Kính thưa quí thính giả, mục Sống Sao Cho Đẹp tuần này xin tiếp tục gởi đến quí thính giả đề tài: Tha Thứ – Hòa Giải. Trong tuần này, chúng ta sẽ học hỏi về chủ đề: Tha Thứ Vô Điều Kiện.
Thưa quí vị, đâu là sự khác biệt của một người lính cộng sản và một vị thánh nhân tử đạo khi cả hai đều nằm xuống? Xét về mặt tự nhiên, một cách khách quan chúng ta thấy rằng: cả hai đều hy sinh mạng sống của mình cho một lý tưởng. Người lính cộng sản có thể chết đi vì họ bảo vệ lý tưởng cộng sản của họ, và thậm chí có người cầm súng chiến đấu vì bảo vệ quê hương, đất nước. Cũng vậy, khi một thánh nhân bị giết thì họ chết vì một lý tưởng và niềm tin mà họ muốn dùng mạng sống để bảo vệ lý tưởng niềm tin ấy. Nếu xét về những phương diện trên, chúng ta có thể nói rằng: cái chết của cả hai đều có giá trị gần như nhau, vì cùng mục đích là chết vì một lý tưởng mà mình theo đuổi. Nhưng thực ra, trong hoàn cảnh thực tế cho chúng ta thấy rằng. Cái chết của cả hai người hoàn toàn khác nhau, và giá trị cho mỗi lý tưởng cũng khác nhau.
Khi người cộng sản trước khi nhắm mắt, họ sẽ nói với người đồng đội của mình đại ý như sau: Anh hãy cầm súng và trả thù cho tôi. Ngược lại một vị thánh tử đạo khi nằm xuống, ngài sẽ nói với anh em mình đại ý như sau: Xin anh chị hãy tha thứ cho người hãm hại tôi; tôi đã tha thứ cho ngừoi hãm hại tôi rồi. Đó chính là điểm khác biệt lớn lao nhất và căn bản nhất của người lính cộng sản và bậc thánh nhân. Thánh nhân là người tha thứ cho kẻ hại mình vô điều kiện. Họ hiểu rằng, tha thứ giúp cho họ hoàn thành sứ mạng làm người một cách hoàn hảo hơn và giá trị hơn.
Simon Wiesentha là tác giả của tác phẩm nổi tiếng The Sun Flower, tạm dịch: Hoa Hướng Dương. Ông là nạn nhân của chế độ độc tài Đức Quốc Xã, và đã trải qua nhiều năm trong các trại tập trung. Ông đã chứng kiến hàng ngàn người đồng hương của mình bị giết bởi những người lính Đức. Với thân phận là một tù nhân có thể bị giết lúc nào, ông đã chạm thấu được nỗi bất hận của một kiếp người. May mắn thay, ông được sống sót và thuật lại câu chuyện sau đây trong tác phẩm Hoa Hướng Dương.
Một buổi nọ, khi ông đang lao động như thường lệ trong một trạm xá của trại tập trung, ông được một người lính Đức nằm trên giường bệnh gọi ông tới để trò chuyện. Người lính với giọng nói thều thào, yếu ớt như người sắp chết, đã thú nhận với ông những tội ác mà anh đã thực hiện đối với người Do Thái. Người lính đã cho biết là anh ta đã giết nhiều người Do Thái, anh đã hãm hại nhiều nạn nhân vô tội…Giờ đây trước khi chết, anh lính này chỉ có một ao ước duy nhất là gặp một người Do Thái và nói lời xin lỗi, và mong nhận được lời xin lỗi của mình.
Sau khi nghe người lính kể lễ, ông Simon không nói lời nào và đã bỏ ra khỏi phòng trạm xá ấy. Kết thúc cuốn sách Hoa Hướng Dương, ông Simon đã đặt câu hỏi với đọc giả rằng: Nếu bạn là tôi, bạn sẽ hành xử như thế nào? Bạn có tha cho anh ta hay không? Cuốn sách không cho biết là tác giả đã trả lời như thế nào, nhưng phần trả lời là của đọc giả và của mỗi người chúng ta.
Kính thưa quí vị, câu chuyện trên đây của ông Simon Wiesentha bộc lộ rõ sự nhức nhối ray rứt trong mối quan hệ giữa con người với nhau. Nói cụ thể, việc tha thứ cho nhau không phải là chuyện dễ dàng. Tha thứ nó đòi hỏi một sự bỏ mình thật sự và phải có một quyết tâm chiến đấu với cái tôi ích kỷ của mình thì mới hy vọng thực hiện sự tha thứ được.
Chúng ta thường gặp thấy nhiều người trong chúng ta vẫn mạnh mẽ nói rằng: Tôi sẽ tha thứ cho anh nhưng với điều kiện là anh phải nói lời xin lỗi tôi trước. Tôi không giận anh đâu, tôi chỉ cần anh tỏ thái độ ăn năn hối lỗi thì tôi sẽ tha cho anh. Hay kiểu lập luận, “Đánh kẻ chạy đi, chứ khống ai đánh kẻ chạy lại.” Những lập luận trên xem chừng rất logic và vẫn diễn ra hằng ngày trong đời sống của chính chúng ta. Nhưng rõ ràng, những thái độ xem chừng như rất hợp lý ấy, không phải là thái độ biểu hiện sự tha thứ. Tha thứ là biểu hiện sự cao thượng và quảng đại chứ không không phải là hành động trao đổi xòng phẳng như mua bán, đổi chác hàng hóa.
Khi nói đến tha thứ là chúng ta nên nói đến tha thứ vô điều kiện. Vì thực ra, nếu còn điều kiện thì không phải là tha thứ nữa. Những va chạm xe cộ trên đường phố, những lầm lỗi do mình vô tình gây ra cho những người bạn trong công sở, những lần chạy xe quá tốc độ,…mà trong chúng ta ai ai cũng không ít lần gây ra; thì trong những lần sai lỗi ấy, chính chúng ta cũng là những con người mong muốn được tha thứ hơn bao giờ hết! Hằng ngày chính chúng ta cũng mong nhận được sự tha thứ vô điều kiện, vậy tại sao chúng ta lại đòi hỏi điều kiện thì mới có thể tha thứ cho người khác được, nhất là những người thân của mình?
Thưa bạn, tha thứ không làm giảm giá trị con người của bạn, ngược lại tha thứ càng làm cho giá trị con người của bạn nên cao đẹp và hoàn mỹ hơn.
Br. Huynhquảng