Một vị linh mục đang ngồi trong nhà thờ. Một người đàn ông đến ngồi bên cạnh và lên tiếng phàn nàn : “Thưa cha! Con không chấp nhận điều gì mà con không hiểu, hoặc không thể chứng minh được. Vấn đề “ba Ngôi trong một Chúa” hay bất cứ điều gì tương tự như thế, không ai có thể giảng gỉải cho con một cách minh bạch rõ ràng, nên con không tin”.
Chỉ vào luồng ánh sáng chiếu qua cửa sổ, vị linh mục hỏi: “Bạn tin có mặt trời không?”. Người đàn ông trả lời: “Dĩ nhiên có chứ”. Linh mục nói tiếp: “Ánh sáng bạn thấy qua cửa sổ, là từ mặt trời chiếu tới, sức nóng chúng ta cảm thấy phát xuất từ mặt trời và ánh sáng.” Giải nghĩa về Chúa Ba Ngôi cũng có phần tương tự như vậy: Mặt trời là Thiên Chúa Cha. Mặt trời chiếu sáng, ánh sáng là Thiên Chúa Con. Từ mặt trời và ánh sáng tỏa ra sức nóng: Từ Chúa Cha và Chúa Con phát xuất Chúa Thánh Thần.
Vị linh mục ân cần lên tiếng hỏi: “Bạn có thể giải thích được mặt trời, ánh sáng và sức nóng không?”. Người đàn ông cúi đầu và im lặng …[1]
* * *
Quí bạn thân mến, chúng ta đã cùng nhau học hỏi 9 bài học về xây dựng sự hiệp nhất. Thật lòng với nhau, chúng ta phải thừa nhận rằng, hiệp nhất như là một lý tưởng mà cả nhân loại luôn luôn khát vọng vươn tới. Vì là một lý tưởng, nên việc đạt được sự hiệp nhất cho nhân loại, hay cho một tập thể là một điều hết sức khó khăn. Chính Đức Giêsu cũng đã nhận ra sự khó khăn này, nên trong những lời nguyện cuối đời, Ngài đã biểu lộ rõ mối ưu tư cho sự hiệp nhất. “Xin cho họ nên một như Cha ở trong con và như con ở trong Cha” (Jn 17:21).
Giáo hội mừng trọng thể lễ Chúa Ba Ngôi. Mầu nhiệm Ba Ngôi một Chúa là một mầu nhiệm mà trí khôn loài người không thể hiểu nổi. Nhưng dù chúng ta không thể hiểu với trí khôn con người, nhưng chúng ta vẫn cảm nhiệm được mầu nhiệm siêu việt này qua lăng kính của của sự hiệp nhất. Vì thế, mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa là khuôn mẫu duy nhất để cho chúng ta soi rọi để xây dựng sự hiệp nhất.
Sự hiệp nhất của Thiên Chúa Ba Ngôi được thánh Thomas Aquainas diễn tả qua tình yêu và sự tự hiến mình cho nhau giữa Chúa Cha và Chúa Con qua Chúa Thánh Thần. Chúa Cha hoàn toàn trao ban chính mình cho Chúa Con, và Chúa Con đón nhận và trao ban lại cho Chúa Cha trọn vẹn mà không hề giữ lại điều gì cho chính mình. Việc trao ban tận hiến giữa Chúa Cha và Chúa Con được thực hiện qua Chúa Thánh Thần, Ngài là Tình Yêu giữa Chúa Cha và Chúa con. Như thế, tình yêu là chất xúc tác để việc cho đi cho đến tận cùng giữa Chúa Cha và Chúa Con được trọn vẹn và tròn đầy. Và chính từ tình yêu này, mà sự hiệp nhất của Ngôi Ba trở nên trọn hảo và mỹ mãn.
Trong bài cuối về chủ đề xây dựng sự hiệp nhất hôm nay, mục Sống Sao Cho Đẹp mời gọi bạn chiêm ngưỡng mô hình tuyệt hảo của sự hiệp nhất trong mầu nhiệm Ba Ngôi qua tình yêu giữa Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần. Sự hiệp nhất này phải trả giá bằng cái chết của Ngôi Hai. Cái chết của Ngôi Hai chính là cách thức diễn tả tình yêu tận hiến một cách triệt để cho Chúa Cha; và chính nhờ cái chết này đã làm cho sự tan vỡ, chia rẽ của con người được hàn gắn lại với Thiên Chúa. Như thế, con người được hiệp nhất lại với Thiên Chúa là nhờ chính giá máu của Chúa Giêsu.
Vậy đó, Thiên Chúa đã chẳng nêu gương cho chúng ta đó hay sao khi hy sinh mạng sống của mình để hiệp nhất con người với Thiên Chúa và hiệp nhất giữa con người với nhau?
Quí bạn thân mến, bạn muốn xây dựng sự hiệp nhất cho cộng đoàn, giáo xứ mình ư! Giá bạn phải trả là cuộc đời của bạn. Giá càng cao, thì sự hiệp nhất càng vững chắc; và ngược lại, sự hiệp nhất càng lớn, thì giá bạn phải trả cũng phải rất lớn lao.
Br. Huynhquảng
[1] Trich từ suyniemhangngay.org