Kính thưa quí bạn, cuộc sống con người vốn ngắn ngủi nhưng thật nhiều biến động thay đổi. Sự sống của mỗi con người chỉ kéo dài nhiều nhất khoảng chừng 100 năm; đa số con người chỉ sống được 70 năm là hết. Nhưng dù sự sống con người vắn vỏi như vậy, nhưng khát vọng của họ thì vô cùng. Ai ai cũng trải qua những năm tháng khắc khoải kiếm tìm cái gọi là “hạnh phúc, bình an, êm đềm.” Dù những tên gọi có thể khác nhau, nhưng xem chừng như bao lâu trái tim con người còn đập, thì khát vọng mong được lấp đầy, mong được no thỏa vẫn là một điều gì đó mà con người luôn mong ước, hoài vọng.
Vậy thời gian nào là thời gian hạnh phúc nhất của một đời người? Có người cho là tuổi thơ là thời đẹp nhất của đời người. Có người cho là thời thanh niên khi biết yêu, hẹn hò là thời gian đẹp nhất, hạnh phúc nhất. Và cũng nhiều người cho là khi người ta bắt đầu nghỉ hưu nhìn con cháu xum họp vây quanh mình thì đó là lúc bình an đẹp nhất. Vậy theo bạn, lúc nào là đẹp nhất, hạnh phúc nhất, hoàn mỹ nhất trong đời bạn?
Hôm nay, mục Sống Sao Cho Đẹp kính mời quí bạn chuyển qua một đề tài mới, Sống Hiện Tại, một đề tài xem chừng như khô khan, không hấp dẫn, nhưng nó thực sự thiết thực và hữu ích cho cái mà chúng ta dành cả đời mình để kiếm tìm và lấp đầy. Thực ra cái mà chúng ta khát vọng mong được lấp đầy không gì khác hơn chính là “hạnh phúc, bình an” cho cuộc đời của mình.
* * *
Anthony de Mello kể rằng, có hai người làm nghề đánh cá. Một người làm việc rất cực nhọc cả ngày đêm; anh mong ước kiếp thật nhiều tiền để có một cuộc sống sung sướng và thoải mái. Ngược lại, người kia làm việc chăm chỉ, nhưng chừng mực; anh hy vọng việc đánh bắt cá sẽ giúp anh có một cuộc sống ổn định và bình an.
Một ngày nọ, người mong kiếm được nhiều tiền qua việc đánh bắt cá thấy người kia đang nằm ung dung hút xì-gà trên bến thuyền, anh ta liền hỏi: “Này bạn, sao bạn không lo đánh cá mà nằm thoái mái như vậy?” Anh hút thuốc trả lời, “Đánh bắt cá nhiều để làm gì?” Người kia đáp, “Để có thêm nhiều tiền.” Người hút thuốc hỏi tiếp, “Thêm nhiều tiền để làm gì?” “Để tôi mua thêm tàu lớn.” Anh làm việc vất vả trả lời. Nhưng người hút thuốc hỏi tiếp, “Anh mua thêm tàu lớn để làm gi?” Người kia đáp, “Thì tôi sẽ đi xa bờ và đánh bắt thêm nhiều cá.” Anh hút thuốc tiếp tục, “Sau khi bắt được nhiều cá anh làm gì?” “Thì tôi sẽ có thêm tiền.” “Rồi anh sẽ làm gì với số tiền ấy?” Anh hút thuốc hỏi. Người kia đáp, “Sau khi có nhiều tiền tôi sẽ nghỉ ngơi thoái mái.” Người hút thuốc với điếu xì gà trên tay phì phà nói, “Cần gì phải đợi đến lúc đó. Những gì mà anh đang mệt nhoài để mong thưc hiện được trong tương lai thì tôi đang làm một cách dễ dàng ngay bây giờ.”
* * *
Quí bạn thân mến, câu chuyện trên minh họa cho chúng ta thấy rằng giá trị của giây phút hiện tại thật cao quí. Hiện tại mới quyết định giá trị đời người và khả năng làm người của chúng ta chứ không phải tương lai hay quá khứ. Thật buồn thay, những toan tính, âu lo cho tương lai là một căn bịnh của nhiều người trong thời đại chúng ta. Con người thời đại văn minh ngày nay xem chừng như biểu lộ sự “chao đảo, lo lắng” cho tương lai hơn là thời đại trước. Những gia đình sống tại Việt Nam chỉ là những nông dân cày cấy chỉ đủ miếng ăn, nhưng xem chừng như tinh thần họ mạnh mẽ hơn những người có bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm nhân thọ tại Âu Mỹ. Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng, có tiền chưa chắc đã là “ổn định, bình an, hạnh phúc.” Hóa ra, mối nguy hiểm không phải là ở chỗ có tiền hay không có tiền, nhưng mối nguy hiểm nằm ở chỗ lo sợ về cuộc đời của mình đang ở phía trước. Lo cho sự an toàn, ổn định là nổi lo đáng sợ nhất của con người thời nay. Cái “ngày mai ấy, năm tới ấy, tuổi già ấy” trở thành một thứ ám ảnh và lo âu cho nhiều người vốn đã có đầy đủ bảo hiểm. Cũng vì tương lai mà hôm nay tôi phải “cày” hai ba việc; chỉ vì tương lai mà tôi phải làm cả ngày Chúa nhật. Chỉ vì tương lai mà tôi làm việc đến nổi tôi quên mất những người thân, gia đình và bạn hữu của tôi.
Quí bạn thân mến, ai sẽ bảo đảm là những vun đắp thiếu trách nhiệm của bạn hôm nay sẽ cho bạn một tương lai ổn định? Nếu hôm nay bạn không sống đủ trách nhiệm cho sức khỏe mình, cho gia đình mình, cho người thân mình, thì liệu rằng trong tương lai bạn sẽ sống có trách nhiệm cho mình và cho họ?
Br. Huynhquảng