Thuốc Vờ

Những viên “thuốc” không có dược liệu chính xác (hoạt chất) ,  “vô thưởng vô phạt” được gọi là “Thuốc Vờ”, “Giả Duợc”, “Thuốc Trơ”, tiếng Anh, tiếng Pháp gọi là “PLACEBO”.  

Trong ngôn ngữ La Tinh,  PLACEBO có nghĩa là “Tôi sẽ hài lòng”.  

 Thánh Kinh có lời cầu xin “Placebo Domino: in regione vivorum – I will please our Lord in the country of the living” – Tôi sẽ làm hài lòng Chúa.

Về Placebo 

Placebo là một hiện tượng khá phức tạp, được nghiên cứu từ nhiều thế kỷ với nhiều tranh luận, bất đồng ý kiến về sự lợi hại và nguyên lý tác động. 

Vào hạ bán thế kỷ 18, từ ngữ Placebo xâm nhập ngành y dược. Năm 1787, tự điển Quincy định nghĩa placebo như một phương thức có mục đích làm vui lòng người bệnh hơn là điều trị.  

Từ điển y học định nghĩa placebo là bất cứ chất xoàng xĩnh, vô dụng nào đó có hình dạng dược phẩm được trao cho bệnh nhân với giới thiệu là có tác dụng chữa bệnh.

Theo nhiều tác giả, placebo lúc đầu là để chỉ một chất hoặc một phương thức “trơ” (inert), được dùng trong thử nghiệm hoặc trong y khoa học để kiểm chứng công hiệu của một loại dược phẩm hoặc để làm dịu một bệnh. 

Khi thử nghiệm, một nhóm người được cho dùng dược phẩm thực, nhóm thứ hai nhận viên tương tự nhưng không có hoạt chất.

Nếu nhóm dùng thuốc có kết quả tốt hơn so với nhóm kia thì thuốc có tác dụng trị bệnh. Người tham gia chương trình đều không biết mình dùng chất gì. Đôi khi chính người điều khiển thử nghiệm cũng không biết. 

Thuốc “trơ”được dùng cho những người luôn luôn than phiền đau ốm (bệnh tưởng -hypochondria), luôn luôn đòi hỏi thuốc mà bác sĩ không tìm ra nguyên nhân, triệu chứng.

Hiện nay, hiệu quả placebo được hiểu rộng rãi hơn và bao gồm tất cả các phương thức được áp dụng để trị bệnh mặc dù từ bản chất chúng không có tác động nào. Đây có thể là một viên đường, một cục kẹo, một dung dịch nước pha muối, đường, một bữa ăn đặc biệt hoặc một phẫu thuật “cuội”.

Nghiên cứu về placebo

Đã có nhiều nghiên cứu về hiệu quả của thuốc trơ.

Năm 1955, bác sĩ chuyên khoa tê mê Henry K. Beecher tại Đại học Harvard, Boston đã phân tích 26  nghiên cứu về thuốc trơ và thấy 35% trong số 1,082 bệnh nhân bị đau nhức, buồn rầu, đau bụng cho hay là họ thỏa mãn với loại thuốc vô thưởng vô phạt này. Ông đã công bố kết quả trên Tạp san của Hội Y Học Hoa Kỳ dưới tiêu đề “The Powerful Placebo”, được nhiều người tham khảo, nhắc nhở. 

 Năm 1960, một nghiên cứu khác cho hay khi bệnh nhân uống một chất được nói là có tác dụng kích thích thì huyết áp của họ lên cao, nhịp tim nhanh. Trái lại khi nói là thuốc ngủ thì có phản ứng ngược lại. 

Trên báo The New York Times Magazine ngày 9 tháng 1 năm 2000, tác giả Margaret Talbot đã kể lại kết quả nhiều quan sát về thuốc trơ, trong đó có trường hợp một số bệnh nhân bị viêm ruột già dùng thuốc vờ và 52% bệnh nhân cho biết họ cảm thấy khá hơn.

Hai khoa học gia Asbjorn Hrobjartsson và Peter C. Gotzsche phân tích 114 nghiên cứu từ năm 1946 tới 1998 với ba nhóm người có 40 loại bệnh khác nhau: nhóm 1 chữa bằng thuốc đặc nhiệm cho bệnh, nhóm 2 chữa với chất trơ, nhóm 3 không thuốc không giả dược. Kết quả là nhóm 3 có người cũng lành bệnh như nhóm thứ 2.  

Một số nghiên cứu cho hay, người bị nhức đầu, đau lưng, viêm khớp, trầm cảm nói có thể thuyên giảm khi dùng giả dược. Hoặc placebo cũng có thể làm hạ cao huyết áp, nhiệt độ trên da, nhịp tim, cholesterol trong máu.

Ngày 4 tháng 1, 2008, nghiên cứu do bác sĩ John Hickner cho hay 45% bác sĩ tại ba bệnh viện ở Chicago đều cho bệnh nhân dùng giả dược và 95% các bác sĩ cho biết là bệnh nhân thấy dấu hiệu bệnh giảm rất nhiều.

Placebo tác động ra sao?

Nguyên lý chính xác của hiệu quả placebo chưa được biết rõ. Một số giả thuyết cho rằng placebo có tác động sinh hóa và tâm lý. 

Decartes (1596 A.D.-1650 A.D.) có nói “I think, there for, I am”- nghĩ sao, là vậy.

Đức Phật Thích Ca (560B.C-480B.C.) cũng nói: “You are what you think, having become what you though”. Tất cả đểu từ tâm trí mà ra.

Tương tự như vậy, khi tiếp nhận một phương thức trị liệu nào đó, bệnh nhân đều ở trong tâm trạng “mong đợi”(expectation) và hy vọng có một mầu nhiệm giúp họ hết bệnh. Sự trông đợi này có thể thay đổi hành vi của họ, đồng thời cũng có thể tạo ra vài thay đổi sinh hóa học trong cơ thể, giúp giảm triệu chứng bệnh. Và bệnh nhân hài lòng, tương tự như niềm tin “cầu được, ước thấy”. 

Theo Robert DeLap, Giám đốc Nghiên cứu của Cơ quan Thực Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA): “Sự mong chờ là yếu tố rất mạnh. Càng đặt nhiều tin tưởng vào một trị liệu thì càng thấy trị liệu có vẻ  hữu hiệu hơn”.

 Sự tin tưởng, hy vọng ở thuốc vờ có thể khích lệ bệnh nhân thay đổi nếp sống, chịu khó chăm sóc sức khỏe, vận động đều đặn, giữ gìn trong sự ăn uống.

Niềm hy vọng khỏi cũng thay đổi sự cảm nhận với bệnh. Họ sẽ diễn tả tình trạng bệnh nhẹ hơn. Nói chung, họ sẽ có nhiều ý nghĩ tích cực và ít ý nghĩ tiêu cực.

Tiêu cực khiến người quá ám ảnh, tập trung vào dấu hiệu khó khăn của mình. Trong khi đó, sự tích cực sẽ tạo ra động lực muốn thay đổi, đưa tới thay đổi sinh hóa trong cơ thể, như là tăng chất giảm đau endorphins, tăng khả năng bảo vệ của hệ miễn dịch, giảm chất gây căng corticosteroid. Endorphins mang tín hiệu thần kinh, lưu hành trong máu, tới cơ quan nội tiết, hệ miễn dịch. Các cơ quan này lại sản xuất ra một số hóa chất có tác dụng giảm dấu hiệu bệnh.  

Theo nhiều tác giả, phản ứng của người bệnh với thuốc trơ cũng có thể là một phản xạ có điều kiện, được huấn luyện, theo thói quen. Trước đây, được cho uống loại thuốc thật thì thấy hết bệnh. Bây giờ cứ thấy có thuốc giống như vậy là đã cảm thấy nhẹ bớt. Phản ứng này tương tự như con chó trong thử nghiệm của khoa học gia người Nga Pavlov: khi cho ăn kèm theo tiếng chuông reo, miệng chó tiết ra nước miếng. Lâu ngày, chỉ nghe tiếng chuông là nước miếng con chó đã tiết ra, dù không có thức ăn.  

Tâm lý gia Irving Kirsch, Đại học Connecticut, cho rằng placebo là do “tin tưởng” ở sự điều trị hoặc cảm giác dễ chịu chủ quan khi dùng một chất nào đó.

Giáo sư Michael Jospe nhận thấy rằng khi dán một băng keo có một hình ảnh vui vui lên vết thương của em bé, thì em bé cảm thấy ít đau hơn, dù hình này không có tác dụng trị liệu nào.

 Kỹ thuật chụp hình ảnh X-quang não cho thấy sự suy nghĩ và sự tin tưởng không những ảnh hưởng tới tâm trạng mà còn tạo ra sự thay đổi sinh hóa trong não bộ.

Theo nhà nghiên cứu Arthur Shapiro, placebo có mục đích làm bệnh nhân yên tâm nhiều hơn là trị bệnh vì:

– Bệnh có thể đột nhiên hết sau khi lên cao điểm, đúng vào lúc dùng giả dược

– Bệnh tăng giảm bất thường, dùng placebo đúng vào lúc bệnh thuyên giảm

– Bệnh khá hơn nhờ khả năng tự chữa qua hệ miễn dịch.

Một bằng chứng là bệnh cảm cúm nhiều khi không cần thuốc men mà chỉ cần nghỉ ngơi mươi ngày cũng hết. Trong bệnh ban đỏ lupus, có nhiều thời kỳ bệnh thuyên giảm dù có dùng thuốc hay không.

Có nhiều người, chỉ mới gặp bác sĩ gia đình thân quen đã cảm thấy dễ chịu, vì họ tin tưởng ở vị lương y này. Chỉ với một cử chỉ vỗ về thân thiện, một lời nói an ủi của bác sĩ đôi khi cũng làm bệnh khá hơn vì làm giảm lo âu, khó khăn của người bệnh.

Phẫu thuật “vờ” 

  Ngoài thuốc vờ, còn có phẫu thuật trị liệu vờ (Sham surgery).

Cách đây hơn 40 năm, bác sĩ chuyên khoa tim Leonard Cobb tại Seattle thực hiện thử nghiệm rạch lồng ngực, nối hai động mạch để tăng máu tới tim. Kết quả là 90% bệnh nhân cho hay bớt đau ngực.Trong khi đó, một số bệnh nhân chỉ được rạch ngực mà không nối động mạch cũng cảm thấy bớt bệnh.

Áp dụng thực tế

Một câu hỏi được nêu ra là nếu placebo hữu hiệu thì tại sao các bác sĩ không áp dụng trong trị liệu. Và khi nào bác sĩ có thể cho rằng placebo là phương thức trị liệu tốt cho bệnh nhân?

Thực tế ra, ngày nay, vô tình hoặc hữu ý, nhiều bác sĩ cũng dùng placebo để trị bệnh. Chẳng hạn, họ cho bệnh nhân bị cảm cúm uống kháng sinh, dù họ biết là kháng sinh không có tác dụng tiêu diệt virus. Có phải vì trong lời thề Hippocrates có ghi thầy thuốc “sẽ áp dụng tất cả kiến thức hiện có vào phương thức trị liệu tốt nhất đối với bệnh nhân”.

Một triết gia Pháp viết “Nghệ thuật trị bệnh là làm vui lòng bệnh nhân để  thiên nhiên chữa dứt bệnh”. Nhận xét này có liên hệ gì tới placebo không? Liệu có hợp lý khi y giới cho bệnh nhân một loại thuốc biết chắc là không công hiệu. 

Hiệu quả thuốc vờ thay đổi theo một vài hoàn cảnh:

– Thường thường, viên thuốc vờ lớn công hiệu hơn viên cùng loại nhưng nhỏ; viên mầu hồng mầu đỏ mạnh hơn viên mầu xanh; uống hai ba viên một lúc có hiệu quả hơn là uống một viên.

– Thuốc chích hữu hiệu hơn thuốc uống.

– Thái độ của bệnh nhân: lòng tin tưởng, sự tự nguyện và hy vọng có kết quả tốt khiến cho hiệu năng placebo cao hơn.

– Tương quan bác sĩ – bệnh nhân: tin tưởng ở thầy thì bệnh nhân mau khỏi (phúc chủ lộc thầy), bác sĩ cho thuốc thì tốt hơn là do người thường cho.

Ý kiến khác biệt

Hiệu quả placebo cũng nhận nhiều phản bác.

– Sử gia tôn giáo Lawrence Sullivan, Harvard Divinity School, có ý kiến rằng  placebo là thùng rác độc hại mà không ai muốn nhận. Ngay cả các “lang băm” cũng cảm thấy bị nhục mạ khi có người nói “tài ba” trị bệnh của họ là do hiệu quả của thuốc vờ.

– Kết quả nghiên cứu của Asbjorn Hrobjartsson và Peter C. Gotzsche, Đan Mạch, công bố trên The New England Journal of Medicine tháng 5 năm 2001 cho hay có rất ít bằng chứng là placebo có tác dụng trị bênh. Đi xa hơn, giáo sư Hrobjartsson còn kết luận rằng hiệu quả placebo được công bố đều có một nhầm lẫn nào đó trong phương thức nghiên cứu vì số người được thử nghiệm quá ít và nhiều khi bệnh nhân trả lời cho vui lòng nhà nghiên cứu.

 – Có thắc mắc rằng hiệu quả placebo liệu còn tồn tại nếu liều lượng thuốc vờ tăng hoặc giảm, nếu dùng trong thời gian lâu ngày hoặc nếu nói cho người bệnh biết là họ đang dùng thuốc vờ.

Kết luận

Do đó, nhiều nhà chuyên môn không đồng ý việc bác sĩ dùng thuốc vờ để trị bệnh. Theo họ, làm như vậy là lừa dối bệnh nhân, chẳng khác chi ta khuyến khích người trồng nho cho rượu giả vào chai, nhà báo tường thuật nhẹ hơn về một vấn đề thời sự quan trọng.

Hội Y Học Hoa Kỳ (AMA) khuyến cáo là các bác sĩ chỉ cho dùng giả dược khi bệnh nhân biết và đồng ý, chứ không nên dùng để xoa dịu bệnh nhân.

 

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

www.bsnguyenyduc.com

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment