Mở đầu “Nhật ký của Lòng Chúa Thương Xót trên những nẻo đường tôi đi”
Chia sẻ của Lm Trăng Thập Tự
Đồng cảm với nỗi băn khoăn của vị Tổng Giám mục, tôi bắt đầu suy nghĩ về trọng tâm và hình ảnh của những điều phải viết tiếp. Nếu tôi định đặt tên cho loạt bài là “Hậu Giáo điểm Tin Mừng”, tôi cần đích thân đến thăm Giáo điểm ấy ngay trước khi bầu khí đầy ấn tượng của nó lùi vào quá khứ. Nếu tôi đến đó giúp giải tội một ngày, chắc hẳn sẽ có nhiều ánh sáng cho loạt bài mới.
Chiều ngày 1 tháng 8, tôi xin phép Đức Giám mục. Ngài bảo ngài nghe nói vẫn còn rắc rối lắm, tôi nên thận trọng. Tôi về phòng mở Internet thì gặp ngay streamline cha Long đang đọc bổ nhiệm thư của Đức Giám quản. Đọc xong, ngài vỗ tay cho cộng đoàn cùng vỗ theo, rồi mời mọi người cùng hát bài ca cảm tạ.
Trong lễ ngài giảng về gương thánh An Phong Giám mục và chia sẻ về Tin mừng trong ngày, thật tuyệt vời.
Ban sáng, nơi trích văn của Thánh An Phong đọc trong giờ Kinh Sách lễ, tôi đã chú ý thấy: “Từ muôn thuở, Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta. Ngài như muốn nói với chúng ta: ‘Hỡi con người, hãy suy xét: Chính Ta đã yêu con trước. Lúc con chưa mở mắt chào đời, và cả khi trời đất chưa có. Ta hiện hữu là Ta yêu con’.”
Tôi quyết định lên đường. Thế là lại một chuyến tàu đêm, 02/8/2019…
CON ĐANG MUỐN TĨNH TÂM
Tàu đến ga Sài Gòn hơn 5g sáng. Tôi gọi xe ôm về Cát viện Sài Gòn, dâng lễ một mình. Nghe tôi nói đi Giáo điểm Tin Mừng giải tội, chị đan nữ ngoại vi thốt lời ngợi khen Chúa rồi hỏi:
– Việc ở Giáo điểm Tin Mừng đã bình an chưa cha?
– Hai tuần nữa cha Long sẽ dọn đồ về bên kia đường. Sáng hôm qua ngài đã nhận chìa khóa phòng 307 ở Trung tâm Mục vụ.
– Ồ, ông cha Long này tốt lành quá!
Ăn sáng xong, tôi xách hành trang ra cổng, hỏi xe thồ, có người kêu hộ ngay một tài xế Grab gần đó. Người tài xế trẻ cầm một quyển sách bọc trong túi ni-lông, tôi thoáng thấy tựa đề: “Viếng Thánh Thể với Đức Trinh Nữ Maria”.
– Anh giúp tôi tới Bến Thành đón xe buýt 72.
– Cha đi Giáo điểm Tin Mừng hả?
Vừa nổ máy, anh xe ôm hỏi tôi:
– Tĩnh tâm và xưng tội khác nhau và liên quan với nhau thế nào hả cha?
– Tĩnh tâm là để cho lòng lắng xuống, cầu nguyện lâu giờ trong thinh lặng để gặp Chúa. Thường thì xưng tội xen vào giữa hai bước hoán cải. Phần tĩnh tâm thứ nhất giúp người ta nhận ra mình đang xa Chúa rồi xưng tội, quyết tâm từ bỏ con người cũ và trở về. Sau đó, tiếp tục phần thứ hai của tĩnh tâm, người ta lắng nghe tiếng gọi của Chúa Giêsu và quyết tâm theo Ngài trên bước đường mới.
– Cha ơi?
– Sao anh?
– Con đang muốn tĩnh tâm. Để con chở cha thẳng tới Giáo điểm Tin Mừng luôn, cha khỏi đi xe buýt.
Tôi cám ơn, nhận lời và giải đáp những thắc mắc tiếp theo.
– Các thầy thần học khi đọc Tân ước, họ tìm gì hả cha?
– Con đã đọc Tân ước thế nào?
– Con đã đọc từ đầu tới cuối được hai lần. Lúc đầu con tò mò đọc Công vụ Tông đồ và các thư đến Khải huyền, rồi quay lại đọc cuộc Thương khó Chúa, sau mới đọc hết cuộc đời Chúa.
– Đúng, cuộc Thương khó và Phục sinh là hạt nhân của Tân ước. Chúa Giêsu là tâm điểm của Kinh thánh. Danh thánh Giêsu, nghĩa là Thiên Chúa cứu thoát, tóm tắt toàn bộ Kinh thánh.
– Hay quá!
– Các thầy học Kinh thánh là học biết về Chúa Giêsu, đồng thời, quan trọng hơn, họ học để gặp Chúa Giêsu.
– Con được ơn tin Chúa và rửa tội tại Dòng Chúa Cứu Thế năm 2015. Sau hai năm, cuộc sống đẩy con tới chỗ chỉ chút xíu nữa là con quay về con đường cũ. Bây giờ con lại được ơn Chúa, con muốn xưng tội.
Qua khỏi cầu Hiệp Phước một đoạn, tôi vỗ vai anh:
– Con dừng lại, mình vào quán uống nước dừa, hoàn tất câu chuyện luôn. Cha sợ tới Giáo điểm Tin Mừng sẽ bị cuốn vào những chuyện khác, không dành riêng thời giờ cho con được.
Sau vài ngụm nước dừa, chúng tôi làm dấu thánh giá. Tôi đọc lại cho anh nghe câu chuyện người con bỏ nhà ra đi. Anh kể cho tôi nghe câu chuyện của anh và cả hai chúng tôi cùng khóc.
Đang khi ban bí tích Giải tôi cho anh, tôi hiểu ra rằng trên nông trường vĩ đại, chính Người Chủ Vườn có cuộc hẹn riêng với từng hạt giống đã nẩy mầm, lên đõn và đơm hoa, kết trái, cuộc hẹn của lòng Thương xót. Tôi hiểu ra rằng Giáo điểm Tin Mừng sẽ qua đi nhưng cuộc hẹn của Chúa với mỗi người vẫn còn đó, trên mọi nẻo đường và quán trọ.
GIÁO ĐIỂM TIN MỪNG
Và rồi cổng vào Giáo điểm Tin Mừng hiện ra trước mắt tôi, giản đơn tạm bợ như cổng một trại tiếp cư thời chiến, hồi 1965-1975, ở miền Trung. Xin mời xem: https://www.youtube.com/watch?v=X1ZcnKCeUL4
Mới hơn 9g sáng, lượng người tuốn đến đã khá đông. Tôi lướt qua một vòng. Nhà nguyện và phòng ở của cha phụ trách chiếm một khung vuông mỗi cạnh gần 20 mét. Xung quanh là những rạp lắp ghép, có sẵn băng ghế ngăn nắp, gọn gàng để ngồi dự lễ. Ngoài phần ta vẫn nhìn thấy hằng ngày trên màn hình, còn những khu vực khác khuất phía sau cũng rộng tương đương. Ngoài 1070 băng ghế ba mét cho sáu người ngồi, còn có bảy ngàn ghế nhựa. Những ngày đông nghẹt vẫn có được 13 ngàn chỗ ngồi tươm tất.
Cha Long tiếp chuyện khoảng nửa giờ rồi cho người đưa tôi tới vườn hòa giải. Có hơn một chục tòa giải tội lớn và nhỏ đang chờ các vị giải tội. Một cha trẻ cùng Giáo phận với tôi đã giải tội ở đó từ sớm. Mười một giờ rưỡi, chúng tôi vào dùng bữa. Sau bữa trưa, người anh em tôi ra phi trường để kịp về dâng lễ Chúa nhật. Đến một giờ chiều, tôi quay lại khu vực giải tội thì đã có một cha khác giúp ở đó. Tới hai giờ, dân chúng đã ngồi kín các khu vực, tham dự giờ cầu nguyện chung. Tới ba giờ, có thêm hai cha nữa tới giải tội. Tôi đón nhận đến mấy chục người bỏ xưng tội đã 10, 15, 20, 25 năm. Có cả một người Tin Lành và hai người lương vào xin xưng tội. Tôi giải thích cho họ hiểu, lắng nghe, cho lời khuyên rồi ban phép lành thay cho công thức giải tội… Cuối giờ cơm trưa nay, một linh mục dòng Thánh Thể đến thăm cha Long và lặp lại hai lần: “Trăm nghe không bằng một thấy”. Sau những giờ giải tội liên tục, tôi nghĩ phải thêm cho câu ngạn ngữ ấy một vế nữa: “Trăm thấy không bằng một lắng nghe!” Sáu giờ rưỡi lễ xong, chúng tôi ngồi thêm 15 phút nữa mới hết người xưng tội.
Bên tai tôi văng vẳng những lời tha thiết của vị chủ chăn hoàn vũ: “Một Giáo hội đi ra, đến tận những vùng ngoại biên”. Tôi tự nhủ: Nếu một trong những vị có trách nhiệm đã ngồi giải tội ở Giáo điểm Tin Mừng chỉ một buổi chiều, hẳn cục diện nơi đây đã hoàn toàn đổi khác.
LÂU ĐÀI NỘI TÂM
9g30, tôi xách ba lô về nơi nghỉ trọ. Đây kia trong Giáo điểm Tin Mừng một vài nhóm nhỏ đang nguyện kinh Lòng Chúa Thương Xót. Toàn bộ khu vực đã được quét dọn. Gần nửa mẫu tây những băng ghế dài được lau chùi sạch bóng, đón chờ lượng khách mới sẽ đến vào từ sáu giờ sáng hôm sau.
Tôi tự nhủ, rồi một năm sau, nếu mình có cơ duyên nào trở lại chốn này, mọi sự lúc ấy sẽ thế nào nhỉ? Tôi bất chợt nhớ tới mấy câu thơ Hoàng hạc lâu của Thôi Hiệu, xin tạm dịch:
Hạc vàng ai cưỡi mất về đâu,
Hoàng hạc riêng trơ một mái lầu.
Bóng hạc đi rồi không trở lại
Làn mây bay mãi về ngàn sau.
Bốn câu sau tả cảnh Hán Dương và Anh Vũ, tôi muốn thay bằng địa danh của Giáo điểm Tin Mừng là Nhà Bè và Hiệp Phước.
Trên blog nguoinhabe.wordpress có một bài báo ngắn, tựa đề “Nhà Bè nước chảy chia hai”. Tác giả (ẩn danh) đặt câu hỏi: “Nhà Bè nước chảy chia hai, Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về” muốn chỉ vô chỗ nào của “đoạn” sông Nhà Bè? Bắt đầu hay tận cùng? Câu trả lời của tác giả có một điểm rất lý thú, trùng khít với các bức ảnh Lòng Chúa Thương Xót với hai luồng máu nước đỏ trắng. Tác giả viết: “Đoạn sông Nhà Bè còn có một ngã ba khác nước chảy chia hai rõ rệt hơn ở ngay mũi Nhà Bè. Ở ngã ba Nhà Bè, nơi sông Nhà Bè đổ ra biển bằng hai nhánh Lòng Tàu và Soài Rạp những lúc nước lớn, ngay giữa sông có hai dòng nước phân chia rất rõ: một bên nước trong từ biển chảy vô, một bên nước đục màu phù sa từ trên nguồn chảy xuống, khi đi phà qua Bình Khánh rất dễ thấy.”
https://nguoinhabe.wordpress.com/2012/09/25/nha-be-nuoc-chay-chia-hai/
Thế thì nơi đây phải mãi mãi là Hiệp Phước. Con nước đôi dòng đục trong của sông Nhà Bè hòa vào dòng chảy của Lòng Chúa Thương Xót với hai luồng sáng trắng đỏ rồi được tẩy sạch. Nghĩ tới đây, bất chợt tôi thấy cần viết lại cả bài thơ. Nơi đây sẽ chẳng phải là lầu hoàng hạc nhưng từ giữa những mái rạp tiền chế lắp ghép này sẽ thấp thoáng những lâu đài nội tâm. Đấng đã quy tụ Dân Ngài tại nơi hẻo lánh này sẽ không bỏ cuộc. Ngài có thừa sáng tạo để tiếp tục mọi việc một cách mới. Những chuyện thị phi sẽ rơi rụng theo thời gian, sự thật vẫn là sự thật. Vị ngôn sứ trong sách Giôsuê vẫn còn đứng đó, không nghiêng bên này hay bên nọ, chỉ canh chừng cho ý của Thiên Chúa được thể hiện. Tôi hình dung thấy cả một công trường tập thể. Nhiều vị giảng thuyết sẽ thay nhau đến đây chia sẻ về Lòng Chúa Thương Xót, và cả cha Giuse Trần Đình Long cũng sẽ có những lần quay lại chốn này cùng rao giảng Lòng Chúa Thương Xót với những anh em khác. Tại sao không? Vì “đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được.” (Mc 10,27)
Tôi xin được cải biên trọn cả bài thơ của Thôi Hiệu:
Giữa lòng ta đó, chẳng xa đâu,
Chúa đến ngay đây dựng mái lầu.
Lấy bóng mây trời che nắng gắt
Chong đèn lửa mến sưởi đêm thâu.
Nhà Bè máu nước chia đôi ngả
Hiệp Phước giáo lương quyện một màu.
Giáo điểm Tin Mừng còn vẫy gọi
Ngày ngày ta lại đến bên nhau.
RẠNG ĐÔNG VÀ CHÍNH NGỌ
Chỗ tôi nghỉ lại là nhà các Thầy thuộc Tu hội Thánh Phaolô Ngoại Thành, cách Giáo điểm Tin Mừng khoảng nửa cây số. Cụm nhà lơ thơ thưa thớt, trong đêm trông như một ốc đảo nhỏ giữa hoang mạc.
Tôi nguyện vội giờ kinh cuối ngày và ngủ vùi một giác. Rất khuya, có tiếng gì đó khiến tôi thức giấc. Mình đang ở đâu đây? Phải chăng mình đang là người lính trong bài Lương Châu từ của Vương Hàn, đang say nằm trên bãi cát chợt nghe còi lệnh lên đường giục giã?
Rượu đào chén ngọc đã môi kề,
Còi lệnh lên đường giục đến ghê.
Bãi cát say nằm anh khéo cợt,
Xưa nay chinh chiến mấy ai về!
Vâng, còi lệnh đang thúc dồn dập. Tôi nhìn đồng hồ, 00:40. Ô kìa, 00:…. 00:… Dãy số ấy tôi đã gặp cách đây một tháng rưỡi. Hôm ấy, 14/6/2019, tôi đang giúp tĩnh tâm tại đan viện Mỹ Ca, Cam Lâm, Khánh Hòa… Đã rất khuya, có người gọi hỏi tôi đã đọc hai bản văn mới của Hội Đồng Giám Mục chưa. Tôi mở website Tổng Giáo phận Sài Gòn. Đọc xong hai văn bản ấy được một lúc, tôi chìm trong tối tăm vì khắp khu vực bị mất điện. Tôi nhìn đồng hồ mấy lần, 00:02, 00:03, 00:07, 00:40,… Vẫn chưa có điện. Tôi không thể không liên tưởng tới điều Thánh Gioan Thánh Giá nói: “Phần đêm thứ hai tối tăm nhất, vào lúc nửa đêm. Đó là đêm đức tin. Thế nhưng qua khỏi khoảnh khắc ấy, ta bước sang phần đêm thứ ba, từ nửa đêm về sáng, hướng dần tới hừng đông, không ai đảo ngược được”.
Vâng, đã qua khúc quanh của đêm khuya, ngày mới của Lòng Chúa Thương Xót đã bắt đầu, cả bình minh lẫn chính ngọ đang chờ…
Cộng đoàn Thánh Phaolô Ngoại Thành, Giáo điểm Tin Mừng, 2g30 Chúa nhật XVIII Thường niên C, ngày 04/8/2019, lễ Thánh Gioan Maria Vianey, bổn mạng các Cha sở.
Lm. Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh