độ con” (Ps. 19:14).
Fr. Huynhquảng
[1] Belden Lane, Desert Catechesis: The Landscape and Theology Early of Christian Monasticism, p.169 (Anglican Theological Review,1993).
[2] http://academictips.org/blogs/give-your-best-to-relationships/(accessed, July 26, 2012)