Cũng như tất cả thành viên của hội AA (Alcoholics Aanonymous), lời đầu tiên của John trong những cuộc họp mặt thường lệ chính là: Tôi là người nghiện rượu.
John bắt đầu uống rượu từ rất trẻ và ngày càng lún sâu vào việc nghiện ngập. Không cần phải nói, thể xác và tinh thần của John mỗi ngày mỗi tồi tệ; đời sống cá nhân cũng như gia đình của anh đều bị ảnh hưởng nặng nề. Dầu vậy, hậu quả lớn nhất mà John phải chịu đó chính là ám ảnh của sự sợ hãi. John không bao giờ hài lòng về chính mình và không bao giờ cảm thấy tự tin về những thành quả trong cuộc đời mình vì nổi mặc cảm quá lớn: Mình là một con nghiện. Điều này làm John luôn sống trong sự sợ hãi; John không thấy bình an và tự tin nếu John không được khen ngợi. John luôn sống trong thái độ chờ mong được động viên, khen ngợi, và được thừa nhận từ phía người khác. Dầu vậy, những lời động viên khen gợi ấy cũng không thể nào lấp đầy vào lỗ hỏng của sự sợ hãi trong tim của John. John muốn có một đôi giày như người bạn đang có, vì nghĩ rằng với đôi giày ấy, John sẽ tự tin và yêu đời như người bạn kia. Nhưng buồn thay, sau khi đã có đôi giày ấy, John vẫn mặc cảm là giày của mình không đẹp bằng giày của người bạn. John thấy người bạn mình mang chiếc áo đẹp, nhưng sau khi John đã sở hữu chiếc áo như của người bạn, John vẫn không vui vì cho rằng, chiếc áo của mình vẫn có điểm gì đó thua chiếc áo của người bạn, điều này cũng làm cho John bối rối. Cứ như thế, tất cả những gì John nghĩ chúng có thể giúp John tự tin và đáng yêu hơn, nhưng sau khi đã sở hữu chúng, John vẫn không cảm thấy tự tin và đáng yêu như mình mong đợi. Cuộc đời của John như một người bị ngộp thở dưới nước – chẳng bao giờ John có được hơi thở tự do và cho chính mình cả. John luôn sống trong sự sợ hãi: thất bại, bị phê bình, sai lầm, không được công nhận.
Lổ hổng sợ hãi được lấp đầy khi John chấp nhận mình là thành viên của AA – Hiệp Hội Người Nghiện Ẩn Danh. Tham gia vào hội AA, John được học mười hai bước nhằm giúp đở người nghiện làm lại cuộc đời mới. Trong mười hai bước này, bước căn bản đầu tiên chính là thựa nhận rằng: “Tôi bị nghiện rượu.”
* * *
Bưới thứ nhất trong mười hai bước giúp người cai nghiện rượu được diễn đạt như sau: “Chúng tôi thừa nhận chúng tôi bất lực trước sự nghiện ngập này – Chúng tôi không đủ khả năng để làm chủ đời mình nữa.”[1] Chấp nhận mình là ai, tình trạng hiện tại như thế nào là bước căn bản đối diện thẳng với sự thật của mình. Khi can đảm chấp nhận sự thật – dù có phủ phàng, chúng ta đang đi vào nguồn sáng có khả năng giải thoát ta khỏi sợ hãi, u ám, và tội lỗi. Đúng vậy, cuộc đời con người luôn bị bao phủ những mạng nhện đan kín và chòng chéo lẫn nhau giữa điều muốn làm và điều không muốn làm, giữa sự ác và sự thiện, giữa tư tưởng ích kỷ và vị tha, giữa yêu mến và ghen ghét. Kinh nghiệm của thánh Phaolô giúp chúng ta tỏ bày điều đó: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7:19). Đó chính là phận người thụ tạo: tốt đẹp đan xen với bất toàn, yêu mến đan xen với ích kỷ, thánh thiện đan xen với tội lỗi. Mỗi người sẽ vẫn mãi có đó những thao thức cho sự hoàn thiện, vươn lên, và thoát tục. Tuy nhiên, điều nghịch lý lớn nhất trong đời sống đức tin của người Kitô hữu chính nằm ở chỗ, “Khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2 Cor 12:10). Thực tế cho ta thấy, những kinh nghiệm được thương xót và thắm thiết “gần” Chúa không phải là lúc đời ta bình an tràn đầy nụ cười – dầu cũng có những trường hợp như thế, nhưng đa số, chúng ta cảm thấu Chúa yêu ta thường khi chúng ta trải qua một kinh nghiệm vấp ngã hay tội lỗi. Câu hỏi khó có thể tìm cho ra giải đáp chính là: Vậy đây có phải là cuộc chơi “trốn – tìm” trong đời sống tâm linh giữa ta với Thiên Chúa? Sao Chúa lại “thích trốn” khỏi mình đằng sau những hoành cảnh éo le ấy? Xin thưa, dường như sự thánh thiện của Thiên Chúa chỉ có thể dành cho những ai khiêm tốn và gối họ biết quì xuống vì nhận ra phận người bất lực. Dường như sự thánh thiện ấy cũng chỉ ban tặng cho ai biết thừa nhận, “Tôi không còn đủ khả năng để làm chủ đời tôi nữa.” Và bởi vì, không có Chúa tôi không thể làm được điều gì!
* * *
Theo tiêu chuẩn xã hội, việc thừa nhận bất lực và không đủ khả năng điều khiển đời mình là một sự thất bại và thua cuộc. Đời sống xã hội dùng thành quả của danh tiếng và tiền tài để xác định chiến thắng hay thất bại của một đời người. Nếu áp dụng theo nguyên tắc này vào đời sống tâm linh thì hậu quả cũng rất nguy hiểm: Bình an thì thành công, bấn loạn là thất bại; hạnh phúc là thành công, lo lắng là thất bại; sạch tội là thành công, phạm tội là thất bại, làm chủ chính mình là thành công, mất tự chủ là thất bại. Nếu áp dụng những nguyên tắc này vào đời sống tâm linh, thì hoá ra, chúng ta chỉ mãi đi tìm những thành quả – của – chính – mình, vẫn lấy mình làm trung tâm mà không là Thiên Chúa. Như thế, có khác đâu những Pharisêu mà Chúa Giêsu đã nhiều lần lên án?! Có khác gì đâu so với tội kêu ngạo của tổ tiên loài người?! Vì mãi chạy theo những tiêu chuẩn này, nên chúng ta cố “làm chủ” lấy mình cho bằng mọi giá kể cả khi trái tim ta trở nên băng giá vô cảm trước những yếu đuối lỗi lầm của anh em ta. Vô tình ta cũng đóng băng trước tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa. Hậu quả chính là đời sống đạo của ta bị bao phủ bởi hết mớ luật này đến mờ luật khác mà bỏ xót điều trọng tâm của đời sống Kitô hữu: Yêu Chúa và yêu người. Đó cũng chẳng khác nào sự biểu hiện một mức độ kêu ngạo sâu và thâm hơn mà thôi.
Năm thánh Thương Xót mời gọi ta thừa nhận như Phêrô: “Lạy Chúa, xin tránh xa con là người tội lỗi.” Như người thu thuế đứng đằng xa không dám ngước mắt lên chỉ đấp ngực van xin tha thứ, như người mù bên vệ đường: “Lạy Chúa, xin thương xót con.” Ước chi chúng nhận lãnh ơn Thương Xót Chúa thật dạt dào trong đời ta, nhất là luôn biết thừa nhận sự bất lực của chúng ta khi đương đầu với tội lỗi và sự dữ. Lạy Chúa, xin thương xót chúng con.
Fr. Huynhquảng
[1] Richard (2011-09-17). Breathing Under Water: Spirituality and the Twelve Steps (p. 1). St. Anthony Messenger Press. Kindle Edition.