Văn hoá đối phó

Tôi lớn lên trong một nền văn hoá đối phó.” Đó là lời tâm sự cũng như thú tội của chàng thanh niên sinh ra và lớn lên tại Việt Nam từ sau năm 1975. Chàng tâm sự tiếp, “Tôi đi học vì bị phải đi học chứ thực ra tôi chẳng ưa thích gì các môn học trong nhà trường. Nhưng nói đúng ra, các môn học cũng có tội tình gì mà thích hay không thích. Nói cho cùng, cũng chỉ là thích hay không thích người dạy. Nếu họ chỉ đơn thuần dạy các môn học thì đâu thể nào làm tôi thích hay không thích họ. Buồn thay, dạy học thì ít mà tuyên truyền chính sách của Đảng và Nhà nước thì nhiều. Đó cũng chưa hẳn gây ra sự mâu thuẩn sâu sắc trong con người tôi. Điều mâu thuẩn sâu sắc chính là trong lớp học, tôi được dạy phải yêu mến Đảng và Nhà nước Cộng Sản. Về trong gia đình và môi trường Giáo xứ, tôi được khuyên bảo ‘Đừng nghe những gì Cộng Sản nói.’ Một đứa bé lớn lên trong môi trường đối nghịch như thế, làm sao tôi có thể dung hoà trong một sự thật trong con người tôi. Dần dần, chính xã hội đã tạo cớ cho tôi trở nên con người quen dần với lối sống đối phó; tôi tạm gọi là lối sống văn hóa đối phó.

Vì phải học điều mà tôi không thích, nên tôi học chỉ đối phó. Tôi học tà tà, copy nếu cần chỉ đối phó đủ điểm để qua lớp. Vì phải đi lao động để có điểm lao động tốt, tôi cũng chỉ cần có mặt vác cây cuốc nhè nhẹ để đối phó đủ cho có điểm. Vì phải học thể dục cho đủ điểm ghi vào học bạ, tôi cũng quơ tay múa chân, chạy qua chạy lại như mọi người để được điểm danh nhằm đối phó để được qua phà. Cứ mối sáng thứ Hai, khăn quàng đỏ, áo trắng quần tây xanh có mặt đúng giờ cho tiết chào cờ, đứng ngay ngắn nghiêm chỉnh ruồi đậu không đuổi, mắt không giám rời thầy Giám thị, nhưng trong lòng thì chẳng ưa thích gì, nếu không muốn nói ghét “tiết này nhất.” Thế nhưng vì không muốn nhận hạnh kiểm đạo đức sấu và kém, tôi cần phải áp dụng văn hoá đối phó để vui lòng người thân.

……

Sau khi tốt nghiệp, đi xin giấy tạm vắng tạm trú, xác nhận lý lịch… gặp chú công an ấp xã, mặc dù trong lòng chẳng thiện cảm gì khi gặp các chú vì bị hoạch hoẹ lý lịch về tôn giáo, gia đình… nhưng bên ngoài tỏ ra rón rén kính nể, có khi còn là bao thuốc lá chỉ với mục đích là đối phó nhằm cho giấy tờ được ký xuôi thuận.

Vì Giáo hội ở trong lòng xã hội. Các giáo sĩ không bị tha hoá như các cán bộ nhà nước, nhưng lối sống và cách đối phó của tôi trong xã hội cũng ít nhiều ẩn hưởng trong cách đối xứ của tôi đối với các giáo sĩ của giáo hội. Đi lễ, đi học giáo lý…

Tôi oán trách hay tôi than khóc cho chính tôi và thế hệ của tôi cũng như thế hệ đàn em của tôi? Cả hai. Oán trách cho chính tôi vì sự hèn nhát của tôi đã trực tiếp hay dán tiếp tham gia vào nền văn hoá ‘đối phó’ này; và than khóc cho tôi và cho thế hệ của tôi là bị lạc thuyết Xã hội Chủ nghĩa lừa phỉm để tạo ra một con người sống và làm quen với văn hoá đối phó thật đáng sợ.”

* * *

Quí bạn thân mến, chúng ta đang cùng nhau học hỏi về đề tại tự do. Những lời tâm sự của chàng thanh niên trên giúp cho chúng ta suy nghĩ lại câu sáo ngữ của CSVN: “Không có gì quí hơn đọc lập tự do.” Có thực sự độc lập không? Có thực sự tự do không?

Mục đích chính của việc giáo dục là giúp con người tự ý thức để sống trưởng thành với sứ mạng làm người của mình. Nhờ sự trưởng thành này, sau này họ sẽ quay lại giúp đở và phục vụ con người, xã hội, và giáo hội. Ơn gọi của con người không phải là sống để đối phó lấy điểm, nhưng là để phục vụ và yêu thương. Thật đáng buồn thay cho thế hệ người Việt sau năm 1975. Chính văn hoá đối phó này đã ăn sâu trong tâm thức rất nhiều người từ người dân cho đến viên chức, từ giáo dân cho đến giáo sĩ.

Đối với xã hội dân sự, văn hoá đối phó làm người ta hành xử dựa trên tiêu chuẩn “cho được việc của ta.” Nạn hối lộ, tham nhũng là con đẻ của nền “văn hoá đối phó.” Ít nhiều giáo hội cũng bị ảnh hưởng với kiểu văn hoá này. Người có đạo đi lễ để cho yên tâm là mình đã đi lễ. Mình làm việc bố thí là để cho người ta thấy là mình có làm. Tình nguyện làm việc trong cộng đoàn để người ta khỏi nói là mình không tham gia sinh hoạt, chia sẻ trách nhiệm. Cách hành xử đối phó này tựu trung vẫn lấy mình làm trung tâm: Có lợi cho mình, cho yên tâm mình, cho mình được thừa nhận. Đây chính là điểm thiếu tự do và thiếu độc lập căn bản của mỗi người chúng ta.

Bạn thân mến, chúng ta cùng nhau nhìn nhận lại những khía cạnh tương tự như thế trong đời mình. Ta không thể thay đổi được lịch sử, nhưng ta có thể thay đổi được lối nhận thức và hành xử của ta trong hiện tại. Hiểu những khía cạnh nho nhỏ trong đời thường của mình, chúng ta sẽ học thêm giá trị tự do thật mà chúng ta đang theo đuổi.

Fr. Huynhquảng

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment