Hôm nay, để minh họa cho đề tài sống hiện tại mà chúng ta đang học hỏi, mục Sống Sao Cho Đẹp xin mượn nhân vật Lệnh Hồ Xung trong tác phẩm võ hiệp lừng danh Tiếu Ngạo Giang Hồ của Kim Dung. Nhân vật Lênh Hồ Xung không phải là một nhân vật hoàn hảo, nhưng là một nhân vật được Kim Dung mượn để nói lên vấn nạn của con người qua nỗi trăn trở về “phe chính” và “phe tà” trong chốn giang hồ. Nói cách khác, đó là sự kiếm tìm không ngơi nghỉ đâu là đúng, đâu là sai trong xã hội cũng như trong mỗi tâm hồn con người. Làm sao ta bảo đảm được những chọn lựa của ta hôm nay sẽ cho ta tương lai ổn định? Làm sao ta biết những chọn lựa của ta là đúng và thuận lòng trời? Xin được nêu lên hai ví dụ sau để minh họa cho vấn đề trên.
Thứ nhất, thời gian bị lưu đày sám hối trên ngọn núi Hoa Sơn, Lệnh Hồ Xung may mắn được Phong Thanh Dương truyền thụ cho Độc Cô Cửu Kiếm. Trong quá trình tập luyện kiếm pháp, Lệnh Hồ Xung thường bị lẫn lộn giữa kiếm pháp cũ của phái Hoa Sơn mà mình đã học từ nhỏ và kiếm pháp Độc Cô Cửu Kiếm mà mình vừa với học. Sự phân vân do dự này làm cho Lệnh Hồ Xung tự hỏi là mình có nên tiếp tục luyện Độc Cô Cửu Kiếm hay không? Nhận ra sự khó khăn này của Lệnh Hồ Xung, Phong Thanh Dương đã chỉ giáo cho Lệnh Hồ Xung như sau: Việc luyện kiếm phải được ví như “nước chảy mây trôi.” Nhờ lời chỉ giáo này, Lệnh Hồ Xung đã luyện thành công Độc Cô Cửu Kiếm.
Thứ hai, sau khi vô tình học được Hấp Tinh Đại Pháp của giáo chủ ma giáo Nhậm Ngã Hành, nội công của Lệnh Hồ Xung trở nên rất thâm hậu. Tuy nhiên việc tự học này cũng có mặt hạn chế của nó. Vì tất cả các luồng chân khí đôi khi xung khắc nhau làm cho cơ thể nóng lên và đau đớn. Biết được nhược điểm này, Nhậm Ngã Hành muốn giúp Lệnh Hồ Xung hóa giải chúng nhưng với điều kiện Lệnh Hồ Xung phải gia nhậm ma giáo. Lệnh Hồ Xung thầm nghĩ: Mạng sống mình còn sống được ngày nào là may mắn ngày đó, hà tất gì mà phải lệ thuộc vào ai. Với suy nghĩ này, Lệnh Hồ Xung chấp nhận mang sự bất toàn trong cơ thể để sống đúng với lòng mình.
* * *
“Triết học và tôn giáo phiêu lưu qua bao dòng suối dòng sông, cuối cùng cũng chỉ đến được một bến tiêu sơ: trở về lại lòng ta.”[1] Đó là lời nhận định của nhà văn Nguyễn Mộng Giác. Đúng như vậy, cuộc sống con người với nhiều trăn trở, phân vân cho tương lai cho ngày mai cũng ví như chàng Lệnh Hồ Xung phân vân trong việc luyện kiếm cũ hay kiếm mới. Luyện kiếm như “nước chảy mây trôi” cũng như là lời nhắc chúng ta rằng chúng ta hãy cứ sống tự nhiên như trong một dòng suối chảy. Nghĩa là trong giây phút này, trong hoàn cảnh hiện tại này mà chúng ta đang sống, đang hiện hữu thì chúng ta hãy cứ sống trong đó một cách tròn đầy, không khao khát thay đổi hay trốn chạy. Cái gì đến rồi nó cũng sẽ đến và rồi nó cũng sẽ đi. Hoàn cảnh khó khăn đến rồi nó cũng sẽ đi như dòng nước vậy.
Sau khi luyện Hấp Tinh Đại Pháp, Lệnh Hồ Xung thà chấp nhận những giới hạn và trở ngại của môn công phu này, chứ chàng không chịu qui đầu vào ma giáo để tìm cách giải quyết những trở ngại này. Chấp nhận sự bất toàn trong thể lý để hoàn thiện tinh thấn chính mình; chấp nhận trong sự thiếu thốn từ ngoại cảnh, để để lòng mình được no thỏa với ý chí tự chủ làm người. Đó là sống trong hiện tại với tất cả ý thức về phẩm giá của mình – sống thật với lòng mình.
Bạn thân mến, sống hiện tại không có nghĩa là đã thoát ra khỏi những giới hạn, những bất toàn của kiếp người. Những khiếm khuyết vẫn còn đó, những vấp ngã vẫn có thể xảy ra, nhưng sống hiện tại giúp đưa ta về thật với con người của mình, về với lòng mình. Dù khiếm khuyết có hiện hữu trong ta, nó cũng chỉ hiện hữu trong giây phút này mà thôi; sau một giây, nó cũng bị trôi theo dòng thời gian. Thưa bạn, “Sống hiện tại là [sống cho] tất cả.”[2]
Br. Huynhquảng
[1] http://nguyenmonggiac.info/index.php/vi/noi-ban-khoan-cua-kim-dung/473-nhung-buoc-vo-chieu-cua-lenh-ho-xung.html?start=1 (accessed July 27, 2010).
[2] D.H. Lawrence, http://www.quotegarden.com/live-now.html