Nằm thoi thóp trong bệnh viện, một bệnh nhân đã tâm sự, “Nằm nơi đây tôi mới cảm nghiệm được thế nào là tự do đích thực.” Đó là sự chia sẻ chân tình của một bệnh nhân với vị tuyên uý bệnh viện. Lạ thay, làm sao một người gần chết mà cảm nghiệm được sự tự do. Như được khích lệ, bệnh nhân tâm sự tiếp.
Sự khao khát đi tìm tự do của tôi có thể được chia thành hai giai đoạn. Trước kia, tôi muốn tạo cuộc sống theo ý của tôi bởi vì tôi luôn cho rằng mình có tự do – muốn làm điều gì thì làm. Tôi đã tìm kiếm và hưởng thụ mọi thú vui, danh lợi, vì tôi nghĩ càng gom góp những thú vui theo ý tôi, thì càng làm cho khả năng tự do của tôi thêm lớn mạnh. Thế nhưng hoá ra những điều tôi càng sở hữu chúng, tôi càng lệ thuộc vào chúng. Khốn khổ hơn, những vấp phạm, sai lầm của tuổi trẻ ngày đêm hành hạ và cắn rứt tôi. Những điều hứa hẹn tự do của thời ấy, hoá ra là một thảm cảnh ngục tù mà trái tim và tâm trí tôi không thể yên nghỉ hôm nay. Tôi cứ dằn vặt khao khát sửa lại những khiếm khuyết ấy, nhưng càng nghĩ tới, tôi càng chán chường túng quẩn, thất vọng vì tôi đang bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Tôi đã giam chính tôi vào những đam mê ngu muội của tuổi trẻ. Tôi muốn làm những điều tốt, nhưng tôi bất lực, càng đau khổ hơn khi chính tôi bực bội với chính mình, không chấp nhận chính mình, và có khi còn căm giậm chính mình nữa. Tôi luẫn quẩn trong vòng tăm tối của chính tôi mà không có lối thoát.
Nhưng giờ đây, nhất là thời gian nằm trên giường bệnh, với những giới hạn của một bệnh nhân, tôi thấy tự do hơn bao giờ hết, vì tôi buông bỏ tất cả mà không giữ lấy điều gì cho mình – Không có gì là của tôi.
Ngẫm nghĩ một chút, người bệnh nhân bộc bạch tiếp.
Trong một ngày như bao nhiêu lần trước ông đến thăm tôi, sau khi ông ra về, tôi tự hỏi với lòng mình. Tại sao ông này tử tế với mình? Tại sao ông này nhẫn nại với mình? Tại sao ông cứ tiếp tục làm việc tốt dù rằng tôi đâu phải là thân nhân của ông. Nhờ việc thăm viếng của ông và sự chăm sóc của nhân viên y tế, tôi hiểu ra giá trị của cuộc đời.
Tôi như thấu hiểu được rằng: Tôi bị giới hạn, nhưng tôi cũng có khả năng vĩ đại. Tôi bị giới hạn trong thể lý, trong ý chí, trong tình cảm, nhưng trong những giới hạn ấy, tôi vẫn có sự tự do để chọn lựa yêu thương hay thù ghét, vui vẻ hay giận hờn, nguyền rủa hay tạ ơn. Như tôi nằm ở đây, tôi bị giới hạn trong thể lý, nhưng không ai có thể cấm tôi nói lời cám ơn, môi tôi mĩm cười, miệng tôi ca hát. Tôi bị giới hạn trong đau đớn thân xác, nhưng không ai có thể chế ngự và lấy được sự bình an sâu thẳm trong tim tôi – nơi mà tôi tin chính là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần.
Từ suy nghĩ này, tôi mới thấu chạm được sự tự do đích thực mà tôi đang cảm nghiệm. Tôi không được dựng nên để sống với mục đích tránh tội, nhưng là sống để ca ngợi và phụng sự Chúa. Tôi vẫn có thể bị khống chế và ray rứt trước những lầm lỗi trong quá khứ của tôi, nhưng tôi vẫn có sự tự do chọn nhìn vào quá khứ của tôi hay chọn nhìn vào hiện tại. Tôi có thể cứ để những đay nghiến ngày ngày ngấu nghiến sức khoẻ và tâm thần tôi hay tôi tự do chọn sống để cảm tạ vui tươi. Thay ra tôi dành thời gian và tìm phương cách để tránh điều xấu, thì nay tôi tập trung làm điều tốt và nhắm vào điều tốt để thi hành. Nhờ thời gian nằm trên giường bệnh, tôi đã khám ra gia tài quí giá nhất của đời tôi: Tôi được mời gọi sống không phải chỉ nhắm vào tránh điều xấu, nhưng là làm điều tốt. Tôi đang chia sẻ những gì với ông cũng không ngoài mục đích đó.
* * *
Bạn thân mến, lời tâm sự của người bệnh nhân vào lúc cuối đời cũng là lời nhắn nhủ cho tôi và bạn. Ý nghĩa của cuộc đời là nhằm ở chỗ, chúng ta không đươc dựng nên chỉ với mục đích là tránh tội, ôm hận vì những lầm lỗi sai phạm trong quá khứ, nhưng là mỗi ngày sống mới là lời mời ta tiếp tục dấn thân phục vụ làm điều tốt với những khả năng giới hạn còn lại của ta.
Qua đề tại Tự do, mục Sống Sao Cho Đẹp tiếp tục mời gọi bạn nhủ thầm với lòng mình, “Với những gì còn lại nơi tôi hôm nay, tôi sẽ tiếp tục xây dựng, phục vụ, và yêu thương những người thân cận tôi như thế nào cho tốt nhất?”
Fr. Huynhquảng