Trong Dung Mạo của Lòng Thương Xót (Misericordia Vultus) – tông sắc công bố Năm Thánh ngoại thường (8-12-2015 đến 20-11-2016), Đức Thánh Cha Phan-xi-cô mời gọi chúng ta mở lòng để nhận ra dung mạo của Thiên Chúa. Xét về ngôn ngữ, từ “misericordia” được kết hợp từ “miseri” nghĩa là “người nghèo, người đau khổ;” và từ “cord” nghĩa là “trái tim.” Như thế, dung mạo của Thiên Chúa được biểu lộ qua trái tim của Người – Trái Tim dành cho người nghèo khổ và tội nhân. Và quả thật là như thế, có ai trong thế giới mà không là tội nhân và gặp đau khổ. Vì thế, mỗi một cá nhân đều trở nên đối tượng trực tiếp cho lòng thương xót của Thiên Chúa – Đấng “giàu tình thương và lòng thành tín” (Tv 86:15).
* * *
Đứa con trai độc nhất của bà Thomas Ann Hines, sinh viên năm thứ nhất đại học, với một tương lai nhiều hứa hẹn, bổng dưng bị bắn chết bởi một sinh viên mười bảy tuổi sau khi đã cho cậu này lên xe đi chung với con bà một đoạn đường. Không một ai và chẳng điều gì có thể lột tả hết nổi căm hận và đau đớn trong trái tim của bà Ann. Trái tim của bà đã hoàn toàn mất niềm tin và cuộc đời – một cuộc đời không có hy vọng, không có tương lai, không có lý tưởng, mà chỉ thay vào đó là những ý tưởng của căm hận thủ phạm, căm hận cuộc đời, và căm hận chính mình.
Sau mười ba năm rên xiết với vết thương của cuộc đời, bà quyết định vào trại tù của thủ phạm để hỏi lý do tại sao thủ phạm lại giết con của bà. Đối diện với thủ phạm – một tù nhân gục mặt trên bàn và với những tiếng nấc ngẹn ngào – bà Ann đã đụng chạm được lòng thương xót và nhân hậu – không phải cho ai khác, nhưng là cho chính bà để bà được giải thoát. Được các ký giả hỏi lý do tại sao bà có thể trò chuyện và tỏ lòng tha thứ cho thủ phạm, bà Ann không ngần ngại đám: “Nếu người ngồi đó là con trai của tôi thì sao? Nó cũng rất cần một bàn tay của ai đó nâng đở và đứng dậy.”[1]
Câu chuyện trên không chỉ làm cho ta cảm động nhưng cũng đánh thức lòng thương xót và nhân hậu ngay trong con người của mình dù mình có bị lảng quên. Hơn ai hết, chính ta cần biết thương xót và cảm thông với chính mình – một thân phận con người bị giằng xé đấu tranh quyết liệt giữa ánh sáng và bóng tối, giữa sự thiện và sự ác, giữa điều mình muốn và không muốn, giữa tinh thần và thể xác. Hai thế lực này luôn xung khắc trong chính bản thân của ta và làm cho ta bị thúc dục làm điều mình dù không muốn, nhưng mà lại cứ làm (cf. Rm 7:19). Có ai muốn nói xấu đâu, thế mà ta vẫn nói xấu; có ai muốn ích kỷ đâu, thế mà ta vẫn ích kỷ; có ai muốn trộm cắp đâu, thế mà vẫn trộm cắm. Ai ai cũng muốn làm điều tốt, nói điều tốt, thế mà mỗi ngày ta vẫn làm điều xấu, nói điều xấu. Ai cũng muốn yêu thương, nhưng cư xử lại là sự thù hận; ai cũng muốn sống trong sạch, thế mà vẫn phạm lỗi khiết tịnh; ai cũng muốn kính trọng chăm sóc cha mẹ, thế mà mở miệng vẫn là sự chua chát kể lễ, so đo. Đó chính là con người tội nghiệp của ta! Ta đáng thương lắm và cần được thương xót lắm. Sự thương xót ấy cần phải được khởi sự từ chính bản thân của ta – một con người nhận ra sự hoàn toàn bất lực khi đương đầu với bóng tối và tội lỗi. Sự thương xót ấy cần khởi sự từ chính Thiên Chúa là Đấng luôn luôn giàu lòng thương xót và yêu thương ta (cf. Eph 2:4). Sự thương xót ấy cần khởi sự từ niềm hy vọng và cậy trong vì biết rằng một Thiên Chúa không bao giờ thất vọng về chính con người ta – Ngài luôn luôn hy vọng vào ta. Thương Xót và Nhân Hậu trở thành chiếc cầu nối dẫn từng bước chân ta gần lại với Thiên Chúa, với con người và với chính mình. Ai đã đặt nền móng cho chiếc cầu ấy? – Thưa đó là Đức Kitô đã hạ mình khiêm tốn biểu lộ Dung Mạo Thương Xót trên chiếc cầu Thánh Giá, “Hôm nay, ngươi sẽ ở trên Thiên Đàng với Ta” (Lk 23:43). Đó chính là Dung Mạo thật của Thiên Chúa – bất chấp tất cả những gì ta đã xúc phạm đến ngài, miễn là biết nhận ra sự bất lực để van xin: “Xin nhớ đến con khi về nước của Người” (Lk 23:42).
* * *
Theo TGM Fulton Sheen, khi diện kiến Thiên Chúa, có ba điều làm chúng ta hết sức ngạc nhiên: (1) Có những người chúng ta tưởng là họ sẽ ở trên Thiên Đàng, nhưng chúng ta không thấy họ ở đó. (2) Có những người chúng ta không bao giờ nghĩ là họ có thể được vào Thiên Đàng, nhưng họ lại có đó. Và cuối cùng, (3), chúng ta cũng sẽ ngạc nhiên vì chính chúng ta cũng ở trên Thiên Đàng vì nhờ vào lòng Thương Xót hãi hà của Chúa.
Thưa bạn, nếu bà Ann không can đảm đối diện với người thủ phạm gây ra cái chết cho con bà, ta cũng không thể biết được liệu những gánh nặng của hận thù và thất vọng sẽ kéo lê cuộc đời của bà thêm bao nhiêu năm nữa?! Chắc chắn một điều bà Ann không thể cản nghiệm thế nào là lòng thương xót và nhân hậu nếu bà tiếp tục sống trong oán hận thù hằn. Lý luận của bà Ann với chính mình – “Liệu người ngồi sau song sắt là con bà…,” nhắn nhủ ta một lý luận sâu thẳm hơn đến từ Thiên Chúa – “Liệu có người mẹ nào lại có thể quên đứa con của mình?… Dù người mẹ ấy có quên nó đi chăng nữa, phần Ta, Ta sẽ không bao giờ quên người” (cf. Is 49.15). Lời Chúa cũng cố lòng tin và tín thác của ta vào lòng thương xót của Thiên Chúa; chắc một điều Thiên Chúa sẽ không thể làm ngơ khi ta gục đầu van xin lòng thương xót của Ngài.
Fr.Huynhquảng
[1] Joan Chittister, God’s Tender Mercy (Twenty Third Publication, 2010) 8-10.